Dự thảo Nghị định "quy định điều kiện kinh
doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị"
của Bộ Công an đang gây sửng sốt cho dư luận, bởi một quy định về "Nguyên
tắc hoạt động và quản lý" tại khoản 3 điều 4 của dự thảo Nghị định là:
"Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị
phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội,
phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng".
Theo quy định trên thì các chủ thể khác như nhà
báo, luật sư, người dân... sẽ không được sử dụng các thiết bị ngụy trang để ghi
âm, ghi hình!
Trần tình trước dư luận, Bộ Công an cho rằng do
tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, chụp hình, định
vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa
quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước. Qua công tác quản lý nhà nước về an
ninh, trật tự, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ việc đối tượng sử dụng thiết
bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, chụp hình, định vị trái pháp luật.
Cho nên dự thảo quy định các hoạt động kinh
doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị gồm
"sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa thiết
bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị là hoạt động kinh
doanh có điều kiện, bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh,
trật tự do cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cấp".
Trong đó chỉ có 3 nhóm đối tượng được kinh doanh
thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị là: Cơ sở kinh
doanh thuộc Bộ Công an, cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực
lượng quân đội nhân dân và cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc
phòng được Bộ Công an có văn bản chấp thuận.
Tuy nhiên, ngoài quy định về đối tượng được kinh
doanh loại hình này, hẳn là để cho "chắc ăn", dự thảo
"chụp" luôn cả đối tượng được sử dụng vào khoản 3 điều 4 của dự thảo
nghị định, rằng chỉ ngành an ninh mới được sử dụng các thiết bị này.
Ngay lập tức, các chuyên gia pháp lý, giới báo
chí và đông đảo người dân phản ứng mạnh mẽ. Dư luận cho rằng quy định
này vượt quá phạm vi điều chỉnh, hạn chế quyền tự do báo chí và giới hạn quyền
con người trong công tác đấu tranh chống tiêu cực. Dẫn chứng là: Đa số các vụ
vi phạm pháp luật được phát hiện là nhờ có báo chí và người dân ghi âm, ghi
hình bí mật mà được đưa ra xử lý trước pháp luật.
Và không chỉ có vậy, ở đây, xin nêu thêm những
cái sai nữa trong quy định của nghị định này như sau:
- Là nghị định nhưng cấm cả... luật?
Theo hệ thống luật pháp của ta thì nghị định
dưới luật. Nhưng khoản 3 điều 4 của dự thảo nghị định này quy định chỉ một số
đối tượng được phép sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình vào việc bảo vệ an ninh,
như vậy là cấm cả điều 4 Bộ luật Hình sự đã quy định về "Trách nhiệm đấu
tranh phòng ngừa và chống tội phạm" như sau:
1. Các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án,
tư pháp, thanh tra và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thi hành đầy đủ
chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của
Nhà nước, tổ chức, công dân đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, giám sát và
giáo dục người phạm tội tại cộng đồng.
2. Các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục
những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ pháp
luật và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ
nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm
trong cơ quan, tổ chức của mình.
3. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia
đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Như vậy là theo điều 4 của Bộ luật Hình sự thì
tất cả mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có nghĩa vụ phòng chống tội phạm,
cũng tức là đều có quyền ghi âm ghi hình để tố giác các hành vi vi phạm pháp
luật, theo tinh thần của Bộ luật Hình sự, chứ đâu phải chỉ ngành an ninh
mới có quyền được ghi âm, ghi hình để phòng chống tội phạm như khoản 3 điều 4
của nghị định này? Vậy mà dự thảo nghị định của Bộ Công an lại dự định cấm
cả... Bộ luật!?
- Khóa cửa, khóa cả... người nhà?
Theo như trần tình của Bộ Công an, thì dự thảo
nghị định này có mục đích là để ngăn ngừa các hành vi phạm pháp. Như vậy là có
thể coi nghị định này như là cái khóa cửa để ngăn chặn tội phạm đột nhập vào
nhà, là các mối quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Và tất nhiên cần phải
thấy rằng, làm khóa cửa là để ngăn chặn tội phạm chứ không phải ngăn chặn người
nhà vào nhà của mình.
Ở đây, các loại tội phạm bằng cách dùng các
thiết bị ghi âm, ghi hình đã bị các chế tài trong Bộ luật Hình sự "khóa
cửa" ngăn không cho vào "nhà" rồi. Thế nhưng khốn nỗi, với thêm
cái khóa cửa nữa như quy định khoản 3 điều 4 của dự thảo nghị định này, thì tất
cả các cá nhân, cơ quan, tổ chức không có mục đích sử dụng các thiết bị
ghi âm, ghi hình để phạm tội, thì không phải là tội phạm, nhưng cũng lại bị
"cấm cửa" không được vào nhà? Cần phải xác định rằng, tất cả các cá
nhân, cơ quan, tổ chức sử dụng ghi âm, ghi hình mà không vi phạm pháp luật, thì
đều là "người nhà" chứ không phải tội phạm. Vậy chẳng lẽ, Bộ Công an
cấm tội phạm, nhưng cũng cấm luôn cả "người nhà" không cho vào nhà
của mình?
- Cấm dân sự sử dụng đồ... dân sự?
Bộ luật Hình sự quy định điều 230 về "tội
chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ
khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự" và điều 233 về "tội chế
tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí
thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ". Theo quy định tại điều 3 Pháp lệnh
16/2011/UBTVQH12 thì:
- Vũ khí gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí
thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương
tự.
- Vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm,
giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ.
- Công cụ hỗ trợ gồm:
a) Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao
su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và
các loại đạn sử dụng cho các loại súng này;
b) Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt,
chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;
c) Các loại lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;
d) Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi
cui kim loại, khoá số tám, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện,
găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn;
đ) Động vật nghiệp vụ.
Như vậy thiết bị ghi âm, ghi hình không phải là
vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ hay công cụ hỗ trợ, và cũng không phải là trang
bị đặc chủng của ngành an ninh như cảnh phục, lô gô, quân hàm chỉ ngành an ninh
mới được sử dụng, mà trái lại, chỉ là các thiết bị dân sự mà thôi.
Vậy chẳng lẽ, nay Bộ Công an cấm dân sự sử
dụng... đồ dân sự? Quy định như vậy chẳng khác nào cấm nhân dân không được mặc
quần áo dân sự.
Như vậy, xét cả về hình thức và nội dung của
khoản 3 điều 4 dự thảo nghị định này thì đều lạc lõng với hệ thống pháp
luật của ta. Về lý thuyết thì như vậy, còn về thực tiễn, thì bị dư luận phản
đối, rất không được lòng dân. Vì vậy, rất mong Bộ Công an bỏ đi quy định này,
để đảm bảo được tính thống nhất, toàn vẹn của luật pháp và quyền của người dân
đã được quy định trong pháp luật.
Phạm Mạnh Hà
Nguồn: Theo Một Thế Giới