10 décembre 2021

TS Nguyễn Đình Cống: Loạt bài phản biện "cột nhà" Mác-Lê của đảng CSVN


Marx - Lenin - Stalin

- Đọc lại Tuyên ngôn Đảng Cộng sản
- Phản biện quan điểm của Lê nin về nhà nước
- Phản biện học thuyết của Mác (Đoạn 1)
- Phản biện học thuyết của Mác (Đoạn 2)

TS Nguyễn Đình Cống: "Marx là người giỏi ngụy biện, đã dùng hình ảnh vô cùng tốt đẹp của một xã hội tương lai do ông tưởng tượng ra để đánh lừa nhiều triệu người. Có người bị nhồi sọ từ lúc còn bé, trở thành cuồng tín. Một số người trong các Đảng CS cầm quyền, tuy biết những cái sai của Mác, nhưng vẫn cố bám víu vào ông, nhằm bảo vệ quyền và lợi đã chiếm được nhờ những thủ đoạn gian tà."


Đọc lại Tuyên ngôn Đảng Cộng sản

TS Nguyễn Đình Cống

Vừa qua, đọc “Đôi lời với TBT Nguyễn Phú Trọng về văn hóa Việt hôm nay”, bài của Nguyễn Hữu Liêm, tôi thấy có nhân xét rằng ông TBT  đã không nhắc gì tới “Luận về tự do” (On Liberty) của John Stuart Mill mà chắc rằng  chỉ núp bóng Tuyên ngôn ĐCS của Marx và Engels, một tác phẩm có tầm cỡ lớn.

Khi viết bài “Đôi điều về chấn hưng văn hóa” tôi không hề nghĩ đến việc ông TBT núp bóng Tuyên ngôn. Trước đây tôi cũng đã đọc Tuyên ngôn vài lần, nhưng chưa kỹ. Nay đọc xong bài của Nguyễn Hữu Liêm tôi tìm đọc kỹ lại Tuyên ngôn xem tầm cỡ tác phẩm đến đâu và giật mình nhận ra rằng phần lớn những bài tuyên truyền của CS về Tuyên ngôn và vận dụng nó chủ yếu là dối trá. Tôi nghi ngờ rằng những người viết ra những lời tuyên truyền có cánh cho Tuyên ngôn đã  chỉ nhắc lại những lời sáo vẹt nào đó mà chưa hề đọc kỹ nó một lần. Tôi cũng nghi ngờ rằng TBT và tất cả ủy viên Bộ Chính trị, tất cả ủy viên BCH Trung ương ĐCSVN cũng chưa có ai đọc thật kỹ Tuyên ngôn. Tiếc rằng tôi chưa tìm thấy nguyên gốc của Tuyên ngôn mà chỉ đọc nó qua bản dịch ra tiếng Việt. Tôi xin nêu tóm tắt của Tuyên ngôn và vài lời phản biện.

1-Tóm tắt nội dung của Tuyên ngôn

Tuyên ngôn được công bố năm 1848, lúc Mác 30  tuổi và Ăng ghen 28 tuổi.

Mở đầu Tuyên ngôn như sau : “Một bóng ma đang ám ảnh Châu âu: Bóng ma chủ nghĩa cộng sản. Tất cả thế lực của Châu âu cũ:… đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó”. Tuyên ngôn kết thúc bởi câu: Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại.

Tuyên ngôn gồm 4 phần. Bản dich ra tiếng Việt dài khoảng 21 ngàn chữ. (gần bằng Truyện Kiều, dài 22. 780 chữ)

 

Phần I - Tư sản và vô sản (chiếm khoảng 38% tổng số chữ)

 Bắt đầu bằng khẳng định : “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Phương thức sản xuất tư bản có hai giai cấp(GC) cơ bản, thù địch nhau là GC tư sản và GC vô sản. Các GC khác không đáng kể. Sự đấu tranh của vô sản chống lại tư sản ban đầu chỉ nhỏ lẻ, ở các vùng miền. Dần dần các cuộc đấu tranh liên kết lại trong toàn quốc  và trở thành đấu tranh giai cấp. Trong các xã hội trước, đấu tranh giai cấp vì quyền lợi của một vài nhóm thiểu số. Đấu tranh của vô sản là vì quyền lợi của đa số. GC tư sản đã có thời oanh liệt, cách mạng trong việc chống lại GC phong kiến và tạo lập nên nền sản xuất công nghiệp phát triển. Nhưng rồi GC tư sản đã làm phát sinh những cuộc khủng hoảng thừa, đã đẩy GC vô sản  vào cuộc sồng đói khổ.

Phần II- Những người vô sản và cộng sản (chiếm khoảng 27%)

Phần này nêu bật những tính chất cơ bản và quan trọng của người cộng sản.

Vào thời của Mác có một số Đảng Cộng sản được thành lập. Đã có những đảng viên cộng sản bằng xương thịt, nhưng người cộng sản như mô tả của Mác chỉ mới có chủ yếu ở trong tưởng tượng và trên giấy.

Tuyên ngôn viết rằng: “ Người cộng sản có một luận điểm duy nhất là xoá bỏ chế độ tư hữu.

 Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”.

Tuyên ngôn dựng lên “các ông” thuộc GC tư sản để đối thoại lan man về mọi thứ của cuộc sống, Tuyên ngôn viết “Các ông hoảng lên, vì chúng tôi muốn xoá bỏ chế độ tư hữu. Nhưng trong xã hội hiện nay của các ông, chế độ tư hữu đã bị xoá bỏ đối với chín phần mười số thành viên của xã hội đó rồi”. Vô sản không có tư hữu, rằng  tư bản không phải là một lực lượng cá nhân, nó là một lực lượng xã hội. Cho nên, nếu tư bản biến thành sở hữu tập thể thuộc tất cả mọi thành viên trong xã hội thì đó không phải là một sở hữu cá nhân chuyển thành sở hữu xã hội. Chỉ có tính chất xã hội của sở hữu là thay đổi thôi. Sở hữu mất tính chất giai cấp của nó.

“Nói tóm loại, các ông buộc tội chúng tôi là muốn xoá bỏ sở hữu riêng của các ông. Quả thật, đó chính là điều chúng tôi muốn….. Các ông thú nhận rằng khi các ông nói đến cá nhân, là các ông chỉ muốn nói đến người tư sản, người tư hữu tư sản mà thôi. Mà cái cá nhân ấy thì chắc chắn cần phải thủ tiêu đi…..Nếu các ông lấy những quan điểm tư sản của các ông về tự do, về văn hoá, về luật pháp,... làm tiêu chuẩn để xét việc xoá bỏ sở hữu tư sản thì chẳng cần phải tranh cãi với chúng tôi làm gì.

Về gia đình,Tuyên ngôn viết : “Gia đình tư sản hiện nay dựa trên cơ sở nào? Dựa trên tư bản, trên lợi nhuận cá nhân. Gia đình dưới hình thái hoàn toàn phát triển của nó, chỉ tồn tại đối với giai cấp tư sản thôi..... Gia đình tư sản dĩ nhiên là sẽ tiêu tan cùng với sự tan biến của tư bản .

Về Tổ quốc : Tuyên ngôn viết  “Công nhân không có tổ quốc. Người ta không thể cướp của họ cái mà họ không có. Vì giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền,

Về tôn giáo. Tuyên ngôn viết : Cách mạng cộng sản chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất đối với tôn giáo, với những quan hệ sở hữu kế thừa của quá khứ; không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với quá khứ.

Tuyên ngôn tiếp tục giải thích: “Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất.

Câu kết của phần II là  Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Phần III- Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa (chiếm khoảng 30%)

Tuyên ngôn viết: Do địa vị lịch sử của họ, quý tộc Pháp và Anh đã có sứ mệnh viết những bài văn châm biếm đả kích xã hội tư sản hiện đại…. Các ngài quý tộc đã giương cái bị ăn mày của kẻ vô sản lên làm cờ để lôi kéo nhân dân theo họ, nhưng nhân dân vừa chạy lại thì trông thấy ngay những phù hiệu phong kiến cũ đeo sau lưng họ, thế là nhân dân liền tản đi và phá lên cười một cách khinh bỉ. Một bộ phận của phái chính thống Pháp và phái " Nước Anh trẻ " đã diễn tấn hài kịch ấy…. Họ buộc tội giai cấp tư sản đã hy sinh ra một giai cấp vô sản cách mạng, nhiều hơn là buộc tội giai cấp đó đã sinh ra giai cấp vô sản nói chung

Về vai trò của các nhà văn từ nhân dân, tuyên ngôn nhận định: Trong những nước như nước Pháp, ở đó nông dân chiếm quá nửa dân số thì tự nhiên đã xuất hiện những nhà văn đứng về giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, nhưng đã dùng cái thước đo tiểu tư sản và tiểu nông trong việc phê phán chế độ tư sản, và đã xuất phát từ những quan điểm tiểu tư sản mà bênh vực sự nghiệp của công nhân. Chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản đã được hình thành như thế đó.

Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa của nước Pháp, sinh ra dưới áp lực của một giai cấp tư sản thống trị, biểu hiện văn học của sự phản kháng chống lại nền thống trị ấy, thì được đưa vào nước Đức giữa lúc giai cấp tư sản bắt đầu đấu tranh chống chế độ chuyên chế phong kiến. Công việc độc nhất của các nhà văn Đức là điều hoà những tư tưởng mới của Pháp với ý thức triết học của mình, hay nói cho đúng hơn, là lĩnh hội những tư tưởng của Pháp bằng cách xuất phát từ quan điểm triết học của mình.

Như thế là văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa Pháp đã bị hoàn toàn cắt xén. Và vì trong tay người Đức, văn học ấy không còn là biểu hiện của cuộc đấu tranh của một giai cấp này chống một giai cấp khác nữa

Một bộ phận giai cấp tư sản tìm cách chữa các căn bệnh xã hội, cốt để củng cố xã hội tư sản. Và thậm chí người ta đã xây dựng chủ nghĩa xã hội tư sản này thành một hệ thống hoàn bị.

Tiếp đên Tuyên ngôn trình bày một vài nhận định về hoạt động văn học cùng với sự phát triển của cách mạng.

Phần IV -  Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập (chiếm chưa đến 5%),

Những người cộng sản chiến đấu cho những mục đích và những lợi ích trước mắt của giai cấp công nhân, nhưng đồng thời trong phong trào hiện tại, họ cũng bảo vệ và đại biểu cho tương lai của phong trào. Tuyên ngôn điểm qua phong trào ở Pháp. Thụy sĩ ,Ba Lan, Đức.

Những người cộng sản chú ý nhiều nhất đến nước Đức, vì nước Đức hiện đương ở vào đêm trước của một cuộc cách mạng tư sản, vì nước Đức sẽ thực hiện cuộc cách mạng ấy trong những điều kiện tiến bộ hơn của nền văn minh châu Âu nói chung và với một giai cấp vô sản phát triển mạnh mẽ hơn nhiều so với nước Anh trong thế kỷ XVII và nước Pháp trong thế kỷ XVIII. Và do đấy, cách mạng tư sản Đức chỉ có thể là màn đầu trực tiếp cho một cuộc cách mạng vô sản.

Sau hết, những người cộng sản ở mọi nơi đều phấn đấu cho sự đoàn kết và sự liên hợp của các đảng dân chủ ở tất cả các nước.

Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới.

Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!

2-Bình luận, phản biện

Tuyên ngôn được UNESCO đưa vào “Di sản tư liệu thế giới” (2019), được tuyên truyền cộng sản ca ngợi hết lời, bốc lên tận may xanh. Nào là kết tinh trí tuệ của loài người, là ánh sáng soi đường cho cách mạng vô sảni, là cương lĩnh tràn đầy sức sống, có ý nghĩa thời đại sâu sắc và bất hủ, sẽ sống mãi với thời gian. Đối với Việt Nam nó là ánh sáng rực rỡ soi đường cho cách mạng.

Về Di sản tư liệu thế giới. Đến năm 2021 Việt Nam có 5 công trình được đưa vào Di sản tư liệu thế giới là  Bia Tiến sĩ thời Lê-Mạc, Mộc bản Triều Nguyễn, Châu bản Chùa Vĩnh nghiêm, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường Phúc Giang ( Hà Tĩnh). Như vậy việc Tuyên ngôn được đưa vào Di sản tư liệu chỉ là một sự ghi nhận chứ không có ý nghĩa gì lớn đối với nhân loại. Ngoài việc này ra thì mọi sự ca ngợi đối với Tuyên ngôn đều mang tính phóng đại, tô vẽ, bốc phét quá xa sự thật.

Phần I về đấu tranh giai cấp (ĐTGC) là sai về cơ bản. Từ năm 1922 Tôn Trung Sơn đã vạch ra và phê phán sai lầm này.

Trong thế kỷ 20 ĐTGC thực chất là cuộc đấu tranh do các thế lực cộng sản đề xướng và lãnh đạo quần chúng cần lao, chống lại những người giàu có, nhằm tranh đoạt lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị. Cuộc đấu tranh này chủ yếu dùng bạo lực với phương châm một còn một mất  nên rất quyết liệt và thảm khốc. Tạm thời ĐTGC có đem đến một chút quyền lợi  và tinh thần cho cần lao, nhưng  tác hại nó mang lại cho nhân loại là to lớn và toàn diện : về đạo đức, văn hóa, kinh tế, nhân mạng.

 ĐTGC luôn đặt câu hỏi và tìm kiếm kẻ thù giai cấp trong thực tế và trong tư tưởng. Tìm cho ra để tiêu diệt cho hết. Mà phải dùng bạo lực để tiêu diệt theo phương châm “ thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Ở Việt Nam, trong những năm mà ĐTGC được đề cao, tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, văn nghệ sĩ rất hoảng sợ khi được cật vấn về lập trường giai cấp, ý thức giai cấp. Trong các nước do cộng sản thống trị hàng chục triệu người đã bị giết một cách oan ức vì ĐTGC.  Ở VN hiện nay, sự xuống cấp rất trầm trọng của đạo đức, sự hủy diệt tầng lớp tinh hoa, sự chia rẽ dân tộc chính là do ĐTGC mang lại. Trong cải cách ruộng đất và cải tạo tư sản không hiếm trường hợp con cháu chống lại ông bà cha mẹ chỉ vì để thế hiện tinh thần ĐTGC, thể hiện sự trung thành với ĐCS.

Những người lãnh đạo ĐCS nói rằng ĐTGC nhằm mang chính quyền về cho giai cấp vô sản, nhưng thực tế không phải vậy. ĐCS nhờ giỏi tuyên truyền mà thu nhận được một số người có trình độ hiểu biết. Những người này có 2 loại : trung thực và cơ hội. Sau khi ĐCS giành được chính quyền, những độc hại của chủ nghĩa Mác Lê dần dần lộ ra. Mọi người đều thấy, nhưng bọn cơ hội lợi dụng để mưu đồ lợi ích cho bản thân và phe nhóm, còn người trung thực tìm cách chống lại. Vì trung thực nên ít biết dùng thủ đoạn, vì thế chính quyền dần dần rơi vào tay bọn cơ hội. Bọn này thiếu trí tuệ nhưng có nhiều mưu mẹo, có nhiều thủ đoạn gian dối trong đấu tranh. Chúng tìm cách triệt hạ hoặc hạn chế những người không cùng quan điểm mà chủ yếu là những trí thức tinh hoa và trung thực, chúng  tìm cách loại bỏ những người không cùng phe cánh, có xung đột quyền lợi. Chính quyền như vậy mà bảo rằng là của vô sản thì quá hài hước.

Như vậy ĐTGC ở VN cuối cùng mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ bọn cơ hội còn giai cấp công nhân vẫn tiếp tục bị áp bức và bóc lột, nông dân vẫn là những người bị thiệt thòi. Đất nước, nhân dân oằn mình gánh chịu thiên tai và nhân tai. Phần lớn nhân tai là kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp của ĐTGC.

Trong suốt cuộc đới Mác chưa hề chỉ đạo hoặc chứng kiến cuộc đâu tranh GC nào có quy mô. Công xã Paris thực chất không phải là đấu tranh GC. Mác chi suy tưởng ra cuộc ĐTGC ở quy mô toàn quốc mà thôi. Tuyên ngôn viết: “Trong khi phác ra những nét lớn của các giai đoạn phát triển của giai cấp vô sản, chúng tôi đã nghiên cứu cuộc nội chiến ít nhiều mạng tính chất ngấm ngầm trong xã hội hiện nay”.  Mác phác ra, suy tưởng ra chứ thực tế chưa xảy ra như thế.

Tuyên ngôn viết: “Xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản”. Cho rằng hai phe thù địch với nhau là không đúng với thực tế xã hội. Chỉ có một số người trong GC vô sản, nghe Mác mà cho rằng GC tư sản là thù địch, là “không có khả năng tiếp tục làm tròn vai trò giai cấp thống trị của mình trong toàn xã hội” nên phải bị tiêu diệt và  giai cấp tư sản đã sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó”. Nhưng ngược lại GC tư sản chưa bao giờ, không có ai xem GC vô sản là thù địch của họ. Rõ ràng cách nhìn của Mác về GC là cực đoan, không phù hợp với tinh thần hợp tác. Tấm gương của các nước Xã hội Dân chủ ở Bắc Âu là một minh chứng.

 

Phần II, về vô sản và cộng sản. Phần này chủ yếu trình bày về con người và đụng chạm đến một vấn đề nhạy cảm là “Tam vô” (Vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo). Vấn đề này được bàn luận nhiều vào cuối thế kỷ 19, đấu thế kỷ 20. Nhưng rồi ngày nay hầu như không nghe có người Marxit nào nhắc đến nó nữa.

Câu kết của phần này rất hay, nhưng lại bị những người cộng sản vứt bỏ không thương tiếc.

Phần III được trình bày một cách rối rắm với định hướng không rõ ràng và rất phiến diện. Phải chăng Mác và Engels định bàn đến đời sống tinh thần của giai cấp. Nếu thế thì không đạt vì ở đây chỉ viết một số nhận xét về vài tác phẩm văn học có dính dáng đến quan hệ giai cấp. Những người Marxit khi tuyên truyền và ca ngợi tuyên ngôn thường bỏ qua phần này vì họ không tìm thấy gì có giá trị trong đó, chỉ là một mớ ngôn từ lộn xộn.

Phần IV, Tuyên ngôn điểm qua tình hình các đảng Cộng sản ở Anh, Bắc Mỹ, Pháp, Thụy sĩ, Ba Lan, và đặc biệt là ở Đức. Cộng sản thời Mác và Engels còn tôn trọng và hợp tác với các đảng đối lập chứ không như một vài đảng CS đã giành được chính quyền và thực hành sự toàn trị của đảng, họ không chấp nhận đối lập và quyết tiêu diệt cho hết. Ở phần này Mác và Engels tỏ ra dám nói thật khi viết : “Điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành…. Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ”. Nhưng Mác và Engels đã không thấy được sự mất mát rất lớn không những của những người vô sản mà của nhân loại, đó là trong cuộc cách mạng ấy rất nhiều nhân mạng bị giết, là nền đạo đức của xã hội bị hủy hoại, là việc đưa một số người kém trí tuệ lên cương vị thống trị làm cho phần lớn đạo lý bị đảo lộn.

3-Cộng sản đã vận dụng Tuyên ngôn như thế nào

Cộng sản trên toàn thế giới và đặc biệt là CSVN ra sức tuyên truyền, hết lời ca ngợi Bản Tuyên ngôn, tưởng rằng họ sẽ nghiên cứu để thực hành theo nó. Nhưng không phải, họ chỉ lợi dụng nó để thực hiện những ý đồ thâm hiểm của mình. Nơi trang trọng họ treo ảnh Marx và Engels nhưng trong lòng họ hình ảnh các ông đã xuống đến ruột già.

Trong Tuyên ngôn có vài điều đúng và nhiều điều sai. Có những điều như: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người, Người cộng sản tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản, Những người cộng sản ở mọi nơi đều phấn đấu cho sự đoàn kết và sự liên hợp của các đảng dân chủ ở tất cả các nước, Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình.”. Đó là những điều đúng, hợp đạo nghĩa. Những điều này đã bị các thế hệ lãnh dạo cộng sản không những vứt bỏ mà còn tích cực làm ngược lại.

Những điều sai, phản đạo lý về ĐTGC, về chuyên chính vô sản với sự thống trị độc tài, về đán áp tư tưởng, khinh miệt tôn giáo thì lãnh đạo cộng sản ra sức đề cao và thi hành. Họ làm như vậy với mục đích củng cố quyền lợi cá nhân và phe nhóm. Một vài lãnh tụ cộng sản còn muốn làm Hoàng đế suốt đời, họ tạo nên một giai cấp mới với những ông vua tập thể. Về hình thức họ có làm một số việc quan tâm đến giai cấp vô sản và nhân dân lao động, nhưng thực chất đó chỉ là như ông chủ quan tâm nuôi dường đàn cừu, đàn vịt trong tay. Họ vỗ cho chúng béo để thu được lợi nhiều hơn chứ chẳng vì tự do và hạnh phúc của chúng nó.

Một vài lãnh đạo cộng sản không đến nỗi quá kém trí tuệ cũng đã phát hiện ra những điều trái quy luật trong Tuyên ngôn, đã làm ngược lại, có nghĩa là chống lại, phản lại, nhưng phạm vào dối trá khi cho rằng làm như thế là vận dụng sáng tạo. Đó là việc phát triển kinh tế tư nhân với mèo trắng mèo đen, với cơ chế thị trường v.v….

4-Kết luận

Để viết một văn kiện quan trọng như Tuyên Ngôn người ta cần đạt đến trình độ “Tri Thiên Mệnh”. Nhưng Mác và Engels, vào năm 1848 còn quá trẻ để hiểu kỹ sự đời. Phải chăng ở tuổi chưa quá 30 họ là những chú ngựa non háu đá, cứ tưởng mình là thiên tài, kiêu ngạo, huênh hoang, thách thức cả thế giới. Hình như khi về già Mác đã nhìn lại thời trai trẻ và nhận ra đã quá hung hăng. Thế nhưng những người làm tuyên truyền của cộng sản đã không chịu đọc kỹ Tuyên ngôn, cứ ca ngợi bừa bằng những lời rỗng tuếch, chẳng khác gì thổi bong bóng xà phòng. Thực ra Tuyên ngôn chỉ là một tảng đá nằm trên con đường phát triển của nhân loại.

Khi viết rằng ông TBT đã nấp vào bóng Tuyên ngôn để viết bài phát biểu về văn hóa được đọc trên một giờ tác giả Nguyễn Hữu Liêm chắc chỉ đoán chứ không đưa ra chứng cứ cụ thể. Chỉ vì điều này mà tôi bỏ công đọc kỹ và phản biện một tác phẩm nổi tiếng của công sản. Hiện đang có phong trào bàn về Lễ.  Có điều gì sai sót và vô ý để bị nhận xét là thất lễ xin được chỉ giáo.

 

Phản biện quan điểm của Lê nin về nhà nước

TS Nguyễn Đình Cống

Một thời Lênin được ca ngợi là nhà cách mạng lỗi lạc, là lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản, ông vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác và tạo thành Chủ nghĩa Mác-Lê nin. Nhưng cũng có không ít người khẳng định rằng ông chỉ dựa hờ vào Mác và thực hành những điều sắt máu, khủng bố mà Mác chưa bàn đến, đặc biệt là ông đã thiết lập nên nhà nước chuyên chính vô sản, một hình thức độc tài toàn trị Cộng sản.

Lê nin, dựa vào sách “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước” của Engels mà cho rằng một thời khá dài xã hội loài người không có nhà nước, nó chỉ xuất hiện khi xã hội phân chia thành giai cấp. Theo Lênin thì nhà nước là bộ máy của giai cấp này dùng để thống trị giai cấp khác. Bộ máy đó mang nhiều hình thức chính quyền rất khác nhau, nhưng nội dung không thay đổi. Nhà nước tư bản, bề ngoài là tự do, dân chủ, nhưng chỉ cho bọn nhà giàu còn giai cấp vô sản bị đẩy vào vòng nghèo khổ, lệ thuộc.

Lênin kêu gọi vứt bỏ thành kiến cũ kỹ xem nhà nước bình đẳng cho tất cả mọi người. Ông nói rằng luận điệu nhà nước là chính quyền của toàn dân là hoang đường, dối trá.

Theo Lênin thì  mục đích  của các đảng cộng sản là xóa bỏ giai cấp và đến lúc đó sẽ không còn nhà nước. Nhưng khi chưa xóa bỏ được giai cấp thì phải thiết lập nhà nước vô sản chuyên chính để thống trị, để trấn áp giai cấp đối kháng, để tiêu diệt kẻ thù giai cấp.

Hãy thử xem cách suy lý và kết luận của Lê nin sai ở chỗ nào.

Những người tự nhận là học trò của Lê nin cho rằng kết luận ông đưa ra là dựa trên khoa học chính xác. Họ đã nhầm. Lê nin đã suy lý với luận cứ, luận chứng và luận đề, trong đó luận đề (hoặc luận điểm) là kết luận về vai trò của nhà nước. Phương pháp đúng, biện chứng, nhưng Lê nin đã phạm sai lầm khi thực hiện.

Có hai cách tiến hành suy lý. Cách thứ nhất bắt đầu bằng việc thu thập mọi luận cứ, dùng luận chứng để suy diễn và rút ra luận đề. Có luận cứ lý thuyết và luận cứ thực tiễn. Ở đây luận cứ thực tiễn là quá trình lịch sử và chính trị của nhân loại. Phải thu thập một cách khách quan và đầy đủ. Tìm ra kết luận rồi còn phải kiểm chứng bằng cách xem có luận cứ nào mà kết luận ngược lại với nó hay không. Cách thứ hai là dự đoán trước luận đề (đưa ra giả thuyết) rồi đi tìm luận cứ để chứng minh. Cách này đòi hỏi người nghiên cứu phải thật sự khách quan, trung thực  vì rất dễ bị thiên kiến mà chỉ tìm những luận cứ thích hợp, bỏ qua luận cứ trái chiều. Lê nin đã theo cách thứ hai và đã chủ động bỏ qua nhiều thứ.

Kết luận cần được kiểm chứng bởi những người phản biện. Cách thứ hai càng cần sự phản biện nhiều hơn. Thế nhưng những người học trò của Lê nin đã chỉ nghe theo ông một chiều, đem kết luận ra tuyên truyền rộng rãi và tìm cách áp dụng vào thực tế. Đó là việc thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản với sự độc quyền toàn trị của đảng cộng sản. Đảng này được Milovan Djilas gọi là “Giai cấp mới”.

Cũng đã có những phản biện chống lại luận điểm do Lê nin đưa ra, đó là những nhà xã hội dân chủ mà đại biểu là  Bernstein (1858-1932- người Đức). Lê nin đã vì mù quáng và kiêu ngạo mà không nghe họ, lại cho rằng đó là bọn phản động, chống lại cách mạng vô sản. 

Lê nin đã dựa vào luận cứ là một phần sự thật của lịch sử. Đó là nhà nước nô lệ, quân chủ và một phần nào đó của nhà nước tư sản để chứng minh luận đề. Mà một phần của sự thật nhiều khi là dối trá.

Trong một quốc gia phải chăng chỉ có hai giai cấp. Còn rất nhiều các tầng lớp khác nữa chứ. Nhà nước có nhiệm vụ gì với các tầng lớp này. Cứ tạm cho rằng có hai giai cấp chính là tư bản và vô sản, quyền lợi mâu thuẫn nhau thì họ cần vừa đấu tranh, vừa hợp tác để cùng tồn tại chứ sao vô sản lại đòi tiêu diệt tư bản trong lúc tư bản không bao giờ xem vô sản là kẻ thù. Ngoài cộng sản ra thì chưa có nhà nước nào đòi tiêu diệt cả một giai cấp.

Có hai loại nhà nước: độc quyền và dân chủ. Bản chất của nhà nước độc quyền đã được Lê nin khai thác. Còn nhà nước dân chủ thì sao. Lê nin cho rằng nó chỉ là hình thức.

Hoàn toàn không phải như vậy. Nền dân chủ của Hy Lạp cổ đại là không thể bác bỏ. Chính quyền dân chủ ở nhiều nước Cộng hòa  và quân chủ lập hiến ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước Bắc Âu là sự thật hiển nhiên, không thể xuyên tạc.

 Vậy bản chất của nhà nước nói chung và nhà nước dân chủ là như thế nào, có phải là của giai cấp này để thống trị giai cấp khác hay không?. Không, không phải. Điều Lê nin cho rằng nhà nước là của giai cấp không thể áp dụng cho mọi nhà nước nói chung mà chỉ là trường hợp riêng cho một vài nhà nước độc tài  nào đó mà thôi.

Còn luận cứ lý thuyết?. Hình như Lê nin chỉ dựa vào quyển sách của Engels mà phần viết về nhà nước cũng chỉ là ý kiến cá nhân chứ chưa khẳng định được là chân lý phổ biến. Thế thì không thể xem là luận cứ đáng tin.

Trong lịch sử nhân loại nhà nước đã trải qua nhiều hình thái. Trong thời đại hiện nay nhà nước nói chung (dù là độc quyền hoặc dân chủ) có hai chức năng chính là quản trị quốc gia và bảo vệ lãnh thổ. Tạm để riêng việc bảo vệ lãnh thổ, không hoặc rất ít liên quan đến giai cấp. Quản trị để quốc gia được ổn định và phát triển. Việc này gồm nhiều lĩnh vực như làm Hiến pháp và các đạo luật, thi hành luật, thu thuế, thực hiện các công trình công cộng vì lợi ích toàn dân về phát triển kinh tế, giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của người dân, điều chỉnh những bất hợp lý trong đời sống dân sự, bảo đảm cho mọi công dân bình đẳng trước luật pháp, bình đẳng về cơ hội. Những điều này là cho toàn dân chứ không phải là của giai cấp. Quản trị xã hội có một phần nhỏ là trừng phạt những kẻ vi phạm pháp luật, là giam giữ những kẻ nguy hiểm cho xã hội. Việc này cũng  không phải thuộc lĩnh vực giai cấp này thống trị, đàn áp, tiêu diệt giai cấp khác.

Nhà nước dân chủ còn phải tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực thi quyền công dân, chủ yếu bằng những cuộc bầu cử thật sự tự do, dân chủ. Qua bầu cử người dân chọn ra người đại diện xứng đáng, truất bỏ những kẻ  kém tài đức, làm mất lòng tin.

Khi đồng ý với những điều vừa nêu thì thấy rõ ràng luận điểm của Lê nin về nhà nước là rất phiến diện, không thể xem đó là chân lý khách quan.

Lênin chết sớm, vào năm 1924, lúc mới 54 tuổi, chưa kịp hoàn thành những ý tưởng vể nhà nước. Lê nin bàn giao sự nghiệp lại cho Stalin và rồi ông này đã dựa vào lý thuyết do Lê nin vạch ra để tạo nên nhà nước độc tài toàn trị cộng sản.

Stalin đã xây dựng được một nhà nước hùng cường một thời, đã công nghiệp hóa được nước Nga nông nghiệp lạc hâu, đã phát triển được một số ngành khoa học, đặc biệt là về vũ khí và vũ trụ, đã có được lực lượng quân sự và công an mạnh mẽ và hiện đại. Thế nhưng Stalin cùng với đảng Cộng sản Liên xô đã tạo ra một nhà nước độc tài sắt máu, đẩy nhiều chục triệu người vào thảm cảnh bị đày đọa, bị giết, đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh bị hạn chế tự do, làm cho nền kinh tế, văn hóa và đời sồng của đại đa số người dân bị  tụt hậu so với nhiều nước. Xã hội Liên xô trong nhiều năm trở thành nhà tù của ý thức hệ, sự tự do tư tưởng và tự do ngôn luận bị loại bỏ. Hễ có ai đó, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng bị tố cáo, bị nghi ngờ có  câu nói hoặc ý nghĩ không phù hợp với vô sản chuyên chính hoặc trái ý lãnh tụ là bị theo dõi, bị kết tội, bị thủ tiêu. Không ai dám đụng đến một cái lông chân của lãnh đạo đảng. Với họ chỉ được ca ngợi, ca ngợi và ca ngợi.

 Thế rồi Liên xô bị thất bại ở Afganistan, bị suy yếu về kinh tế do chạy đua vũ trang, bị các nước XHCN ở Đông Âu xa lánh, bị Trung cộng phê phán và chống đối, đảng CS và đặc biệt là nhiều lãnh đạo của đảng bị mất niềm tin của dân. Liên xô bị tan rã, sụp đổ vào năm 1991. Người ta thi nhau phân tích, tìm nguyên nhân của sụp đổ. Một trong những nguyên nhân cơ bản là quan điểm sai lầm về nhà nước của Lê nin.

Sự sụp đổ của nhà nước Liên xô được một số người đón nhận bình thường, xem là việc sớm muộn gì cũng xảy ra, nhiều người ngạc nhiên, được Trung cộng vui mừng. Trước tình hình đó Cộng sản Việt Nam, thời kỳ TBT Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười, ban đầu hoang mang, lo lắng, sau đó ôm được chân của Trung cộng mà củng cố quyền lực thống trị.

Dân Việt có câu :”Một sự bất tín vạn lần chẳng tin”. Quan điểm về nhà nước của Lê nin không phải là chuyện bình thường mà là rất lớn. Một việc lớn như thế đã bị sai rõ ràng, đã bị “bất tín”, thế mà nhiều lãnh đạo cao cấp của cộng sản Việt nam vẫn kiên trì theo Lê nin. Vì sao vậy?. Điều này xin để mọi người luận giải theo sự hiểu biết và đạo lý của bản thân.

Nhân đây xin có vài lời về bộ Lê nin toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự Thật đã dịch và in Lê Nin toàn tập nhiều đợt. Đợt gần đây vào năm 2005, in trọn bộ gồm 55 tập nội dung chính và 2 tập hướng dẫn tra cứu. Nội dung chính gồm khoảng dưới 10% là những tác phẩm đã in thành sách (Làm gì, Bút ký triết học, Bút ký về chủ nghĩa đế quốc, Nhà nước và cách mạng, Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán….) còn phần lớn là những bài thuyết trình ở các lớp tập huấn, diễn thuyết tại các mit tin, báo cáo và phát biểu tại các đại hội hoặc hội nghị, lời kêu gọi, hiệu triệu, các trả lời phỏng vấn. Riêng các loại thư từ chiếm 10 tập (từ tập 46 đến 55).

Cộng sản cho rằng Lê nin toàn tập là kho tàng vô cùng quý giá của kiến thức nhân loại. Đó là lời tuyên truyền láo khoét, giả dối. Về hình thức đúng là đồ sộ, những 55 tập, mà tập nào cũng dày dặn. Nhưng phần lớn nội dung là những thứ tầm phào. Khi theo phương châm đãi cát tìm vàng thì cũng có thể tìm thấy trong đống ngôn từ đồ sộ ấy một vài ý tưởng có giá trị trong lịch sử. Còn phần lớn nội dung chỉ là những thứ có tác dụng nhất thời, nhiều thứ rơm rác, có thứ là sai lầm, độc hại, thí dụ lý thuyết về nhà nước vô sản chuyên chính.

Còn văn chương của Lê nin?. Hồi làm nghiên cứu sinh ở Liên xô tôi đã cố đọc vài bài trong tuyển tập Lê nin bằng nguyên bản tiếng Nga, nhưng thấy nó rối rắm, rất khó hiểu. Tôi cứ tưởng vì tiếng Nga còn kém, nhưng khi trao đổi với vài bạn nghiên cứu sinh người Nga và cả với thầy hướng dẫn tôi biết được nhận xét của mình không sai. Thầy hướng dẫn tôi, là đảng viên CS, còn bảo tôi rằng đọc những thứ vớ vẩn ấy làm gì.

Xuất bản Lê nin toàn tập với số lượng hàng ngàn bản mỗi cuốn là một sự đại lãng phí  vì phần lớn sách đó chẳng mấy ai đọc, chỉ để trang trí tạm thời các giá sách rồi được đem bán cho đồng nát tái chế thành bột giấy. Nhiều nơi cộng sản đã tốn công tốn của dựng tượng Lê nin rồi nhân dân lại tốn công kéo đổ. Tượng đã như thế thì sách giấy cũng sẽ không có được số phận tốt đẹp gì.

 

Phản biện học thuyết của Mác  (Đoạn 1)

TS Nguyễn Đình Cống

1-Giới thiệu

Những người tôn sùng Mác được gọi là Macxit. Họ đánh giá rất cao học thuyết của ông, tôn ông là lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và các đảng Cộng sản, người lỗi lạc nhất trong những người lỗi lạc, người trọn đời đấu tranh chống áp bức bóc lột, vì hạnh phúc của giai cấp vô sản và nhân loại.

Số người Macxit tuy đông, nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ của thế giới. Số đông hơn nhiều đánh giá Mác là kẻ hồ đồ, xảo trá, là tội phạm lớn của nhân loại, đánh giá học thuyết của Mác là phản khoa học.

Mác là người giỏi ngụy biện, đã dùng hình ảnh vô cùng tốt đẹp của một xã hội tương lai do ông tưởng tượng ra để đánh lừa nhiều triệu người. Họ phần lớn là ít học hoặc dễ tin nên bị mắc lừa, bị nhồi sọ từ lúc còn bé, trở thành cuồng tín. Một số người trong các Đảng CS cầm quyền, tuy biết những cái sai của Mác, nhưng vẫn cố bám víu vào ông, nhằm bảo vệ quyền và lợi đã chiếm được nhờ những thủ đoạn.

Một số biết suy nghĩ, ban đầu bị nhầm mà tôn sùng Mác, nhưng rồi tỉnh ngộ ra và chống lại khi phát hiện thấy rằng thế giới đại đồng chỉ là bánh vẽ, rằng đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản là những sự phá hoại, rằng xóa bỏ tư hữu về sản xuất là sai lầm. Cứ đem áp dụng học thuyết của Mác vào thực tế thì chủ yếu gặp thất bại. Đại diện cho những nhà trí thức lớn trước theo, sau bỏ Mác có Bertrand Russell (1872-1970 người Anh), ở VN có GS Trần Đức Thảo (1917-1993).

Theo sách của Phan Ngọc Khuê thì lúc trẻ ông Thảo say mê Mác, nhưng dần dần ông phát hiện nhiều sai lầm của Mác. Trần Đức Thảo đang viết một quyển sách vạch ra những sai lầm đó thì bị đột tử. Trong sách của ông Khuê  có chương 14, nhan đề “Nêu đích danh thủ phạm”, ông Thảo cho rằng chính Mác là thủ phạm, đã lừa dối nhân loại.

Người chống lại học thuyết của Mác có hiệu quả là Bernstein (1850-1932-người Đức). Ông là người chủ trương xây dựng chế độ Xã hội dân chủ bằng con đường đấu tranh nghị trường, phản đối cách mạng vô sản. Mô hình này đã thành công ở các nước Bắc Âu.

Số người theo Mác là rất ít so với số người phản đối Mác nhưng số bài viết ca ngợi Mác lại khá nhiều. Vì sao vậy?. Vì rằng tuy ít nhưng họ có tổ chức, đó là các đảng cộng sản, đặc biệt là các ĐCS cầm quyền, họ có những cơ quan tuyên truyền hùng hậu, họ ra sức truyền bá và đề cao Mác để lôi kéo quần chúng.

Những ĐCS cầm quyền tuyên truyền rằng họ kiên trì theo Mác, nhưng thực ra không hoàn toàn đúng như vậy. Họ chỉ giữ sự độc tài toàn trị về chính quyền để áp đặt nền thống trị, còn về kinh tế thì họ đã làm ngược với quan điểm của Mác trong nhiều vấn đề. Làm ngược nghĩa là phản lại, nhưng họ ngụy biện là vận dụng sáng tạo và phát triển ý tưởng của Mác. Đây là lập luận dối trá vô cùng lộ liễu. Những kẻ nghe theo là bọn cuồng tín, đã bị nhồi sọ đến nỗi không còn biết suy nghĩ.

Tại sao Mác có thể dùng ngụy biện để đánh lừa và có một số người bị mắc lừa như vậy. Vấn đề này xin để lại sau. Dưới đây tôi chỉ phân tích một số sai lầm và ngụy biện trong học thuyết của Mác.

Ghi chú: Về Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và Đấu tranh giai cấp đã có bài riêng.

2-Sai về triết học

Mác cho rằng vật chất có trước và toàn bộ vũ trụ là vật chất. Ý thức có sau và là sản phẩm bậc cao do hoạt động vật chất của bộ não con người. Duy tâm cho rằng ý thức có trước. Cuộc đấu giữa duy vật và duy tâm chưa phân thắng bại.

Mác đã kết hợp duy vật và phép biện chứng. Điều này đã hấp dẫn một số người thích lối suy luận dựa vào logic, họ cho rằng duy vật của Mác đã thắng một cách áp đảo triết học duy tâm. Thực ra Vật chất và Ý thức là hai phạm trù tồn tại song song, chúng có quan hệ qua lại và không thể nói cái nào có trước. Duy vật và duy tâm đều cực đoan. Hiểu sai, nghiêng về duy tâm tuy có lệch lạc về nhận thức nhưng không gây nên những tai họa lớn cho xã hội. Hiểu sai nghiêng về duy vật tạo ra nhiều tai họa hơn.

Những người tôn sùng duy vật thường coi trọng các nhu cầu vật chất của con người. Trong đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản Mác cũng nhằm vào mục đích chính là đem lại quyền lợi vật chất cho vô sản. Trong ảo tưởng về một xã hội cộng sản Mác đưa ra những hưởng thụ về vật chất để làm mồi nhử.

Tâm linh là một trong hai phần cơ bản tạo nên Vũ trụ và Con người, là đối tượng của Tôn giáo. Nó là phần quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều người. Tôn giáo duy trì, cổ vũ đức tin và đời sống đạo đức. Thế mà Mác bài bác tâm linh, chống tôn giáo. Duy vật làm gia tăng máu lạnh trong con người, xô đẩy người ta vào cuộc tranh giành quyền bính và lợi ích vật chất. Nền đạo đức của xã hội Việt Nam gần đây bị xuống cấp trầm trọng, phần lớn là do nguyên nhân này.

3- Sai ở phương pháp nghiên cứu

Mang danh làm khoa học, nhưng Mác đã sai phạm trong phương pháp. Những sai phạm này khá tinh vi, không dễ thấy mà có thể Mác cũng không biết vì không phải do chủ tâm.

Trước tiên là việc rút ra các kết luận có tính quy luật. Đành rằng các quy luật về xã hội không yêu cầu chặt chẽ như quy luật tự nhiên, nhưng không thể chỉ căn cứ vào vài suy luận sơ sài rồi rút ra kết luận chắc nịch. Mác cho rằng xã hội loài người tất yếu xảy ra 5 phương thức sản xuất và sau phương thức tư bản sẽ là phương thức cộng sản mà quá độ là xã hội chủ nghĩa, rằng phải có sự thống nhất giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp, rằng giai cấp vô sản sẽ làm chủ xã hội tương lai, rằng nguyên nhân nghèo khổ của vô sản là vì họ không có tư liệu sản xuất. Những kết luận đó đều chỉ mới dựa vào một vài hiện tượng đơn lẻ rồi suy diễn ra. Thế mà chúng được tô vẽ, được ngụy biện để đến nỗi rất nhiều người tin là chân lý. Xin hãy tạm đừng tuyệt đối tin vào Mác, đừng nhắc lại như vẹt mà hảy lật lại, làm phản biện xem sao.

Trước hết tạm phân tích về các phương thức sản xuất. Mác đưa ra 5: nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản, cộng sản và cho rằng đó là tất yếu. Về phương thức sản xuất nguyên thủy, Mác cho rằng đó là việc hái lượm, săn bắt và trồng trọt ở thời kỳ đầu. Trồng trọt được xem là sản xuất, nhưng nó xuất hiện sau, ghép nó vào thời nguyên thủy là khiên cưỡng. Còn hái lượm và săn bắt thì sản xuất ở chỗ nào?. Về phương thức nô lệ. Nếu nó thuộc quy luật chung thì ở Việt nam và Trung quốc là thuộc thời kỳ lịch sử nào. Người ta tìm không thấy nên bịa thêm phương thức sản xuất châu Á. Sự bịa này gây tranh cãi. Trong lịch sử, nô lệ là một hình thái xã hội thể hiện quan hệ giữa những con người chứ không phải là một chế độ chính trị, càng không phải là phương thức sản xuất phổ biến.

Năm phương thức có phải là quy luật?. Không, hoàn toàn không phải. Quy luật là sự thật khách quan, trước khi được phát hiện ra thì nó ở dạng ẩn giấu, nhưng vẫn là sự thật tồn tại. Sau khi được phát hiện nó phải được kiểm chứng chặt chẽ. Có thể dùng quy luật để rút ra những kết luận theo cách nội suy. Theo đúng phương pháp khoa học không thể dùng phép ngoại suy để rút ra quy luật. Sau phương thức phong kiến là phương thức tư bản, đó là sự thật. Sau tư bản là gì thì chưa có, chưa xảy ra, chưa biết. Chỉ có thể đoán. Cho rằng sau tư bản là cộng sản, đó chỉ là một phỏng đoán, một sự ngoại suy. Thế mà người ta khẳng định rằng đó là quy luật do Mác phát hiện ra. Nghĩ như thế, nói như thế là quá láo khoét.

Mác đưa ra kết luận rằng “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Câu này là mở đầu của Tuyên ngôn các đảng Cộng sản, công bố năm 1848. Đó là một kết luận quá vội vàng, chỉ mới dựa trên một vài hiện tượng riêng lẻ. Tôn Trung Sơn đã kịch liệt phản bác luận điểm này (1).

 Đúng là trong lịch sử có xảy ra những cuộc đấu tranh của nô lệ chống lại chủ nô, của nông dân chống tập đoàn phong kiến, đặc biệt trong thời đại của Mác là các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân. Không thể nào xem các cuộc đấu tranh như thế là động lực phát triển lịch sử. Công xã Paris (1889…) Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930) là những cuộc đấu tranh chống cường quyền và áp bức chứ chứ không hẳn là đấu tranh giai cấp và sự thất bại của các cuộc đấu tranh đó chẳng tạo nên động lực phát triển.

Tư duy trừu tượng, là giai đoạn tiếp theo, cao hơn về chất của quá trình nhận thức, diễn ra dưới 3 hình thức: Khái niệm, phán đoán, suy lý”. Mác đã phạm một số sai lầm trong quá trình này.

Về khái niệm. Mác đưa ra một số khái niệm mới (so với trước đó) như giai cấp, đấu tranh giai cấp, cách mạng vô sản, phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất, giá trị thặng dư v.v…Những khái niệm này đã được phổ biến, một số người theo Mác đã công nhận và dùng quen. Tuy vậy không phải mọi khái niệm đó đều phản ánh đúng thực tế.

Phán đoán là mệnh đề liến kết giữa các khái niệm. Phán đoán do người nghiên cứu đưa ra, mỗi phán đoán có thể đúng hoặc sai. Mác đã đưa ra một số phán đoán như là: + Công nhân đại diện cho nền sản xuất tiên tiến; +Cách mạng vô sản là tất yếu; + Vô sản là giai cấp cách mạng nhất; +Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội v.v…Phần lớn các phán đoán của Mác chỉ là những phán đoán bộ phận nhưng đã được đưa thành khẳng định.

Suy lý (hay suy luận) dựa vào logic, từ luận cứ, dùng luận chứng để rút ra luận đề, (là kết luận). Một kết luận chỉ được công nhận khi các luận cứ phải đúng và đầy đủ, luận chứng phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của lôgic. Phân tích một số suy luận của Mác tôi thấy rằng ông đã dùng luận chứng đúng, chặt chẽ, vì thế mà hấp dẫn được nhiều người. Nhưng phần lớn suy luận là ngụy biện vì dựa vào một số luận cứ chưa đủ tin cậy.

Luận cứ có hai loại: thực tế và lý thuyết. Khi đọc hoặc học Mác, nếu với lòng tin tuyệt đối vào ông, xem ông là thánh thì sẽ thấy các luận cứ ông đưa ra là đúng và đủ. Đó là do cuồng tín. Nhưng chỉ cần có một chút tư duy phản biện thì không khó để phát hiện ra những thiếu sót trong luận cứ. Tôi sẽ lần lượt trình bày một số phát hiện trong các mục sau.

Ghi chú: (1)- Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn- Sách lưu hành nội bộ trong ĐCSVN

 

Phản biện học thuyết của Mác (Đoạn 2)

TS Nguyễn Đình Cống

4-Sai ở nhận định về con người

Mác cho rằng “Bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Đó là một phán đoán chỉ phản ảnh một phần nhỏ mà đã bỏ qua phần lớn thuộc tính bản chất. Vì vậy có thể nói rằng Mác đã sai. Cái sai này đã dẫn ông đi lạc đường trong nhiều vấn đề.

Hoạt động của con người, ngoài một số ít theo bản năng thì đều xuất phát từ nhận thức. Theo phép biện chứng của Mác thì nhận thức là do: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Trực quan sinh động diễn ra dưới 3 hình thức: cảm giác, tri giác, biểu tượng. Tư duy trừu tượng là giai đoạn tiếp theo, cao hơn về chất của quá trình nhận thức, diễn ra dưới 3 hình thức: Khái niệm, phán đoán, suy lý”.

Những nghiên cứu sâu hơn về con người chỉ ra rằng quan niệm về nhận thức như trên của Mác chỉ đúng một phần nhỏ. Thực ra nhận thức (hoặc Tâm thức) gồm từ hai nguồn là tiềm thức và ý thức. Tiềm thức là những thông tin được chứa trong Tàng thức, trong các tầng hào quang của con người  mà khoa học thực nghiệm hiện nay chưa biết rõ  (2). Tiềm thức được hình thành từ trong bào thai do di truyền, do tiếp thu tinh hoa sông núi. Ý thức thuộc hoạt động của não mà phần lớn được hình thành từ lúc còn rất bé, một phần nữa do các quan hệ xã hội tạo nên. Mác  thấy khá rõ phần quan hệ  này, quan trọng hóa nó lên, rồi vội cho rằng đó là bản chất. Nhầm lẫn này là vô cùng tai hại.

Mác quy kết sai về bản chất con người như vậy có thể do bị ảnh hưởng bởi thuyết tiến hóa Đac Uyn. Thuyết này đề cao ảnh hưởng của môi trường và hiện nay đang bị đánh đổ dần dần.

Từ chỗ đề cao các mối quan hệ xã hội do vị trí của con người trong nền sản xuất và sự thụ hưởng quyền lợi vật chất mà Mác phân chia loài người thành các giai cấp mà coi nhẹ yếu tố quốc gia và dân tộc. Trong các giai cấp thì Mác tỏ ra yêu thương giai cấp vô sản vì thấy họ bị bóc lột, bị áp bức, chịu nhiều sự bất công. Đó là lòng tốt. Nhưng rồi lòng tốt này đã làm Mác mờ mắt và loạn trí, đã nhìn thấy ở giai cấp vô sản những đức tính tốt đẹp để có thể làm chủ thế giới trong lúc họ không có đủ phẩm chất để làm công việc đầy khó khăn đó. Cuối Bản Tuyên ngôn Cộng sản Mác đã kêu gọi “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Để làm gì?. Phải chăng để: Quyết phen này sống chết mà thôi, để mau phá sạch tan tành chế độ xưa, để giành lấy toàn bộ lợi quyền về tay mình (lời của Quốc tế ca).

Mác cũng có thấy một vài thói xấu của vô sản và vì không thể bỏ qua nên có nhắc đến ‘tầng lớp vô sản lưu manh’ và cảnh báo rằng khi nắm được chính quyền một số cá nhân nguyên là vô sản có thể sẽ thay đổi tính nết mà đi theo vết xe đổ. Mác không chịu nhân ra rằng khi đã nắm được quyền thì những người nguyên là vô sản sẽ nhanh chóng trở thành thế lực thống trị tàn độc (những người xuất thân từ trí thức tinh hoa không tàn độc như thế)

Bản chất của con người được tạo nên từ giống và điều kiện môi trường. Giống hoặc hạt giống có từ trong bào thai, chứa trong Tiềm thức. Nó sẽ nảy nở, phát triển hay bị tàn lụi như thế nào là do môi trường. Như vậy môi trường là rất quan trọng, nhưng chính hạt giống mới là nhân tố quyết định. Trong môi trường có các quan hệ xã hội. Vì đầu óc bị vật chất ám ảnh mà Mác không thấy hoặc cố tình bỏ qua vai trò hạt giống, còn trong môi trường thì Mác thấy rất rõ quan hệ xã hội, không thấy được những thứ khác như sự giáo dục gia đình từ lúc trẻ còn rất bé và sự tu dưỡng của bản thân.

Với số đông người, hạt giống về tư hữu là mạnh nhất, nó chi phối nhiều hoạt động. Người vô sản, trong hoàn cảnh phải bán sức lao động để sinh sống thì hạt giống ấy bị kìm hãm, chưa phát triển được. Nhưng khi đã nắm được quyền lực thì hầu như toàn bộ mọi người sẽ để cho hạt giống tư hữu phát triển chứ không phải chỉ vài trường hợp riêng. Nếu có đặc biệt thì đó là một số rất ít người có sẵn hạt giống tốt về đạo đức nhân bản mà sức mạnh của nó có thể chiến thắng hạt giống tư hữu vốn có nhưng yếu.

Một nhận định khá sai lầm của Mác, cho rằng giai cấp công nhân đại diện cho nền sản xuất công nghiệp tiên tiến và từ đó gán cho họ những đức tính do Mác suy luận ra. Điều này đã được nhiều học giả vạch ra (3), được thực tế chứng tỏ, tưởng không cần chứng minh thêm nữa.

Chú thích: (2)- Xem sách Bàn tay ánh sáng (Hand of light), tác giả Barbara Ann Brennan. Lê Trọng Bổng dịch. NXB Văn hóa thông tin- 1996.

(3)- Xem sách Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, tác giả Tân Tử Lăng. NXB Thư Tác Phương- Hồng Công- 2007.

.

5-Xã hội thiên đường cộng sản

Xã hội cộng sản do Mác vạch ra: “ Mọi tư liệu sản xuất là công hữu, của cải vật chất dồi dào, mọi người tự giác làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu …”. Đó chỉ mới là sản phẩm của trí tưởng tượng hoang đường nhưng Mác đã vội khẳng định tính tất yếu của nó. Việc làm này ngược với phương pháp khoa học. Mác chỉ rõ con đường đi đến xã hội cộng sản phải trải qua thời kỳ quá độ là xây dựng chế độ Xã hội chủ nghĩa. Thế rồi các học trò của Lê nin còn thêm vào một thời kỳ quá độ thứ hai là  “Quá độ từ xã hội phong kiến lạc hậu lên thẳng CNXH”.

Thông thường thầy chỉ dạy cho học trò công việc mà mình đã từng làm, có kiến thức, có kinh nghiệm. Thế mà Mác dám dạy cho đệ tử việc mà ông chẳng biết đầu cua tai nheo ở đâu. Mác chỉ mới tưởng tượng ra một cái bóng rồi xúi dục người khác làm theo nó. Trong việc này có ba sai lầm rất lớn.

Một là mô hình xã hội Mác đưa ra hoàn toàn là hoang đường. Việc công hữu toàn bộ tư liệu sản xuất, xóa bỏ mọi tư hữu về nó là trái với bản chất con người. Sự tự giác của con người là có, nhưng quá tin vào sự tự giác của tất cả mọi người là ảo tưởng.

Hai là việc tạo lập nên xã hội tốt đẹp phải được giai cấp vô sản thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là đội tiên phong của họ. Thực ra ban đầu, khi thành lập các ĐCS đều tự cho mình là đội tiên phong của giai cấp vô sản, nhưng khi đã nắm được chính quyền thì họ đã trở thành một ‘giai cấp mới’. Và quan trọng là giai cấp vô sản chưa bao giờ và không thể là động lực chính cho một xã hội tiến bộ. Chế độ vô sản chuyên chính do các ĐCS lập nên trong quá trình xây dựng CNXH là độc tài toàn trị.

Ba là, chẳng biết rồi xã hội cộng sản sẽ tốt đẹp như thế nào, nhưng con đường để thiết lập vô sản chuyên chính và sự thống trị cúa nó là đầy đau thương và tàn bạo.

Nhiều người say mê Mác vì ông cổ vũ cho việc chống áp bức bóc lột, chống bất công, mong muốn nhân loại được sống trong no ấm, hạnh phúc. Đây là một sự say mê thiên lệch và mù quáng. Những điều vừa kể và một số điều tốt đẹp khác không phải do Mác đề xuất đầu tiên hoặc duy nhất. Trước, ngang và sau Mác có hàng ngàn hàng vạn những thủ lĩnh chính trị, dù đang cầm quyền hoặc tranh đấu để có quyền đều tuyên bố như thế. Mác chỉ nói theo và nói thì hay mà làm thì dở. Đó là chống áp bức này nhưng lại tạo ra áp bức khác trong đấu tranh nhằm tiêu diệt giai cấp bóc lột, đó là Mác hầu như không quan tâm đến nhân quyền mà chỉ quan tâm đến giai cấp vô sản. Cái riêng của Mác là xã hội làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu thì làm gì có.

 

6- Nghèo khổ và bị bóc lột

Quan sát xã hội nước Anh ở thế ký 19 Mác nhận ra sự nghèo khổ của tầng lớp người phải bán sức lao động để kiếm sống, họ bị bóc lột vì không có tư liệu sản xuất. Mác gọi họ là vô sản. Mác không thể, không muốn hay không dám thâm nhập sâu vào cuộc sống của vô sản để biết được bản chất, nguyên nhân sâu xa của sự nghèo khổ.  Mác chỉ quan sát từ xa, quan sát lớt phớt, thấy được điều rõ ràng nhất, dễ thấy nhất là họ không có tư liệu sản xuất. Đó là cái nhìn phiến diện. Từ đâu sinh ra lớp người không có tư liệu sản xuất khi mà từ đầu loài người vốn không ai có của riêng.

Có ba nguyên nhân tạo ra những người vô sản. Một là nguồn gốc từ ông cha, hai là bị tai nạn, ba là tự phá sản.

Từ ông cha, đó là truyền đời, nhưng ông tổ đầu tiên tại sao lại trở thành vô sản trong khi những người khác trở thành hữu sản. Phải chăng họ bị khiếm khuyết gì đó về thể chất hoặc tinh thần, mà một số không ít là do lười nhác hoặc kém trí tuệ. Ông cha là vô sản nhưng con cháu không phải tất cả sẽ nối nghiệp vô sản mà chỉ những người kém năng lực  mới trở thành vô sản, còn những người trẻ có năng lực đã sớm thoát khỏi và có người trở thành tư sản. Vậy nguồn gốc chỉ là một phần, nó còn kết hợp với sự yếu kém phẩm chất tinh thần.

Có những người hữu sản vì gặp phải tai nạn gì đó mà mất hết, trở thành vô sản. Số này ít thôi, nhưng không phải tất cả họ đều suốt đời chịu làm vô sản. Một số họ chỉ  là vô sản tạm thời rồi họ sẽ tìm cách đổi đời.

Có một số người mà cha mẹ là hữu sản nhưng họ trở thành vô sản vì đã rượu chè, cờ bạc, ăn chơi, lười nhác mà phá nát cơ nghiệp tổ tiên, tự mình làm phá sản.

Mác trông cậy vào vô sản mà quên rằng đặc trưng nổi bật của phần đông vô sản là kém trí tuệ.

Vì đánh giá không đúng về bản chất của vô sản nên Mác đã tưởng tượng ra những bản chất tốt đẹp mà họ không có hoặc có rất ít, gán cho họ những khả năng quản lý và lãnh đạo. Vì điều này mà ở Việt Nam một thời đã đề lên rất cao thành phần bần cố nông, cho rằng những người nghèo khổ nhất là đáng tin tưởng nhất, giao cho họ những chức vụ lãnh đạo và họ đã phá nát nhiều thứ.

Mác chưa hề tham gia vào sản xuất, chưa làm kinh doanh bao giờ, chỉ biết một số kiến thức qua sách vở, báo chí và những quan sát từ xa. Từ đó Mác nghĩ ra thuyết giá trị thặng dư, chỉ ra việc tư bản bóc lột công nhân như thế nào rồi công bố, không hề kiểm nghiệm, không nghe phản biện. Thuyết giá trị thặng dư ấy đã được nhiều người tung hô, giảng dạy, tuyên truyền, nhưng chỉ trên giấy và trên cửa miệng, không thấy có ai vận dụng được gì vào thực tế. Vì sao vậy?. Vì nó sai. Thực ra thì không sai hoàn toàn mà đã bỏ sót một vài yếu tố quan trọng. Điều này đã có nhiều chứng minh, để tránh dài dòng tôi không nhắc lại.

7-Quy luật thống nhất giữa lực lượng và quan hệ sản xuất

Theo Mác thì lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tác động qua lại lẫn nhau một cách biện chứng, tạo thành quy luật, có nội dung: “Quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất”. Những người Marxit cho rằng đó là quy luật cơ bản nhất của sự vận động, phát triển xã hội. Họ giải thích rằng lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất và phát triển nhanh hơn. Đến một lúc quan hệ sản xuất trở nên lạc hậu so với lực lượng. Lúc này, để bảo đảm sự phù hợp thì phải làm cách mạng để đổi mới quan hệ sản xuất nhằm tái lập sự phù hợp.

Đây là một sự bịa đặt rất phản khoa học. Đã gọi là quy luật thì phải luôn luôn đúng, nếu có cái gì làm cho lệch lạc thì hệ thống tự động điều chỉnh. Ở đây con người phải can thiệp nhằm sửa đổi quan hệ sản xuất, uốn nắn cho nó phù hợp. Phải có sự can thiệp của con người thì còn gi là quy luật. Mà lại can thiệp bằng cách mạng vô sản.

Cho rằng quan hệ và lực lương phải phù hợp nhưng khái niệm phù hợp ở đây rất tù mù. Quan hệ và lực lượng là hai đối tượng khác nhau hoàn toàn về bản chất, thành phần và cấu tạo. Vậy sự phù hợp này được quyết định bới cái gì, đánh giá như thế nào. Tôi chưa nghe ai nói, chưa thấy tài liệu nào giải thích rõ về sự phù hợp này.

Cho rằng lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất. Quyết định như thế nào cũng lại là một sự tù mù khác. Đây là một phán đoán hay kết luận của một suy lý, của một chứng minh. Nếu đây là phán đoán thì nó nhận giá trị giả dối. Nếu là kết luận thì đây là bịa đặt vì chẳng thấy quá trình suy lý như thế nào.

Khi Mác đưa ra quy luật này phải chăng có thâm ý là chuẩn bị tiền đề cho cách mạng vô sản. Nếu quả thật như thế thì Mác xứng đáng được tôn thành tổ sư của bịp bợm vì đánh lừa được rất nhiều người tự cho là thông minh, có trí tuệ ở trong các Bộ này, Ban nọ, Hội đồng kia. Còn việc đánh lừa được hàng triệu người vô sản thì là chuyện bình thường, chỉ cần đưa ra vài mồi nhử về vật chất.

 

Tái bút - Tác giả bài viết có mong muốn được đối thoại trực tiếp với những người Marxit chân chính dù ở bất kỳ cương vị nào để cùng nhau nhận ra được những sai lầm trong lập luận.