Duy Thông
Trong khi Chính phủ cùng với địa phương đã và đang
tiến hành nhiều biện pháp giải quyết hậu quả của thảm họa ô nhiễm môi trường
biển do Formosa gây ra hồi tháng 4.2016, thì tình hình tại Hà Tĩnh và vùng lân
cận vẫn chưa hạ nhiệt.
Nhà nước đã và đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm khôi phục môi trường, hỗ trợ đền bù cho người dân bị thiệt hại. Ảnh: TL |
Công văn mới nhất của Bộ Tài nguyên
& Môi trường (TN&MT) khẳng định “biển đã an toàn” được loan báo rộng
rãi vào ngày 13.2.2017 thì hôm sau, hàng trăm người dân thuộc giáo xứ Song Ngọc
(xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) tuần hành đến Tòa án thị xã Kỳ Anh
(Hà Tĩnh) nhằm đệ đơn khởi kiện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, tạo thành
một sự kiện mà chính quyền Nghệ An mô tả là “rất phức tạp”. Trao đổi với
VnExpress chiều 16.2, ông Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An cho biết, cuối
ngày 14.2 một số “phần tử quá khích” dùng gạch đá tấn công lực lượng làm nhiệm
vụ. Tình thế buộc lực lượng chức năng phải giải tán đám đông, tạm giữ một số
người và ngay trong đêm 14.2 tất cả số người này đã được thả. Cơ quan công an
đang tiếp tục làm rõ hành vi những người có hành động sai trái để xử lý theo
quy định của pháp luật.
Khởi kiện Formosa cũng là nguyện vọng
của những người dân khác ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Vào cuối tháng 9.2016,
Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Kỳ Anh đã tiếp nhận 506 lá đơn khởi kiện đòi Công
ty Formosa phải bồi thường thiệt hại do xả thải làm biển chết. Tuy nhiên, hơn một
tuần sau, vào chiều ngày 5.10.2016, TAND thị xã Kỳ Anh đã trả lại đơn. Ông
Nguyễn Văn Thắng, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh giải thích: hồ sơ khởi kiện thiếu
chứng cứ chứng minh quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm, vả lại theo ông Thắng trách
nhiệm của Formosa đã được giải quyết bằng Quyết định 1880 về việc hỗ trợ đền bù
của Thủ tướng Chính phủ. Ông Thắng cũng cho biết thêm những người dân huyện
Quỳnh Lưu đòi Formosa bồi thường thiệt hại tổng số tiền là 56 tỉ đồng.
Trong khi đó, Quyết định 1880 (ban hành
ngày 29.9.2016) có ghi rõ đối tượng thiệt hại được xác định do sự cố môi trường
biển là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Như vậy,
những người dân nộp đơn kiện ở huyện Quỳnh Lưu thuộc tỉnh Nghệ An, nằm ngoài
danh sách được bồi thường.
Trên thực tế, từ năm 2008 đến 2010, đã
có “án lệ” Vedan. Bằng hành vi xả thải độc không qua xử lý, Công ty Vedan tại
Đồng Nai đã giết chết sông Thị Vải, gây thiệt hại mưu sinh cho hàng chục ngàn
hộ nông dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, và TP.HCM trong suốt 14 năm ròng.
Khi vụ việc được phanh phui, đã có những tranh luận, đặt ra nhiều góc độ pháp
lý cho việc bồi thường thiệt hại: khởi tố hình sự, phạt hành chính và khởi kiện
dân sự. Luật Hình sự khi đó chưa có quy định khởi tố hình sự pháp nhân, và mức
xử phạt hành chính được Bộ TN&MT quyết định với tổng số tiền 267.500.000
đồng! Những người nông dân bắt đầu bước vào cuộc chiến pháp lý với thủ phạm
Vedan và được Hội Nông dân, các luật sư tình nguyện đồng hành. Cùng với sự ủng
hộ của dư luận xã hội, mà đỉnh điểm là khi người tiêu dùng bắt đầu tẩy chay
hàng hóa, Vedan chấp nhận bồi thường 220 tỷ đồng (100% theo yêu cầu). Rõ ràng,
trong trường hợp này, khi quyền lợi chính đáng của người dân được bảo vệ và cả
xã hội đồng thuận thì tiếng nói công lý được cất lên.
Trở lại vụ Formosa, từ tháng 7.2016, Nhà
nước đã và đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm khôi phục môi trường, hỗ trợ đền
bù cho người dân bị thiệt hại. Tuy nhiên, một khi người dân có nguyện vọng được
khởi kiện dân sự về chính vấn đề đang diễn ra vì cho rằng lợi ích chưa được đảm
bảo thỏa đáng thì Nhà nước cũng cần lắng nghe và tôn trọng quyền chính đáng đó
của người dân.
Vào ngày 30.10.2016, sau hơn ba tuần kể
từ khi TAND thị xã Kỳ Anh trả đơn kiện của người dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An),
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã có mặt tại miền
Trung để kiểm tra, chỉ đạo công tác hỗ trợ bồi thường và lắng nghe nguyện vọng
của đồng bào. Sau đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời
sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi
sự cố môi trường, Phó Thủ tướng kết luận: “Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm
sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tòa án, kiểm sát địa phương xử lý các
khiếu nại, kiện cáo người dân theo đúng quy định của pháp luật và sẵn sàng phối
hợp khi có nhiệm vụ phát sinh”.
Một khi nguyện vọng của người dân về một
phiên xét xử công bằng được đáp ứng, thì quyền khởi kiện dân sự được ghi nhận
đầy đủ và công lý được thực thi. Lúc đó, tuyên bố mới nhất của Bộ TN&MT là
“biển đã an toàn” mới thực sự an toàn.
Duy Thông
Nguồn: Theo Người Đô Thị