25 avril 2017

Sự việc ở Đồng Tâm: Cần thay đổi cung cách làm việc với người dân



 "Chính quyền phải thay đổi cung cách làm việc với người dân. Không thể để xảy ra chuyện người dân gửi đơn 9 lần rồi mà không trả lời, giải quyết dứt điểm khiến họ phản ứng như vậy.", đại biểu Dương Trung Quốc nói về sự việc ở Đồng Tâm.


Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với lãnh đạo Hà Nội trước thời điểm người dân Đồng Tâm thả 19 cảnh sát cơ động (Ảnh: Nguyễn Dương)





- Thưa đại biểu Dương Trung Quốc, ông tiếp nhận thông tin về những khiếu nại, tố cáo của người dân xã Đồng Tâm từ khi nào?


- Trước khi xảy ra sự việc vừa rồi tôi đã nhận được đơn thư của người dân Đồng Tâm. Đây là đơn thư lần thứ 9 của họ gửi cơ quan chức năng. Khi tôi chưa kịp xử lý thì xảy ra vụ này nên tôi đã gọi điện thoại cho anh Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị quan tâm giải quyết.

Tôi cũng theo dõi rất sát diễn biến việc này và có bày tỏ mong muốn anh Chung sẽ xuống gặp người dân. Sau đó, tôi và anh Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội có chủ động xuống Đồng Tâm để trao đổi với người dân và theo dõi buổi đối thoại giữa lãnh đạo Hà Nội với người dân.


- Ông có hài lòng với kết quả buổi đối thoại giữa Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân xã Đồng Tâm?


- Tôi nghĩ rằng kết quả buổi đối thoại đã làm thoả mãn cả về phía người dân lẫn chính quyền Hà Nội, giúp tháo gỡ điểm nóng.

Tuy nhiên, việc này còn kéo dài, bởi cuộc thanh tra mà Hà Nội công bố diễn ra trong thời gian 45 ngày cơ mà. Chính vì thế chúng ta phải chờ kết quả cuộc thanh tra đó, chờ Hà Nội công bố rộng rãi để xem cuối cùng là như thế nào.

Thế nên tôi cho rằng kết quả cuộc đối thoại vừa qua mới chỉ là bước đầu, để người dân yên tâm và chính quyền cũng có điều kiện vào cuộc làm làm rõ, rút ra những bài học cho mình làm tốt hơn trong quá trình quản lý nhà nước.


- Theo ông, bài học lớn nhất nào được rút ra sau sự kiện ở Đồng Tâm?


- Tôi nghĩ chỉ có 2 cái. Thứ nhất là thực thi đúng pháp luật, bởi hiện nay nhiều việc làm không đúng luật. Thứ hai là xây dựng lòng tin, lãnh đạo phải xuống với dân, chứ đừng đòi hỏi dân phải lên với lãnh đạo.

Hai cái đó làm tốt thì mọi chuyện sẽ giải quyết ổn thoả. Những vấn đề liên quan đến pháp luật, nếu chưa hoàn thiện thì sẽ được hoàn thiện dần dần. Nhưng chính quyền phải thay đổi cung cách làm việc với người dân. Không thể để xảy ra chuyện người dân gửi đơn 9 lần rồi mà không ai trả lời giải quyết dứt điểm khiến họ phản ứng như vậy.

Đến giờ chúng ta thấy mọi việc tốt đẹp cả. Tôi đã chứng kiến anh em được người dân thả ra hôm ấy đều khoẻ mạnh cả, họ còn bịn rịn với bà con. Như thế là tốt.

Đến giờ còn quá sớm để nói sự việc có kết cục có hậu, bởi phải chờ sắp tới giải quyết thế nào đã, nhưng bước đầu như thế là tốt rồi.


- Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông sẽ tiếp tục giám sát quá trình xử lý, giải quyết sự việc ở Đồng Tâm?


- Đương nhiên rồi. Tôi nghĩ rằng sắp tới sẽ có nhiều cơ quan giám sát, theo dõi quá trình giải quyết sự việc của TP Hà Nội. Với tư cách đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ thực hiện quyền giám sát của mình, để cơ quan chức năng làm cho tốt.


- Xin cảm ơn ông!


Thanh tra Chính phủ sẽ giám sát cuộc thanh tra ở Đồng Tâm

Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 24/4, trả lời PV Dân trí, ông Ngô Văn Khánh-Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, việc thanh tra quá trình quản lý, sử dụng đất đai tại xã Đồng Tâm trong thời hạn 45 ngày thuộc thẩm quyền của Thanh tra TP Hà Nội.

“Đến giờ, Thanh tra Chính phủ không tham gia trực tiếp vào cuộc thanh tra này. Tuy nhiên không chỉ với sự việc này mà với những việc khác cũng vậy, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, chắc chắn Thanh tra Chính phủ sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, cùng lãnh đạo Hà Nội đảm bảo cuộc thanh tra về quản lý sử dụng đất ở Đồng Tâm diễn ra đúng quy định pháp luật, chính xác, triệt để”- ông Khánh nhấn mạnh.

Nhìn rộng hơn, ông Ngô Văn Khánh cho rằng câu chuyện đang xảy ra ở Đông Tâm đã đặt ra nhiều bài học cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính người dân. “Tôi nhấn mạnh là bài học cho cả hai phía người dân và cơ quan nhà nước. Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, khiếu nại tố cáo và tiếp công dân, chắc chắn sẽ có nghiên cứu thận trọng để tổng kết, rút ra kinh nghiệm trong quá trình quản lý của mình được tốt hơn”- ông Khánh nói.



Thế Kha (thực hiện)

Nguồn: Theo Dân Trí