Nguyễn Đình Cống: "Cho rằng tham nhũng, lợi ích nhóm có nguyên nhân từ đạo đức. Không sai, đó là nguyên nhân gần, trực tiếp. Nhưng nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân gốc ở đâu?. Tại sao lại chọn kẻ kém đạo đức làm cán bộ lãnh đạo. Hay là do cơ chế, đã làm lãnh đạo thì tự sinh ra kém đạo đức?. Không trả lời rõ vấn đề này thì vẫn còn loay hoay mãi mà vẫn không tìm được lối thoát. Phải chỉ ra cho rõ rằng vì đường lối phản khoa học, phản tiến bộ trong việc dân chủ giả hiệu và sự độc quyền mới sinh ra bọn cán bộ thiếu đạo đức."
Lãnh đạo ĐCSVN đang loay hoay trước tình thế nguy hiểm của sự suy thoái. Cấp thiết phải củng cố, làm trong sạch đảng. Họ cho rằng: " Chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người.....Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của đảng và sự tồn vong của chế độ....Nhiều vấn đề liên quan đến tham nhũng, lợi ích nhóm, có nguyên nhân từ đạo đức, ......Nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của đảng…. Từ sự suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường….”
Tôi vừa trích một số câu rồi ghép lại. Trong đoạn đó có một số nhận định thiếu chính xác, thậm chi bị sai cơ bản.
Thứ nhất, họ chỉ thấy xây dựng Đảng là tổ chức và con người. Điều đó đúng nhưng thiếu mất phần cơ bản, quan trọng nhất. Đó là học thuyết. Họ vừa kém trí tuệ, vừa kiêu ngạo và rất ích kỷ nên cố đặt cái thây ma đã mục rữa là học thuyết Mác Lê lên bàn thờ. Họ cũng không thèm nghe những người chính trực mách bảo, can gián mà cam tâm bị bọn Trung Cộng lừa bịp với chiêu bài “cùng ý thức hệ”. Chính vì thờ Mác Lê và ôm lấy Trung Cộng nên không thể nào xây dựng được một đảng trong sạch, vững mạnh. Lý thuyết xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân do Lê Nin vạch ra từ đầu thế kỷ 20 đã thành rác rưởi hôi hám, chỉ là các vị quá quen rồi nên vẫn cứ ngửi thấy mùi thơm (xin nghiên cứu thật kỹ, ĐCSTQ chỉ mang tên CS nhưng thực chất không còn theo những điều cơ bản của Mác Lê nữa).
Thứ hai, họ lo đến sinh mệnh của đảng và tồn vong của chế độ mà không quan tâm đến đất nước, đến dân tộc. Thực chất đảng là tổ chức do họ lập ra để tạo lực lượng. Đảng hiện có gần 5 triệu người, trong đó khoảng 4 triệu rưỡi là đảng viên thường, chỉ có dưới 500 ngàn là cán bộ lãnh đạo các cấp. Giá thử sinh mệnh của đảng có chuyện gì nguy hiểm thì chủ yếu ảnh hưởng đến quyền lợi tầng lớp lãnh đạo chứ đối với tuyệt đại đa số đảng viên thường chằng có gì phải bận tâm. Họ đưa sinh mệnh ra để hù dọa số đông đàng viên vốn ngây thơ tin vào họ.
Còn chế độ?. Chế độ do lãnh đạo lập ra. Sự tồn vong của chế độ cũng chủ yếu là quan trọng đối với cán bộ đảng và những người ăn theo họ chứ đối với đại đa số đảng viên và nhân dân thì chế độ cộng hòa, dân chủ cộng hòa hay xã hội chủ nghĩa mà được yên ổn làm ăn được tự do tư tưởng, không bị áp bức thì đều được chấp nhận. Đa số nhân dân không cần cái tên “Chế độ XHCN” mà thực chất là sự độc tài toàn trị của ĐCS. Bỏ nó đi càng tốt.
Thứ ba, cho rằng tham nhũng, lợi ích nhóm có nguyên nhân từ đạo đức. Không sai, đó là nguyên nhân gần, trực tiếp. Nhưng nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân gốc ở đâu?. Tại sao lại chọn kẻ kém đạo đức làm cán bộ lãnh đạo. Hay là do cơ chế, đã làm lãnh đạo thì tự sinh ra kém đạo đức?. Không trả lời rõ vấn đề này thì vẫn còn loay hoay mãi mà vẫn không tìm được lối thoát. Phải chỉ ra cho rõ rằng vì đường lối phản khoa học, phản tiến bộ trong việc dân chủ giả hiệu và sự độc quyền mới sinh ra bọn cán bộ thiếu đạo đức.
Thứ tư, nguy hiểm nhất…Đó là nguy hiểm cho ai?. Cho ĐCS hay cho dân tộc. Liệu lãnh đạo có dám đặt câu hỏi: Tại sao cán bộ và đảng viên lại phai nhạt lý tưởng, tại sao không kiên định con đường, tại sao lại làm trái quan điểm, đường lối của Đảng. Phài chăng lý tưởng đã không còn hấp dẫn vì sai nhầm chỗ nào đó, con đường đã chệch hướng, quan điểm có gì trái quy luật, bị bế tắc. Nếu vậy thì những việc đó chẳng nguy hiểm mà chỉ có lợi cho cả Đảng và Dân tộc. Có nguy hiểm chăng là cho một số người vì kém trí tuệ mà bảo thủ, mà kiên định những điều sai trái, những người không theo kịp thời đại, tham quyền cố vị mà Đảng cầm quyền chân chính cần loại bỏ.
Hiện nay ĐCSVN đang như một cành tầm gửi bám vào cây Dân tộc. Lãnh đạo ĐCS xem dân tộc và đất nước như một cái cây cho tầm gửi bám hoặc như một đàn cừu do Đảng chăn dắt. Họ chăm lo cho cây đó hút được nhiều nhựa, tổng hợp được nhiều chất bổ dưỡng chủ yếu để nuôi cành tầm gửi phát triển, họ chăm cho đàn cừu béo tốt để có được nhiều thịt và len chứ không phải vì cuộc sống của cừu. Lời nói rằng họ vì tự do và hạnh phúc của nhân dân chủ yếu là nói xạo, nói để đánh lừa những người nhẹ dạ, để nhồi sọ những kẻ ngu tín mà thôi.
Thứ năm là: Từ sự suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn.
Đây là một sự suy diễn ngụy biện, sai cơ bản. Suy thoái về đạo đức, lối sống và tự diễn biến, tự chuyển hóa về chính trị là hai lĩnh vực khác nhau hoàn toàn. Xin hãy dẫn ra những kẻ đại diện cho bọn suy thoái về đạo đức, lối sống và những người tự diễn biến về chính trị rồi so sánh, xem có phải từ suy thoái về đạo đức dẫn tới tự chuyển biến hay không. Cho rằng từ suy thoái đạo đức dẫn tới tự diễn biến là một sai lầm không những do ngu muội mà còn đểu cáng. Không có “sự dẫn tới” như vậy dù là bước ngắn hay quá trình lâu dài.
Tự diễn biến bậc cao là những người có thời gian dài ở trong Đảng, hiểu biết khá rõ về độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê và những điều sai trái không thể sửa chữa của Đảng, họ tuyên bố công khai việc từ bỏ Đảng, họ phản biện Mác Lê và đường lối cộng sản. Họ là những người được xếp vào loại “ Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo hèn không thể chuyển lay, bạo lực không thể khuất phục”. Vu cáo những người như thế là suy thoái đạo đức để xếp họ cùng với bọn tham nhũng, cửa quyền, làm giàu bất chính là hành động của bọn người vô liêm sĩ.
Làm cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao xin hãy tu tâm dưỡng tính để có được trí thông tuệ, tâm trong sáng, lòng từ bi, bao dung, xóa bỏ được bất minh, uốn lưỡi trước khi nói, suy nghĩ kỹ trước khi viết, biết hổ thẹn và sửa chữa khi phạm sai lầm, biết nghe những lời phản biện, biết rút lui kịp thời. Như thế mới mong để lại chút tiếng thơm trong lịch sử.