31 décembre 2021

Bộ Khoa học và Công nghệ xem kít Việt Á là sự kiện/thành tựu nổi bật của ngành?

Xuân Dương: "Nếu đúng như lời văn “Đính chính thông tin…”, Bộ Khoa học và Công nghệ lấy thông tin trên báo chí chính thống để tổng hợp thành cái gọi là “Sự kiện hoặc thành tựu nổi bật về KH&CN”, vậy thì Việt Nam có cần một bộ chuyên trách lĩnh vực Khoa học và Công nghệ?

Nói cách khác, chỉ cần được “một số cơ quan báo chí chính thống” tập trung đưa tin và được bộ phận chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ “tổng hợp” thì lập tức đó sẽ trở thành “thành tựu hoặc sự kiện nổi bật” của ngành khoa học công nghệ, không nhất thiết các món “lẩu thập cẩm” đó phải được các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu hoặc Hội đồng khoa học quốc gia thẩm định, đánh giá!!!"


Trong thông cáo báo chí của Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam có một vài nội dung:

“Tính đến ngày 20/12/2021, đã có 28 sản phẩm chẩn đoán trong ống nghiệm Covid-19 được chấp thuận thông qua quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL) của WHO, 46 sản phẩm khác không đáp ứng được các hồ sơ cần thiết về an toàn, công năng hoặc hệ thống quản lý chất lượng”.

Trong số 46 sản phẩm này, có bộ kit xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit của Công ty Việt Á, Việt Nam. [1]

Những thông tin kể trên được công bố công khai trên trang web của WHO từ ngày 18/02/2021, sau khi Covid-19 bùng phát.

Gần đây sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan đến hợp đồng cung cấp bộ kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương thì nhiều sự thật mới được phơi bày.

Điều đáng nói nhất là vai trò của hai cơ quan cấp Bộ liên quan “gián tiếp” đến vụ án là Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Sử dụng cụm từ “gián tiếp” vì chưa có kết luận của cơ quan có trách nhiệm, tuy nhiên xét về góc độ quản lý nhà nước thì sự liên quan của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế với vụ việc là trực tiếp chứ không gián tiếp bởi nếu không phải hai bộ này quản lý thì cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?

Bộ Khoa học và Công nghệ đính chính thông tin “Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận”. (Ảnh: Vov.vn)

Điều đáng nói là theo “Thông tin đính chính” của Bộ Khoa học và Công nghệ thì lỗi là do báo chí chứ không phải do bộ này chưa làm tròn trách nhiệm.

Để làm rõ vấn đề xin sao chép một tin báo chí đã đăng tải:

“Tin vui đối với ngành Khoa học và Công nghệ cũng như Y tế của Việt Nam là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam. Bộ kit có độ nhạy, độ đặc hiệu 100%, độ chính xác 100%. Thông tin này được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào ngày 25/04/2020”. [2]

Hình như báo chí đã có sự “ngờ ngợ” khi không quên “đính kèm” câu: “Thông tin này được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào ngày 25/04/2020”.

Vậy cụ thể thì lời văn “Đính chính thông tin Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận” của Bộ Khoa học và Công nghệ là thế nào?

“…Trong khoảng thời gian từ ngày 25, 26-4-2020, một số cơ quan báo chí chính thống đã đăng tải bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận.

Trên cơ sở tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống, vào lúc 15 giờ 36 phút ngày 26-4-2020, bản tin "Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận" đã được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN (www.most.gov.vn) và bản tin này đã được gửi tới một số phóng viên theo dõi lĩnh vực KH&CN tham khảo như thông lệ khi ngành KH&CN có sự kiện hoặc thành tựu nổi bật.

Sau khi phát hiện có sai sót, để có thời gian xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình, bản tin đã được tạm gỡ trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN…”.

Có thể thấy “Đính chính thông tin…” của Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẳng định:

“Một số cơ quan báo chí chính thống đã đăng tải bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận” từ trước, sau đó Bộ Khoa học và Công nghệ mới “tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống” để đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN (www.most.gov.vn).

Việc Bộ Khoa học và Công nghệ gửi thông tin cho báo chí chỉ là “như thông lệ khi ngành KH&CN có sự kiện hoặc thành tựu nổi bật”.

Nếu đúng như lời văn “Đính chính thông tin…”, Bộ Khoa học và Công nghệ lấy thông tin trên báo chí chính thống để tổng hợp thành cái gọi là “Sự kiện hoặc thành tựu nổi bật về KH&CN”, vậy thì Việt Nam có cần một bộ chuyên trách lĩnh vực Khoa học và Công nghệ?

Nói cách khác, chỉ cần được “một số cơ quan báo chí chính thống” tập trung đưa tin và được bộ phận chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ “tổng hợp” thì lập tức đó sẽ trở thành “thành tựu hoặc sự kiện nổi bật” của ngành khoa học công nghệ, không nhất thiết các món “lẩu thập cẩm” đó phải được các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu hoặc Hội đồng khoa học quốc gia thẩm định, đánh giá!!!

Phải chăng kết luận mà xã hội – gồm người dân và cơ quan quản lý nhà nước - buộc phải suy ra từ “Đính chính thông tin…” của Bộ Khoa học và Công nghệ là lỗi thuộc về truyền thông?

Việc dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt rồi công bố thông tin đã cho thấy có gì đó hơi thiếu ở cơ quan đầu não về khoa học và công nghệ, tuy nhiên điều đó chưa là gì so với sự “Đính chính thông tin…” mà cơ quan này vừa thực hiện.

29/12/2021


Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/van-phong-who-tai-viet-nam-thong-tin-ve-bo-kit-test-covid-19-viet-a-803518.html

[2] https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/vi-sao-who-chap-thuan-bo-kit-xet-nghiem-covid-19-cua-viet-nam-61708.html

Xuân Dương