Trong năm nước cộng sản còn tồn tại trên thế giới
(Trung quốc, Việt Nam, Lào, bắc Triều Tiên, Cu Ba), bắc Triều
Tiên là nước thuộc loại hạng «đặc biệt» trên nhiều lãnh vực.
Là một đắt nước vừa khép kín vừa độc tài đảng
trị́, bắcTriều Tiên lại áp dụng chính sách cha truyền con nối như
thời phong kiến xa xưa. Thật khó thấy một chế độ nào trên thế giới,
ở vào thế kỷ 21, lại bắt dân chúng làm con tin và buộc họ phải tôn
sùng lãnh tụ như thánh sống.
Dù dân số chỉ có 23-24 triệu nhưng bắc Triều Tiên
có hơn ngoài một triệu quân chưa kể cảnh sát vũ trang và dân quân. So
với tỷ lệ dân số, Bắc Triều Tiên có một quân đội đông nhất trên thế
giới. Một phần lớn tổng sản lượng quốc nội (GDP) được chi dùng cho
quân đội và phát triển vũ khí hạt nhân trong khi dân chúng bị đói
kém triền miên một phần vì thiên tai bão lụt và phần lớn do chính
sách phá sản của kinh tế quốc doanh. Nếu lãnh tụ «số một» mới
ngoài ba mươi, các lãnh đạo khác ở tuổi «thất thặp cổ lai hy» thậm
chí còn có nhiều người trên 85 tuổi còn tiếp tục ngồi ở Bộ Chính
trị!
Trong khi các nước «anh em xhcn», cứ năm năm, tổ
chức thường xuyên đại hội đảng, bắc Triều Tiên vừa tổ chức đại hội
lần thứ VII từ ngày 6 đến 9-5-2016 với khoảng cách 36 năm!
Nếu đại hội lần thứ VI trong tháng10-1980 là
chính thức chỉ định Kim Chính Nhật (Kim Jong-il, 1941-2011) lên «kế
thừa» Kim Nhật Thành (Kim Il-sung)
thì đại hội lần này là để chính thức hoá cương vị lãnh đạo tối
cao của Kim Chính Ân (Kim Jong-un) thuộc thế hệ ba.
Trong bài này, chúng tôi giới thiệu ba lãnh tụ
cùa «triều đại» họ Kim và kết quả của Đại hội VII vừa qua.
I-Đôi dòng lịch sử
Triều Tiên bị ách đô hộ của Nhật Bản trong thời gian ngắn
từ 1910 đến 1945. Người dân Triều Tiên bị Nhật Bản đàn áp khắc nghiệt và họ
không ngừng đứng lên chống đối. Ngày 1-3-1919, người dân Triều Tiên đứng lên
hưởng ứng lời kêu gọi của tổng thống Mỹ Wilson theo đó các dân tộc đều có quyền
tự quyết. Một chính phủ lưu vong được thành lập ở Thượng Hải dưới sự lãnh đạo
của ông Lý Thừa Vãn (Syng Man Rhee/Ri, 李承晚).
Sau khi Nhật đầu hàng tháng
8-1945, người dân Triều Tiên tưởng đã lấy lại chủ quyền nhưng họ hoàn toàn thất
vọng. Hai cường quốc Mỹ và Liên Xô đã thỏa thuận trên lưng của họ ở hội nghị
Yalta để phân chia vùng ảnh hưởng. Quân đội hồng quân Liên Xô có nhiệm vụ giải
giới quân đội Nhật từ vĩ tuyến thứ 38 trở lên, quân đội Mỹ từ vĩ tuyến 38 trở xuống. Sự kiện này đã làm
ảnh hưởng không nhỏ đến sự chia cắt của hai miền sau này.
Ở hội nghị Moskva
vào tháng 12-1945, ba ngoại trưởng Liên Xô, Mỹ và Anh quyết định đặt Triều Tiên
dưới sự giám hộ của họ trong 5 năm. Người dân Triều Tiên và các đảng phái,
ngoại trừ đảng cộng sản của Kim Nhật Thành (Kim Il-sung,金日成),đều cương quyết chống lại sự áp đặt này. Trước phản ứng
bất ngờ này, Hoa Kỳ đưa vấn đề thống nhất Triều Tiên ra trước Hội Đồng Liên
Hiệp Quốc vào tháng 9-1947. Liên Hiệp Quốc cho thông qua một nghị quyết theo đó
một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trên toàn xứ để lập ra một Quốc Hội lập
hiến và một chính phủ duy nhất cho hai miền. Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc,
trên thực tế, đã trở thành vô bổ vì ở phía Bắc, hồng quân Liên Xô với 125.000
quân đã mang theo một đoàn quân «giải phóng» của Kim Nhật Thành do họ huấn
luyện và nuôi dưỡng ở Mãn Châu và Tây Bá Lợi Á. Trong thời gian hai năm từ 1945
đến 1947, Kim Nhật Thành đã biến miền Bắc thành một quốc gia dưới sự lãnh đạo
của đảng Lao Động (Cộng sản) mà ông ta là Tổng bí thư. Vì lẽ đó, bắc Triều
Tiên từ chối cuộc tuyển cử trên phần đất do họ kiểm soát. Cuộc tuyển cử chỉ
được tổ chức ở phía Nam vào tháng 5-1948 với kết quả hầu như đã biết trước.
Cộng Hoà Hàn Quốc chính thức ra đời ngày ngày 14-8-1948
dưới sự lãnh đạo của Lý Thừa Vãn ở phía Nam. Ngày 9-9-1948, phía Bắc tuyên
bố thành lập «Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên» do ông Kim Đấu Phụng (Kim
Tu-bong, 金斗奉) đứng đầu, thực tế là Kim Nhật Thành. Nước Triều Tiên
trên thực tế bị chia đôi trước khi đi đến chiến tranh giữa hai miền trong ba
năm (từ 25- 6-1950 đến 27-7-1953).
Xứ Triều Tiên chính thưc bị chia đôi với Bàn Môn
Điếm (Panmunjom) ở vĩ tuyến 38 làm giới tuyến.
II-«Triều đại» họ Kim qua ba
thế hệ
1-«Triều đại» Kim Nhật
Thành từ 1948 đến 1994
Sau khi hai miền chính thức bị chia cắt, Kim Nhật
Thành (1912-1994) trở thành thủ tướng từ 1948 đến 1972 rồi sau đó trở thành
chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng cho đến ngày chết trong tháng 7-1994.
Sau khi có quyền lực trong tay,
họ Kim lần lượt cho thủ tiêu các thủ lãnh chính thống kháng Nhật. Đặc biệt là
ông Kim Đấu Phụng có lúc cư ngụ ở Diên An với Mao Trạch Đông và trở thành chủ
tịch nước trong thời gian ngắn.Kế tiếp sau đó, Kim Nhật Thành lần lượt loại trừ các
nhóm thân Moskva như ông Phác Xương Ngọc (Pak Chang-ok, 朴昌玉). Tàn bạo hơn nữa
là thủ lãnh cộng sản trong nước ông Phác Hiến Vĩnh (Pak Hon-yong, 朴宪永) bị họ Kim cho xử bắn. Từ 1948
đến 1956, có 39 trên 69 uỷ viên trung ương đảng bị «mất tích». Ở trong nước,
họ Kim dựng ra chủ nghĩa tôn sùng cá nhân bắt dân chúng gọi «lãnh tụ vĩ đại», «cha già dân tộc». Có đến 500 tượng đài
của ông ta được xây cất khắp nơi trong xứ đặc biệt là tháp «chủ thể» cao 150
thước đề cao thần tượng Kim Nhật Thành. Dù chỉ là thiếu tá trong thời kỳ du
kích, Kim Nhật Thành tự phong mình là «đại nguyên soái» sau khi có quyền lục.
Khi chết còn được cho xây dựng lăng để bắt buộc dân chúng đến ngưỡng mộ.
Về đời tư, Kim Nhật Thành có hai
đời vợ. Vợ đầu là Kim Chính Thục (Kim Jong-suk, 金正淑, 1917-1949) có môt con trai là Kim Chính Nhật (Kim Jong-il,金正日,
1941) và một gái là Kim Kính Cơ (Kim Kyong-hee, 金敬姬,1946).
Đó là «triều đại» thế hệ I kéo dài 46 năm.
2-«Triều đại» Kim Chính Nhật (1941-2011) từ
7-1994 đến 12-2011
Sau khi Kim Nhật Thành qua đời tháng 7-1994, Kim
Chính Nhật lên thay thế cha.
Cuộc đời của Kim Chính Nhật là cả một huyền
thoại thần bí không những về năm sinh và nơi sinh. Theo văn kiện chính thức,
Kim Chính Nhật sinh ngày16 tháng 2 năm 1942 ở núi Bạch Đầu (Paekdu), nơi cấm
địa của phong trào kháng chiến chống Nhật của nhân dân Triều Tiên. Nhưng theo
các chuyên gia về lịch sử Triều Tiên,
Kim Chính Nhật thực sự sinh ngày 16-2-1941 ở làng Vyatskoye gần
Khabarovsk, nơi thuộc Nga Sô hiện nay vì gia đình của Kim Nhật Thành đã sang
lánh nạn ở đây. Kim Chính Nhật còn được cha đặt tên Nga là Yura. Đây cũng là
một trong những huyền thoại của gia đình họ Kim bịa ra để lường gạt nhân dân
của họ.
Cũng theo văn kiện chính thức, từ
tháng 9-1950 đến 1960, Kim Chính Nhật học ở học viện «Cách mạng Hồng Kỳ» Vạn
Cảnh Đài và trung học Nam Sơn ở Bình Nhưỡng. Dù không phải là một học sinh xuất
sắc, nhưng huyền thoại lại đưa ra là họ Kim đã «giảng dạy» chiến tranh du kích
lúc mới lên….10 tuổi ! .Từ 1960 đến 1964, họ Kim vào học trường chính trị kinh
tế của Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành. Sau khi tốt nghiệp, con đường hoạn lộ
của họ Kim cứ theo đó mà thăng tiến vùng vụt như máy bay trực thăng. Cho đến
1974, họ Kim lần lượt được bổ nhiệm thứ trưởng, bộ trưởng, bí thư đảng và uỷ
viên bộ chính trị. Tháng 10-1980, Kim Chính Nhật lúc đó mới 38 tuổi đã chính
thức trở thành người «thừa kế» với cương vị bí thư đảng, uỷ viên thường vụ bộ
chính trị. Tháng 4-1992, họ Kim được cha tấn phong "nguyên soái", tư
lịnh tối cao quân đội nhân dân, đệ nhất phó chủ tịch Quân uỷ TW trước những
nguyên soái lão thành như Ngô Chấn Vũ (O Jin-u, 吴振宇) và Thôi Quang
(Choe Kwang,崔光). Họ Kim nhiều lần được gắn huy chương «anh hùng dân tộc»….
Về «thành tích» của họ Kim thì không thể kể hết. Hai
«thành tích» được thế giới biết đến là việc đặt chất nổ với ý định ám sát tổng
thống Hàn quốc Toàn Đấu Hoán (Chun Doo-hwan, 全头焕) ở thủ đô Rangoon trong lúc
ông này đang viếng thăm chính thức Miến Điện trong năm 1983. Họ Toàn may không
chết nhưng 17 người trong đó có bốn bộ trưởng trong đoàn bị tử thương. Sự kiện
thứ hai là chiếc máy bay của hàng không Hàn Quốc (KAL) bị nổ trên không trung
làm 115 người tử thương trong năm 1987.
Sau khi cha chết trong năm 1994, họ Kim trở thành Tổng bí
thư đảng và Chủ tịch Quân uỷ TW kiêm tổng tư lệnh tối cao quân đội nhân dân,
chức chủ tịch nước được ông Kim Vĩnh Nam (Kim Yong-nam), chủ tịch Quốc Hội đảm
nhiệm. Cũng như cha, Kim Chính Nhật không ngần ngại loại trừ đối thủ và những
thành phần chống đối thậm chí còn qui tội cho cấp dưới để làm vật tế thần.
Về tính tình của họ Kim, cũng cả
là một đề tài huyền bí. Các giới am tường mô tả
họ Kim nghiện rượu ngon nhập cảng đắc tiền, ham thích mỹ nhân, thích
hát kara-ok, thích làm đạo diễn chiếu bóng, thích cưỡi ngựa, thích chơi bài
taro và thích đua xe thể thao vv... Họ Kim có đủ xe loại sang nhập cảng đắc tiền
như Mercedes, Ford, Ferrari, Lambroghini, Lincoln vv… Về diện mạo, ông ta có bộ
tóc bù xù, đôi mắt diều hâu với cặp kiến đen dầy, con người ngạo nghễ, nóng
tính và đe doạ. Người ta thường thấy ông chỉ mặc một bộ quần áo kaki «truyền thống»
độc nhất không mang phù hiệu. Cũng theo giới này, họ Kim bị bịnh tiểu đường và
bịnh xơ gan (cirrhose) vì nghiện rượu nặng. Do có nhiều chứng bệnh, họ Kim bị đột
quỵ trong tháng 8 năm 2008 và không xuất hiện trong nhiều tháng. Dù vậy, cơ
quan tuyên truyền của chế độ vẫn đưa hình cho thấy họ Kim đi «tham quan» nơi
này hay nơi kia nhưng không đề ngày tháng ! Trong nước, họ Kim bắt dân
chúng gọi là «lãnh tụ kính ái». Hệ thống tuyên truyền còn gọi ông ta một cách lố
bịch là một «nhà lãnh đạo tài ba không ai bì kịp trên thế giới». Ngày sinh nhật
của hai cha con họ Kim là hai ngày lễ quan trọng của quốc gia. Ngay cả việc xuất
ngoại sang Liên Xô trước đây và Trung quốc của hai cha con cũng là một đề tài
bình luận trên thế giới. Do chứng bệnh tâm lý sợ máy bay rớt, hai cha con chỉ
dùng xe hoả để du hành mà xe hoả phải được trang bị cực kỳ lộng lẫy với 17 toa
xe bọc thép bắn không thủng.
Về đời tình ái của Kim Chính Nhật cũng là một đề tài
huyền bí. Theo giới thông thạo nước ngoài, họ Kim có ba đời vợ chính thức, hai
vợ bé và một «vợ hầu» không kể tình nhân qua đường. Hai người vợ bán chính
thức được dư luận quốc tế chú ý là bà Thành Huệ Lâm (Sung Hye-rim,成惠琳,1937-2002), một diễn viên màn ảnh bị cưỡng bức phải từ
hôn có một con trai là Kim Chính Nam (Kim Jong-nam, 金正南) sinh năm 1971.
Người thứ hai là bà Cao Anh Cơ (Ko Young-hee,高英姬,1953-2004), một vũ nữ bắc Triều Tiên sinh ở Nhật có thêm
ba con là Kim Chính Triết (Kim Jong-chul, 金正哲) sinh năm 1981,
Kim Chính Ân (Kim Jong-un, 金正恩) sinh năm 1984 và một người con gái tên Kim Nhữ Trinh
(Kim Yo-chong, 金汝贞) sinh năm 1989.
Về việc đưa con lên kế tục, họ Kim, lúc ban ban đầu, dự
tính đưa Kim Chính Nam lên «kế vị» nhưng Chính Nam là cậu công tử ham chơi mà
người ta thường thấy ở sòng bạc Ma Cao hơn lo «việc nước». Năm 2001, Chính Nam
còn chơi ngông làm hộ chiếu giả người Saint-Dominique sang Nhật xem Disneyland
bị trục xuất về nước. Có lúc người con trai thứ hai Kim Chính Triết du học ở
Thuỵ Sĩ được nhắc tới nhưng vì là cậu công tử quá «yểu điệu» thiếu cương quyết
không hợp với vai trò lãnh đạo nên cuối cùng người con trai thứ ba Kim Chính Ân
được «tuyển chọn».
«Triều đại» thế hệ II của Kim Chính Nhật kéo dài
17 năm với nhiều thảm khóc đau thương.
3-«Triều đại» thế hệ III của Kim Chính Ân từ
tháng 12-2011
Như trên đã nói, Kim Chính Ân là con thứ hai của
Kim Chính Nhật và bà Cao Anh Cơ. Đặc tính của Chính Ân là hình dáng giống ông nội nhưng tính tình lại giống
cha. Chính Ân được cha gửi sang du học, vào cuối thập niên 90, ở hai trường
trung học quốc tế ở Bern thủ đô của Thuy Sĩ với hai tên giả là «Pak Chol»
và «Pak Un»! Dù trường học cách nhà vài trăm thước, Chính Ân đến trường bằng xe
riêng của sứ quán có nhân viên tình báo theo hộ tống. Thỉnh thoảng, người ta
còn thấy vị đại sứ bắc Triều Tiên đến đón bằng xe Limousine. Chính Ân được mô tả
là người thích đi trượt tuyết vào những ngày nghỉ lễ, thích bơi lội, thích chơi
bóng rỗ và thích đua xe thể thao như cha. Hai thần tượng của Chính Ân là diễn
viên chiếu bóng đánh võ người Bỉ Jean-Claude Vandamme và người chơi bóng rỗ
tài ba Michael Jordan.
Sau khi về nước, Chính Ân vào học ở Học viện quân sự
Kim Nhật Thành và tốt nghiệp năm 2007.
Khi Kim Chính Nhật bị đột quỵ trong tháng 8-2008
và biết mình sắp đi chầu cha và các ông Mác-Lê, ông cho tổ chức,
ngày 28-9-2010, một Hội nghị đại biểu bầu cử cơ quan lãnh đạo Đảng.
Ở Hội nghị đặc biệt này, Kim Chính Ân được cha phong hàm «đại tướng»
bốn sao cùng với người cô Kim Kính Cơ. Đặc biệt Kim Chính Ân mặc dù
chưa vào bộ Chính trị được bổ nhiệm phó chủ tịch thứ nhất ban Quân
uỷ Tw trước cả các phó nguyên soái lão thành và các thành viên bộ
Chính trị. Điều này cho thấy Kim Chính Nhật đã đưa con mình ở cương
vị kế thừa. Đúng như dự đoán, Kim Chính Ân chính thức lên thay thế
cha ở chức vụ phó chủ tịch thứ nhất ban Quân uỷ TW vì chức vụ này
là người đứng đầu lãnh đạo đất nước giống như trường hợp của Đặng
Tiểu Bình ở Trung Quốc. Đế cho «danh chính ngôn thuận», Kim Chính Ân
tự phong «nguyên soái» trong tháng 7-2012 và lần lượt thanh trừng lãnh
đạo Đảng và tướng lãnh không thần phục.
Cũng như ông nội và cha, Chính Ân «thừa hưởng»
dòng máu độc tài và độc ác thậm chí còn vượt xa. Từ khi lên cầm
quyền, báo chí nước ngoài cho biết Chính Ân đã loại trừ gần một
trăm lãnh đạo cao cấp trong Đảng và quân đội. Từ 2012 đến nay, Chính
Ân đã thay bốn bộ trưởng Quốc phòng chưa kể một số tướng lãnh cao
cấp như phó nguyên soái Tổng Tham mưu trưởng quân đội và uỷ viên
thường vụ bộ Chính trị Lý Anh Hạo (Ri Yong-ho, 李英浩) bị
mất chức trong tháng 7-1012. Những người bị mất chức có thể nói còn
nhiều «may mắn» vì không bị xử tử bằng đạn pháo phòng không (anti air
craff gun) như trường hợp của ông Trương Thành Trạch (Jang Sung-thaek, 张成泽) và
cựu bộ trưởng Quốc phòng Huyền Anh Triết (Hyon Yong-chol, 玄英哲). Xin
nhắc lại, Trương Thành Trạch là chồng của Kim Kính Cơ, em rể của Kim
Chính Nhật và dượng của Kim Chính Ân, nghĩa là người «thân thiết»
trong gia đình. Khi Chính Ân kế thừa cha mới 27-28 tuổi, báo chí nước ngoài vội cho rằng
họ Trương và vợ sẽ làm «nhiếp chính» giúp đỡ cháu củng cố quyền
lực trong bước đầu. Vào thời điểm đó, họ Trương là uỷ viên dự
khuyết bộ Chính trị, bộ trưởng Hành chính TW và một trong phó chủ
tịch Quân uỷ TW và vợ Kim Kính Cơ là uỷ viên bộ Chính trị mang hàm
«đại tướng». Quyền lực của hai người này rất lớn. Họ Trương được ví
như nhân vật «số 2» và còn được cháu gửi làm đặc phái viên sang Bắc
Kinh hội kiến với Tập Cận Bình để cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Thế nhưng, chỉ hai nâm sau, ông Trương Thành Trạch bị xử tử ngày
12-12-2013 về nhiề̀u tội «phản bội tổ quốc, phản cách mạng, phản
đảng, tham nhũng, cờ bạc rượu chè, trai gái, xì ke ma tuý...». Người
ta nhìn thấy trên mạng họ Trương bị còng tay dẫn đi một cách thê thảm
sau cuộc họp bộ Chính trị. Hình ảnh được đưa lên mạng có mục đích
cảnh báo những kẻ có ý đồ chống Chính Ân. Còn bà Kim Kính Cơ thì
không ai biết số phận ra sao, có nguồn tin nói bà bị bệnh tâm thần.
Điều chắc chắn là bà bị mất chức uỷ viên bộ Chính trị ở đại hội
VII vừa qua. Trường hợp của cựu bộ trưởng Quốc phòng Huyền Anh Triết
cũng khá hi hữu. Ông bị gán tội «bất trung và vô lễ» vì không tham
dự lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày Nhật đầu hàng và ngủ gục trong một
buổi họp với Chính Nhật. Ông bị xử tử ngày 30-4-2015. Lại còn thêm nhiều
trường hợp không bình thường khác tuỳ theo tính khí của Chính Ân.
Chẳng hạn, một thứ trưởng Quốc phòng bị xử tử trong tháng 10-2012
vì phạm tội uống rượu vui chơi trong thời gian để tang của Kim Chính
Nhật hoặc một phó thủ tướng bị tử hình trong tháng 5-2015 vì tỏ ra
không hài lòng về chính sách lâm nghiệp của lãnh tụ. Ở triều đại
Chính Ân, tội phạm thượng (Lèse Majesté ) cũng bị tử hình dù người
đó là một cựu tình nhân. Số là cô Huyền Tùng Nguyệt (Hyon Song-wol, 玄松月), một
thành viên của đoàn Unhasa, một đoàn được gọi là đoàn «phụ nữ giải
trí» giúp vui lãnh tụ có lúc được Chính Ân sủng ái. Cô này một lần
không giữ được bí mật nói rằng vợ chính thức của Chính Ân tên Lý
Tuyết Châu (Ri Sol-ju, 李雪珠) cũng cùng
đoàn với cô. Thế là cô cùng 11 thành viên khác bị xử bắn ngày
20-8-2013 vì đã thố lộ quá khứ không đẹp vợ của lãnh tụ.
Cũng như ông nội và cha, Chính Ân cũng bị bệnh tôn
sùng cá nhân lố bịch đến cao độ. Chính Ân bắt bộ máy truyền thông
đảng và nhà nước gọi y là «đại thái dương của thế kỷ 21». Trong các
chuyến tham quan của Chính Ân, người ta thấy một số người đi theo tháp
tùng đứng ghi chép vào những quyển sổ giống nhau những «lời vàng ý
ngọc» của lãnh tụ. Họ không phải là bất cứ ai mà là những bộ
trưởng và tướng lãnh cao cấp. Cảnh này chưa có tiền lệ. Không
ai có thể đoán được «trìều đại» Chính Ân sẽ kéo dài được bao lâu
chỉ mong là ngắn ngủi.
III-Đại hội lần thứ VII của Đảng Lao Động bắc
Triều Tiên sau 36 năm
Như đã nói trên, Đại hội lần thư VI được triệu
tập vào tháng 10-1980 cách đây 36 năm dưới thời Kim Nhật Thành. Đại
hội này được tổ chức khá rầm rộ vì có tới 118 phái đoàn nước
ngoài trong đó có hơn cả chục nước cộng sản. Trung quốc cử phó chủ
tịch nước Lý Tiên Niệm làm đại diện và Phi châu cũng gửi nhiều
nguyên thủ quốc gia. Mục tiêu của đại hội VI là giới thiệu cho thế
giới biết Kim Chính Nhật sẽ là người «thừa kế» của Kim Nhật Thành.
Dươi thời Kim Chính Nhật thống trị trong 17 năm (1994-2011), không có tồ
chức đại hội Đảng. Do đó, người ta thấy một số không nhỏ uỷ viên ban
Chấp hành đã ngoài 80!.
Đại hội lần thứ VII trong tháng năm vừa qua được
tổ chức trong tình trạng bắc Triều Tiên bị cộng đồng thế giới lên
án vì không tuân thủ nguyên tắc vũ khí hạt nhân cũng như tình trạng
xấu xa về nhân quyền. Bắc Triều Tiên đã cho thử bốn lần vũ khí hạt
nhân từ năm 2006, hai lần dưới thời Chính Ân (tháng 2-2013 và tháng
1-2016) chưa kể những thứ nghiệm phóng tên vệ tinh đan đạo tầm trung.
Ngay cả Trung quốc cũng không được
mời vì đã bỏ thăm đồng ý thanh trừng bắc Triều Tiên ở Liên Hiệp
Quốc. Đại diện của các nước tây phương cũng tẩy chay tham dự buổi lễ
long trọng «mừng đại hội». Chỉ có khoảng một trăm ký giả nước ngoài
được mời tham dự nhưng không được vào phòng họp.
Đại hội lần này là để chính thức hoá cương vị
lãnh đạo tối cao của Chính Ân sau khi củng cố quyền lực bằng những
vụ thanh trừng đẫm máu như đã thấy ở trên. Hơn cả ông nội và cha,
Chính Ân trở thành chủ tịch Đảng, chủ tịch Quân uỷ TW, chủ tịch Uỷ
ban An ninh Quốc phòng quốc gia, Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân...Chức
chủ tịch nước, một chức vụ «trang trí» vẫn do ông Kim Vĩnh Nam (88
tuổi) đảm trách.
Phát biểu trước 3400 đại biểu tham dự, Chính Ân
tuyên bố bắc Triều Tiên đã đạt được nhiều «thành tựu chưa từng có
về hạt nhân» nhưng tránh nói thành tựu về kinh tế. Chính Ân đưa ra
chính sách «biyungjing» nghĩa là phát triển song hành vũ khí hạt nhân
và kinh tế khác với Kim Chính Nhật chủ trương chính sách «songun» tất
cả cho quân đội. Các chuyên gia nước ngoài không ai tin Chính Ân có thể
thành công ở chính sách song hành này.
Ban Chấp hành mới gồm có 129 uỷ viên chính thức
và 106 uỷ viên dự khuyết. Bộ Chính trị có 19 uỷ viên chính thức và
9 uỷ viên dự khuyết. So với bộ Chính trị cũ với 32 người (17 chính
thức và 15 dự khuyết) chỉ còn bốn người ở lại, kỳ dư bị mất chức
hoặc bị buộc về hưu.
Trong năm người ở thường vụ bộ Chính trị, người
ta chú ý đến hai phó nguyên soái Hoàng Bỉnh Thuỵ và Thôi Long Hải.
Phó nguyên soái Hoàng Bỉnh Thuỵ vào thẳng thường vụ bộ Chính trị
mà không qua uỷ viên bộ Chính trị. Đặc biệt phó nguyên soái Thôi được
Chính Ân gửi đi Bắc Kinh thay thế trong dịp lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày Nhật Bản đầu
hàng trong tháng 9-2015 (thực tế là Chính Ân tẩy chay). Chính Ân cũng
không quên đưa em gái Kim Nhữ Trinh, sinh năm 1989, vào ban Chấp hành với
chức vụ phó giám đốc sở tuyên truyền cổ động. Truyền thông nước
ngoài gần đây đưa tin Chính Ân đứng ra tìm hôn phu cho em gái mình trong
giới quân đội...
IV-Thay lời kết
Bắc Triều Tiên là một chế độ thô bạo bị cộng đồng thế giới lên án nhưng trên bình diện địa
dư chính trị, các nước trong vùng và Hoa Kỳ, một cách nghịch lý, không ai muốn
chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ!
Trước hết, Hàn Quốc qua kinh nghiệm thống nhất của nước
Đức, không muốn hy sinh cuộc sống sung túc của nhân dân mình để thống nhất với
miền Bắc bằng mọi giá. Theo sự phóng ước của các chuyên gia, Hàn Quốc phải
bỏ ra nhiều ngàn tỷ USD trong 10 năm để năng suất của miền Bắc có được phân nửa
năng suất của miền Nam hiện nay. Cái giá phải trả còn cao hơn ở Đức.
Về phía Bắc Kinh, họ không muốn bắc Triêu Tiên sụp đổ
dù quan hệ giữa hai nước không còn khăng khít như dưới thời Kim Nhật Thành thậm
chí còn đối kháng về chương trình vũ khí hạt nhân của bắc Triều
Tiên. Bắc Kinh chẳng bao giờ muốn thấy, cũng như trước đây ở Việt Nam, một
Triều Tiên thống nhất có vũ khí hạt nhân nằm trong quỹ đạo của Hoa Kỳ. Họ chỉ
muốn một bắc Triều Tiên làm trái độn lâu dài để tránh được sự đổ xô
của nhiều triệu người nước này trốn sang lánh nạn ở hai tỉnh Cát Lâm và Liêu
Ninh nếu chế độ bị sụp đổ.
Về phía Nhật Bản, họ cũng không quên những hình ảnh xấu
xa đã để lại trên đất nước Triều Tiên trong thời gian thuộc địa ngắn
(1910-1945). Một Triều Tiên thống nhất sẽ làm kích thích chủ nghĩa dân tộc mà
họ sẽ là nạn nhân chính. Còn Hoa Kỳ? Hoa Kỳ cũng không muốn hai miền Triều Tiên
thống nhất vì họ lo ngại không còn lý do để duy trì sự có mặt của 28000 quân ở
Hàn Quốc và 47000 quân ở Nhật Bản mà dân chúng của hai xứ này thường xuống
đường đòi phải rút quân. Họ cũng không còn có lý do để thiết lập hệ thống tên
lửa TMD (Theater missile defence). Như vậy, ảnh hưởng của họ ở Á Châu sẽ giảm
nặng trong khi họ muốn xoay trục trở lại Á Châu trước sự trỗi dậy với mộng bá
quyền của Trung Quốc.
Còn Nga Sô, vì lý do khu vực ảnh hưởng cũ, họ cũng muốn
đóng vai trò nào đó trong bán đảo Triều Tiên.
Do đó, mọi người đều "hài lòng" tình trạng
nguyên trạng (statu quo) trên bán đảo Triều Tiên, chỉ trừ người dân bắc Triều Tiên là chịu
thiệt thoài nhất với chế độ bạo ngược của gia đình họ Kim.
Phụ lục
Sau đây là kêt quả của Đại hội VII.
Chủ tịch Đãng: Kim Chính Ân
(Kim Jong-un, 金正恩, 1984)
Phó Chủ tịch (9 người): Thôi Long Hải (Choe
Ryong-hae, 崔龙海,1950), Kim Cơ Nam (Kim Ki-nam, 金基南, 1928),
Thôi Thái Phúc (Choe Thae-bok, 崔泰福, 1930), Lý
Thọ Dũng (Ri Su-yong, 李寿勇, 1940), Kim
Bình Hải (Kim Pyong-hae, 金平海, 1941), Ngô
Thọ Dũng (O Su-yong, 吴寿勇, 1944), Quách
Phạm Cơ (Kwak Pom-gi, 郭范基, 1939), Kim Vĩnh Triết (Kim Yong-chol, 金永哲, 1945),
Lý Vạn Kiến (Ri Man-gon, 李万建).
Ban Quân uỷ TW (13 người)
Uỷ viên trưởng : Kim Chính Ân
Uỷ viên: Kim Vĩnh Nam (Kim Yong-nam, 金永南, 1928),
Hoàng Bỉnh Thuỵ (Hwang Pyong-so, 黄炳瑞, 1949), Phác
Phụng Trụ (Pak Pong-ju, 朴奉柱, 1939), Phác
Vĩnh Thực (Pak Yong-sik, 朴永植), Lý Minh Thù
(Ri Myong-su, 李明洙, 1937), Kim Vĩnh Triết (Kim Yong-chol, 金永哲1945),
Lý Vạn Kiến (李万建), Kim Nguyên Hồng (Kim Won-hong, 金元鸿, 1945),
Thôi Phú Nhật (Choe Pu -il, 崔富日, 1944). Kim
Kinh Ngọc (Kim Kyong-ok, 金京玉), Lý Vĩnh
Cát (Ri Yong-gil, 李永吉, 1952), Từ Hồng Xán (So Hong-chang, 徐洪灿).
Thường vụ Bộ Chính trị và chức vụ (5
người)
1-Kim Chính Ân: Nguyên soái, Chủ tịch (CT) Đảng, CT
Quân uỷ TW, CT Ủy ban An Ninh Quốc phòng Quốc gia (UBANQPQG), Tồng Tư
lệnh quân đội nhân dân.
2-Kim Vĩnh Nam: CT đoàn Chủ tịch Hội đồng Tối cao
nhân dân (Quốc hội), đảm nhiệm CT nước.
3-Hoàng Bỉnh Thuỵ:
phó nguyên soái, Chủ nhiệm (CN) Tổng cục Chính trị, ủy viên
Quân uỷ TW, phó CT UBANQPQG.
4-Phác Phụng Trụ: uỷ viên Quân uỷ TW, thủ
tướng.
5-Thôi Long Hải, phó nguyên soái, phó CT Ban Tổ
chức, CN Uỷ ban Thể dục và Thể thao quốc gia.
Bộ Chính trị và Chức vụ (19 người)
Tiếp theo năm người trên,
6-Kim Cơ Nam: Phó CT Ban Tuyên Truyền và Lịch sử
Đảng, phó CN Uỷ ban Hoà bình và Thống nhất.
7-Thôi Thái Phúc: Phó CT Ban Giáo dục và Khoa học,
CT Hội đồng Tối cao nhân dân.
8-Lý Thọ Dũng: Phó CT Ban Đối ngoại TW, Trưởng Ban
(TB) Đối ngoại, Bộ trưởng Ngoại giao (bị Lý Dũng Hạo thay chức bộ
trưởng trong tháng 5-2016) .
9-Kim Bình Hải: Phó CT Ban Cán bộ TW, TB Cán bộ,
CN Uỷ ban Kiểm chứng các đại biểu của Hội đồng Tối cao nhân dân.
10-Ngô Thọ Dũng: Phó CN Công nghiệp nhẹ.
11-Quách Phạm Cơ: Phó CN Ban Kế hoạch, TB Kế hoạch
và Tài chính TW.
12-Kim Vĩnh Triết: Phó CN Công tác Mặt trận Thống
nhất, TB Mặt trận Thống nhất.
13-Lý Vạn Kiến: Phó CN Xây dựng Cơ khí, TB Xây
dựng Cơ khí, uỷ viên Quân uỷ TW.
14-Dương Hanh Nhiếp: Phó CT đoàn CT Hội đồng Tối
cao nhân dân, phó CN Uỷ ban Hoà bình và Thống nhất.
15-Lư Đấu Triết: Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch quốc gia,
phó Thủ tướng.
16-Phác Vĩnh Thực: Đại tướng, uỷ viên Quân uỷ TW,
Bộ trưởng Lực lượng Quân đội Nhân dân.
17-Lý Minh Thù: Phó nguyên soái, uỷ viên Quân uỷ
TW, Tổng Tham mưu trưởng quân đội.
18-Kim Nguyên Hồng: Đại tướng, uỷ viên Quân uỷ TW,
Bộ trưởng An Ninh Quốc Phòng quốc gia.
19-Thôi Phú Nhật: Đại tướng, uỷ viên Quân uỷ TW,
Bộ trưởng An Ninh Nhân dân, uỷ viên UBANQPQG, CN Uỷ ban Pháp luật Hội
đồng Tối cao nhân dân.
Dự khuyết Bộ Chính trị và Chức vụ (9 người)
1-Kim Tú Cát (Kim Su-gil, 金秀吉): Bí
thư Thành uỷ Bình Nhưỡng.
2-Kim Năng Ngọ (Kim Nung-o, 金能午): Bí
thư Tỉnh uỷ tỉnh Phyongan (Bắc).
3-Phác Thái Thành (Pak Thae-song, 朴泰成): Bí
thư Tỉnh uỷ tỉnh Phyongan (Nam).
4-Lý Dũng Hạo (Ri Yong-ho, 李勇浩) :
Bộ trưởng Ngoại giao.
5-Nhiệm Triết Hùng (Im Chol-ung, 任哲雄): Phó
Thủ tướng.
6- Triệu Diên Tuấn (Jo Yon-jun, 赵延俊, 1937):
Phó TB thứ nhất Ban Tổ chức.
7-Lý Bỉnh Triết (Ri Pyong-chol, 李炳哲): Phó
TB thứ nhất Ban Tổ chức.
8-Lỗ Quang Triết
(No Kwang-chol, 魯光哲): Chuẩn tướng, Thứ trưởng thứ
nhất Lực lượng Quân đội.
9-Lý Vĩnh Cát (Ri Yong-gil, 李永吉, 1952):
Chuẩn tướng, phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội.
Nguồn: Mạng Baidu về Đại hội VII của
đảng Lao Động bắc Triều Tiên.
朝鲜劳动党弟七届中央委员会组成人员名单
Chú thích: Chúng tôi dịch tên Triều
Tiên ra tiếng Việt từ tiếng Hán.