01 février 2017

Trung Quốc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất với Mỹ ở Biển Đông?

HỒNG THỦY



(GDVN) - Lần này, Trung Quốc ra tay sớm hơn, từ khi Donald Trump chưa kịp nhậm chức, họ đã bắt giữ một thiết bị lặn không người lái của tàu khảo sát Mỹ ở Biển Đông.

CNBC ngày 29/1 cho biết, xung quanh phát biểu của Liu Guoshun, một quan chức Cục Động viên Quốc phòng thuộc Quân ủy Trung ương trên tờ Quân Giải phóng Trung Quốc ngày 20/1, có chuyên gia tin rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc đụng độ quân sự tiềm năng với Hoa Kỳ.


Lính Trung Quốc, hình minh họa: SCMP

Ian Bremmer, Chủ tịch và là người sáng lập trung tâm Tư vấn Rủi ro chính trị toàn cầu, Eurasia Group, cho biết: bài xã luận trên tờ Quân Giải phóng giống như một cảnh báo chứ không phải là một kế hoạch đe dọa bằng sức mạnh.
Theo ông, chính phủ Trung Quốc khá quan tâm đến khả năng đối đầu trực tiếp với chính quyền ông Donald Trump.
Trước đây Bắc Kinh thận trọng trong phản ứng với các phát biểu hùng biện của Trump, nhưng bây giờ quan chức nước này đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Họ mong đợi để trả đũa quyết liệt bất kỳ chính sách nào của Mỹ mà họ cho là chống lại lợi ích họ.
Trung Quốc không muốn gặp rắc rối với Hoa Kỳ trong năm 2017, bởi đây là thời gian diễn ra Đại hội 19. Tuy nhiên, nếu điều đó vẫn cứ xảy ra, Bắc Kinh muốn Tổng thống Donald Trump hiểu được hậu quả.
Ngoài chuyện quân sự, Bắc Kinh cũng đã tăng cường xúc tiến các hoạt động thúc đẩy hệ thống kinh tế - thương mại của họ để thay thế cho cái họ gọi là "khủng hoảng của nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản phương Tây".
Cuối tuần trước, Han Zhen, Bí thư đảng ủy Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh viết bài xã luận trên tờ Nhân Dân nhật báo nói rằng: "Kiểu dân chủ phương Tây đã đóng một vai trò tiến bộ trong lịch sử, nhưng ngay bây giờ nó có những lỗi hệ thống rất nặng". [1]
Người viết cho rằng, rất có thể "chuẩn bị cho tình huống xấu nhất với Hoa Kỳ trên Biển Đông" đúng là tính toán của một số "cái đầu nóng" trong Lầu Bát Nhất, bởi hơn ai hết, họ là những người thúc đẩy Trung Nam Hải thực hiện những bước đi phiêu lưu, manh động quân sự hóa Biển Đông.
Họ thúc đẩy điều này nhiều khả năng nhằm tạo vốn liếng chính trị để leo cao hơn trên nấc thang danh vọng khi Đại hội 19 đang cận kề, đáp ứng nhu cầu của một số nhà lãnh đạo cấp cao nước này để biến Trung Quốc thành siêu cường khu vực, toàn cầu, cạnh tranh và thậm chí "soán ngôi" của Mỹ.
Đồng thời rất có thể những dự án bồi lấp đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông cũng sẽ tiêu tốn hàng tỉ USD, cơ hội "làm giàu" cho không ít doanh nghiệp sân sau.
Hành động ném đá dò đường, mềm nắn rắn buông từ Trung Quốc là những biểu hiện thường thấy mỗi khi Nhà Trắng thay vua đổi chủ.
Ví dụ như vụ va chạm giữa chiếc EP-3 hải quân Mỹ với máy bay quân sự Trung Quốc trên Biển Đông năm 2001 sau khi George W. Bush vừa nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Năm 2009, ngay trong tuần Barack Obama nhậm chức Tổng thống Mỹ thì xảy ra vụ Trung Quốc quấy rối tàu khảu sát USNS Impeccable ở Biển Đông. Hai hành động này đều có tính toán nhằm thách thức chủ nhân mới của Nhà Trắng.
Lần này, Trung Quốc ra tay sớm hơn, từ khi Donald Trump chưa kịp nhậm chức, họ đã bắt giữ một thiết bị lặn không người lái của tàu khảo sát Mỹ ở Biển Đông.
Tuy nhiên Donald Trump đã có những phát biểu khá cứng rắn, sử dụng con bài địa chính trị lợi hại Đài Loan, khác hẳn hai người tiền nhiệm.
Ông đe dọa sẽ xem xét lại chính sách "một nước Trung Quốc", cái Bắc Kinh cũng như không ít chính khách Mỹ sau Tổng thống thứ 37 Jimmy Catter coi là nền tảng và  điều kiện cho việc xác lập quan hệ Trung - Mỹ.
Trung Quốc luôn luôn đặt ra vấn đề "một nước Trung Quốc" khi thiết lập quan hệ ngoại giao với bất kỳ quốc gia nào khác. Thậm chí họ chấp nhận bỏ tiền của để mua chuộc nốt những đồng minh cuối cùng của Đài Loan.
Bởi vậy người viết cho rằng, Trung Quốc sẽ phải rất thận trọng thay vì manh động. Bởi nắm quyền ở đảo Đài Loan hiện nay không phải là Quốc Dân đảng, mà là Dân Tiến đảng, Donald Trump đang lãnh đạo nước Mỹ chứ không phải Barack Obama.


Hồng Thủy

Nguồn: Theo GDVN