Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự - Thực thi Dân quyền - Nâng cao Dân trí - Chấn hưng Dân khí - Cải thiện Dân sinh - Xây dựng Dân chủ
05 février 2015
Ông Nguyễn Tấn Dũng: Hành Trình Danh Vọng và Quyền Lợi Dân Tộc
TS Nguyễn Ngọc Sẵng
Đại hội 12 đảng cộng sản Việt Nam còn hơn một năm nữa mới khai mạc, nhưng trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện nhiều bi kịch với kẻ chết bất thường, kẻ bị đầu độc, kẻ treo cổ tự tử, kẻ tìm đường trốn ra nước ngoài, bao nhiêu dinh cơ của một số tham quan được công bố, những tay trùm ngân hàng xộ khám và có thể còn nhiều sự kiện làm ngẩn ngơ người dân nghèo trong nước sẽ được lôi ra trong những ngày tới.
Có thể đây là bước một trong chặng đua, cũng là bước quan trọng để được “chốt” trong danh sách 22 người được “huy hoạch” cho Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư, cùng với khoảng 220 trung ương ủy viên đảng cho khoá tới.
Trong đợt bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng là người có số phiếu cao nhất, theo tin từ Chân Dung Quyền Lực. Nếu điều nầy đúng, thì ông Dũng có nhiều cơ hội trở thành Tổng Bí Thư đảng cộng sản Việt Nam trong đại hội 12. Và với vị thế đó ông là người chịu trách nhiệm cao nhất trong chánh sách đối nội lẫn đối ngoại mà Việt Nam đang là con bài chiến lược trong chánh sách của Mỹ lẫn Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và chiến lược xoay trục sang Châu Á của Mỹ.
Trước tiên xin điểm qua ba lá bài chủ là Mỹ, Trung Quốc và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mà nhân vật được nhắc nhở nhiều nhất là đương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được coi là có xu hướng thân Tây phương và những gì ông cần và phải làm để bảo vệ quyền lợi cho Việt Nam trong ván cờ Mỹ Trung ở châu Á.
Chánh sách của Mỹ
Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 21-23/1/2015, tại Học Viện Ngoại Giao Việt Nam hôm 23/1/2015, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề chính trị, quân sự, ông Puneet Talwar, cho biết: “Việc mở rộng và củng cố quan hệ với Việt Nam là yếu tố mang tính quyết định cho nỗ lực xoay trục sang Châu Á của Hoa Kỳ". Ông tuyên bố thêm: "Việc mở rộng và củng cố quan hệ với Việt Nam là một yếu tố mang tính quyết định trong nỗ lực tái cân bằng đó”.
Ông Ted Osius, được cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam với mục tiêu rõ ràng được trình bày tại cuộc hội thảo "Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa" do Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế của Hoa Kỳ (CSIS) và Ðại Học Portland của Hoa Kỳ phối hợp tổ chức.
Trong cuộc hội thảo nầy ông Ted Osius tuyên bố: "Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia lớn mạnh, giàu có và độc lập, tôn trọng luật pháp và nhân quyền".
Hoa Kỳ cũng bày tỏ mong muốn sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam. Ông Hà Kim Ngọc, thứ trưởng của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, có cùng nhận định là sự can thiệp sâu hơn của Hoa Kỳ sẽ có lợi cho toàn khu vực trong những năm sắp tới.
Trả lời BBC ngày 28/1, ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành quỹ tài sản PXP tại Việt Nam, cho rằng dù đang có một số khó khăn về ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam đã sẵn sàng để phát huy những lợi ích của TPP về dài hạn.
Với chiến thuật "củ cà rốt", Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam phát triển kinh tế để tránh xa dần Trung Quốc, và có thể trở thành một mắc xích trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Khi Việt Nam đạt được lợi ích kinh tế trong sự gắn bó với Hoa Kỳ, thì họ sẽ đưa Việt Nam vào luật chơi quốc tế. Điều đó thể hiện rõ ràng trong câu nói của Đại sứ Osius "Hoa Kỳ muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia lớn mạnh, giàu có và độc lập, tôn trọng luật pháp và nhân quyền".
Nếu Hoa Kỳ thực hiện được mục tiêu nầy thì Trung Quốc sẽ ở vào thế vô cùng khó khăn. Việt nam từ vai trò phên dậu, sẽ trở thành người "chăn gối với kẻ thù".
Quyền lợi cốt lõi củaTrung Quốc.
Cũng trong thời gian này, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đăng bài "Ðòn bẫy thương mại có thể ngăn chặn Việt Nam quay sang với Mỹ." Theo phân tích của ông Chu Phương Ngân, làm việc tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế Quảng Ðông, thì Hoa Kỳ sẽ có một số nhượng bộ trong vòng đàm phán mới về Hiệp Định Tự Do Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam. Để hoàn tất thương lượng vào tháng 3 và trình Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua vào tháng năm. Đó là một tính toán chiến lược để tác động đến toàn cảnh chính trị khu vực Đông Nam Á.
Cũng theo ông Chu Phương Ngân, Việt Nam hy vọng vào TPP sẽ tạo tăng trưởng bền vững kinh tế và từ đó sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào nhập cảng từ Trung Quốc. Thêm vào đó sự căng thẳng tại biển Ðông giữa hai quốc gia cũng là lý do quan trọng thúc đẩy Việt Nam lựa chọn đối tác chiến lược mà Hoa Kỳ là quốc gia có tiềm năng cao nhất hiện nay. Nếu Hoa Kỳ mở rộng và củng cố quan hệ vững chắc với Việt Nam đó sẽ là yếu tố mang tính trụ cột cho nỗ lực xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy lý do tại sao cựu ngoại trưởng Clinton đã nhiều lần viếng Việt Nam trong nhiệm kỳ của bà. Việc nầy cũng góp phần tạo thêm sự vững chắc cho an ninh trong khu vực, đồng thời đó cũng là nguy cơ cho sự an ninh và phát triển của Trung Quốc.
Trong cuộc trao đổi với Bàn Tròn Trực Tuyến của BBC tuần này nhân dịp Việt Nam và Mỹ đang đánh dấu tròn 20 năm hai nước cựu thù bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cù Chí Lợi, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Châu Mỹ nói: "Trung Quốc có một số quan ngại của họ mà vì thế quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có cải thiện, thì có thể họ cũng có ý kiến, lo ngại về mối quan hệ này, rằng nó có thể ảnh hưởng đến vấn đề bao vây rồi hạn chế sự phát triển của Trung Quốc”.
Trước vấn nạn đó Hoàn Cầu Thời Báo đưa ra phương thức cũng với tinh thần Đại Hán. Một mặt chiêu dụ, sử dụng các biện pháp kinh tế đa dạng, tăng cường đầu tư, giúp phát triển hạ tầng cơ sở và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.
Trung Quốc sẽ tỏ ra mềm mỏng hơn để xoa dịu căng thẳng ở biển Ðông, chắc họ sẽ không quên triệt để khai thác các lợi thế truyền thống, tình hữu nghị giữa hai đảng cộng sản anh em, dùng lá bùa bốn tốt và mười sáu chữ vàng để ru ngủ những người còn lú lẩn tại Ba Đình vẫn một lòng tin tưởng vào giặc Hán. Thậm chí họ có thể tìm cách đe nẹt, gây ảnh hưởng để có người lãnh đạo cao cấp nhất theo lập trường Trung Quốc. Một mặt họ doạ nạt nếu Việt Nam đứng về phía Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ có những biện pháp trừng phạt. Đồng thời họ không quên lên án Hoa Kỳ, với giọng cũ rích của kẻ côn đồ khu vực, là không được can thiệp vào việc nội bộ khu vực.
Quyền lợi của dân tộc Việt Nam
Lựa chọn hợp tác với ai, sẽ làm gì và làm như thế nào, đó là quyết định của giới lãnh đạo Việt Nam mà một số dư luận trong nước, khu vực Đông Nam Á và có thể cả Hoa Kỳ, đều nhắm vào đương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người có nhiều cơ hội sẽ trở thành lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam trong năm 2016.
Nếu suy đoán nầy đúng thì ông Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu từ thời điểm nầy cần suy nghĩ kỷ những vấn đề sau đây:
– Ông nên nhớ rằng Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất để Hoa Kỳ có thể xử dụng cho chiến lược xoay trục sang châu Á nầy. Ấn Độ với 1, 25 tỉ dân trong một nước dân chủ, có tiềm năng cao trong việc xử dụng để làm lực đối trọng với Trung Quốc. Bên cạnh đó, nếu không thành công trong việc tìm đồng minh có khả năng và vị trí địa lý thích hợp, Hoa Kỳ có thể tìm một giải pháp hoà hoản để cùng chia xẻ lợi ích trên Biển Đông với Trung Quốc. Lúc đó Việt Nam chỉ là thừa thãi và nếu muốn trở lại hợp tác với Mỹ cũng không còn kịp nữa.
– Đây là thời điểm quyết định để đưa đất nước đến phát triển, để chia phần thịnh vượng trong vùng Đông Nam Á. Bỏ lở cơ hội nầy là một trọng tội với đất nước, với dân tộc.
– Ông cũng cần nhớ lại bài học lịch sử là sau Thế Chiến thứ hai, Mỹ dùng kế hoạch Marshall để giúp những đồng minh Âu Châu tham chiến với họ, kết quả là những nước đồng minh Tây Đức, Anh, Pháp đều thịnh vượng nhờ kế hoạch nầy.
Hiện tại, đầu thế kỷ 21, Mỹ áp dụng chiến lược chuyển trục sang châu Á, Mỹ đang cần đồng minh thân cận để thực hiện chiến lược nầy. Và Việt Nam được Mỹ chọn với vị thế địa chính trị. Đây là cơ hội ngàn năm một thuở để vực dây kinh tế, dân chủ hoá đất nước. Dĩ nhiên những quốc gia đi với Mỹ trong chiến lược nầy sẽ được hưởng lợi nhuận kinh tế từ TPP mà Mỹ là nước đóng vai trò quan trọng, quyết định. Phải nắm cho bằng được cơ hội nầy để phát triển đất nước. Có được điều nầy chúng ta mới hy vọng được rằng trong vòng từ 10 đến 20 năm tới Việt Nam sẽ đuổi theo Hàn Quốc, Nhựt Bổn và có thể vượt qua được Mã Lai, Nam Dương, và Thái Lan. Vận hội không chờ bất cứ ai. Bỏ qua vận hội là mang trọng tội với dân tộc.
Lịch sử sẽ không bỏ sót những tên phản bội, những kẻ phản quốc, nhưng lịch sử cũng không hẹp hòi với bất cứ ai làm điều có lợi cho đất nước, nhất là lúc đất nước đang lâm nguy trước kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.
TS Nguyễn Ngọc Sẵng
Published by TTXVA on February 4, 2015