Ngày 24/11/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII theo hình thức trực tuyến. Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Trong phần mở đầu TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 3 lý do làm Ông hào hứng đến dự, mà 2 lý do đầu tiên được nêu là:
“- Vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...
- 75 năm nay (từ ngày 24-11-1946), hôm nay mới lại có Hội nghị toàn quốc về văn hóa với quy mô lớn thế này”
(http://hanoimoi.com.vn/.../toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi...).
“Văn hóa còn thì dân tộc còn…”. Xin nêu một nguy cơ to lớn hiển hiện về “Văn hoá mất…”
1. HẬU QUẢ CỦA BỊ ĐỒNG HOÁ HOÁ VĂN HOÁ
Lịch sử Trung Quốc là lịch sử xâm lược văn hoá. Người Hán, lớn mạnh ở vùng Thiểm Tây nước Tần, rồi bành trướng dần, đồng hoá toàn bộ các bộ tộc ở vùng Hoa hạ ở giữa 2 sông Hoàng Hà và Trường Giang. Tiến xuống phía Nam mà đồng hoá các bộ tộc Bách Việt ở Nam sông Trường Giang.
Người Hán bị người Khiết Đan (Liêu), người Tây Hạ, người Kim, người Mông Cổ, người Mãn Châu ở phía Bắc và phía Tây thay nhau cai trị trong khoảng thời gian kéo dài suốt từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 20. Người Khiết Đan cai trị người Hán 218 năm (907-1125). Người Tây Hạ cai trị người Hán 189 năm (1038-1227). Người Kim thống trị người Hán 108 năm (1126-1234). Người Mông Cổ thống trị người Hán 97 năm (1271-1368). Cuối cùng là người Mãn Châu thống trị người Hán ròng rã 276 năm (1636-1912). Nhưng cuối cùng thì người Hán đã đồng hoá tất cả. Hiện giờ người Hán đang bành trướng sự đồng hoá lên toàn bộ các khu tự trị rộng lớn, bao gồm Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Thanh Hải – chiếm xấp xỉ ½ diện tích của Trung Quốc hiện đại. Phổ cập văn hoá Hán, mạnh hơn nữa là truy bức người thiểu số và thúc đẩy sinh con giữa trai Hán với gái các bộ tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, Tạng…tất cả đều nằm trong sách lược Hán hoá
Xâm lược đất đai bằng sức mạnh chiến tranh, cuối cùng không thôn tính nổi một quốc gia, nhưng đồng hoá văn hoá sau ngàn năm sẽ xoá sổ một dân tộc. Đó là sự nguy hiểm không so sánh của “vũ khí văn hoá”.
2. XÂM LƯỢC VĂN HOÁ QUA PHIM ẢNH TRÊN TRUYỀN HÌNH
Truyền hình là phương tiện truyền bá văn hoá gần như không có đối thủ. Mỗi giờ phát sóng của truyền hình có thể có từ hàng chục triệu, hàng trăm triệu cho đến cả hàng tỷ người theo dõi. Đối với Việt Nam, mỗi giờ phát sóng của đài truyền hình sẽ tác động lên nhận thức của toàn bộ gần 100 triệu người dân.
Để thấm thía hơn nguy cơ “mất văn hoá” từ phương thức xâm lược văn hoá trên truyền hình, xin điểm qua vài thống kê phim Trung Quốc trên khung giờ vàng trên kênh truyền hình VTV2 và VTV3 trong thời gian gần đây.
VTV2, khung giờ 19h-19h45:
1/. Độc thân không phải ế (TQ), 24 tập. Chiếu từ 29/6/2021-22/7/2021.
2/. Dương lăng truyện (TQ), 40 tập. Chiếu từ 23/7/2021- 31/8/2021.
3/. Thuỷ hử (TQ), 86 tập. Chiếu từ 01/9/2021 - 25/11/2021.
4/. Chu Phỉ (TQ), 51 tập. Chiếu từ 26/11/2021- 15/1/2022.
VTV2, khung giờ 19h45-20h15:
1/. Ỷ thiên đồ long ký (TQ), 86 tập. Chiếu từ 25/2/2020 -20/5/2020.
2/. Địch Nhân Kiệt (TQ), 79 tập. Chiếu từ 21/5/2020-08/8/2020.
3/. Truyền thuyết phi đao (TQ), 69 tập. Chiếu từ 09/8/2020-21/10/2020.
4/.Phượng hoàng vô song (TQ), 92 tập. Chiếu từ ngày 22/10/2020-31/01/2021.
5/. Hoa mẫu thiên, 108 tập (TQ). Chiếu từ 01/02/2021-23/5/2021.
6/. Liệt như ca (TQ), 85 tập. Chiếu từ 24/5/2021- 17/8/2021.
7/. Phượng hoàng truyện (TQ), 88 tập. Chiếu từ 18/8/2021 - 13/11/2021.
8/. Tân tiếu ngạo giang hồ (TQ), 62 tập. Chiếu từ 14/11/2021 -14/1/2022 (Tiếu ngạo giang hồ,40 tập, 2001; Tân tiếu ngạo giang hồ, 50 tập, 2013).
VTV3, khung giờ 18h10-19h:
1/. Tô mạt như truyền kỳ (TQ), 40 tập. Chiếu từ 24/7/2021-01/9/2021.
2/. Nha môn bí ẩn (TQ), 28 tập. Chiếu từ 02/9/2021-29/9/2021.
3/. Nắm tay nhau trọn đời (TQ), 60 tập. Chiếu từ 30/9/2021- 28/11/2021.
4/. Thái cố thần vương (TQ), 52 tập. Chiếu từ 29/11/2021 – 19/1/2022.
Từ thống kê trên có thể thấy, khung giờ vàng từ 19h45-20h15 của VTV2 liên tục trong suốt 2 năm từ 25/2/2020 - 14/1/2022 chỉ dành riêng để chiếu phim Trung Quốc. Khung giờ vàng 19h-19h45 của VTV2 từ 29/6/2021 – 15/1/2022 cũng liên tục chỉ có phim Trung Quốc. Khung giờ vàng của VTV3 lúc 18h10 -19h liên tục từ 24/7/2021 – 19/1/2022 cũng chỉ dành riêng cho phim Trung Quốc.
3. TAI SAO HỌC SINH VIỆT NAM KHÔNG NHỚ SỬ VIỆT NAM?
Trong phiên trả lời chất vấn của ĐBQH ngày 11/11/2021 về vấn đề học sinh không thích học môn lịch sử, điểm thi môn lịch sử thấp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tự đặt câu hỏi:
"Đất nước chúng ta lịch sử hào hùng, có nhiều điều mà thế hệ sau tự hào, nhưng tại sao học sinh không hứng thú, điểm thi thì thấp?" (https://thanhnien.vn/bo-truong-giao-duc-ly-giai-viec-hoc...).
Nếu mỗi giờ dạy học trên lớp chỉ có tác động trong phạm vi một lớp học 30-50 người, thì mỗi giờ chiếu phim trên truyền hình có tác động đến hàng triệu, hàng chục triệu người. Nếu mỗi giờ dạy học lịch sử trên lớp chỉ nói về được một bộ môn lịch sử, thì một giờ chiếu phim trên truyền hình là một giờ giảng dạy vô cùng hiệu quả về lịch sử, về địa lý, về văn hoá, về con người…
Các triều đại của Trung Quốc, từ Nghiêu Thuấn, Hạ, Thương, Chu, qua Thời Xuân Thu - Chiến Quốc, đến Tần, Hán, Tấn, Nam –Bắc Triều, rồi Tuỳ, Đường, Tống Nguyên, Minh, Thanh – không sót một triều đại nào – tất cả đều xuất hiện nhiều lần trên các kênh của VTV. Có quá nhiều vua chúa và quan tướng Trung Quốc được các kênh của VTV chiếu đi chiếu lại nhiều lần vào các khung giờ vàng. Trình chiếu trong khung giờ vàng có lượng người xem nhiều lần đông hơn các khung giờ khác.
Trong khi đó thì các triều đại của Việt Nam, các anh hùng hào kiệt của Việt Nam, từ thời Thánh Gióng phá giặc Ân, qua Văn Lang, Âu Lạc, đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Ngô Quyền, rồi đến Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh, Mạc, Nguyễn - không được lên khung giờ vàng 18h-20h trên các kênh truyền hình chính của VTV liên tục ngày này qua tháng khác như các triều đại Trung Quốc.
Cho nên, xin thưa với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn! Trong các nguyên nhân làm cho học sinh Việt Nam có điểm lịch sử thấp, thì có nguyên nhân là truyền hình chiếu quá nhiều phim Trung Quốc, làm cho học sinh Việt Nam hàng ngày tai nghe mắt thấy lịch sử Trung Quốc, nhớ lâu lịch sử Trung Quốc, còn ít bộ nhớ cho lịch sử Việt Nam, nhãng quên lịch sử Việt Nam. Mà đáng ra, học theo lời cụ Hồ “Dân ta phải biết sử ta”, thì phải dành nhiều thời gian khung giờ vàng cho lịch sử Việt Nam.
4. TỰ NGUYỆN THÌ BIẾT TRÁCH AI?
Đồng hoá văn hoá bằng phim ảnh trên truyền hình là một hình thức xâm lược vô cùng nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ bị xâm lược mà không biết bị xâm lược. Học theo văn hoá thì sẽ học theo kinh tế và chính trị.
Giao lưu và trao đổi văn hoá là hiển nhiên. Giao lưu và trao đổi văn hoá mỗi ngày sẽ có phạm vi và cường độ mạnh hơn - tỷ lệ thuận với mức độ toàn cầu hoá. Nhưng giao lưu và trao đổi văn hoá khác xa với xâm lăng văn hoá và bị lấn át văn hoá.
Hai thập niên gần đây, Việt Nam đang hứng chịu những cuộc xâm lăng văn hoá với cường độ mỗi ngày một tăng. Chua xót thay, có người, không chỉ thuần phục, mà còn tự nguyện đón rước.
Những điều gì cần phải hành động sau Hội nghị Văn hoá lớn nhất kể từ năm 1946?
Dẫu chưa thấy đề cập trong Hội nghị Văn hoá ngày 24/11/2021, thì một trong những nhiệm vụ mang tính sống còn của Văn hoá Việt là chống lại sự đồng hoá của văn hoá nước ngoài để “Văn hoá còn thì dân tộc còn…”