21 avril 2017

Giới chức Hà Nội có sẵn sàng đối thoại với người dân Đồng Tâm?




GNsP (20.04.2017)Gần một tuần trôi qua, vụ nổi dậy của giai cấp bị trị – người nông dân ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Tp.Hà Nội đứng lên bảo vệ quyền tư hữu đất đai của họ bị giai cấp thống trị “chiếm đoạt” công khai, đã đánh động công luận trong và ngoài nước chú ý và dõi theo một cách sát sao. Sự trỗi dậy của người dân Đồng Tâm cho thấy, họ bị dồn vào đường cùng, không lối thoát khi sống trong một xã hội bất hạnh, bị cai trị bởi vũ lực của giới chức cầm quyền.



Mong muốn của người nông dân Đồng Tâm là giữ, bảo vệ đất tổ cha ông, có đất canh tác, chăn nuôi, trồng trọt, vốn dĩ là những ngành nghề truyền thống của nền văn hóa lúa nước dân tộc Việt Nam. Họ cũng ước ao có cuộc sống bình dị thôn quê sau lũy tre làng.


Bộ Quốc Phòng sử dụng đất không đúng mục đích


Qua các thông tin, từ sau năm 1980, người dân Đồng Tâm đã giao hàng trăm hécta đất cho nhà cầm quyền để phục vụ các công trình công ích như: 208 hécta đất xây dựng sân bay Miếu Môn cho Bộ Quốc Phòng, trên thực tế không có sân bay nào tên là Miếu Môn và đi vào hoạt động, Bộ Quốc Phòng “chưa hề thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ đang sử dụng đất”, “chưa có văn bản nào xác định ranh giới khu đất này”; Hơn 176 hécta đất xây dựng Trường bắn Miếu Môn và Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng sân golf; Tiếp tục lấy hơn 46 hécta đất giao cho công ty viễn thông quân đội Viettel…

Đất của người dân Đồng Tâm được nhà hữu trách mượn sau 1980 để phục vụ công ích nhưng đã không thực hiện đúng mục đích, tuy nhiên giới chức vẫn không giao trả lại đất cho người dân mà tiếp tục tự ý giao/chuyển nhượng/bán đất cho các cá nhân cũng như các doanh nghiệp, công ty. Suốt hơn 5 năm qua, người dân Đồng Tâm nhiều lần nộp đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền, nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng.

Giới chức Hà Nội huy động lực lượng công quyền gồm CSCĐ, công an, an ninh… vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, T.p Hà Nội, trấn áp, cưỡng chế đất của người dân vào trung tuần tháng 4.2017. Ảnh: Facebook Nguyen Lan Thang.






Mong có cuộc đối thoại


Điều mong mỏi nhất của bà con Đồng Tâm hiện nay là có một cuộc đối thoại trực tiếp với người đứng đầu Thành phố Hà Nội, thực tâm lắng nghe nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, giới chức Hà Nội vẫn chưa có phương án giải quyết hay đàm phán với người dân. Nhẫn tâm hơn, nhà hữu trách còn ra quyết định khởi tố người dân Đồng Tâm với tội danh “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS. Nhưng điều này không làm suy giảm chí khí đấu tranh bảo vệ đất của người dân Đồng Tâm cho dù có phải mất mạng, vì mất đất canh tác chính là mất cả cơ nghiệp của người nông dân “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời”, viễn cảnh tương lai trước mắt là cái đói, cái nghèo, thất học và các tệ nạn xã hội.

Vì lẽ đó, nhiều người dân đồng cảm được nỗi đau của bà con nông dân Đồng Tâm, đã lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội hãy mạnh mẽ “đối thoại” với người nông dân, để mau chóng tìm ra phương án giải quyết tốt nhất có thể và tránh những xung đột không đáng có xảy ra. Chính những người nông dân chân lấm tay bùn này đã nai lưng tạo ra từng hạt thóc, hạt lúa để nuôi sống cả một bộ máy công quyền.

Facebooker Binh Le bày tỏ: “Là một công dân Việt Nam, tôi yêu cầu chính quyền Hà Nội đối thoại với người dân Đồng Tâm. Tôi yêu cầu chính quyền minh bạch hóa thông tin về đất đai, dự án và cách xử lý vụ việc của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp liên quan. Đây là quyền chính đáng của công dân, và trách nhiệm giải trình của nhà nước. Tôi cũng mong những người dân Hà Nội quan tâm đến Đồng Tâm. Hãy thực hành quyền “theo cách của bạn” – cách tôn trọng tự do, bình đẳng, nhân phẩm của người khác chứ không phải cách trấn áp và tước đoạt! Giờ thì xin cầu an lành cho người dân Đồng Tâm bằng cách xử dụng… và mong chính quyền HÀ NỘI ĐỐI THOẠI CHỨ KHÔNG ĐỐI ĐẦU với người dân!”.

Đồng tình với ý kiến của facebooker Binh Le, Luật sư Lê Công Định cho biết thêm: “Một xu hướng tốt vừa xuất hiện từ sự kiện Đồng Tâm, đó là đối thoại để giải quyết khủng hoảng xã hội. Đây là điều nhà nước cần lưu tâm và chuẩn bị. Vai trò trung gian đối thoại chắc chắn không thể thiếu các tổ chức xã hội dân sự và luật sư, bởi lẽ lợi ích dân sự của người dân phải được tôn trọng và đáp ứng trên căn bản luật pháp. Đó sẽ là mô hình chính giải quyết mọi khủng hoảng trong tương lai. Phải loại bỏ ngay ý nghĩ dùng bạo lực, vì nạn nhân của bạo lực sẽ chính là kẻ dùng bạo lực.”

Người hoạt động nhân quyền, Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Trong khi những thông điệp kêu gọi đối thoại lan toả khắp nơi từ người dân, hội đoàn dân sự, báo chí, đại biểu dân cử như thế này, nếu những người nắm quyền vẫn bất chấp tất cả sử dụng bạo lực thì tội lỗi này sẽ không bao giờ gột rửa nổi.”

Nếu như, nhà cầm quyền cố tình né tránh các khát vọng của người nông dân, dùng vũ lực uy hiếp bà con “không tấc sắt trong tay” thì chắc chắn không tránh khỏi những cuộc nổi dậy như “tiếng súng hoa cải” của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Cả gia đình ông Vươn chấp nhận đánh đổi tính mạng, dùng súng hoa cải – không gây thương tích nghiêm trọng – nã đạn vào đoàn cưỡng chế đất sai pháp luật, với mục đích kiên quyết giữ đất và để công luận hiểu rõ nỗi oan khuất của gia đình ông.





Theo VOA, BBC, ông Đoàn Văn Vươn sẵn sàng đứng ra làm người trung gian hòa giải giữa nhà cầm quyền Hà Nội và người dân Đồng Tâm.



Ông Lê Đình Kình, đại diện cho người dân Đồng Tâm đi khiếu nại đất bị “cưỡng chiếm đất” cách trái phép. Năm nay, ông Kình 82 tuổi và có 60 năm tuổi đảng. Nhà hữu trách bắt, tạm giữ ông trái phép từ ngày 15.04. Khi bị bắt, công an đã đè ông Kình xuống đất khiến ông bị rạn nứt xương.


Hủy bỏ điều 53 Hiến Pháp – Sở hữu đất toàn dân


Tại Điều 53 Hiến Pháp quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Đây chính là điểm mấu chốt gây ra các cuộc xung đột đất ở Việt Nam, khi người dân không có quyền tư hữu đất, trong khi họ bỏ công sức ra khai hoang, giữ gìn, phát triển và bảo vệ hoặc tiền để mua đất, nhưng đến khi nhà nước cần để quy hoạch phục vụ cho công ích thì xem như… “mất trắng”! Nhiều công trình phục vụ công ích trải dài từ Bắc vào Nam được nhiều bài báo lề đảng mô tả là bỏ hoang, không đi vào hoạt động, điển hình nhất là sân bay Miếu Môn ở huyện Mỹ Đức, Tp.Hà Nội.

Do đó, cần hủy bỏ Điều 53 Hiến Pháp và phục hồi lại quyền tư hữu đất cho người dân. Nếu không, “đã và đang tạo cớ cho các nhóm lợi ích câu kết với quan chức bản địa cướp đất nhà của dân, là nguyên nhân gây nên cuộc sống điêu đứng và nghèo khổ của nông dân, sự suy thoái dần dần của nền kinh tế, dẫn đến cảnh quyền lợi của người dân luôn bị đe dọa trong hệ thống tư pháp không độc lập”. Là lời nhận xét của các Tổ chức Xã hội cũng như các cá nhân trong “Bản lên tiếng ủng hộ đồng bào Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội”.


Huyền Trang, GNsP

*