15 avril 2017

Bà Phạm Chi Lan: Không nên khuyến khích giải cứu nông sản kiểu từ thiện


“Việc giải cứu nông sản là nên theo ý nghĩa đồng bào tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, không thể dùng điều này như một công cụ chính thống, lâu dài. Đó không phải là cứu cánh cho nông nghiệp”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Sinh viên tham gia giải cứu dưa





Sản xuất một đằng, thị trường một nẻo


Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, khi việc "giải cứu" chuối Đồng Nai, dưa hấu Quảng Ngãi chưa xong đến thì bí đao Quảng Nam lại lao đao vì giá thấp. Câu chuyện tiêu thụ nông sản cho người nông dân vẫn là một trong những vấn đề khó khăn, nhức nhối nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện nay. 

Với mỗi ký dưa hấu, người nông dân phải bán tại ruộng ít nhất 3.000 đồng/kg mới có lãi nhưng những ngày qua, thương lái chỉ trả 1.000 đồng/kg. Không ít nông dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Trà Vinh… lỗ nặng, dưa chất đống ngoài đồng. Điều này cũng tương tự với ớt, chuối và gần đây nhất là bí đao ở Quảng Nam chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg, trong khi phải đạt giá 12.000 đồng/kg thì người nông dân mới bắt đầu có lãi.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là sản xuất không căn cứ trên yêu cầu của thị trường. Lẽ ra phải làm những gì thị trường cần chứ không phải làm những gì mình có, nhưng chúng ta lại làm ngược lại, mạnh ai nấy làm.

Bên cạnh đó, theo bà ở Việt Nam hiện nay, năng lực sản xuất lớn hơn so với nhu cầu thị trường cho nên phải điều chỉnh. Bây giờ các nước trên thế giới cũng đang sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, kể cả những nước vốn dĩ nhập khẩu của Việt Nam.

“Nhiều mặt hàng tươi, có thời gian bảo quản ngắn, trong khi hiện nay chúng ta không mạnh về công nghệ chế biến, thói quen ăn hàng chế biến cũng chưa phổ biến trong dân. Vì vậy vấn đề sản xuất gắn với nhu cầu thị trường càng trở nên bức thiết”, bà Lan nói.


Nhà nước phải cung cấp thông tin thị trường


Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, từng hộ nông dân riêng lẻ sẽ không thể tính toán thị trường được. Các bộ, ngành chức năng của Nhà nước như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cần phải vào cuộc, tính toán và cung cấp thông tin nhu cầu thị trường để khuyến cáo, đánh giá giúp cho người nông dân.

Sinh viên tình nguyện tiêu thụ giúp dưa cho nông dân Quảng Ngãi - Ảnh: Tuổi Trẻ




“Khi đã đánh giá được bức tranh thị trường thì việc tổ chức sản xuất phải theo nhu cầu thị trường, không để làm theo phong trào, xây dựng được một mạng lưới tiêu thụ từ khi trồng chứ không phải đợi đến lúc thu hoạch mới kêu gọi”, bà Lan nhận định. 

Vẫn theo bà Lan, Nhà nước cũng cần đưa ra những khuyến cáo, rằng vùng nào tập trung làm sản phẩm nào là tốt nhất còn các vùng khác không nên làm, phối hợp với nhau như thế nào. Không nên để nhiều vùng cùng làm một sản phẩm.

Nhà nước hiện nay vẫn quy hoạch vùng này làm cái này, vùng kia làm cái kia, không cho chuyển đổi đất từ trồng cái này sang cái kia. Khi quy định đất này chỉ trồng lúa, không được trồng cái khác thì Nhà nước phải xác định được là lúa này sẽ được bán ở đâu chứ không thể mông lung được.

“Khi Nhà nước cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn nông dân mà họ vẫn không làm được thì hãy đổ trách nhiệm cho người sản xuất”, bà Lan nói. Mặt khác, bà cho rằng, người nông dân có những hạn chế, đó là trình độ thấp, đôi khi còn do lòng tham cái trước mắt nên chỉ chạy theo xu thế mà không có sự tính toán lâu dài.

Bày tỏ ý kiến về nông sản dư thừa, tại cuộc họp báo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, mặt hàng nông sản bị dư thừa liên quan đến thị trường Trung Quốc như rau quả vốn có đặc thù là thu hoạch trong thời gian ngắn, khó bảo quản.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết do nông dân thấy giá vụ trước cao nên vụ sau mở rộng dẫn đến cung vượt cầu. Điều này lý giải vì sao thời gian qua có nhiều cuộc giải cứu tự phát cho nông sản. Do đó, cần phải hình thành chuỗi sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân, để nông dân nắm được thị trường.




Bán hàng cho nông dân là câu chuyện... hóc búa

Về việc xã hội kêu gọi giải cứu nông sản, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng trong thời gian ngắn thì nên làm, theo ý nghĩa đồng bào tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, không thể dùng điều này như một công cụ chính thống, lâu dài. Đó không phải là cứu cánh cho nông nghiệp.

“Điều này ít nhiều cũng là phi thị trường nhưng ở mức chấp nhận được. Nước ngoài chắc hẳn cũng không “thổi còi” Việt Nam vì điều này vì đây chủ yếu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, không nên khuyến khích và không nên thực hiện theo phong trào”, bà Lan nói.

Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng nói thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp là câu chuyện quản trị theo thị trường, là câu chuyện bán sản phẩm cho nông dân. Nếu bán được sản phẩm thì người ta sẽ tích tụ ruộng đất và cơ chế mở thì việc đó sẽ dễ hơn.

Để giúp nông dân bán được hàng, ông Thịnh chỉ ra vấn đề đầu tiên là phải quản trị chất lượng sản phẩm tốt. Do đó, cần phải thiết lập một nền nông nghiệp có tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng, bởi vì nếu đưa sản phẩm không thuộc quy chuẩn nào thì không ai bỏ tiền ra mua. Bên cạnh đó, cần tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư khoa học kỹ thuật, tăng cường thông tin thị trường và đào tạo, tập huấn, liên kết người nông dân với doanh nghiệp…




Hoài Phong 

Nguồn: Theo Một Thế Giới