26 avril 2017

Đầu trần, tay không, lão nông trừ bạo


Lê Thiên


Nơi đó – Nhà Văn hóa xã Đồng Tâm cũng sẽ là nơi phát lên lời cảnh cáo nhà cầm quyền CSVN rằng đừng hòng nhân danh và cậy thế đảng trị mà bóp chết tiếng nói người dân, cướp đoạt quyền tư hữu đất đai, quyền sinh sống, các quyền tự do chính đáng của người dân, như quyền tự do sinh hoạt tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do đi lại, tự do bày tỏ tư tưởng…!


*
Vào thế kỷ thứ 13, đời Nhà Trần, nước ta có vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) ba lần anh dũng đánh dẹp quân Mông-Nguyên xâm lược nước ta. Chúng ta cũng không quên Đức Trần Hưng Đạo là vị anh hùng mà Hồ Chí Minh đã từng ngạo mạn hạ thấp giá trị xuống hàng thứ yếu so với chính Hồ khi họ Hồ trịch thượng “bác anh hùng, tôi cũng anh hùng” trong một bài vịnh so sánh đầy xấc xược! 


Để đời đời bái phục và ghi ơn vị anh hùng dân tộc, ngoài việc lập đền thờ, người dân Việt Nam còn dựng tượng Đức Trần Hưng Đạo nhiều nơi, nổi bật là bức tượng Đức Trần uy nghi trỏ về phía trước như nhắc lại tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt cảnh cáo giặc bắc vào thời trước Nhà Trần gần hai thế kỷ (1077): 

Sông núi nước Nam, vua Nam ở, 
Rành rành định phận tại sách trời. 
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm? 
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Bất chợt, tôi liên tưởng tới hình ảnh người hùng đương thời tên Lê Đình Kình đang chỉ tay về phía trước! Lão nông Lê Đình Kình 82 tuổi, người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, vốn hiền hòa nhưng cũng không kém cương nghị! 


Cái chỉ tay của lão nông Lê Đình Kình thật ra chỉ giới hạn trong phạm vi một thôn xã, còn xa sánh với cái chỉ tay bảo vệ biên cương oai phong lẫm liệt của Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Nhưng chính cái chỉ tay của ông già nông thôn họ Lê ấy đang làm nên lịch sử của quyền tư hữu đất đai cũng như quyền sống và quyền tự do dân chủ trong sinh hoạt chính trị của người dân. Cái chỉ tay nhẹ nhàng mà uy dũng của ông Kình đã gây cho ông “gãy xương đùi” rồi bị lôi vào tù cùng với 8 nông dân khác cũng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (15/4/2017)! Nhà cầm quyền CSVN tưởng đâu làm như vậy là có thể vô hiệu hóa dễ dàng cuộc đấu tranh của người dân xã Đồng Tâm! Nào ngờ, như một phản xạ tự vệ, cũng ngay trong 15/4/2017, người dân xã Đồng Tâm đồng loạt, đồng tâm vùng dậy hốt trọn gần 40 cảnh sát cơ động đang dương oai diệu võ đàn áp dân lành! Những “người hùng” của lực lượng cơ động “hùng mạnh” ấy bất ngờ lặng lẽ cúi đầu phủ phục trước một nhúm nhỏ những nông dân xưa nay vốn nổi tiếng hiền hòa và trung thành với đảng!? 

Lần đầu tiên, người ta được dịp tận mắt chiêm ngưỡng cái cảnh “nhân dân làm chủ” thật sự ở Đồng Tâm, hiên ngang sai khiến đám “đầy tớ của nhân dân”, bảo ngồi là ngồi, bảo đứng là đứng, “bắt chân trần phải chân trần/Cho cao lương mới được phần cao lương. Sự thật đám “con tin” này được nhân dân Đồng tâm cho ăn ngon, ngủ khỏe, chứ không phải chỉ ăn no, ngủ yên.


Nhà Văn hóa của xã Đồng Tâm giờ đây đóng đúng vai trò của nó là nơi dạy bài học “văn hóa làm người” cho đám thảo khấu vô văn hóa! Không còn nữa những bộ mặt hung dữ hắc ám tác oai tác quái với dân lành. Giờ đây sao mà họ ngoan ngoãn thế? Gục mặt cúi đầu ngồi bệt trên sàn nhà, khoanh tay, bó gối, răm rắp làm theo mọi điều nhân dân truyền bảo! Lần đầu tiên khẩu hiệu “Nhân dân làm chủ” được áp dụng đúng nghĩa, để “đầy tớ nhân dân” vâng lời chủ mình! 

Một hình ảnh nữa không phải chỉ là hiện tượng “xưa nay hiếm” mà còn là điều “xưa nay chưa hề thấy” trên đất nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Ủy viên tuyên giáo đảng đó! Mặt tươi như hoa, tay cầm vi âm, khiêm nhường “cám ơn nhân dân tận tình chăm sóc suốt mấy ngày đêm!” Phải chăng vì nhờ nằm trên nền nhà văn hóa, được nhân dân tận tình săn sóc từng bữa ăn ngon miệng và no đầy, viên tuyên giáo đảng nghiệm ra văn hóa làm dân, làm người, được nhân dân săn sóc, nên bày tỏ ơn sâu nghĩa nặng.

Chúng ta lại cùng xem tấm hình dưới đây, những chàng trai trẻ vừa được nhân dân tha về, vui tươi hớn hở đứng sau một sĩ quan hết mực “khiêm nhu” chắp tay khom lưng cúi đầu sát đất cám tạ và tạ lỗi với nhân dân bao dung rộng lượng với đám quân trẻ người non dạ! Tấm hình này được ghi nhận: “Trung đoàn phó Trung đoàn Cảnh sát cơ động Phạm Văn Trung chắp tay, cúi đầu nhiều lần hướng về phía nhiều người dân đứng xem.” (22/4/2017).


Tấm hình trên đây cho thấy gì? Họ là những người “chiến sĩ cảnh sát cơ động” ấy sao? Áo quần đồng phục hẳn hoi, nhưng sao lại chân trần? Tù binh chiến tranh hay tù phản động, tù bạo loạn, tù cướp giật?… Không! Đó là đám thảo khấu đang tự thú? Bày tỏ lòng biết ơn đối với nhân dân đấy, chứ không phải với Bác và Đảng đâu! Ấy! Chỉ mới năm ngày đêm thôi mà người dân Đồng Tâm đã “cải tạo” thành công cái “tư tưởng sỏi đá’ của đám trẻ đã từng bị nhồi sọ coi dân là cỏ rác, nếu không là kẻ thù! Một lối “cải tạo” đầy tính nhân văn, đầy tình người, chứ không như lối đối xử hằn học trịch thượng, miệt thị, áp đảo!

Trước áp lực của chính nhân dân Đồng Tâm, của một số luật sư và đại biểu Quốc hội CSVN, sau mấy lần tìm cách lẩn tránh đối thoại với dân, cuối cùng ông Nguyễn Đức Chung với tư cách Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã phải đích thân đến xã Đồng Tâm, để trực diện với nhân dân, nói chuyện phải trái và nhận trách nhiệm…hầu bảo lãnh 19 con tin được cho về với đơn vị! Ông Chung đã phải chấp nhận giải pháp bút sa gà chết! Tự tay ông viết xuống “Bản cam kết,” gồm ba điều, được ba đại biểu QHCSVN cùng ký tên xác nhận chứng kiến: Đỗ Văn Đương, Lưu Bình Nhưỡng và Dương Trung Quốc! 


Riêng điều cam kết thứ hai của ông Chung trên Bản Cam Kết đến nay truyền thông trong nước vẫn chưa hết tranh cãi! Thế nào là “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân Đồng Tâm?” Quyền hạn và trách nhiệm của ông Chung có cho phép ông ta giẫm lên luật pháp, giẫm lên thẩm quyền tư pháp? Bài báo “Tính pháp lý bản cam kết của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với xã Đồng Tâm” trên tờ Việt Báo của CSVN ngày 24/4/2017 đã nêu lên vấn đề và trưng dẫn lời của luật sư Tô Năng Như, nhằm bênh vực ông Chung rằng: “Ở nước ta tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập quyền, mọi quyền lực đều do Đảng lãnh đạo. Chúng ta cần nhớ Chủ tịch thành phố bao giờ cũng là phó bí thư thành ủy. Trong khi Viện trưởng Viện Kiểm sát và Giám đốc Công An Thành phố chỉ là Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, tức chức nhỏ hơn phó bí thư. Trong khi đó Thành ủy Hà Nội đã họp và giao ông Chung toàn quyền xử lý.” 

Ông Tô Năng Như xác quyết: “Về mặt đảng ông Nguyễn Đức Chung có toàn quyền chỉ đạo công an, viện kiểm sát không điều tra truy tố các hành vi xảy ra tại Đồng Tâm.” Rồi ông Như kết luận: “Sự linh hoạt ở thể chế chính trị của chúng ta chính là như vậy.” 

Vâng! “Sự linh hoạt ở thể chế chính trị… Cộng sản” tại Đồng Tâm vừa rồi quả đã mang lại thắng lợi cho người dân Đồng Tâm ở vào thời điểm ông Chung đến Đồng Tâm. Nhưng nhân danh “linh hoạt”, người ta có thể tùy tiện và ngang nhiên gây cho người dân bao khốn đốn thông qua các vụ bắt oan, án oan, tù oan, chết oan… do bởi “Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng lại chỉ xài luật rừng”! Nhân danh “linh hoạt”, người ta có quyền tùy tiện hôm nay giải thích thế này, ngày mai lý giải kiểu khác! Nhân danh “linh hoạt”, người ta tha hồ áp dụng luật “phù hợp với hoàn cảnh thực tế.” Mà cái gọi là “hoàn cảnh thực tế” thì lại nằm ở trong sự suy diễn chủ quan của nhà cầm quyền, rồi từ đó nhà cầm quyền “linh hoạt” sử dụng luật… rừng! 

Điều đáng ngạc nhiên là ông Tô Năng Như vừa ca tụng “sự linh hoạt ở thể chế chính trị” Cộng sản, thì lập tức ông tỏ ra hoài nghi, nêu lên câu hỏi “vậy còn rủi ro pháp lý nào với bà con nhân dân xã Đồng Tâm hay không?” Ông Như tự trả lời kiểu hàng hai, hàng ba rằng “trên thực tế thì không, nhưng về lý thuyết thì vẫn còn có khả năng rủi ro đó là nếu có ai đó có thẩm quyền lớn hơn ông Chung chẻ chữ… hoặc nhiều lý do khác như: tội phạm đã hoàn thành, xử lý để làm gương tránh tạo tiền lệ... Khi đó pháp luật lại được dẫn giải theo cách khác.” Rồi bỗng nhiên ông Như chối bỏ lập luận của chính ông bên trên: “Tuy nhiên điều đó chắc chắn không xảy ra trong bối cảnh đất nước ta đang cần ổn định để phát triển.”

Ôi! “Bối cảnh đất nước ta đang cần ổn định để phát triển!” Đó có phải là lý do để mặc kẻ cầm quyền tự tung tự tác, tùy tiện bảo một hành vi nào đó có tội là có tội hay sao? Ông Như sống ở Việt Nam. Ông là luật sư, nếu là luật sư hành nghề chân chính, ít ra ông cũng đã tiếp cận với một số dân oan trong nước. Thế ông thấy gì và nghĩ gì về số phận của những dân oan bị án oan hủy hoại từ tinh thần đến thể xác và cả cuộc sống của người dân khi người dân bị ông nhà nước nhân danh “đất nước ta cần ổn định để phát triển” để mà hà hiếp, khép tội?

Vì vậy, nhân dân Đồng Tâm cũng như nhân dân cả nước hãy luôn hết sức cảnh giác về sự lật lọng của nhà cầm quyền CSVN trong mọi trường hợp! 

Đặc biệt riêng với Đồng Tâm, để lưu dấu biến cố lịch sử (15-22/4/2017) về tinh thần “đồng tâm” của nhân dân Đồng Tâm một lòng một ý bảo vệ quyền sống của mình, có lẽ nhân dân Đồng Tâm nên tạo một không gian riêng biệt trong Nhà Văn Hóa xã, trưng bày tất cả những hình ảnh của biến cố đã qua, tạo thành một khu lưu niệm, bên trên nên đặt một bức tượng lão nông Lê Đình Kình trỏ tay về phía trước, dưới chân bức tượng là bức họa lớn Bản Cam Kết của Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. 

Cam đoan khu di tích ấy sẽ thu hút hàng loạt khách đến viếng, và mọi người Việt Nam sẽ học được ở đó bài học từ nhân dân Đồng Tâm về cách thức đối phó với bạo quyền, bất kể bạo quyền ấy gian ngoa tới đâu, xảo quyệt tới đâu và độc ác với dân tới mức nào! 

Nơi đó – Nhà Văn hóa xã Đồng Tâm cũng sẽ là nơi phát lên lời cảnh cáo nhà cầm quyền CSVN rằng đừng hòng nhân danh và cậy thế đảng trị mà bóp chết tiếng nói người dân, cướp đoạt quyền tư hữu đất đai, quyền sinh sống, các quyền tự do chính đáng của người dân, như quyền tự do sinh hoạt tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do đi lại, tự do bày tỏ tư tưởng