Phạm Trần
Văn hóa sư công an |
"Văn hóa Việt Nam hiện nay đang bị xơ cứng,
mất tính sáng tạo, nhiều năm liên tục vắng bóng tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ
thuật lớn...".
“Môi trường văn hóa nước nhà bị xâm thực, “ô nhiễm” khá nghiêm trọng.”
Nhà sử học, nguyên Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã phát biểu như trên vào dịp Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/11/2021, sau 73 năm, kể từ Hội ghị lân thứ hai tại Phú Thọ ngày 20/07/1948.
Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất được tổ chức ở Nhà hát lớn, Hà Nội ngày
24/11/1946, sau 3 năm ra đời Đề cương Văn hóa của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN)
do Trường Chinh, Tổng Bí thư đảng soạn, nhằm “ vận động quần
chúng xây dựng văn hóa” theo định hướng "dân tộc hóa",
"đại chúng hóa" và "khoa học hóa".
Nhưng tại sao đảng CSVN lại tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ III vào
lúc này, sau hơn 35 năm được gọi là “đổi mới” và nhắm mục đích gì ?
Theo lời Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng thì Đại hội kỳ này nhằm tiếp tục “xây dựng và phát triển
nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo Nghị quyết
Trung ương 5 khóa đảng VIII, đặt trọng tâm vào “xây dựng tư tưởng, đạo
đức, lối sống và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.”
Nhưng ông Trọng lại nói:”Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ
đạo trong đời sống tinh thần của xã hội.” (Diễn văn tại Hội nghị, ngày
24/11/2021)
Ai cũng biết đó là thứ văn hóa độc tài, đảng trị, xơ cứng, giáo điều, bảo thủ,
lạc hậu và phủ nhận quyền con người. Vì vậy nó hạn chế, kìm kẹp và kiểm soát tư
tưởng văn, nghệ sỹ và trói buộc các sáng tác phải nằm trong khuôn khổ cho phép.
Vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn hô hoán um lên rằng:”
Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao
giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một
lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi
mới và chấn hưng văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới.”
Khởi hành từ điểm tự khen này, ông Trọng nói:” Đảng ta khẳng định: Trọng
tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây
dựng môi trường văn hoá lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hoá và chính
trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hoá trong Đảng và trong hệ thống chính
trị; xây dựng văn hoá công chức, văn hoá công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ,
chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.”
Chủ trương thì như thế, nhưng ông Trọng không quên minh định rằng:” Chủ
thể xây dựng và phát triển văn hoá là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân
là chủ thể sáng tạo…”, y như đảng từng nói “đất đai thuộc về toàn dân”,
nhưng lại “do nhà nước qủan lý”, hay cái gì cũng “đảng lãnh đạo,
nhà nước qủan lý, nhân dân làm chủ” nhưng không giấu được hậu ý đảng
phải nhúng tay vào mọi việc, kể cả kiểm soát tư tưởng người dân.
PHẢN ỨNG
Vì vậy, ông Dương Trung Quốc mới nói :"Văn
hóa Việt Nam hiện nay đang bị xơ cứng, mất tính sáng tạo…”
Theo ông thì :"Phải làm sao để đưa dân chủ vào trong văn hóa, phát
huy tính sáng tạo của các nghệ sĩ. Đây cũng là giải pháp căn cơ thúc đẩy ngành
công nghiệp văn hóa Việt Nam". (Vietnam Express ngày 21/11/2011)
Nhà thơ Nguyễn
Thị Hồng Ngát bảo:” Không có văn hóa thì sự no đủ
hay giàu có cũng vô nghĩa.”
Bà nói với báo ViệtNamNet:”Tôi và mọi người bất ngờ vì đại hội lần này
được tổ chức bởi văn hóa chìm đắm đã rất lâu rồi, hơn 40 năm Hội nghị Văn hóa mới
được tổ chức lần thứ 3.” (VNNET, ngày 24/11/2021)
Nhà thơ Hồng Ngát nói thêm:”Nếu thiếu văn hóa thì xã hội đi về đâu? Tất cả
các lĩnh vực đều cần đến văn hóa, văn hóa sống, văn hóa ứng xử, văn hóa đạo
nghĩa, văn hóa mà dân tộc gìn giữ từ xưa đến giờ giờ buông lỏng rất nhiều nên
xã hội loạn nhiều thứ, loạn bằng cấp, loạn về vị trí xã hội... Văn hóa nghệ
thuật chuyên sâu cũng gần như bị thả nổi để kinh tế thị trường chi phối mà hầu
như không được đầu tư…”
“Trong nghị quyết ĐH Đảng lần nào cũng có
chương về văn hóa văn nghệ, rất nhiều nghị quyết nói về văn hóa rất nhiều nhưng
dường như người ta không chú ý đến điều đó. Đầu tư cho văn hóa ngày càng ít đi
và đầu tư cho các ngành nghệ thuật cũng vậy, rất dè sẻn.”
Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Thanh Hoa góp ý thêm:” Kỳ vọng của tôi là Thủ đô
và thành phố lớn sẽ có nền văn minh đô thị - văn hoá nghệ thuật Việt Nam không
lai tạp - truyền thông Việt Nam không phủ sóng phim - ca nhạc tới 80% là của
nước ngoài như hiện nay. Các cháu thiếu nhi không bị đánh cắp tuổi thơ
ép thành người lớn trong nghệ thuật và còn nhiều chi tiết văn hoá cần được quan
tâm.”
NSND Trịnh Thúy Mùi: "Riêng nghệ thuật sân khấu cho thấy sự thiếu
hụt đội ngũ tác giả đạo diễn trẻ, tài năng một cách trầm trọng nhất của sân
khấu thế kỉ 21"
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn
học Nghệ thuật Việt Nam phát biều tại Hội nghị:” Với tinh thần và
trách nhiệm, lương tâm của những người làm nghề, chúng ta phải thẳng thắn nhìn
vào sự thật là: “Những thành tựu văn học – nghệ thuật mà chúng ta đã đạt
được trong 35 năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, chưa
đáp ứng được kỳ vọng, mong đợi của nhân dân.”
Các tác phẩm văn học – nghệ thuật chưa phản ánh được thật sinh động và đầy
đủ, toàn diện thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, chưa thổi bùng
lên khát vọng phát triển đất nước mạnh giàu, lòng tự hào dân tộc và ý chí độc
lập tự cường. Trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật còn ít những tác phẩm, công
trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, xứng đáng với tầm vóc của dân
tộc và thời đại, có sức sống lâu bền trong lòng công chúng…”
“Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta còn tỏ ra lúng túng và bị động,
chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu có
thêm đời sống văn hóa của nhân dân. Việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài
đôi khi bị sa đà và xô bồ, nhất là trong các lĩnh vực nghệ thuật giải trí, ca
nhạc, phim ảnh... khiến cho môi trường văn hóa nước nhà bị xâm thực, “ô nhiễm”
khá nghiêm trọng.”
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân kết luận:”Những hiện tượng kể trên tồn tại trong một
thời gian khá dài, tác động tới đời sống văn học - nghệ thuật, làm chững lại
nhịp phát triển, kéo theo những sa sút về văn hóa và nhân cách con người.”
(VietNamNet, ngày 24/11/2021)
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng phê bình:”Văn hoá chưa được quan tâm một
cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn
lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hoá
trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng
về chức năng giải trí.”
Ông nói thêm:"Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực...",
Ông dẫn chứng, "gần đây tôi không thấy có bài
hát nào hay". "Tôi nói vậy mong các văn nghệ sĩ đừng giận.” (VNEXPRESS,
ngày 24/11/2021)
Nhưng tại sao lại có những hụt hẫng như thế, và, nguyên nhân nào đã khiến Văn
nghệ sỹ không muốn tiếp tục xếp hàng nhận “đơn đặt hàng” của Tuyên giáo để sáng
tác tuyên truyền cho đảng. Hay là họ cũng đã “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”
quay lưng lại với đảng, muốn thoát gông kìm Mác-Lênin và Tư tưởng Cộng sản Hồ
Chí Minh như một số không nhỏ cán bộ đảng viên đã và đang làm ?
Và khi ông Trọng than phiền “Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ
nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực” thì
ông đã biết “tiêu cực” phát sinh từ con người cán bộ, đảng viên và “tham nhũng”
cũng sinh ra từ người của đảng, của chế độ. Nhân dân, nạn nhân của tham nhũng,
bị xách nhiễu, tống tiền không can hệ gì đến những chứng hư tật xấu của đảng.
Cho nên, khi văn hóa bị “tham nhũng và tiêu cực” ô nhiễm thì đó là trách nhiệm
của đảng đã để sinh ra tình trạng này để tha hóa Văn hóa.
Còn khi ông Trọng than “Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật
lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới” thì trước tiên
ông nên hỏi tội Hội Nhà văn, Hội Nhà báo và các Hội Nghệ thuật khác tại sao họ
đã được đảng nuôi ăn béo mầm mà không biết nặn ra những Tác phẩm ca tụng thành
tích 35 năm Đổi Mới của đảng ? Hay là những tay bồi bút này còn biết giữ
chút liêm sỉ cuối cùng nên không dám nhắm mắt viết liều ?
Từ lâu Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của đảng từng than phiền Báo chí và Văn
nghệ sỹ đã khai thác những tiêu cực trong xã hội nhiều hơn đề cao những “việc
tốt và người tốt”, nhưng đảng cũng nên biết, khi nhà nước đề xướng cải cách
hành chính là ngay lập tức dân gian đã nhận ra đó chỉ để “hành dân là chính”.
Hơn nữa đa phần cán bộ đảng viên lại mắc bệnh nói nhiều làm ít, hay thích đánh
trống rồi bỏ dùi nên nhân dân cũng chán đến nghẹn cổ.
Vậy đó là lỗi tại ai ? Lãnh đạo đảng và nhà nước cũng nên tự vấn : Tại sao lại có tình trạng “lợi ích nhóm” cấu kết với nhau giữa những cán bộ lập dự án kinh tế, quy hoạch đất đai với các Doanh nghiệp, Công ty đầu tư nước ngoài và doanh nhân để đội giá, hút tiền đóng thuế của dân để bỏ túi ?
Có muôn ngàn lý do để bào chữa nhưng cốt lõi vẫn là ”tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp, tinh vi” từ năm này qua năm khác, và năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.
Vì vậy mới có tình trạng giầu-nghèo cách biệt càng ngày càng giãn ra trong xã
hội và giữa thành phố, vùng quê, vùng cao và hải đảo. Sự đối xử
khác biệt giữa các khu vực người Kinh và đồng bào Dân tộc cũng đã thường
xuyên xẩy ra trong xã hội Việt Nam.
NHÂN QUYỀN-QUYỀN SÁNG TÁC
Nhìn chung, nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu các
tác phẩm đỉnh cao trong Văn học, Nghệ thuật, sau 35 năm đổi mới kinh tế và
chỉnh sửa lại hệ thống cầm quyền, vì quyền con ngưởi và quyền được sáng tạo dân
chủ và tự do của nghệ sỹ đã không được đảng bảo vệ và tôn trọng như Hiến pháp
năm 2013 quy định.
Ngược lại, đảng đã tìm mọi cách vừa bằng luật, vừa bằng các biện pháp hành
chính, kể cả những quy định vi phạm luật để kiểm soát tư tưởng và trù dập Văn Nghệ
sỹ độc lập hay bất đồng chính kiến. Đảng cũng không ngại sử dụng dư luận viên
ăn lương nhà nước để xuyên tạc, mạ lỵ và vu khống những Văn Nghệ sỹ chân chính
làm tay sai, hay hành động chống nhà nước theo chỉ thị của các “thế lực thù
địch” và “diễn biến hòa bình” do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Vì vậy, nếu mục tiêu của Hội nghị ngày 24/11/2021
là “ phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam
yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, sáng tạo và có khát vọng xây dựng
đất nước", nhưng phải dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng
Cộng sản Hồ Chí Minh do đảng lãnh đạo thì Văn hóa sẽ tiếp tục chết. -/-
Phạm Trần
(11/021)