Hai người lính: Binh nhì Quốc Phong (trái) và họa sĩ Đặng Kông Ngoạn của báo Nhân Dân trước khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía bắc ngày 17.2.1979 |
"Không lẽ người cầm súng đánh Pháp, đánh
Mỹ thì được suy tôn, còn người đánh kẻ đến nước ta tàn phá, giết chóc tàn bạo
nơi biên giới phía bắc năm xưa lại cứ ngậm ngùi mãi vậy sao? Các thế hệ con
cháu sau này họ sẽ nghĩ gì về chúng ta hôm nay?".
Lúc đó, tôi đang còn ở đơn vị huấn luyện tân
binh của Sư đoàn 433, Quân khu 3, chưa bổ sung cho hướng chiến đấu nào. Nhưng
ngày 17.2, quân Trung quốc tràn sang biên giới phía bắc với câu nói trịch
thượng của Đặng Tiểu Bình là "dạy cho Việt Nam một bài học".
Trước khi nhập ngũ, tôi đang là biên tập viên
của Tạp chí Thanh niên thuộc Trung
ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Lẽ ra, tôi đã lên đường nhập ngũ từ
tháng 8 năm đó. Song, đến sát ngày lên đường thì cơ quan Trung ương Đoàn phát
hiện ra tôi là con trai duy nhất của gia đình. Mà đây lại là đối tượng được Nhà
nước cho tạm hoãn nhập ngũ (khi đó, tuy là thời chiến nhưng vẫn chưa phải là
giai đoạn cao điểm nên có một số đối tượng được tạm hoãn, ví dụ nếu là công
nhân bậc 5, nhân viên hành chính bậc 6, cán bộ tốt nghiệp đại học mà trong nhà
chỉ có một con trai, dù còn có chị em gái... thì đều được tạm hoãn).
Thế rồi, cuộc chiến cứ ngày một căng thẳng thêm
ở cả hai đầu đất nước khiến cho áp lực tuyển quân ngày một lớn. Vậy là đợt gọi
nhập ngũ 25.11.1978, tôi vẫn có tên và lên đường chiến đấu để thay cho một
người khác (cũng là một đơn vị của Trung ương Đoàn như tôi). Anh xin phép
về quê cưới vợ, nhưng rồi đến ngày, anh vẫn chưa lên. Sau này, nghe nói
anh báo cáo tổ chức là do bị ốm nên không thể lên. Mà ngày đó làm gì có điện
thoại ở nhà. Muốn nói chuyện thì phải ra bưu điện huyện mà gọi theo giờ đăng
ký. Và nếu có gửi một bức điện tín về nông thôn cũng phải 2 ngày mới đến. Với
truyền thống của cơ quan Trung ương Đoàn, việc để thiếu quân giao nộp là chuyện
không thể chấp nhận. Vì thế, tôi trở thành nhân vật "cờ bí thí tốt".
Tuy là đối tượng được tạm hoãn, nhưng thấy gọi
đến mình lần 2 tôi vẫn vui vẻ lên đường mà không hề viện dẫn chính sách
khi đó để xin ở lại. Có lẽ, với riêng tôi có cả 2 lý do: Thứ nhất, cái không
khí hừng hực của một đất nước sắp nổ ra chiến tranh, khiến người thanh niên nào
cũng không đành ngồi im, né tránh trách nhiệm; Thứ hai, tôi lại là cháu họ của
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khi đó là ông Đặng Quốc Bảo. Nay nếu mình mà
nại lý do nằm trong diện "chính sách quy định" mà không đi, e rằng có
khi ở lại cơ quan thêm ngày nào lại mang tiếng cho ông Bảo. Biết đâu có người
đưa chuyện lại bảo do tôi "là cháu ông Bảo nên được tổ chức xét ưu tiên"
này nọ nên mới được tạm hoãn... Như vậy thì sau này, dù tôi có rèn luyện, phấn
đấu thế nào chăng nữa cũng chỉ là chuyện giả tạo - dưới con mắt người ngoài
nhìn vào. Tôi nghĩ thật lòng như thế nên đã ra đi thanh thản...
Thời kỳ đó, tinh thần dũng cảm của chiến
sĩ biên phòng Lê Đình Chinh tại biên giới phía bắc khi đấu tranh bảo vệ
chủ quyền đã hy sinh anh dũng hình như đã tiếp lửa cho lớp trẻ chúng tôi.
Thật rất lạ! Nó có sức mạnh tinh thần thật ghê gớm mà sau này, khi đất nước yên
bình, có thời gian nghĩ lại cũng rất khó lý giải. Đặc biệt là những bài hát
"đặc chính trị" kiểu như "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên
giới..." sao có sức mạnh kỳ lạ, khơi dậy ý chí bảo vệ chủ quyền của Tổ
quốc đến vậy.
Xin quay trở lại ngày 17.2.1979. Tôi được
vị chỉ huy đại đội huấn luyện tân binh cho về tranh thủ thăm nhà 3 ngày để đi
chiến đấu ở mặt trận Campuchia. Thật không ngờ, sáng hôm sau, 17.2.1979, Đài
phát thanh Tiếng nói Việt Nam đưa bản tin đặc biệt: Trung Quốc phát động chiến
tranh toàn biên giới phía bắc. Ai nghe tin sáng hôm đó cũng thật bất ngờ cho dù
ai cũng ít nhiều có thông tin về tình hình biên giới ở cả hai đầu đất nước,
đang rất căng thẳng.
Sợ đơn vị mình sẽ di chuyển sớm, tôi lo sẽ khó
tìm để đuổi theo đơn vị nên cha tôi đã đưa ra bến xe và về đơn vị trước hạn.
Trở về đơn vị gấp mà lòng cảm thấy nhẹ đi nhiều khi nhìn thấy đồng đội tôi vẫn
ở đó dù đúng ngày đó, gia đình tôi chuyển nhà từ khu Thủ Lệ (quận Ba Đình) về
khu Vĩnh Hồ (quận Đống Đa, Hà Nội) mà không giúp được gì cho gia đình...
Cũng do tình hình đột biến này, khi điểm danh và
đọc quyết định thì tôi được tách ra khỏi đại đội để rút lên cơ quan Bộ Tư lệnh
Sư đoàn 433. Tôi được giao nhiệm vụ cùng anh Công Ngoạn, họa sĩ của báo Nhân dân làm tờ Tin nội bộ, in roneo, gọi là "Tin
Sư đoàn". Công việc chưa được mấy tuần thì Sư đoàn 433 được lệnh tách
làm đôi. Tôi được phiên sang Ban Tuyên huấn Sư đoàn 319 để tăng cường cho
biên giới phía bắc.
Sau này, tôi được biết một điều thật đau xót.
Đơn vị cũ của tôi được chi viện cho mặt trận phía nam mà lớp lính mới tò te như
tôi ở cùng tiểu đoàn huấn luyện ngày đó đã thật không may (họ phần lớn là
sinh viên đang học dở đại học). Lớp tân binh đó vừa mới bước qua cửa ngõ biên
giới với Campuchia chưa bao xa thì có tới gần nửa đại đội cũ của tôi đã vướng
phải mìn lá của Khơ me Đỏ. Họ bị thương vong quá nặng, mà lại toàn bị tiện đứt
ống chân, trong khi họ chưa được đánh một trận nào. Tôi đã may mắn không bị như
các anh. Thật đau xót và ngậm ngùi!
Chiến sự 17.2.1979 ở biên giới phía bắc đâu chỉ
diễn ra vài ngày mà nó còn kéo dài khá nhiều năm (đến khoảng năm 1989). Nhiều
người bạn đồng lứa với tôi đã hy sinh trong cuộc chiến đấu ấy. Người còn sống
thì vẫn tiếp tục bám trụ kiên cường trên những mỏm núi cao, họ giữ chốt để bảo
vệ từng tấc đất thiêng liêng của ông cha.
Có những khó khăn, gian khổ rất bình thường
nhưng cũng thật dễ sợ mà sau vài chục năm, nay có nói lại với lớp trẻ, họ cũng
không thể hình dung nổi: Bộ đội ta khi đó ở trên chốt, ăn uống thì kham khổ đã
đành, nhưng vài ngày mới được"tắm" một lần nhưng mà là tắm... khô thì
cơ cực lắm. Tức là phải kỳ cọ khan cơ thể mà không có giọt nước nào, sau rồi
xoa một thứ hợp chất giống như cồn khô để sát trùng, mát lạnh. Đó là một hợp
chất do ngành quân y hồi đó chế ra, nó cũng hơi giống với dạng khăn ướt của ta
sau này. Thực chất, chỉ để xoa vào người nhằm tẩy khô, vệ sinh cho đỡ mắc bệnh
ngoài da chứ không hề được tắm rửa. Chờ hết đợt trực chiến, họ lại xuống núi
thay nhau tắm rửa, nghỉ ngơi. Và, họ lại đổ máu và hy sinh cũng không ít vì
những viên đạn bắn tỉa hiểm hóc, đầy khiêu khích từ phía bên kia biên
giới. Lúc nào, những họng súng đó cũng rình rập họ.
Tôi có may mắn nằm ở tuyến 2, không phải là đơn
vị chiến đấu trực tiếp như các anh và đó cũng là may mắn thứ 2 trong 9 năm
khoác áo lính. Ấy vậy mà suốt mấy chục năm qua, cả người đã mất trong cuộc
chiến đấu bảo vệ biên cương phía bắc lẫn người thân của họ còn sống và cả những
cựu chiến binh, cứ mỗi năm vào ngày này, 17.2. lại thêm một lần ngậm ngùi vì họ
không được suy tôn, tưởng nhớ. Không lẽ người cầm súng đánh Pháp, đánh Mỹ thì
được suy tôn, còn người đánh kẻ đến nước ta tàn phá, giết chóc tàn bạo nơi biên
giới phía bắc năm xưa lại cứ ngậm ngùi mãi vậy sao? Các thế hệ con cháu sau này
sẽ nghĩ gì về chúng ta hôm nay? Việc xây dựng ở nơi biên cương một tượng đài
tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc mà sao đã gần 40 nay nay vẫn chưa
xây nổi?
Tôi cũng thấy ấm lòng sau nhiều năm im ắng, khi
năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc tiếp xúc với cựu chiến binh
các sư đoàn 313, 314, Quân khu 2, đơn vị đã hy sinh cả ngàn người ở Vị Xuyên,
Hà Giang trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía bắc nhiều năm trời
(1984-1988) vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ để tri ân họ và có
lời hứa sẽ thực hiện ý nguyện này.
Quay trở lại với không khí của những ngày đất
nước bị quân bành trướng phương Bắc gây hấn, tôi mới hiểu rằng: Khi đất nước bị
đe dọa xâm lăng từ các thế lực bên ngoài thì lòng căm giận kẻ xâm
lược lại càng bốc cao hơn bao giờ hết. Khi đó, tinh thần dân tộc, tính bất
khuất không cam chịu mất nước càng khiến con người ta đoàn kết một lòng hơn hết
thảy. Nó mạnh mẽ đến lạ kỳ. Có lẽ khi ấy, chúng ta mới chứng kiến thứ thuốc thử
liều cao về tinh thần yêu nước, bảo vệ giang sơn đất nước của mỗi con người
Việt Nam ta chuẩn xác nhất.
Từ một đất nước nghèo nàn, Việt Nam ta lại phải
kinh qua nhiều cuộc chiến tranh liên miên, chúng ta càng thấu hiểu cái giá phải
trả cho một đất nước luôn mong mỏi có hòa bình và sự ổn định. Với chúng
ta, chiến tranh, dù chỉ để tự vệ cũng chỉ một sự bất đắc dĩ. Chỉ có hòa bình
và ổn định, chúng ta mới xây dựng được cuộc sống no ấm và hạnh phúc.
Tôi rất thấm thía câu chuyện mà ông Đinh
Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng,
khi còn là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhắc nhở chúng tôi trong một dịp
đầu năm mới. Đó là cái thời điểm cả nước đang sục sôi vụ giàn khoan 981 của
Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Khi đó, nhiều tờ
báo tỏ ra thiếu bình tĩnh khi phản ánh, dù rằng cũng chẳng sai gì. Ông
Huynh nói chân tình và cũng là nhắc nhở theo lối anh em trong nhà:
"Nếu một mình báo chí các cậu mà làm được cái việc giàn khoan Trung Quốc
họ rút thì tốt quá, cần gì phải có quân đội đông vậy? Đấu tranh thì cũng cần
hết sức tỉnh táo và bình tĩnh và dùng nhiều biện pháp. Chiến tranh là cái điều
cực chẳng đã mới để xảy ra. Các chú không thấm thía bằng anh đâu. Trong ngần ấy
năm ở quân ngũ thời chống Mỹ, có giai đoạn ác liệt nhất là bảo vệ thành cổ
Quảng Trị, anh từng chôn cất biết bao đồng đội. Anh hiểu, chỉ con nông dân như
bọn anh là cầm súng và chết nhiều thôi. Anh còn nhớ, đơn vị anh chỉ có một cậu
là con cán bộ cấp vụ ở Bộ Ngoại giao hy sinh, có còn ai là con quan chức đâu?
Vì thế, nếu có chiến tranh, người dân thường vẫn là đối tượng thiệt thòi, hy
sinh nhiều nhất...".
Song, có lẽ, dù ở vào giai đoạn nào của lịch sử,
một dân tộc nếu đoàn kết, cùng một lòng chung sức gánh vác trách nhiệm trước
vận mệnh của Tổ quốc, biết tôn trọng quá khứ, tôn trọng lịch sử và các thế hệ
đã đổ máu hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc thì dân tộc ấy sẽ mãi mãi trường
tồn. Một khi lòng dân không yên, thiếu niềm tin vào cuộc sống vì thấy nhiều bất
công, oan ức không được giải quyết thấu đáo thì sẽ luôn là những mối lo tiềm ẩn
cho một xã tắc khao khát bình yên mà chưa thật yên...
Nhưng có một điều dễ thấy nhất, là tình yêu
đất nước trong mỗi chúng ta, sự kiêu hãnh của một dân tộc luôn biết chiến thắng
ngoại xâm cho dù nước mình là một nước nhỏ, cũng không giàu có gì, nếu không
nói còn rất nghèo. Đó là điều cần được ghi nhận ở người Việt Nam chúng ta.
Quốc Phong
Nguồn: Theo Một Thế Giới