19 novembre 2015

TƯ DUY NHIỆM KỲ VÀ TIẾNG CƯỜI Ở QUỐC HỘI


FB 
Bau X Trinh




Phiên chất vấn trực tiếp của các ĐBQH đối với các thành viên Chính phủ ngày 17/11/2015 đã có nhiều phát ngôn ấn tượng và những tràng cười sảng khoái tại nghị trường.

Ông Lê Như Tiến (ĐBQH đoàn Quảng Trị) đã nêu vấn đề “về một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng, cả về tần suất và cường độ vào thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ”. Có lẽ việc này không có gì mới, từ quan chức đến cần-lao ai ai cũng biết, chả ít thì nhiều, và dĩ nhiên không ngoại trừ các ông bà nghị.
Và cũng không cần phải đợi lâu, ngay tại nghị trường, trả lời chất vấn của ông Hoàng Tuấn Anh (Bộ trưởng Bộ VH-TT và DL) đã cho thấy tình trạng tư duy nhiệm kỳ và trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành của Chính phủ như một ví dụ rõ nét cho chất vấn của ông Tiến.
Sau những giải trình mang nặng “báo cáo thành tích”, ông Tuấn Anh chốt lại rằng: “Tôi bỏ ngỏ, để cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời. Tôi không dám trả lời” và “sẽ… truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp” vì "thời gian nhiệm kỳ không còn nữa"(!?).
Nhiệm kỳ này của ông Tuấn Anh gần hết, nhưng vẫn còn khoảng 3 quý nữa, kể cả thời gian bàn giao thì còn gần 20% thời gian của một nhiệm kỳ(!).
Những trả lời chất vấn của ông Tuấn Anh nhận được những tràng cười sảng khoái tại nghị trường, dĩ nhiên, đó là tiếng cười của các ông bà nghị.
Không cười làm sao được khi một ông bộ trưởng lại có những trả lời “buồn cười” đến như vậy. Buồn cười như một FB-er đã nhận xét là giống như “bài thuyết minh cho khách du lịch của một hướng dẫn viên du lịch tập sự”. Buồn cười như việc “không dám trả lời” và “truyền lại cho bộ trưởng kế tiếp” đã nêu ở trên.
Cũng gây cười, nhưng có lẽ tiếng cười chua chát hơn, là trả lời của ông Cao Đức Phát (Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) khi ông Phát thanh minh thanh nga rằng ăn thực phẩm độc hại phải “lăn ra chết mới xử lý”.
Ông Phát là ĐBQH gần 2 nhiệm kỳ, cũng ngần nấy thời gian ông là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Gần 10 năm qua, ngành nông nghiệp và nông dân hết “bão” mất mùa lại bão mất giá. Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, rừng bị tàn phá, ngư dân bị “tàu nước lạ” tấn công, tư thương ép giá nông dân, dân chạy theo phong trào phá quy hoạch, thuốc trừ sâu giả, rởm,…
Có lẽ ai hay theo dõi nghị trường, chắc rất quen thuộc những trả lời của ông Phát với “quy trình” gần như không mấy thay đổi: “Kính thưa kính gửi… cảm ơn các ĐBQH… chia sẻ với bà con nông dân… nghiêm túc nhận khuyết điểm… hứa sẽ có biện pháp” trong gần 10 năm ở nghị trường, gần 2 nhiệm kỳ bộ trưởng(!).
Hay những tiếng cười nhẹ với cái lắc đầu ngán ngẩm của nhiều người khi ông Phạm Vũ Luận (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) giải trình về việc tích hợp môn Lịch sử và những yếu kém của ngành giáo dục trước đó.
Không biết cần-lao có được những tiếng cười sảng khoái khi nghe những phát ngôn “rất ấn tượng” tại nghị trường không? Nhưng những tiếng cười sảng khoái ở nghị trường của các ông bà nghị lại là tiếng cười chua xót của cần-lao. Bởi lẽ, chính các ông bà nghị này là những người ấn nút thông qua để QH phê chuẩn các vị trí của Chính phủ, chẳng hạn như chức vụ bộ trưởng của ông Tuấn Anh, ông Phát, ông Luận,…
Và tôi tin rằng, các ông bà nghị đều biết, mỗi ngày họp của nghị trường tốn kém hơn tỷ bạc chính là những đồng thuế từ mồ hôi chát mặn của người nông dân trên những cánh đồng chói chang nắng với hàng chục thứ phí và lệ phí; từ những mẹt hàng của thị dân mắt trước mắt sau chạy đám dân phòng vì lấn chiếm vỉa hè để mưu sinh;… Những đồng bạc lẻ gom góp từ những người dân ít học lam lũ này đang đóng góp cho ngân sách quốc gia để vận hành đất nước (trong đó gồm cả vận hành nghị trường) và trả nợ công.
Chắc chắn rằng, cần-lao cũng cần những tiếng cười để quên đi những nhọc nhắn cay đắng trong công cuộc mưu sinh. Nhưng có lẽ là những tiếng cười chua xót hơn, cay đắng hơn, chứ không phải những tiếng cười sảng khoái, ngả nghiêng, nghiêng ngả,… vì nghe được những lời nói ngô nghê, lảng tránh trách nhiệm ngay giữa nghị trường.