Lê Mẫn
Đó là nền báo chí Việt Nam dưới sự chỉ đạo, định hướng của nhà cầm quyền cộng sản khiến những thông tin trên mặt báo lệch lạc, sai sự thật, còn người làm báo mang tiếng là dân “trí thức” nhưng lại làm việc không khác gì những người thiếu nhận thức, thiếu lương tri…
Báo chí dưới sự cai trị của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là một nền báo chí méo mó, nửa báo chí nửa “công văn” khi đưa thông tin theo “định hướng”. Nền báo chí sống nhờ dân nhưng lại phục vụ cho nhà cầm quyền… nói đúng hơn thì đây là một nền báo chí khuyết tật, tờ báo, người làm báo chưa hiểu hết nghĩa thật sự của cụm từ Báo chí, truyền thông là gì.
Các hoạt động báo chí ở Việt Nam không phải chịu sự kiểm soát của luật pháp quốc gia, luật báo chí mà là chịu sự kiểm soát của các cơ quan đại diện cho nhà cầm quyền cộng sản đó là người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ 4T), và nội dung thì do Ban Tuyên giáo trung ương kiểm duyệt, định hướng. Khiến nhiều thông tin trên mặt báo sai sự thật, còn nhận thức của người làm báo thì lệch lạc, cam chịu, thui chột về ý chí.
Thông tin KHUYẾT TẬT
Một trong những nguyên tắc, yêu cầu quan trọng nhất của báo chí chính là SỰ THẬT. Thế nhưng, nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đã không có được điều này. Chỉ đưa thông tin theo “định hướng”, né tránh những sự việc liên quan đến chính trị, quyền lợi của nhà cầm quyền cộng sản vì “nhạy cảm” (trừ một số thông tin được bật đèn xanh, phục vụ cho việc tranh giành quyền lực, thanh trừng nhau, mà bên có thế lực mạnh hơn sẽ chỉ đạo. Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh).
Điển hình nhất chính là vụ Fomosa, nhiều tờ báo, đặc biệt là VTV đã thông tin sai sự thật, khi chỉ thông tin 1 chiều ý kiến của nhà cầm quyền cộng sản. Trong khi biển đang bị đầu độc nặng, rất nhiều người dân bị nhiễm độc kim loại, nhân dân đói khổ vì thất nghiệp thì nhiều tờ báo liên tục đưa tin theo ý kiến của nhà cầm quyền là biển đã sạch, ngư dân phấn khởi ra khơi… không dừng lại đó, các tờ báo này còn vu vạ cho những ngư dân đi đòi quyền lợi chính đáng của mình là “phản động”, quá khích, gây rối an ninh trật tự…
Không một tờ báo nào dám phỏng vấn, đưa tin về những ngư dân- nạn nhân của thảm họa Fomosa, xem cảm nghĩ của họ như thế nào? Sau khi biển bị đầu độc, họ thất nghiệp và sống ra sao? Tại sao nhiều thanh niên ở vùng thảm họa lại không đạt yêu cầu về sức khỏe (bị nhiễm độc kim loại) khi tham gia đi xuất khẩu lao động? Tại sao người dân không đi làm, không ở nhà chăm lo sức khỏe của mình và gia đình mà lại hành hạ bản thân khi đi chang nắng, chang mưa để biểu tình, rồi bị đánh đập?...
Mặc dù, hơn 99% các tờ báo này đều sống bằng số lượt truy cập của bạn đọc, tức là người dân. Nhưng họ lại thờ ơ với quyền lợi, nỗi đau của nhân dân, thậm chí là vu vạ cho dân để đẩy dân vào đường cùng. Các tờ báo này đang tự giết chính mình, khi chọn con đường đối đầu với nhân dân.
Vâng, một nửa sự thật không phải là sự thật.
Người làm báo thui chột
Phần lớn những người làm báo tại Việt Nam là những người được xem là có trình độ học vấn cao trong xã hội, được xếp vào tầng lớp trí thức. Thế nhưng họ không có tư duy độc lập, khiến nhận thức của họ bị méo mó, cam chịu và chấp nhận làm việc trong một môi trường báo chí KHUYẾT TẬT.
Một trong những yêu cầu quan trọng của báo chí chính là tính KHÁCH QUAN. Thế nhưng, báo chí Việt Nam chịu sự định hướng của nhà cầm quyền cộng sản, nên tính khách quan này trở thành một mỹ từ xa xỉ. Họ sống bằng lượt truy cập của nhân dân nhưng lại chịu sự lệ thuộc từ nhà cầm quyền một cách vô lý!
Ngay trong quy định của “Luật báo chí” về việc cấp thẻ báo chí đã là 1 sự vô lý đến hài hước. Khi, trước đây, người được cấp thẻ nhà báo phải hoạt động báo chí liên tục tại 1 tờ báo từ 3 năm trở lên và phải do Bộ 4T cấp thẻ. Điều này khiến nhiều phóng viên khốn đốn trong quá trình tác nghiệp vì chưa có thẻ nhà báo, khi các cơ quan chỉ tiếp nhà báo chứ không tiếp phóng viên… Rồi Bộ 4T thích thì phạt các tờ báo, tước thẻ báo chí của nhà báo. Thích thì dọa khi ra “đề án quy hoạch báo chí” để các chủ tờ báo chạy tiền cho Bộ 4T, trong khi Bộ này vẫn vô tư cấp phép cho tờ báo khác ra đời.
Báo chí hoạt động dựa trên những nền tảng, nguyên tắc về thông tin, chịu sự quản lý của luật pháp, vậy tại sao lại phải chịu sự quản lý vô lý của Bộ 4T, Ban tuyên giáo trung ương? Trong khi một tờ báo sống được là nhờ vào người dân. Vậy LUẬT PHÁP đứng ở đâu trong nền báo chí Việt Nam?
Rõ ràng, nền báo chí Việt Nam đang bị cai trị một cách sâu sắc. Mà những người bị cai trị này lại là bộ phận không nhỏ tầng lớp được xem là trí thức, họ đang có rất nhiều lợi thế trong việc tác động đến xã hội. Thế nhưng, họ lại chấp nhận sự cai trị này một cách ngoan ngoãn như những con cừu.
Nhiều người làm báo cho rằng, họ đang cần mẫn, họ đang dũng cảm đấu tranh chống lại cái xấu, phơi bày những sự thật của xã hội trên mặt báo, không có họ thì nhiều người dân sẽ không biết được những sự thật này (?!) Và nếu họ đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp của mình thì sẽ bị tước giấy phép hoạt động, bị thu thẻ nhà báo… lúc này họ sẽ chẳng làm được gì?
Tôi chỉ mong các bạn tìm hiểu lại nghĩa đúng nhất của cụm từ BÁO CHÍ. Các bạn “dám” đấu tranh cho cái xấu, sự bất công của người dân, vậy tại sao các bạn không dám đấu tranh cho quyền lợi của mình? Quyền tự do báo chí của mình, để chấm dứt những vô lý trong quy định về hoạt động báo chí? Các bạn có dám đấu tranh để tờ báo, nhà cầm quyền cộng sản đưa thông tin chính xác về vụ Fomosa không? Có dám đấu tranh để chấm dứt sự cai trị vô lý không?...
Những quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của các bạn mà các bạn không dám đòi, chưa đòi được thì các bạn đòi được cho ai? Các bạn có thấy mình đang tự lừa dối mình không? Nếu sự đấu tranh của các bạn không phải vì cái nghề mà mình đang mưu sinh thì các bạn dám đấu tranh không?
Rõ ràng, những người làm báo trong nền báo chí cai trị Việt Nam đã bị nhà cầm quyền cộng sản “đánh” què tư duy, làm thui chột ý chí chiến đấu.
Vì thế, nền báo chí của nước Việt đã và đang là nền báo chí KHUYẾT TẬT kể cả về mặt thông tin, lẫn con người làm báo.