Chiều nay BÀI BÁO Formosa Hà Tĩnh: phát thải “siêu độc”, quản lý “chưa tiên liệu”? ĐÃ BỊ KIỂM DUYỆT, phải gỡ ra khỏi TBKTSG online
Huy Đức - Hãy đóng cửa Formosa và bỏ tù
những kẻ cõng rắn vào nhà
Lời bình của Huy Đức: Lượng các chất ô nhiễm mà Formosa Hà Tĩnh sẽ thải ra môi trường là những con số khủng khiếp: khí thải (gần 36 triệu tấn/năm), nước thải (trên 28.000 tấn/năm các chất ô nhiễm); lượng phenol và xyanua trong nước thải của Formosa trước khi xử lý là 120 tấn/năm hay 0,36 tấn/ngày… Chỉ riêng chất thải rắn (gần 9 triệu tấn/năm) đã đủ biến VŨNG ÁNG THÀNH MỘT VÙNG ĐẤT CHẾT. Thời hạn giao đất 70 năm đâu còn ý nghĩa gì khi bãi rác sẽ là vĩnh viễn!
Nếu những người cấp phép không phản bác được các số liệu và lập
luận được nêu trong bài này thì còn chờ gì nữa.
Thứ Năm, 7/7/2016, 07:41 (GMT+7)
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo ngày 30-6-2016, Bộ trưởng Bộ
Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà nói rằng: “Về quy chuẩn môi
trường, trước đây vì nhiều lý do nên một số ngành ô nhiễm được ưu tiên. Ví dụ
trong ngành luyện kim, luyện thép… nếu để tiêu chuẩn cao sẽ khó khả thi nên phải
hạ thấp hơn chuẩn bình thường để ngành đó tồn tại, phát triển” (VnExpress).
Vậy “trước đây”, hay nói đúng hơn là cho đến thời điểm này, các vấn đề môi trường
của ngành thép được quản lý như thế nào để bây giờ Formosa Hà Tĩnh gây ra thảm
họa môi trường ven biển miền Trung, đến nỗi Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà phải
thừa nhận: “Có thể nói ta chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa”
(Tuổi Trẻ)?
Phát thải “siêu độc” của Formosa
Thật ra, từ năm 2009, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi
trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT) đã cho xuất bản tài liệu “Hướng dẫn lập
báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án luyện gang thép” (Hướng dẫn ĐTM). Hướng
dẫn ĐTM này gồm lời nói đầu và 8 chương, đưa ra các phân tích chi tiết về công
nghệ luyện gang thép, các tác động môi trường, các biện pháp giảm thiểu tác động
môi trường, chương trình quản lý và giám sát môi trường, tham vấn ý kiến cộng đồng
và cuối cùng là khung hướng dẫn kỹ thuật lập báo cáo ĐTM dự án đầu tư xây dựng
nhà máy luyện gang thép.
Hướng dẫn ĐTM này đã nêu rất rõ “…trong quá trình xây dựng và
vận hành các dự án đầu tư xây dựng nhà máy luyện gang thép sẽ gây ra những tác
động tiêu cực tới môi trường. Vì vậy cần phải tiến hành đánh giá tác động môi
trường cho dự án, nhằm mục đích phân tích, đánh giá và dự báo những tác động có
lợi và có hại, trực tiếp và gián tiếp, trước mặt và lâu dài mà các hoạt động của
dự án có thể ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường khu vực, để từ đó xây dựng
các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời giúp cho cơ quan chủ đầu
tư dự án có những quyết định toàn diện và đúng đắn về các giải pháp phát triển
dự án gắn với bảo vệ môi trường”. Với những gì được viết ra một cách chi tiết
trong hướng dẫn này, thật khó hiểu với sự thừa nhận của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần
Hồng Hà ở trên.
Cân bằng nguyên vật liệu và năng lượng để sản xuất ra 1 tấn
thép thô từ nhà máy liên hợp gang thép như của Formosa mà Bộ TN-MT hướng dẫn
(xem hình).
Theo hướng dẫn ĐTM này để tính toán với công suất giai đoạn 1
là 15 triệu tấn thép/năm, Formosa Hà Tĩnh sẽ thải ra môi trường với tải lượng
các chất ô nhiễm (xem bảng).
Đó quả là những con số khủng khiếp cho dù xét theo bất cứ nguồn
ô nhiễm nào: khí thải (gần 36 triệu tấn/năm), nước thải (trên 28.000 tấn/năm
các chất ô nhiễm) hay chất thải rắn (gần 9 triệu tấn/năm). Tất nhiên đây là tải
lượng ô nhiễm trước khi được xử lý bằng các hệ thống kiểm soát ô nhiễm không
khí, xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn.
Một điều đáng lưu ý, đó là tổng lượng phenol và xyanua trong
nước thải của Formosa trước khi xử lý là 120 tấn/năm hay 0,36 tấn/ngày (cho rằng
nhà máy vận hành 330 ngày/năm), tính theo tài liệu hướng dẫn ĐTM của Bộ TN-MT ở
trên.
Như vậy, tính ra trong năm ngày nhà máy mất điện và không thể
xử lý được nước thải, tổng lượng phenol và xyanua đã thải ra biển Vũng Áng mà Bộ
TN-MT công bố đó là nguyên nhân chính gây ra thảm họa cá chết hàng loạt từ Hà
Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế trong tháng 4-2016 vừa qua, là 1,82 tấn (giả định chạy
theo công suất của giai đoạn 1). “Chỉ” 1,82 tấn phenol và xyanua trong năm
ngày, mà phá hủy gần như toàn bộ rạn san hô trên 200 cây số bờ biển miển Trung
mà có khi cần đến cả trăm năm để phục hồi. “Chỉ” 1,82 tấn phenol và xyanua
trong năm ngày, mà hàng triệu ngư dân miền Trung điêu đứng vì mất ngư trường
trong vài tháng qua và sẽ còn khó khăn không biết đến bao giờ.
Nếu tính theo giấy phép xả thải mà Formosa đã được cấp với
lưu lượng 45.000 mét khối/ngày, chỉ riêng với nồng độ phenol hay xyanua cho
phép đều là 0,585 mg/l, thì tổng lượng phenol và xyanua sẽ thải ra biển Vũng
Áng trong điều kiện Formosa vận hành ổn định và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn
cho phép sẽ là 17,37 tấn/năm, tức là lớn gấp 9,5 lần so với lượng thải của năm
ngày gây ra thảm họa.
Vậy liệu rằng hệ sinh thái biển miền Trung kia, vốn đã bị phá
hủy gần như toàn bộ “chỉ” với 1,82 tấn phenol và xyanua, có tiếp tục chịu đựng
nổi trong 70 năm tới khi còn tiếp nhận hàng năm một số lượng phenol và xyanua “ổn
định” là 17,37 tấn/năm, đó là chưa kể Formosa còn dự kiến nâng công suất nhà
máy lên 1,5 lần, đạt 22 triệu tấn thép/năm cũng sẽ dẫn đến lượng phát thải gấp
1,5 lần như thế?
Xem ra Bộ TN-MT cần phải nỗ lực nhiều để có bộ quy chuẩn nước
thải cũng như giấy phép xả thải phù hợp cho Formosa Hà Tĩnh, thay cho bộ Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất gang thép QCVN
52:2013/BTNMT đang được áp dụng và “chưa tiên liệu được các chất thải của
Formosa” với chỉ 12 thông số.
Để tham khảo, Hướng dẫn về môi trường, sức khỏe và an toàn của
Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) áp dụng cho nước thải của các nhà máy sản xuất
thép liên hợp như Formosa quy định đến 25 thông số, trong đó có rất nhiều thông
số về kim loại nặng mà QCVN 52:2013/BTNMT không quy định.
Sau nước thải là khí thải
Dư luận chưa chú ý đến nhiều về khí thải từ Formosa Hà Tĩnh,
cho dù đó cũng là một nguồn ô nhiễm cực lớn, có lẽ do khu liên hợp gang thép
này chưa vận hành toàn bộ dây chuyền sản xuất. Theo tính toán ở trên, chỉ riêng
phát thải CO2 của Formosa Hà Tĩnh đã đạt đến 34,5 triệu tấn/năm, so với tổng lượng
phát thải khí nhà kính năm 2020 của tất cả các ngành sản xuất và xây dựng là
68,3 triệu tấn/năm (không kể ngành công nghiệp sản xuất năng lượng), theo báo
cáo dự báo phát thải khí nhà kính của Bộ TN-MT năm 2014.
Nghĩa là, chỉ riêng khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh,
phát thải khí nhà kính đã chiếm đến trên 50,5% tổng lượng phát thải khí nhà
kính trong toàn bộ các ngành sản xuất và xây dựng tại Việt Nam! Ta biết rằng Việt
Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất thế giới do biến đổi khí hậu,
và những thảm họa do thiên tai như hạn hán, lũ lụt và những hiện tượng thời tiết
cực đoan khác xảy ra khắp cả nước trong thời gian qua với cường độ tác hại ngày
càng lớn cũng như tần suất xảy ra ngày càng dày đặc đã chứng minh điều đó. Vậy
thì không rõ khi vận hành toàn bộ dây chuyền sản xuất, Formosa Hà Tĩnh sẽ tiếp
tục góp phần làm nghiêm trọng thêm tác động do biến đổi khí hậu đến mức nào?
Cùng với CO2 còn là những chất ô nhiễm khác độc hại không
kém, đó là bụi và khí kim loại gần 1 triệu tấn/năm có nguy cơ rất cao gây ra
các bệnh về đường hô hấp, trong đó có ung thư phổi. Ngoài ra, SO2 và NOx là những
khí gây ra mưa axit, làm suy giảm chất lượng đất, chất lượng nước, giảm năng suất
nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, cũng đạt đến lượng phát thải theo thứ tự là
33.000 tấn/năm và 34.500 tấn/năm.
Tương tự nước thải, khí thải cũng có quy định riêng, đó là
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép QCVN
51:2013/BTNMT. Quy chuẩn này quy định 11 thông số cho khí thải sản xuất thép
nói chung, và 11 thông số cho khí thải sản xuất cốc (luyện cốc).
Trong khi đó, hướng dẫn về môi trường, sức khỏe và an toàn của
IFC áp dụng cho khí thải của các nhà máy sản xuất thép liên hợp như Formosa quy
định chung đến 18 thông số, không phân biệt quy trình sản xuất.
Có hai điều đáng nói về QCVN 51:2013/BTNMT, đó là quy định chỉ
tiêu dioxin/furan chỉ được áp dụng từ ngày 1-1-2017, và nồng độ bụi cho phép
cao gấp 2-5 lần so với hướng dẫn của IFC (100 mg/Nm3 so với 20-50 mg/Nm3, trong
đó IFC đề nghị áp dụng 20 mg/Nm3 khi trong bụi phát hiện có các kim loại độc hại).
Dioxin, thành phần chính của chất độc màu da cam mà không lạ gì với người dân
Việt Nam, là tác nhân gây chết người, ung thư và để lại nhiều di chứng về sức
khỏe cho nhiều thế hệ; Dioxin/Furan là những hợp chất có độc tính cao nhất được
biết trong khoa học cho đến nay.
Trong khi đó, bụi phát sinh từ các ống khói nhà máy liên hợp
sản xuất thép có tính chất là bụi lơ lửng (SPM), trong đó hàm chứa rất nhiều
các kim loại nặng độc hại khác nhau như asen, thủy ngân, cadmi, chì, niken,
crôm, kẽm, mangan… Vậy thì, dioxin/furan độc hại như thế, sao chỉ yêu cầu áp dụng
từ ngày 1-1-2017? Bụi lơ lửng phức tạp với nhiều kim loại nặng độc hại như thế,
dựa vào đâu để cho phép thải với nồng độ quá cao so với tiêu chuẩn quốc tế?
Ngoài ra, hiện nay giấy phép xả thải chỉ mới được áp dụng cho
nước thải và chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, còn giấy phép xả thải
cho khí thải chỉ được áp dụng sau ngày 1-1-2018, theo quy định trong Nghị định
số 38/2015/NĐ-CP. Với nguy cơ ô nhiễm do khí thải của Formosa Hà Tĩnh như hiện
nay, rõ ràng không có lý do gì phải trì hoãn việc áp dụng giấy phép xả thải cho
khí thải đến sau ngày 1-1-2018. Việc áp dụng giấy phép xả thải cho khí thải
càng sớm càng tốt sẽ góp phần ngăn ngừa thảm họa môi trường do ô nhiễm không
khí từ Formosa Hà Tĩnh có thể gây ra cho đồng bào miền Trung.
Kiểm soát ô nhiễm ở Formosa, cần đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ!
Theo báo cáo nghiên cứu “Modelling and Analysis of
Environmental Pollution in an integrated steel plant” (Mô hình hóa và phân tích
ô nhiễm môi trường của một nhà máy liên hợp gang thép) do Giáo sư K.
Vizayakumar đến từ Indian Institute of Technology (Viện Công nghệ Ấn Độ) thực
hiện năm 2001, thống kê cho thấy để các hệ thống kiểm soát ô nhiễm trong các dự
án liên hợp gang thép hoạt động thực sự hiệu quả, chi phí đầu tư cho các hệ thống
này chiếm đến 10% tổng vốn đầu tư dự án. Nghĩa là với quy mô đầu tư 10 tỉ đô la
Mỹ của dự án Formosa Hà Tĩnh, chi phí để đầu tư cho các hệ thống xử lý khí thải,
xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn tại đây cần đến 1 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải 45.000 mét khối/ngày
mà Formosa tự cho là hiện đại chỉ tốn có 45 triệu đô la Mỹ, chưa bằng 1/22 con
số 1 tỉ đô la Mỹ nhu cầu đầu tư ở trên. Vậy liệu rằng Formosa có dành đến 955
triệu đô la Mỹ còn lại để đầu tư vào hệ thống xử lý khí thải và quản lý chất thải
rắn, để đảm bảo tuân thủ về môi trường theo các chuẩn mực quốc tế? Hay “nếu để
tiêu chuẩn cao sẽ khó khả thi nên phải hạ thấp hơn chuẩn bình thường để ngành
đó tồn tại, phát triển”, nên Formosa đã và sẽ còn tiếp tục lợi dụng để rồi môi
trường của Việt Nam sẽ bị ô nhiễm, người dân của Việt Nam sẽ còn tiếp tục bị trả
giá?
Chỉ có Bộ TN-MT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trực
tiếp và cao nhất trong Chính phủ về các lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước,
biến đổi khí hậu… mới có thể trả lời những câu hỏi đó.
Đăng Nguyễn
(Thời báoKinh tế SG)