31 décembre 2021

Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” của tác giả Tùng Phong (Ngô Đình Nhu)

Nguyễn Đình Cống

1-Giới thiệu 

Ngô Đình Nhu

Sách CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM, tác giả Tùng Phong (Ngô Đình Nhu), một người có vai trò quan trọng trong chính quyền của Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1963. Sách được hoàn thành vào năm 1962 với sự thảo luận, đóng góp ý kiến của một số nhà chính trị và nhà khoa học. Sách chưa kịp in thì xảy ra chính biến tháng 11/1963, lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Năm 1964 sách được in ra tại Sài Gòn, nhưng nhanh chóng bị thu hồi. Năm 1988 được in lại tại Nhà Xuất Bản Hùng Vương- Los Angeles- Mỹ.


Theo lời Nhà Xuất bản thì “Sách mở đấu bằng một lới vắn tắt của một đại văn hào Nhật Bản, Đức Phú Tô Phong, nói rằng: ‘Một dân tộc hùng cường là một dân tộc giàu chiến sĩ vô danh’.  Phải chăng tác giả muốn ngụ ý rằng dân tộc VN cũng là một dân tộc hùng cường vì VN cũng giàu chiến sĩ vô danh”

Tôi được biết về “Chính đề Việt Nam” từ rất lâu, nhưng chỉ mới ở dạng các bài giới thiệu hoặc tóm tắt. Gần đây mới có dịp nghiên cứu toàn văn. Hiện nay sách có thể tìm thấy ở http://vnthuquan.net/.

 Trong những bài giới thiệu tôi quan tâm nhiều đến bài của GS Tôn Thất Thiện (sinh năm 1924), viết năm 2009 với tựa đề  MỘT VIÊN NGỌC QUÝ TRONG KHO TÀNG TƯ TƯỞNG, MỘT ĐÓNG GÓP LỚN VỀ SOI SÁNG VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN”. GS Thiện là một học giả chuyên nghiên cứu vấn đề phát triển các quốc gia chm tiến, ông cho rằng “Chính đề Việt Nam sẽ được coi như là một tác phẩm hết sức độc đáo, một đóng góp lớn, một viên ngọc quý trong kho tàng tư tưởng của nhân loại…., tài liệu xuất sắc nhứt mà ông đã được đọc trong suốt thời gian gần 70 năm qua.

Sách được viết trong thời kỳ của chiến tranh lạnh với thế giới được chia thành hai phe (hai khối). Tạm gọi là A và B. Phe A tự cho mình là theo đường lối XHCN, yêu hòa bình, chống áp bức bóc lột, chống xâm lược, gọi phe B là bọn tư bản, đế quốc, gây chiến, xâm lược.  B tự cho là Khối Thế giới tự do, nơi người dân có quyền dân chủ, nhân quyền, phát triển xã hội theo Kinh tế thị trường, họ gọi A là Khối Thế giới cộng sản, nơi sử dụng bàn tay sắt của chuyên chính vô sản để tước đoạt quyền tự do cá nhân và xóa bỏ tư sản.

Đứng đầu phe A là những người như Stalin, Mao Trạch Đông  mà bên A ngợi ca là lãnh tụ thiên tài còn B gọi là những tên độc tài khát máu.  B không có người đứng đầu rõ ràng, chỉ có những người đóng vai trò rất quan trọng, đó là các Tổng thống Mỹ được bầu theo nhiệm kỳ.

Ngoài hai khối A và B thì một số nước họp với nhau thành “Thế giới thứ ba” gồm vài chục nước mà chủ yếu là những nước thuộc địa cũ, chậm phát triển.

Ở Việt Nam, sau năm 1954 đất nước tạm chía hai, là hình ảnh thu nhỏ của A, B trên thế giới. Thông thường gọi là Hai miền, Bắc với Chủ tich Hồ Chí Minh, Nam với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Gắn với chính trị thi A gọi chính quyền Miền Nam là Ngụy quyền, B tự xưng là Phe Quốc gia, gọi Miền Bắc là Phe Cộng sản(CS)

Sau khi chia hai đất nước thì có sự tập kết. Quân đội và người làm việc cho bên nào thì về bên đó. Riêng dân thường thì có sự di cư từ Bắc vào Nam mà hình như không có theo chiều ngược lại. Năm 1955 có phong trào “Chống cưỡng ép di cư” ở toàn Miền Bắc. Ngoài ra có một số đông theo Cộng sản nhưng được tổ chức cài đặt ở lại Miền Nam để dùng sau này. Hình như cũng có một số ít theo Quốc gia trốn lại Miền Bắc, nhưng nhanh chóng bị vô hiệu hóa.

Miền Bắc lo thiết lập Thời kỳ quá độ lên CNXH với cải cách ruộng đất, hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo Công thương gia, thành lập các nông trường, làm một số công trình, nhà máy, mở mang trường học. Những việc về kinh tế  như cải cách, hợp tác, cải tạo v.v…chủ yếu là thất bại do làm trái quy luật tự nhiên chứ không bị một sự phản khàng nào đáng kể của thế lực thù địch. Về chính trị có nổi lên nhóm Nhân văn đòi tự do dân chủ, nhưng bị đàn áp ngay. Tuy có một số toán biệt kích từ Nam ra quấy phá và một vài phản ứng lẻ tẻ ở một số nơi, nhưng tất cả đều bị tiêu diệt nhanh chóng. Đồng thời với việc đưa Miền Bắc theo XHCN là  tiến hành các công việc cần thiết để tiến tới giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Ý đồ Tổng tuyển cử vào năm 1956 đã không thành.

Hồ Chí Minh cho rằng đã có chủ nghĩa Mác Lê soi sáng, có Stalin và Mao Trạch Đông vạch đường nên ông và Đảng của ông không cần sáng tạo gì thêm, xem Mác Lê là kim chỉ nam, là đuốc soi đường, chỉ tìm cách thực hiện nó cho phù hợp với hoàn cảnh và nhận sự viện trợ của Phe XHCN  mà chủ yếu là Liên Xô và Trung quốc.

Ngô Đình Diệm, sau khi đưa tiễn đội quân của Pháp ra khỏi đất nước và dẹp tan được các giáo phái chống đối, muốn xây dựng một Miền Nam thành hình mẫu của Thế giới tự do, ngăn cản sự bành trướng của khối CS. Nhưng công việc này bị cản trở bởi lực lượng CS nằm vùng và của Miền Bắc với quyết tâm đánh đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Tình thế đó làm cho Diệm càng quyết tâm chống cộng. Trong lúc Miền Bắc dựa vào Liên Xô và Trung quốc thì Diệm phải dựa vào Khối Thế giới tự do mà chủ yếu là Mỹ. Trong hoàn cảnh này Tùng Phong cùng các cộng sự nghiên cứu và viết ra Chính đề Việt Nam.

Không thấy rõ vai trò Ngô Đình Diệm trong việc nghiên cứu này, mặc dù Tùng Phong là người thân thiết với ông.

Đọc Chính đề Việt Nam tôi cảm phục Tùng Phong đã thể hiện lòng yêu nước Việt, thương dân tộc Việt, muốn tìm con đường đúng đắn để chấn hưng, để phát triển, đồng thời ông có những nhận định sáng suốt. Tuy vậy tôi không hoàn toàn nhất trí với mọi ý kiến của ông, không đề lên quá cao sách của ông (như GS Thiện) mà sẽ có những ý kiến phản biện.

Tôi sẽ trình bày các loại ý kiến sau: Một là những ý của Tùng Phong mà tôi thấy bình thường thì chỉ thuật lại mà không có nhận xét gì, phần lớn là loại này. Hai là những điều trước đây tôi chưa biết, chưa nghĩ tới, nay nhờ Tùng Phong mà biết được, tôi ghi chú bằng chữ (ý mới, mới đối với tôi nhưng chắc sẽ không mới với một số người khác). Ba là những ý kiến tương đối khác lạ với suy nghĩ bình thường của nhiều người, tôi cũng đã nghĩ tới, một số đã viết ra, nay thấy Tùng Phong đề cập, mới biết rằng mình cũng chỉ là một trong những người đồng thời nghĩ ra vấn đề đó, được ghi chữ (trùng ý). Bốn là một số ý của Tùng Phong mà tôi chưa tán thành. Những điều này cần được suy nghĩ và chiêm nghiệm kỹ hơn, được ghi chữ (phản biện). Tôi sẽ lần lượt theo nội dung sách mà trình bày các ý kiến. Viết ra những điều như thế với mong ước được trao đổi với những ai quan tâm để có thể hoàn thiện được tư tưởng và may ra có thể đóng góp được gì đó cho cộng đồng.

Viết bài này cũng gần như tôi tóm tắt sách “Chính để VN”.

Ghi chú: Để phân biệt với câu văn do tôi viết ra, mọi câu trích dẫn của Tùng Phong hoặc của người khác đều được in nghiêng và đặt trong dấu ngoặc kép “…” . Thỉnh thoảng tôi có chen vào vài điều bình luận để trình bày ý kiến cá nhân, ngoài những nhận xét hoặc phản biện đã viết.

2- Bối cảnh của vấn đề

Mở đầu sách là những trình bày về: Vị trí của VN trong thế giớ hiện tại (1962), hình ảnh lịch sử của cộng đồng, Quốc gia, Cộng sản và  sự phân chia lãnh thổ, Đường lối phát triển của dân tộc.

Tùng Phong chia cộng đồng làm hai phần: Thiểu số và đa số (trùng ý) và gán cho Thiểu số làm lãnh đạo và đa số được lãnh đạo. Điều này chỉ đúng một phần vì có những cộng đồng mà thiểu số là thống trị, độc tài, còn đa số là bị trị.(phản biện).Từ đây trở xuống tôi chỉ gọi họ là Thiểu số và Đa số, chỉ khi nào cần nhấn mạnh mới kèm thêm định ngữ lãnh đạo hoặc thống trị và bị trị).

Tùng Phong nhận định “VN là nước nhỏ về dân số, về lãnh thổ, kinh tế kém phát triển và không có đóng góp gí đáng kể vào văn minh nhân loại. Chúng ta bị chi phối bởi sự vô trách nhiệm của các nước lớn, luôn bị đe dọa nạn ngoại xâm”. Tôi chỉ tán thành một phần vì cho rằng VN không thuộc loại dân số ít (không những bây giờ, năm 2022 mà cả vào thời năm 1962), lãnh thổ không đến nỗi bé, hơn nữa có vị trí địa lý khá tốt. VN không có đóng góp gì vào văn minh nhân loại vì kém phát triển, vì yếu chứ không phải vì nước nhỏ, VN luôn bị đe dọa nạn ngoại xâm chủ yếu là từ dã tâm của Đại Hán chứ không còn từ phương Tây. Bị chi phối bởi sự vô trách nhiệm cùa các nước lớn cũng vì ta yếu kém chứ không thể đổ lỗi cho ai được. (Một số người Việt tự hào là đóng góp lớn cho nhân loại bằng cách mạng giải phóng thuộc địa, lập chính quyền công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Xin chưa bàn đến điều này đúng sai đến đâu ).

Tôi tán thành với Tùng Phong rằng sự yếu kém của cộng đồng chủ yếu do thiểu số lãnh đạo kém phẩm chất là chủ yếu (trùng ý). Nguyễn Trãi viết : “Như nước Đại Việt ta…Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau mà hào kiệt đời nào cũng có”. Mạnh là khi hào kiệt được trọng dụng, lúc đó dân tộc sẽ đoàn kết, mạnh lên, yếu là khi hào kiệt bị thiểu số thống trị loại bỏ, dân tộc sẽ bị phân tán và có nguy cơ tan rã.Tùng Phong đã viết rất đúng rằng thiểu số lãnh đạo cần có được NHÂN, DŨNG, LƯỢC    thấu triệt được vấn đề của cộng đồng. Từ đó mới chọn được đường lối đúng.

Đa số, dù được lãnh đạo hoặc bị trị, là những người dân, lý do sống là vì cá nhân, nhưng điều kiện sống là thuộc cộng đồng (ý mới). Hai điều này thường phù hợp nhưng nhiều khi xảy ra mâu thuẩn, lúc này người dân phải chấp nhận một sự hy sinh nào đó. Vậy đa số cũng cần phải thấu triệt được vấn đề của cộng đồng. Thiểu số có nhiệm vụ giúp đa số làm việc này (đó là nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí).
Giữa thống trị và bị trị thường xuyên có mâu thuẩn. Giữa lãnh đạo và được lãnh đạo cũng có những lúc phát sinh mâu thuẩn, đó là mâu thuẩn chủ yếu trong cộng đồng. Để giải quyết mâu thuẩn thì thiểu số lãnh đạo cần phải; 1-Tôn trọng tinh thần dân chủ, là một lợi khí sắc bén, 2- Phát huy sự hiểu biết của đa số đối với vấn đề cần giải quyết của quốc gia để  củng cố tinh thần dân tộc.

Khi đất nước bị chia cắt, sự tranh giành ảnh hưởng giữa phe Quốc gia và phe Cộng sản đã  làm tan rã dân tộc. Chống cộng mà chỉ nhằm vào việc loại bỏ cá nhân và tổ chức, dù có quyết liệt đến đâu cũng chỉ là chống một cách tiêu cực. Cần ạ ra rằng CS chỉ là một lý thuyết tranh đấu ngoại lai, nó sẽ đưa dân tộc vào con đường đen tối. Chống cộng tích cực phải  trên cơ sở thực trạng của Quốc gia và có giải pháp để thay thế.

Bình luận: Ai cũng nói rất giỏi về việc đánh giá đúng thực trạng, về vấn đề cần giải quyết, nhưng nói thì dễ, làm được rất khó vì bị chi phối bởi chủ nghĩa này, học thuyết kia, lãnh đạo nọ. Vậy để có một đánh giá tương đối đúng về thực trạng, có thể tin được, cần phải có sự điều tra toàn diện của một tổ chức trung lập, một cách khách quan, trung thực, không bị chi phối bởi bất kỳ học thuyết, chủ nghìa hoặc sự lãnh đạo nào cả (ngưng BL).

Phần cuối của mục “Bối cảnh…”  Tùng Phong viết về vai trò cá nhân, rằng ông luôn đứng ở vị trí lịch sử để nhìn tất cả các vấn đề mà không bao giờ đứng ở vị trí tôn giáo. Ông còn đưa ra và giải thích cách hành văn trong quyển sách, chủ yếu dùng nhiều danh từ hơn động từ nhằm diễn tả rõ, hết, các tư tưởng một cách bao quát, vững chắc (ý mới).

3-Phần I- Nhận định về thế giới

Từ giữa thế kỷ 20, về chính trị thể giới chia thành hai phe như đã mô tả ở trên, mỗi phe có cách lãnh đạo riêng.

Về văn hóa, thế giới lại chia ra 5 vùng. Một là vùng Âu Mỹ, chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy La. Hai là vùng Arập, Trung Đông, chịu ảnh hưởng của Đạo Hồi. Ba là vùng Đông Á chịu ảnh hưởng văn hóa Trung hoa cổ đại. Bốn là vùng Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Năm là vùng Châu Phi da đen

Về khoa học kỹ thuật thì khác. Nền khoa học kỹ thuật và văn minh Phương Tây đã chinh phục toàn bộ.

Tung Phong đi đến nhận xét: “Vì vậy cho nên ngày nay trên thế giới vấn đề Tây phương hóa (TPH) là một vấn đề thiết yếu cho các quốc gia muốn tồn tại, mặc dầu TPH theo kiểu khối tự do hay TPH theo kiểu khối CS. Và đó cũng là vấn đề thiết yếu cho nước VN”.

Bình luận: Cách nhìn của Tùng Phong có phần đúng nhưng quá thiên lệch về khoa học kỹ thuật, khác với cách nhìn của sách “Tại sao các quốc gia thất bại” cho rằng sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào thể chế kinh tế và thể chế chính trị (ngưng BL).

Về CS. Tùng Phong nhận đình rằng CS ở Tây phương, ở Nga xô và ở Châu Á là khác nhau.” Ở Tây phương thuyết CS là một phương thuốc được đề nghị để chữa căn bệnh cho xã hội trong một giai đoạn phát triển cam go, về sau các nhà lãnh đạo của họ lại tìm được phương thuốc khác (và họ đã loại bỏ CS) ….Nga xô chỉ xem thuyết CS là một phương tiện và chỉ có giá trị là một phương tiện…Nhưng sang châu Á thuyết CS chỉ còn là một phương tiện để đánh kẻ xâm lăng và một phương hướng phát triển….. Một số lãnh tụ CS châu Á  hoàn toàn lầm lẫn khi họ say mê mà tôn thờ thuyết CS như là một chân lý…Mao Trạch Đông đã nhìn thấy rõ các điểm trên đây. Sự khác biệt giữa các phương pháp CS ở Nga và Tàu là một bằng cớ”.

4-Phần II (A)- Vị trí của VN trong khung cảnh TG vừa trình bày

Tùng Phong đưa ra 4 điểm:

1-VN là nước nhỏ kém mở mang.

2-Theo truyền thống văn hóa VN thuộc xã hội Đông Á.

3-VN thuộc khối các nước châu Á vừa thoát khỏi ách thực dân, đế quốc.

4-VN đang cần TPH để bảo vệ độc lập, phát triển kinh tế hầu xây dựng hạnh phúc cho nhân dân.

Về điểm 1- Là nước nhỏ kém mở mang nên lâm vào tình trạng: 1-Thiếu kỹ thuật, 2-Lợi tức quốc gia kém, 3-Mức sống nhân dân thấp, 4-Việc mưu sinh chiếm hết nhiều thời gian, 5-Sự sáng tác kém giá trị và không có đóng góp gì cho văn minh thế giới. Những điều này tạo nên vòng luẩn quẩn. Phải tìm cách phá bỏ vòng đó.

Về điểm 2- VN thuộc xã hội Đông Á.  Vì lý do địa lý và lịch sử nên TPH sẽ gặp trở ngại. Phải nhận rằng TPH không  làm mất bản chất dân tộc .

Về điểm 3- VN vừa thoát khỏi ách thực dân, đế quốc. Họ có hai loại. Đế quốc kiểu Anh nghĩ tới ngày trả lại độc lập cho bản xứ nên quan tâm đào tạo người thay thế. Đế quốc kiểu  Pháp, Hà Lan, Bỉ không nghĩ như thế, không làm thế. VN đã phải chịu tai họa đó. Vì vậy sau khi giành độc lập, người Việt, trừ một số rất ít đã tự học hỏi để chế ngự ngành hoạt động của mình, còn số đông là những người mang nặng các khuyết điểm như kiến thức rời rạc, kém khả năng tổng hợp, tâm lý vô trách nhiêm, chỉ quen làm tay sai, quan liêu.

Vì bị làm thuộc địa, rồi đấu tranh giành độc lập nên VN lâm vào cảnh “Lãnh đạo quốc gia bị gián đoạn”. Khi lãnh đạo QG được liên tục do chuyển giao trong hòa bình thì mới có thể gìn giữ, nối tiếp những bí mật, những truyền thống tốt đẹp, rất cần để phát triển (ý mới). “Chế độ độc tài hay quân chủ chuyên chế hoàn toàn bất lực trong việc bảo đảm một sự lãnh đạo QG liên tục”.

Về vấn đề tình trạng bị gián đoạn hoặc liên tục của lãnh đạo quốc gia, Tùng Phong đã viết khá dài những nhận định chung, tình trạng của VN và của một số nước như Anh, Nga, và đặc biệt là Nhật, Thái Lan, Trung Quốc.

Khi thay đổi đường lối lãnh đạo quốc gia (chúng ta gọi là đổi mới tư duy), Tùng Phong cho rằng   “ Người lãnh đạo (LĐ) phải thay đổi tư tưởng hay là phải thay đổi người LĐ. Kinh nghiệm chỉ ra rằng không bao giờ người LĐ thay đổi tư tưởng trong lúc đang ở trong không khí hành động, bởi một lẽ rất dễ hiểu là họ phải mất rất nhiều thì giờ nghiền ngẫm mới đi đến triết lý chính trị mà họ chủ trương…Vì vậy cho nên yêu cầu một người LĐ thay đổi tư tưởng khi đang hành động là một việc không bao giờ thực hiện được….Như vậy chỉ còn cách là thay đổi người LĐ” (trùng ý).

Bình luận. Tôi cũng từng nghĩ như Tùng Phong, không thể yêu cầu người LĐ thay đổi tư tưởng. Với mỗi người “đổi mới tư duy” là do họ, sau khi tiếp nhận những tư tưởng mới, tự biết mình đang lạc hậu, tự mình thay đổi, chứ không ai thay đổi được họ. Với tổ chức thì “đổi mới tư duy” là dùng người có tư duy mới thay cho người có tư duy cũ, không nên tin vào lời nói của một số người rằng “Tôi xin hứa sẽ đổi mới tư duy”. Tuy vậy tôi cũng nhận thấy một số trường hợp rất đặc biệt là người LĐ, do một tác động đột xuất và mạnh mẽ nào đó mà “NGỘ” ra được những sai lầm của triết lý đang theo đuổi. Phải chăng ông Trường Chinh trước ĐH 6 của ĐCSVN là một thí dụ. Thế rồi Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã triệt hạ Trần Độ và Trần Xuân Bách. Phải chăng đất nước đang gặp vận Thiên Địa-Bỉ. (ngưng BL)

Vì người LĐ quốc gia không thỏa mãn được những yêu cầu cấp thiết của cộng đồng nên đẩy xã hội đến tan rã. Đó là một trạng thái khắc nghiệt.

Về điểm 4- VN cần Tây phương hóa để phát triển dân tộc

Tùng Phong đã điểm qua sự TPH của Nhật, Nga. Về Ấn Độ, một thời gian Ghandi bài xích Tây phương, nhưng rồi họ cũng tiến hành TPH để phát triển.

Tùng Phong đi đến kết luận: “Công cuộc phát triển dân tộc chúng ta bằng cách TPH là một sự kiện lịch sử dĩ nhiên, không thể tránh được, và ngoài công cuộc phát triển ấy ra dân tộc chúng ta không còn một lối thoát thứ hai…Tất cả mọi người VN chúng ta đều phải quả quyết tin rằng chúng ta cần phải dốc hết nổ lực để thực hiện công cuộc phát triển dân tộc, bằng cách TPH xã hội chúng ta một cách toàn diện mà không do dự” . Tùng Phong còn cho rằng TPH phải toàn diện vì TPH có giới hạn nhất định sẽ thất bại.

Bình luận: Kết luận như vậy có phần cực đoan, nhất là về hình thức. Khi nói “Tây Phương” thì ngụ ý nhiều đến con người hơn là địa lý. TPH có nghĩa là học và làm theo người Tây phương. Đức Phật có dạy “Y PHÁP BẤT Y NHÂN” có nghĩa là học theo PHÁP chứ không theo NGƯỜI. Cách nói “Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa” hơi dài mà cũng chưa bao quát, phải chăng gọi ngắn gọn là “Hiện đại hóa” là tạm ổn vì trong đó bao gồm nhiều lĩnh vực. Cho rằng không có lối thoát thứ hai và TPH có giới hạn nhất định sẽ thất bại cũng là vội vàng. Mà nhấn mạnh TPH thì còn phải tìm cách tháo gỡ đặc điểm của xã hội Đông Á, có nền văn hóa đặc thù (ngưng BL).

Tùng Phong có đưa ra những lập luận để chứng minh rằng đã TPH thì phải toàn diện, ở mức đủ cao, tuy vậy những chứng minh đó chưa hoàn toàn chặt chẽ.

Tùng Phong đưa ra ví dụ về nước Nga, trước đây tuy Nga có TPH được phần nào về khoa học kỹ thuật nhưng không toàn diện nên may nhờ có dân đông mới trụ vững. Mãi sau này Nga mới hiểu được để TPH toàn diện, đặc biệt là khả năng sáng tạo. Ông viết “Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ thu nhập được kỹ thuật mới của Tây phương là đủ bảo vệ nền văn minh cũ”. Không phải như vậy mà: “Nếu chúng ta thâu nhập một kỹ thuật mới của Tây phương thì chúng ta phải thâu nhập toàn bộ kỹ thuật của họ”. Đầu tiên là khả năng sáng tạo kỹ thuật.

Tây phương hóa đến mức độ đủ cao là thiết yếu, nhưng vô cùng khó khăn,”nó đòi hỏi ở toàn dân những nổ lực lớn lao  và những hy sinh nặng nề”

Về độc lập dân tộc. Đã có nhiều hy sinh để giành độc lập, nhưng theo Tùng Phong thì: “Độc lập không phải là mục đích cuối cùng mà chỉ là một điếu kiện khẩn thiết…để có thể phát triển được dân tộc” (ý trùng). Mà phát triển dân tộc không gì hơn là TPH. Ông nhận xét rằng một số dân Việt tập hợp lại dưới cờ Cộng sản chính là vì độc lập dân tộc và đặt câu hỏi: “Khi bước sang giai đoạn phát triển dân tộc sự quy tụ dưới cờ CS có phải là một hành động lợi ích cho dân tộc không?”

Bình luận : ĐCSVN lãnh đạo toàn dân đấu tranh để được độc lập và thống nhất phải chăng là để đem học thuyết của họ áp đặt lên toàn bộ dân tộc, việc họ nói vì tự do và hạnh phúc của nhân dân chỉ là để tuyên truyền (ngưng BL).

Tùng Phong nêu vấn đề: “Nếu chúng ta phải thực hiện cuộc TPH toàn diện và đến mức độ cao thì liệu bản chất dân tộc chúng ta có tòn tại nữa không?. Và nếu sau cuộc TPH mà bản chất dân tộc bị mất thì nó có đáng để chúng ta theo đuổi…và như vậy thì chúng ta TPH để bảo vệ cái gì?.

Nêu ra như thế rồi ông sẽ lần lượt chứng minh là TPH chủ động không thể làm mất bản sắc dân tộc. Còn nếu bị ép buộc TPH thì có thể mất cả bản sắc dân tộc mà có nguy cơ mất cả độc lập.

5- Phần II (B)- Một ví dụ lịch sử

Ngày xưa các nước nằm trong đế quốc La Mã đều bị La Mã hóa trên mọi lĩnh vực, trừ tôn giáo và những phần văn hóa sáng tạo. Ngày nay các dân tộc ở châu Âu đều sống trong một nền văn minh kỹ thuật chung nhưng tất cả sáng tạo trong mọi ngành của mỗi dân tộc đều khác, văn hóa Nga Xô vẫn mang tính dân tộc Nga. Sau hơn một trăm năm TPH dân tộc Nhật vẫn giữ nguyên văn hóa của họ.

Để làm chủ được TPH phải chế ngự được khả năng sáng tạo, nó bắt nguồn từ nền văn minh với hai trụ cột cơ bản là chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức. Tùng Phong đề lên rất cao hoạt động của lý trí, nó được khởi sắc từ thời kỳ Phục Hưng. Phải dựa trên lý trí mới có thể suy luận chính xác. Ông phê phán các suy nghĩ của người Phương Đông có phần dựa vào trực giác nên dễ bị mơ hồ.

Chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức không phải chỉ trong khoa học kỹ thuật mà phải là từ mọi việc nhỏ nhặt của đời sống. TPH không phải chỉ của một nhóm người mà phải là của toàn dân tộc, do đó phải chú ý đến nông thôn, dồn vào đó sức lực cần thiết.

Mục đích của TPH là để phát triển dân tộc. Tôn giáo ảnh hưởng lớn đến phát triển dân tộc nhưng không ảnh hưởng đến TPH.

Tùng Phong viết: “Ít hay nhiều, công cuộc phát triển dân tộc sẽ diễn ra trong không khí khổ hạnh cho mọi người….Trong trường hợp như vậy cố nhiên là tín đồ của các giáo lý, thuộc loại thứ nhất, sẵn sàng tham gia một công cuộc phát triển dân tộc,” Ông đã dẫn ra và phân tích những trường hợp khác nhau của nước Nhật, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Hoa để nói lên những thuận lợi và khó khăn giữa tôn giáo và TPH.

6. Phần II (C)- Phát triển dân tộc và tôn giáo ở VN

VN chịu ảnh hưởng của Trung hoa với Tam Giáo: Nho, Lão, Phật. Đạo Phật tuy có quan tâm đến “Nhập Thế” nhằm giúp chúng sinh, nhưng chủ yếu là “Xuất Thế” để tìm sự cứu rỗi cho bản thân. Tùng Phong cho rằng: “Nhưng rồi thiểu số tín đồ Thiên Chúa Giáo sẽ đóng góp một tham gia tích cực vào công cuộc phát triển dân tộc”.

Tùng Phong nêu ra hai cơ hội phát triển dân tộc (và đã dài dòng thuyết minh thế nào là cơ hội và điều kiện).

Cơ hội thứ nhất là vào khoảng những năm 30 thế kỷ 19, lúc mà giữa các cường quốc Phương tây có mâu thuẩn lớn. Nhật Bản lợi dụng được cơ hội này, còn VN, vì các lãnh đạo đất nước tự xem là thuộc quốc của Trung Hoa nên đã bỏ lỡ và đẩy dân tộc vào đường nô lệ.

Cơ hội thứ hai là sau sự xuất hiện của Nga Xô theo chủ nghĩa Mác. Ban đầu Mác cũng hấp dẫn được các đảng CS châu Âu, họ tưởng rằng CS là một phương thuốc chữa được căn bệnh xã hội. Nhưng rồi nhiều nước Châu Âu tìm ra phương thuốc khác, hữu hiệu hơn. Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Nga Xô và Phương Tây tác động đến các nước thuộc địa. Nga giúp họ đấu tranh còn Phương Tây tìm cách trả độc lập cho họ và giúp họ phát triển. Ấn Độ đã không theo Nga. Trung quốc, tuy bề ngoài là CS nhưng có phần chống lại Nga. Việt Nam đã không lợi dụng được mâu thuẩn giữa Nga và Tây Phương để phát triển  mà lại lọt vào vòng mâu thuẩn đó.

Tùng Phong cho rằng lãnh đạo Nga Xô (và kể cả Mao Trạch Đông) chỉ xem lý thuyết CS như là một lợi khí để chiến đấu với Tây Phương. Ông dẫn câu của Mao: “Sở dĩ chúng ta nghiên cứu thuyết của Các Mác không phải vì nó tốt đẹp gì, cũng không phải nó chứa đựng một phép thần diệu để trừ ma quỷ. Nó không đẹp, cũng không thần diệu. Nó chỉ ích lợi, ”.(ý mới). Thế mà lãnh đạo CS Bắc Việt lại tôn lên thành giáo lý, họ say mê thuyết CS, cho rằng nó là chân lý tuyệt đối (trùng ý).

Tùng Phong nhận xét: “Đưa một phương tiện chiến đấu của người ta làm chân lý của mình là mặc nhiên hạ mình xuống thấp hơn một bậc đối với các lãnh tụ CS quốc tế và tự biến mình thành nô lệ tri thức cho người sử dụng. Vì vậy cho nên trong những hành động chính trị của các nhà lãnh đạo phía Bắc lý thuyết CS được để lên trên quyền lợi của dân tộc….Do các lý lẽ trên đây có thể quả quyết rằng các nhà lãnh đạo phương Bắc vẫn chưa nhận thức nguy cơ đang đe dọa dân tộc, và những ngày đen tối của chúng ta vẫn còn tiếp tục”

Và rồi cơ hội thứ hai cũng sẽ bị bỏ qua.

Bình luận: Kết thúc đại chiến 2 là một cơ hội lớn. Hồ Chí Minh và Việt Minh đã lợi dụng được cơ hội này, nhưng chủ yếu là để giành chính quyền cho CS chứ không phải vì lợi ích  cho sự phát triển lâu dài của dân tộc. Liên Xô sụp đổ cũng là một cơ hội, nhưng Trần Độ, Trần Xuân Bách, những người muốn từ bỏ CS đã bị Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười nhanh chóng loại bỏ. Phải chăng số mệnh của dân tộc xui ra như thế, vận nước còn trong thời bỉ cực.

7. Phần II (D)- Chỉnh đốn nội bộ

Đó là nội bộ của hai bên kình địch nhau là Phương Tây và Nga Xô. Với Phương Tây, họ phát hiện ra rằng mâu thuẩn giữa các nước làm họ bị suy yếu trong việc chống CS, vì thể họ đã tìm cách thỏa hiệp để tạo ra Liên minh châu Âu. Nga Xô phải đồng thời xử lý hai mối quan hệ, với Tây Phương và với các nước theo CS. Dân chúng càng ngày càng tỏ ra thích Tây Phương, lãnh đạo đề ra đường lối “Chung sống hòa bình” để ve vãn.

Bình luận: Vào năm 1962 Tùng Phong chưa có được dự đoán việc Liên Xô sẽ tan rã, chỉ mãi sau này Brzezinski mới dự đoán được chuyện đó.

8. Phần III (A)- Điều kiện nội bộ

Phần này trình bày về nội bộ của Việt Nam và quan hệ với các nước Đông Á.

Với Trung quốc và các nước, Tùng Phong nhận định (trích từng đoạn ghép lai): “Suốt gần một ngàn năm lịch sử Trung Hoa lúc nào cũng muốn xâm chiếm VN, lấy lại phần đất mà họ coi như bị tạm mất….Ngay bây giờ ý định củaTrung Cộng vẫn là muốn thôn tính, nếu không phải toàn bộ VN thì ít ra cũng là Bắc phần….Họa xâm lăng đe dọa chúng ta đến nỗi, trong suốt ngàn năm lịch sử từ ngày lập quốc, trở thành một ám ảnh cho tất cả lãnh đạo của chúng ta. Và do đó mà lịch sử ngoại giao của chúng ta lúc nào cũng bị chi phối bởi tâm lý thuộc quốc… Vì vậy cho nên chống ngoại xâm là một yếu tố quan trọng trong chính trị của VN”…..Để chống xâm lăng chúng ta có những biện pháp quân sự và ngoại giao. Nhưng hơn cả, về phương diện hữu hiệu và chủ động là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, phát huy ý thức quốc gia và dân tộc, mở rộng khuôn khổ giới lãnh đạo để cho vấn đề lãnh đạo quóc gia được nhiều người thấu triệt…. Đương nhiên một chính thể chuyên chế và độc tài không làm sao đủ điều kiện bảo vệ Quốc gia chống ngoại xâm được. Bởi vì bản chất của nó là tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập trong tâm não của mọi người, để biến mỗi người thành một cái máy hoàn toàn không có ý chí, dễ điều khiển, dễ đặt để và dễ sử dụng. Bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là giữ độc quyền lãnh đạo quốc gia cho một hay một số rất ít người, để cho sự thấu triệt các vấn đề căn bản của Quốc gia trở thành, trong tay họ, những lợi khí sắc bén, để củng cố địa vị của người cầm quyền….Một chính thể chuyên chế hay độc tài là một lợi khí cho kẻ ngọai xâm”.

Bình luận: Nhiều người Việt rất lo ngại hiểm họa bị Trung Cộng xâm chiếm. Tùng Phong thấy rõ hiểm họa đó và nhiều lần viết trong sách này. Thế nhưng nhiều lãnh đạo CS không thấy mà còn đàn áp những người con ưu tú của dân tộc khi thể hiện thái độ chống dã tâm của Trung Cộng. Về chuyên chế và độc tài, ông phản đối nó, nhưng có nhiều thông tin cho rằng chính thể của ông là “Gia đình trị”, chuyên chế, độc tài. Không biết sự thật đến đâu. Về tự do, ông quan tâm đến tự do của nhân dân, tự do cho mọi người. Hồ Chí Minh nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhưng chủ yếu là cho Quốc gia. Mà tự do cho Quốc gia phải chăng là tự do cho những người lãnh đạo. Câu “Một chính thể chuyên chế hay độc tài là một lợi khí cho kẻ ngoại xâm” là một ý mới (ngưng BL).

VN có lịch sử Nam tiến, ngoài ý đồ mở mang bờ cõi thì cũng vì áp lực của Trung Hoa. Tùng Phong viết: “Nếu, đối với Trung Hoa chúng ta là thuộc quốc thì đối với các nước chung quanh, chúng ta lại muốn họ là thuộc quốc….” Rồi ông kể lại tương đối chi tiết các giai đoạn của việc Nam tiến và kể ra các hậu quả (mà nhiều người đã biết).

9-Phần III (B)- Cơ sở hạ tầng vô tổ chức

Đó là sự kém tổ chức ở nông thôn dưới Triều Nguyễn, đặc biệt là các làng xã ở phia Nam, từ Thừa Thiên trở vào dân cư sống rải rác. Đúng ra dân cư phải sống tập trung. Sự tản mát của làng gây tai hại về quốc phòng, nhân sinh, xã hội, văn hóa, kinh tế (ý mới).

Sự đô hộ của Pháp đã gây ra ba thảm họa. Một là Tây Phương Hóa bắt buộc. Bị bắt buộc vì dân chúng không muốn, không có kế hoạch, không được hướng dẫn. Vì bị bắt buộc nên lợi ít hại nhiều. Hai là xã hội bị tan rã, giá trị tiêu chuẩn cũ đã mất mà giá trị tiêu chuẩn mới không có, xã hội không còn biết tin vào cái gì, tin vào ai. Ba là sự gián đoạn trong lãnh đạo quốc gia. Tùng Phong viết: “Quan niệm quét sạch tàn tích trước để xây dựng tương lai là rất ấu trỉ của quần chúng không được huấn luyện về văn hóa. Không người lãnh đạo có lương tri nào, kể cả những người cách mạng cuồng nhiệt nhất có quyền nuôi một ý tưởng như vậy. Bởi vì không có hành động nào có hại cho một dân tộc bằng hành động quét sạch tàn tích trước để xây dựng tương lai (trùng  ý, ngưng BL)

Rồi chuyện phân chia lãnh thổ. Đó là một trở lực lớn của phát triển. Dân cả hai miền đều cảm nhận sự phân chia này như là một phần của tổ tiên bị cưỡng đoạt. Họ đều có mong ước được thống nhất. Phân chia lần này khác với phân chia Trịnh Nguyễn về mục đích cũng như đường lối về quản trị và phát triển xã hội. Tùng Phông nhận đinh: “Một sự thống nhất không thể nào thực hiện được mà không mang đến những trạng huống đau khổ cho toàn dân, bởi vì một sự thống nhất như vậy sẽ tạo ra một số người thất cước là phân nửa dân tộc trong một thế hệ” (Thất cước : mất chân).

Về nguyên nhân của sự phân chia, Tùng Phong viết: “Từ chính sách thuộc địa thiển cận của Pháp và sự không thấu triệt vấn đề của một số nhà lãnh đạo của chúng ta, chẳng những tạo ra một cuộc tranh giành độc lập vô cùng tiêu hao, lại còn dẫn đến tình trạng phân chia ngày nay, một trở lực vô cùng tai hại cho công cuộc phát triển dân tộc”.

Sự không thấu triệt ở chỗ không biết lợi dụng mâu thuẩn của khối Cộng sản và Tây Phương để đưa VN ra khỏi vòng ảnh hưởng của hai khối. (trùng ý).

Vấn đề quan trọng là phát triển. Vậy phải thống nhất trước rồi phát triển sau hay là hai miền cứ phát triển rồi thống nhất sau.

Để thống nhất trước thì sẽ tiêu hao nhiều sinh lực của dân tộc đáng lẽ để phát triển. Nếu thống nhất do Bắc Việt thực hiện thì không tránh khỏi sự chi phối của Trung Cộng và rồi họ sẽ thực hiện được dã tâm. Nếu thống nhất do Nam Việt thực hiện thì cũng bị Tây Phương chi phối.

Khi hai miền đều phát triển trong hòa bình, đến lúc phát triển đủ cao thì sẽ thống nhất. Phương án này cũng gặp trở ngại là hai miền sẽ phát triển theo ý thức hệ khác nhau. Tuy vậy có nhiều khả năng khắc phục được vì VN theo sát Nga Xô mà khi Nga Xô phát triển cao thì quan niệm về CS của họ sẽ thay đổi để gần với văn minh nhân loại.

10-Phần III (C)- Vai trò của Miền Nam

Tuy đầu đề như thế nhưng nội dung chỉ có một đoạn đầu nói về vai trò của Miền Nam. Đó là trong khi Miền Bắc chịu áp lực của Trung Cộng thì còn có Miền Nam. Tùng Phong viết: “Các nhà lãnh đạo miền Bắc khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi phát triển của chúng ta mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc….Giả sử Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính thì sự Trung Cộng thôn tính VN chỉ là một vấn đề thời gian. Trong hoàn cảnh hiện nay, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng vừa đảm bảo một lối thoát cho các nhà lãnh đạo CS, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Xô”.

Tiếp theo Tùng Phong trình bày vài ý kiến về vốn nhân lực, về khuôn khổ chính trị của miền Nam. Rồi ông đi sâu phân tích về phương pháp độc tài đảng trị của CS. Sau khi trình bày, đánh giá phương pháp ông nhận xét về Nga Xô, nước này đã TPH theo phương pháp độc tài đảng trị, tuy có đạt một số thành tích, nhưng không thể bảo đảm được sự thành công của việc phát triển dân tộc toàn diện.

Tùng Phong trình bày tiếp về vấn đề “Thăng bằng động tiến” (Giữ cân bằng trong phát triển, trong hoạt động). Đây là vấn đề nặng về lý thuyết. Rồi ông phân tich các nhược điểm của miền Nam ảnh hưởng đến sự phát triển như là dân số ít, người dân thiếu tính khí (ý chí, bản lĩnh), vô tổ chức. Ông trình bày tiếp về tổ chức quần chúng và tổ chức chính trị, cách tổ chức và sự hoạt động, vai trò của các tổ chức đó trong xã hội. Đoạn cuối ông trình bày về vốn tài nguyên, về nhu cầu dài hạn của tập thể, về đóng góp trang bị kỹ nghệ.

Bình luận: Phần này Tùng Phong viết quá lan man.

11. Phần III (D)- Đường lối phát triển

Mỗi quốc gia có đường lối phát triển riêng, không giống nhau. Tùng Phong viết: “Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo là tìm cho được các yếu tố quy định đường lối phát triển thích nghi với dân tôc….Chủ trương một đường lối phát triển riêng cho dân tộc không có nghĩa là phủ nhận những kinh nghiệm của các quốc gia đã đi trước và phủ nhận những điều tương đồng trong công cuộc phát triển của các quốc gia. Trái lại chỉ có sự nghiên cứu các kinh nghiệm phát triển, ở mọi nơi, mới tạo đủ điều kiện cho các nhà lãnh đạo…”

Đầu tiên ông đưa ra mục tiêu về kinh tế, cho rằng: “Mục tiêu càng cao sự đóng góp của nhân dân càng nặng, thời gian càng ngắn sự gian nan của nhân dân càng sâu đậm”. Rồi ông dẫn ra trường hợp Trung Cộng. Họ đã lợi dụng được mâu thuẩn giữa Phương Tây và Nga Xô để phát triển, nhưng vì mộng xâm lăng và những sai lầm mà họ đã đẩy nhân dân vào những thảm họa.

Trường hợp VN. Tùng Phong cho rằng VN không gặp những khắc nghiệt như Trung quốc, nếu biết lợi dụng mâu thuẩn giữa Nga Xô và Phương Tây thì trong 20 năm vừa qua đã có được sự phát triển đáng kể.

Lãnh đạo VN vẫn không thoát khỏi tâm lý thuộc quốc. Đã có điều kiện thuận lợi để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa, đặc biệt là văn hóa, nhưng, theo Tùng Phong thì “Các nhà lãnh đạo CS Bắc Việt không tỏ ra ý thức tính cách quan trọng của cơ hội này….Từ hai mươi năm nay cơ hội phát triển đã đến với chúng ta, nhưng chúng ta chưa nắm được. Từ mười năm nay Bắc Việt chưa thực hiện được những mục tiêu phát triển đáng kể. Các thực hiện phát triển của Nam Việt đều bị du kích quân của Bắc Việt phá hoại…. Như thế thì, các nhà lãnh đạo của chúng ta có phải đã đi đúng hướng hay không”.

Bình luận: Tùng Phong cho rằng VN không gặp những khắc nghiệt như Trung quốc. Không gặp khắc nghiệt này thì lại gặp thứ khác khắc nghiệt hơn. Đó là trong khi Nga Xô và Trung Cộng xem CS chỉ là lý thuyết để đấu tranh thì lãnh đạo CS Bắc Việt xem nó là chân lý và tôn thờ như một Giáo lý.

12. Phần IV (A)- Một lập trường thích hợp với các nhận xét trên

Biết được thực trạng và nguyên nhân rồi, nhưng để giải quyết vấn đề còn nhiều chuyện phức tạp. Trước hết là “Vấn đề lãnh đạo". Một bên theo thể chế dân chủ, pháp quyền, bên kia theo thể chế độc quyền đảng trị.

Bên dân chủ theo phương châm “thăng bằng động tiến”. Khi sự thăng bằng này bị phá vở  đòi hỏi một sự lãnh đạo phi thường để tái lập. Nước Anh và Mỹ là những quốc gia điển hình, nhờ một sự lãnh đạo sáng suốt đã chiến thắng được những khuynh đảo phát sinh từ nội bộ cũng như từ ngoài đưa vào.

Tùng Phong đã phân tích tình hình lịch sử các nước Đức, Pháp, Nga, Nhật về việc xử lý khi sự thăng bằng bị phá vở. Với VN, Tùng Phong viết: “Trong trường hợp VN không thể đặt vấn đề quan niệm lãnh đạo và chính thể mà không đề cập đến vấn đề CS được, vì chính là nhân danh quan niệm lãnh đạo CS mà cuộc tương tàn đã diễn ra trên mãnh đất này…”

Tiếp đến Tùng Phong trình bày khá dài về Thuyết CS. Nó được phát sinh như thế nào, đã biến thành lợi khí của nước Nga, đã nhập cảng vào châu Á và VN. Rồi ông bàn về tác dụng của lý thuyết CS. Ông viết: “Chính là điều kiện gian lao của cuộc chiến giành độc lập đã đưa một số nhà lãnh đạo các quốc gia Á châu bị tây phương chinh phục đến chỗ đồng minh với CS….Tuy nhiên cũng đã có nhiều người sáng suốt nhìn thấy….những căn bản giả tạo của thuyết CS để từ chối đồng minh với Nga Xô…Chính là sự đồng minh với CS của một số lãnh đạo của chúng ta đã làm cho công cuộc giành độc lập trở thành vô cùng tiêu hao sinh lực của dân tộc (trùng ý).

Đại diện cho phương pháp CS là Nga Xô, nhưng họ đang tiếp tục một sự thăng bằng giả tạo. Xã hội Tây phương là hình thức xã hội thích nghi với thực tế, Nhật Bản ngày nay là một chứng cứ hùng biện.

Lý thuyết CS có nhiều phản tác dụng. Tùng Phong viết: “Mục đích cuối cùng của mọi cuộc tranh đấu là vì quyền lợi của dân tộc….Sự quy phục thuyết CS sẽ đương nhiên biến sự đe dọa, thống trị của nước Tàu đối với VN thành thực tế….Chỉ nghĩ đến cái viễn ảnh ngàn năm lệ thuộc Trung Cộng mà các nhà lãnh đạo CS Miền Bắc đang sửa soạn cho dân tộc chúng ta phải khiếp đảm, thoáng nhìn vận mệnh cực kỳ đen tối cho các thế hệ tương lai”.

Cộng sản đang tạm thời hoành hành ở châu Á nhưng đã bắt đầu suy nhược ở Tây phương

13. Phần IV (B)- Tư tưởng, phương pháp và hình thức

Loại trừ CS có nghĩa là loại trừ tư tưởng, phương pháp và hình thức của nó ra ngoài mọi lĩnh vực đời sống.

Quan trọng bậc nhất là bộ máy lãnh đạo, Tùng Phong viết: “Thừa hưởng văn minh cổ Hy Lạp và La Mã, sau hơn một ngàn năm kinh nghiệm với các vấn đề lãnh đạo, đức tính chính xác về lý trí, minh bạch ngăn nắp trong tổ chức của Tây phương đã góp vào di sản văn minh nhân loại một hình thức của bộ máy lãnh đạo, hình thức Dân chủ pháp quyền có nhiều khả năng duy trì và phát triển trạng thái thăng bằng động tiến của cộng đồng”

Theo Tùng Phong thì bộ máy lãnh đạo phải bảo đảm: 1-Sự liên tục lãnh đạo quốc gia. 2-Sự chuyển quyền hòa bình. 3- Sự thay đổi người lãnh đạo. 4- Nguyên tắc thăng bằng động tiến.

Ngoài ra còn phải bảo đảm: 5- Sự lãnh đạo quốc gia mở rộng, đào tạo nhiều người lãnh đạo 6- Sự kiểm soát người cầm quyền 7- Sự hữu hiệu của chính quyền.

Sự liên tục đạt được với ba điều: Một là đổi mới người lãnh đạo lúc cần và cả lúc bình thường, miễn là không tạo ra hỗn loạn. Hai là sự chuyển quyền được diễn ra bình thường. Ba là hình thức tổ chức tượng trưng cho liên tục lãnh đạo quốc gia vừa thể hiện trong thực tế. Để thỏa mãn điều thứ ba, các nước dùng nhiều hình thức khác nhau, nhưng chung quy về bốn loại: Ở Pháp Quốc trưởng là Tổng thống, ở Mỹ cao nhất là Pháp viện tối cao, ở Nga là Đảng CS, ở các nước quân chủ là Vua và Hoàng gia ( như Anh, Nhật…). Trong các loại thì hình thức Đảng CS là kém hơn cả.

Theo Tùng Phong, với VN, trong bốn hình thức trên chúng ta không áp dụng được hình thức nào cho có hiệu quả. Ông đề nghị: “Chúng ta có thể đặt ra một Thượng Hội Đồng Quốc Gia gồm những người có công với Tổ quốc và thấu triệt các vấn đề lãnh đạo quốc gia….. Thượng Hội đồng sẽ bầu ra một Quốc trưởng ở trong hay ngoài hàng ngũ của mình….Điều kiện thay đổi người lãnh đạo được thực hiện bằng cách giao quyền hành pháp cho một Thủ tướng, chọn trong những người lãnh đạo của hai đảng chính trị”. Thủ tướng do Quốc trưởng bổ nhiêm” (trùng ý).

Hai yếu tố chính trong trạng thái thăng bằng động tiến là quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể. Tùng Phong viết: “Hai đảng chính trị đặt cho mình, một bên, mục đích là bảo vệ quyền lợi tập thể, bên kia bảo vệ quyền lợi cá nhân. Hai đảng thay nhau lãnh đạo Quốc gia dưới sự kiểm soát tương phản. Các nhà lãnh đạo hai đảng thay nhau nắm quyền hành pháp. Đảng cầm quyền đương nhiên được Quốc gia cung cấp chi phí hoạt động. Đảng đối lập cũng được Quốc gia cung cấp phương tiện hoạt động. Đại diện của hai đảng thi hành nhiệm vụ của mình ở Nghị trường, chủ yếu là lập pháp và kiểm soát hành pháp…. Nhiệm vụ lập pháp phải giao cho một tổ chức lập pháp chuyên môn, gồm những nhà luật học về Hiến pháp và Luật pháp. Tổ chức nghị trường có thể đề nghị dự án luật, phản đối hay chấp nhận dự án luật (ý mới về mục đích  của hai đảng, trùng ý về việc làm luật).

Sự kiểm soát trong nội bộ bằng phê bình và tự phê bình không thể nào chu đáo được .         ( trùng ý)

Bình luận: Tiếc cho Tùng Phong chưa biết đến bộ máy lãnh đạo gồm Đảng, Chính quyền, Mặt trận. Nếu biết thì không khéo ông bị loạn trí mà không nghĩ ra được Thượng Hội đồng Quốc gia. Chao ôi! Một bộ máy nặng nề, kém hiệu quả, lãng phí như vậy mà người ta vẫn duy trì, vẫn xưng tụng thì không biết trí tuệ của họ nằm ở đâu. Đảng cầm quyền chủ yếu chỉ trong Hành pháp, tư pháp phải hoàn toàn độc lập, còn đảng cầm quyền tham gia Lập pháp đến đâu còn tùy tương quan trong Quốc hội (hết BL).

Tùng Phong trình bày về “Kỷ luật quốc gia”. Nó rất cần thiết. Nhân sự trong các cơ quan chính quyền phải có trách nhiệm, có đủ khả năng. Kỷ luật với nhân dân có hai loại là tự giác và cưỡng bách được ở trong trạng thái thăng bằng đồng tiến. Độc tài của CS là dạng thăng bằng chết. Phải làm sao tăng được tự giác thì mới có khả năng làm chủ vận mạng.

Tiếp đến Tùng Phong bàn về Bộ máy quần chúng [đã có bàn qua ở Phần III (C)]. Ông viết: “Xã hội chúng ta ngày nay, sau thời Pháp thuộc, bị tan rã. Các tín hiệu tập hợp không còn. Các nhà lãnh đạo, để quy tụ quần chúng, hoặc khai thác mê tín, ở đâu cũng có, của quần chúng, hoặc áp dụng một chính sách độc tài cưỡng bách. Khai thác mê tín sẽ dẫn dắt đến một ngõ không lối thoát”.

Bình luận: Tùng Phong đã không biết đến, một thời kỳ (1945-1954) dân Việt theo CS đã tập hợp rất mạnh dưới ngọn cờ của Hồ Chí Minh với khẩu hiệu Yêu nước, đấu tranh cho Độc lập. Chỉ đến khi làm cải cách ruộng đất trở đi thì xã hội mới bị tan rã trở lại. Nhưng nếu cho rằng thuyết CS là một thứ mê tín thì hiện nay CS đang sử dụng thứ mê tín đó kết hợp với độc tài cưỡng bách (ngưng BL).

Thời thuộc Pháp xã hội chúng ta chủ yếu là vô tổ chức. Tùng Phong đưa ra thí dụ về tác hại do trình độ vô tổ chức đem lại. Tiếp đến ông trình bày khá dài về : + Tác dụng của tổ chức quần chúng (mà ngày nay thường gọi là Tổ chức xã hội dân sự). + Làm như thế nào để có tổ chức quần chúng. + Tổ chức quần chúng và tổ chức chính trị. + Các tổ chức quần chúng nông dân và công nhân. + Giáo dục quần chúng. + Nghiệp đoàn Tây Phương.

Chế độ CS và chế độ Dân chủ đều cần các tổ chức quần chúng. Nhưng hai chế độ có mục đích khác nhau. CS nhằm đưa cá nhân vào khuôn phép, Dân chủ nhằm phát huy vai trò cá nhân.

Thường hay có sự nhầm lẫn giữa tổ chức chính trị và tổ chức quần chúng, đặc biệt CS thường lợi dụng tổ chức quần chúng để làm chính trị. Trong chế độ dân chủ pháp quyền vai trò của hai loại tổ chức được phân biệt rõ ràng.

Ở Tây Phương các Nghiệp đoàn nguyên là các phường nghề nghiệp và ngày nay tổ chức nghiệp đoàn là một yếu tố quân bình quan trọng trong bộ máy quốc gia.

14-Phần IV (C)- Nghiệp đoàn VN

Ở VN hiện nay nghiệp đoàn công nhân là một cái vốn tổ chức quần chúng rất quý. Nó có tổ chức quy củ, bén rễ sâu vào quần chúng. Những kinh nghiệm lãnh đạo về tổ chức và hoạt động của cán bộ là rất quý để phát triển các tổ chức quần chúng trong tương lai. Tuy vậy nó chưa giữ được vai trò quan trọng như ở Tây phương. Khi đã TPH thì nghiệp đoàn sẽ trở nên quan trọng hơn.

Với chúng ta tổ chức quần chúng ở nông thôn rất quan trọng, nhưng nông dân kém có tinh thần tập thể, cho nên cần tổ chức họ lại trong những xóm làng tập trung, tổ chức đời sống trù mật cho nhân dân. Hình thức tổ chức quần chung nông dân là hình thức của Hợp tác xã sơ đẳng với nhiệm vụ huy động nông dân thực hiện những công tác có lợi cho toàn thể. Đối với thị trường nông phẩm, một sự bảo vệ có hiệu quả chỉ có thể  thực hiện được bằng những biện pháp kinh tế, tiêu thụ đúng lúc, bài trừ nạn cho vay nặng lãi.

Tùng Phong viết: “Trong một chế độ dân chủ pháp quyền, trách nhiệm tổ chức, điều khiển và quản trị của các tổ chức quần chúng phải thuộc về sáng kiến tư nhân….Nếu nguyên tắc này không được tôn trọng thì hậu quả sẽ là sự thất bại trong công cuộc tổ chức quần chúng

Về  lĩnh vực kinh tế, Tùng Phong viết: “Chúng ta sẽ không nêu lên và bênh vực một thuyết kinh tế nào hết….Chúng ta phải TPH trong lĩnh vực kinh tế….Trước hết chúng ta cần tìm hiểu những nguyên tắc ngự trị các hệ thống kinh tế tây phương. Sau đó tìm hiểu những điều kiện của hoàn cảnh lịch sử của chúng ta đòi hỏi, trong lĩnh vực kinh tế, và sau cùng xây dựng một hệ thống kinh tế vừa tôn trọng các nguyên tắc, vừa thỏa mãn các điều kiện địa phương của chúng ta. Trước hết chúng ta chủ trương một thái độ chính trị đặt trên căn bản về trạng thái thăng bằng đồng tiến giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể. Thái độ kinh tế phải thích nghi với thái độ chính trị và làm hậu thuẩn cho nó.”

Quyền sở hữu là bảo đảm hữu hiệu và cụ thể cho tự do cá nhân, nó phải được tôn trọng tuyệt đối.

Tùng Phong bàn sơ qua về cải cách điền địa, về sự tập trung công nghệ rồi bàn về các đơn vị kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp đơn vị kính tế là hộ gia đình. Trong sản xuất công nghiệp hiện đại đơn vị kinh tế có thể là từng vùng. Dù như thế nào thì cũng phải tuyệt đối tôn trọng quyền sở hữu để bảo đảm qyền lợi và tự do của cá nhân, đồng thời phải giới hạn bằng luật pháp và thuế để bảo đảm công bằng xã hội và quyền lợi tập thể.

Về kinh tế chỉ huy. Nền kinh tế phải đảm bảo một số việc. Trước hết là sự kiểm soát của tập thể đối với các lực lượng sản xuất to tát và hùng hậu, bảo đảm trạng thái thăng bằng giữa quyền lợi tập thể và cá nhân. Kỹ nghệ quốc phòng, các kỹ nghệ có lợi ích công cộng phải đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của chính phủ. Thứ hai là sự phân phối phải bảo đảm công bằng, do tập thể đảm nhiệm và qua trung gian các cơ quan an ninh xã hội.

Trong tiến trình công nghiệp hóa càng cần có sự chỉ huy về kế hoạch huy động vốn, về thứ tự ưu tiên.

Tính chất và giới hạn của sự chỉ huy. Trước hết không được độc tài vì như thế chỉ mang đến tai họa cho dân tộc. Tùng Phong viết: “Sự chỉ huy kinh tế của chúng ta sẽ ở trong giới hạn lập các kế hoạch phát triển kinh tế, phân loại các khu vực cần được quốc hữu hóa, tạo hoàn cảnh thuận lợi, trang bị và kiểm soát. Công việc điều khiển và khuếch trương các doanh nghiệp không quốc hữu hóa phải được giao hoàn toàn cho sáng kiến, kỹ thuật và tư bản của tư nhân….Chính vì thế  mà thực hiện được sự thăng bằng đồng tiến”.

Về lĩnh vực văn hóa. Nếu Tây phương hóa một cách bị cưỡng ép thì dễ gặp phải  sự xung đột về văn hóa. Còn khi TPH chủ động, có hướng dẫn thì có thể tránh được. TPH gồm hai giai đoạn : hấp thụ cái của họ và sáng tạo cái của mình.

Theo Tùng Phong: “Kỹ thuật tây phương tự nó là một ý thức rất bao quát và phong phú, việc hấp thụ nó là một công cuộc to lớn và khó khăn….phải được liên tục ....và phổ biến ra quần chúng”

Về chuyển ngữ. Để TPH cần giỏi ngoại ngữ, nhưng việc này chỉ có thể cho một số ít. Với đại đa số vẫn phải dùng tiếng Việt. Như vậy công cuộc phiên dịch các tài liệu ngoại quốc sang  tiếng Việt là một nhân tố quan trọng. Ngoại ngữ được dạy chủ yếu trong nhà trường nên là tiếng Anh.
Tây phương hóa không được dừng lại ở mức hấp thụ mà phải sáng tạo. Sự sáng tạo của Tây phương là nhờ làm chủ được hai đức tính quý báu. Một là chính xác về lý trí, hai là ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức. Như vậy nếu chúng ta muốn TPH thì trước tiên phải rèn luyên hai đức tính đó. Tùng Phong viết: “Kỹ thuật của Tây Phương ngày nay là kết quả một công cuộc rèn luyện kiên nhẫn của không biết bao nhiêu triệu người, trải qua không biết bao nhiêu thế hệ. Và nếp sống hàng ngày cùng với ngôn ngữ là những lợi khí sắc bén và duy nhất có thể giúp chúng ta rèn luyên hai đức tính trên”.

Về ngôn ngữ, ông  nêu “Vấn đề chỉnh đốn Việt ngữ” và viết: “Trong giai đoạn chế ngự kỹ thuật tây phương, một ngôn ngữ có khả năng của một công cụ suy luận tinh vi, mới thiết yếu hơn. Như vậy thì việc chỉnh đốn Việt ngữ có thể xem là một việc không cấp bách chăng?. Chắc là không. Bởi vì một ngôn ngữ chỉnh đốn xem như là một công cụ suy luận tinh vi, có thể thiết yếu nhiều hơn trong giai đoạn thứ hai của cuộc thâu nhập kỹ thuật tây phương. Nhưng điều mà chúng ta đòi hỏi nhiều nhất ở một ngôn ngữ chỉnh đốn là cái ảnh hưởng của nó đối với sự rèn luyện sự chính xác về lý trí”.

Theo Tùng Phong, Việt ngữ nghèo không thành vấn đề, bởi vì nếu chúng ta thiếu chữ để diễn tả một ý mới thì chúng ta đặt chữ mới (trùng ý). Tuy nhiên quy tắc đặt chữ mới mà ngôn ngữ nhiều nước có thì chúng ta chưa có. Nhưng đây là vấn đề làm giàu ngôn ngữ chứ chưa phải là chỉnh đốn.

Tùng Phong cho rằng viết văn có hai dạng là Khiêu ý và Kiến tạo (ý mới). Văn khiêu ý xuất phát chủ yếu từ trực cảm, thể hiện bằng mô tả, thường dùng để làm thơ, viết truyện, nó được mỗi người hiểu, cảm nhận theo cách của mình. Văn kiến tạo (tôi sửa lại, nguyên bản là Văn Kiến trúc) để diễn tả những vấn đề của lý trí (văn Nghị luận, Văn Khoa học), nó mới làm cho mọi người hiểu giống nhau. Ông phê phán các sách Ngữ pháp tiếng Việt, rồi đưa ra những đề nghị, làm thế nào để “Kiến tạo hóa”.

15-Phần IV (D)- Việt ngữ và Hoa ngữ

Hoa ngữ ghi theo ý, tượng hình, gây khó khăn cho người Trung quốc. Việt ngữ được La tinh hóa, ghi theo âm, là một bước của Tây phương hóa, là một ưu thế đối với Hoa ngữ, là một thuận lợi để văn hóa Việt không còn lệ thuộc văn hóa Tàu. Tuy vậy chúng ta không phủ nhận những kiến thức uyên thâm của văn hóa Tàu mà nhiều người Việt đã đạt được.

Một điều cũng rất quan trọng là “Tính khi” (tính cách). Tính khí của cá nhân thiết yếu cho cộng đồng hơn cả thông minh của trí óc (trùng ý). Vì chịu nhiều đảo lộn về giá trị nên tính khí dân tộc bị suy đồi, làm xã hội bị tan rã. Như vậy việc đào luyện tính khí cho cộng đồng phải bắt đầu bằng sự nêu lên các giá trị làm nền tảng cho đời sống. Tùng Phong trình bày một số vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn giá trị và thực luyện tính khí. Có thể ông biết đây là vấn đề quan trọng, nhưng có lẽ vì ông nghiên cứu chưa được sâu nên chỉ trình bày một cách sơ lược.

Tiếp theo và cuối cùng Tùng Phong viết về vấn đề giáo dục quần chúng: “Sự giáo dục quần chúng, mặc dầu rất cần cho sự thực hiện trạng thái thăng bằng đồng tiến giữa quyền lợi cộng đồng và quyền lợi cá nhân, vẫn không khẩn thiết như thời kỳ mà cộng đồng trải qua cơn khủng hoảng. Ngày nay dân tộc Việt đang trải qua thời kỳ khủng hoảng trầm trọng… cho đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được….Trong những khủng hoảng trước đây cộng đồng chúng ta bị những sức mạnh vật chất tàn phá….Trong khủng hoảng này, ngoài những lực lượng vật chất tàn phá không kém gì những lần trước, thêm vào những lực lượng tinh thần ghê gớm hơn mười lần đã tấn công và đánh phá đến tận gốc rễ tất cả các tiêu chuẩn giá trị của xã hội VN… Cho đến khi nào chúng ta lập lại được các tiêu chuẩn giá trị, lúc bấy giờ cơn khủng hoảng mới hết”.

Một sự giáo dục quần chúng có quy củ phải lấy sự tổ chức quần chúng làm điều kiện tiên quyết.

Bình luận: Tùng Phong đã rất đúng khi cho rằng tính khí quan trọng hơn trí thông minh, nhưng hình như ông chưa biết rõ tính khí của mỗi người được hình thành một phần từ tiên thiên (trước khi sinh ra) và một phần từ hậu thiên (sau khi sinh ra) mà phần hậu thiên cơ bản nhất là sự giáo dục trẻ từ lúc còn rất bé, trước tuổi đi học phổ thông. Ông cũng đã nhận xét đúng khi cho rằng tiêu chuẩn giá trị (giá trị vật chất, giá trị tinh thần, đạo đức) có tính quyết định đến cách hành xử của xã hội và của từng cá nhân. Khi xã hội bị khủng hoảng thì nhiều tiêu chuẩn giá trị bị đảo ngược. Vậy khủng hoảng của xã hội hiện nay bao gồm những vấn đề gì, chưa có nghiên cứu, đánh giá, có lẽ gồm các vấn đề sau: Với toàn xã hội là sự dối trá và chạy theo đồng tiền, từ chính quyền là sự áp chế tạo ra dân oan, sự đàn áp người bất đồng chính kiến và phản biện, từ phía người dân là lo sợ và cam chịu bị lừa dối.

16. Kết luận- Trụ mà không trụ

Trụ là kiên định việc đã lựa chọn. Không trụ là từ bỏ việc đang làm. Đó là lời dạy của Phật. Tùng Phong giải thích: “Thâm ý của lời dạy trên bao trùm khắp vũ trụ. Sự tiến hóa của nhân loại đều căn cứ trên nguyên tăc nằm trong lời dạy trên. Có trụ mới có vị trí để mà tiến. Nhưng khi đã mất tác dụng mà vẫn cố bám để trụ vào đó thì mọi tiến hóa lại chấm dứt và những kết quả đã thu được có thể bị mất. Phải trụ cho đúng lúc thì mới tiến được, và phải không trụ cho đúng lúc thì mới bảo đảm được những thắng lợi đã chiếm, vừa có đường tiến cho tương lai”. Ông đưa ra các dẫn chứng về những cộng đồng đã biết trụ, nhưng rồi bị kìm hãm vì cố mà trụ khi cần thay đổi, ông cho rằng Khổng Tử đã biết trụ và không trụ, rằng ban đầu Vật lý quang học đã trụ vào thuyết truyền thẳng của ánh sáng, sau đã đề ra thuyết sóng. Rồi không trụ vào thuyết sóng nữa mà đề ra thuyết “Xạ tử ba động” (Các hạt ly tử chuyển động theo lán sóng).

“Trụ mà không trụ” là một chân lý phát triển. Theo Tùng Phong, hiện nay chúng ta cần trụ vào vị trí dân tộc . Các nhà lãnh đạo miền Bắc trụ vào lý thuyết CS, nó đã có tác dụng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lâp (sẽ phản biện), nhưng đến bây giờ đã trở nên lực cản cho sự phát triển.

Bình luận: Tùng Phong cũng như rất nhiều người cho rằng Đảng CS lãnh đạo cuộc đấu tranh nên lý thuyết CS đã có tác dụng lớn vào thắng lợi. Đó là một nhầm lẫn. Thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập chủ yếu là nhờ lòng yêu nước và sự hy sinh của đa số nhân dân, trong đó có các nhà lãnh đạo cùng với tài năng vốn có của họ. Đóng góp của CS chỉ ở  phần tổ chức, còn mỗi lần họ vận dụng lý thuyết CS thì đều thất bại, như cải cách ruộng đất, hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, kinh tế quốc doanh, cải tạo tư tưởng v.v…Chính Đảng CS VN cũng dựa vào lòng yêu nước của nhân dân để sống bám vào dân tộc như một cánh tầm gửi (ngưng BL).

Tùng Phong đi đến kết luận: “Nay nếu chúng ta gắn liền số mạng của dân tộc VN với số mạng của Trung Cộng thì hành động đó có nghĩa là chúng ta đã từ bỏ công cuộc phát triển đang cần thiết cho sự sống còn của dân tộc…..Vì vậy cho nên chúng ta thành khẩn mong mỏi các nhà lãnh đạo miền Bắc kịp thời nhận định, đã đến lúc vì sự tiến hóa của dân tộc, không còn nên tiếp tục trụ đóng vào CS nữa (Kết thúc cuốn sách).

17.Vài nhận xét về sách “Chính Đề VN” và tác giả

Sách “Chính Đề VN” với nội dung chính là VN cần TPH một cách chủ động và toàn diện, có kế hoạch, với nguyên tắc “Thăng bằng đồng tiến”, với phương châm “Chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức”. Ngoài ra tác giả còn nêu vấn đề về nguy cơ xâm lăng của Trung Cộng và điều kiện cần để phát triển dân tộc là từ bỏ lý thuyết CS.

Sách là kết quả của quá trình nghiên cứu công phu, không những của Tùng Phong mà còn có sự tham gia của một số nhà chính trị, nhà khoa học. Sách có nhiều vấn đề hay, cấp thiết, thực tế. Nhược điểm của sách là khá dài ( khoảng 12 vạn chữ) với nhiều đoạn lan man và sự sắp xếp nội dung chưa được thực sự khoa học. Kể ra chỉ viết ngắn gọn trong khoảng 4 đến 5 vạn chữ những nội dung chủ yếu, còn phần dẫn giải thì đưa vào tham khảo hoặc phụ lục, sẽ hấp dẫn hơn. Những điều mà đối với tôi là mới, trùng ý hoặc cần phản biện thì đã được ghi ra trong bài.

TPH cuối cùng phải đem đến hạnh phục cho nhân dân. Hạnh phúc một phần nhờ đời sống no ấm, nhưng chủ yếu thuộc trạng thái tinh thần. Thế nhưng TPH của Tùng Phong quá thiên về khoa học kỹ thuật để tạo sức mạnh vật chất. Về phương diện cuộc sống hạnh phúc, nếu so sánh người dân ở Bhutan và ở Mỹ, tôi thấy dân Bhutan hạnh phúc hơn.

Qua tuyên truyền và bôi nhọ của CS thì tập đoàn lãnh đạo của phe Quốc gia là bù nhìn, bán nước, làm tay sai cho đế quốc ngoại bang, nhưng qua sách này thấy rõ Tùng Phong là người yêu nước, có ý thức dân tộc khá cao, là người có trí tuệ lớn. Ông đã thấy rõ tai họa mà Trung Cộng đe dọa dân tộc, những tai họa ấy đang thể hiện ngày càng rõ mà những người Việt có lương tri đều nhận thấy, đang đau xót chịu đựng mà chưa đủ dũng cảm hành động (trừ một số người đã bị bỏ tù và những người đang hoạt động lẻ loi).

Tùng Phong chống CS, nhưng ông có thái độ tôn trọng đúng mức. Ông phân biệt rõ lý thuyết CS là ngoại lai, là sai lầm, nhưng những người theo CS vẫn thuộc dân tộc và có nhiều người yêu nước chân chính. Có chỗ ông gọi lãnh đạo CS là lãnh đạo của (dân tộc) chúng ta. Trong bài viết của GS Tôn Thất Thiện có chi tiết nói rằng ông đã mời gặp và hội đàm với tướng Trần Độ (lúc Tướng Độ đang lãnh đạo lực lương CS ở miến Nam), bàn về quan hệ giữa Quốc gia và CS. Trong vấn đề Tây phương hóa ông đã nêu được những vấn đề cơ bản, tuy rằng (theo tôi) có một số ý kiến cực đoan. Tôi không biết rõ cuộc đời riêng và tính khí của ông, chỉ qua quyển sách Chính đề VN thấy được, trong lĩnh vực chính trị ông là một Chính nhân quân tử.

18. Về sự phát triển của dân tộc

Nhiều người Việt, ở trong nước và nước ngoài, rất quan tâm đến phát triển của dân tộc. Đảng CSVN cũng nói nhiều, cứ 5 năm có một nghị quyết, rồi còn có tầm nhìn trước đến 25 năm (2045), thế nhưng nói thì hay mà làm chưa được mấy và lại kiên trì Mác Lê nên có nhiều khả năng dẫn dân tộc vào ngõ cụt.

Chính đề VN được viết năm 1962, dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, nhưng không phải chỉ cho miền Nam mà cho cả đất nước.

Trong hơn ba chục năm gần đây cũng đã có một số cá nhân hoặc tập thể soạn thảo  các đề án phát triển đất nước, có cái được gửi cho lãnh đạo và bị xếp xó, có cái chỉ lan truyền trong cộng đồng. Đáng được quan tâm là đề án “Con đường VN” của nhóm nghiên cứu “Chấn” của Trần Huỳnh Duy Thức ( Chấn là một trong Bát quái, Chấn thuộc Phương Đông). Ông Võ Văn Kiệt có đề án cải cách  khá hay. Từ nước ngoài có chương trình “Cải cách toàn diện để phát triển” của nhóm trí thức Việt kiều ( Hồ Tú Bảo, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Hữu Dũng, Giáp Văn Dương, Nguyễn Ngọc Giao, Ngô Vĩnh Long, Vĩnh Sinh, Nguyễn Minh Thọ, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần, Nguyễn Văn Tuấn, Hà Dương Tường, Vũ Quang Việt, Phạm Xuân Yêm). Ngoài ra còn có một vài đề án về Hiến pháp, về Quốc hội ở trong nước và nước ngoài ( tôi có biết một số, không biết hết được).

Nhiều người quan tâm đến tương lai dân tộc, làm sao cho dân giàu nước mạnh, để bảo vệ độc lập và chủ quyền, để cho nhân dân được tự do, hạnh phúc, trong đó tự do và hạnh phúc mới là mục đích chính, lâu dài. Nhưng rồi một số người được kích động bởi “Lòng tự hào dân tộc” mà còn muốn phát triển để “Sánh vai cùng các cường quốc 5 châu”. Tự hào không có gì sai, lại là một động lực cần cho phát triển. Nhưng tự hào phải do kết quả công việc đưa đến một cách tự nhiên thì mới có giá trị thực, còn vì muốn tự hào mà gồng mình và dùng thủ đoạn thì hại nhiều hơn lợi. Truyện ngụ ngôn về con ếch của La-Phông-Ten là đáng suy ngẫm.

Chúng ta thỉnh thoảng cũng nên xem bảng xếp hạng các nước để biết mình đang ở đâu để có kế hoạch và quyết tâm làm việc nhằm nâng cao kết quả và hiệu quả hoạt đông chứ không nên nhằm vào việc nâng hạng. Khi tất cả các nước đều phát triển giống nhau mà ta có phát triển gấp đôi, gấp ba thì vẫn ở thứ hạng đã xếp.

Thời thuộc Pháp dân tộc chúng ta mang mặc cảm tự ti, sau khi giành độc lập chúng ta có tự hào, nhưng rồi lòng tự hào được đẩy lên quá cao, gây ra bệnh nghiện, luôn tìm mọi cơ hội, mọi thủ đoạn để thỏa mãn cơn nghiện đó. Đây cũng là một lý do của nạn dối trá làm hủy hoại đạo đức, làm tan rã dân tộc. Xin bớt ý muốn “sánh vai cùng các cường quốc và có vị trí cao trong quan hệ quốc tế”. Tự do và hạnh phúc của nhân dân ít cần những thứ đó, mà chủ yếu những người giữ chức quyền cao và có ảo tưởng lớn cùng một số người có tính kiêu ngạo mới mong được như vậy.

Phát triển kinh tế là cần, nhưng đã qua giai đoạn cấp bách. Phát triển kinh tế quá nóng dễ dẫn đến hủy hoại môi trường và đạo đức. Bây giờ mà vẫn đặt yêu cầu cao, hàng đầu về phát triển kinh tế thì không khéo sẽ bị lệch lạc.

Để thực sự vì sự phát triển bền vững, lâu dài, vì tự do và hạnh phúc của toàn dân cũng như của mỗi người thì nhiệm vụ quan trọng là cải cách thể chế để Dân chủ hóa. Dân chủ không phải là mục đich mà là biện pháp cần thiết cho phát triển.