23 décembre 2014

Nguồn nhân lực cao có chất lượng thấp


Nguồn: Theo Dân Trí

Lê Chân Nhân


Quý 3 năm 2014, có 174.000 cử nhân thất nghiệp, đó là thông tin đưa ra tại diễn đàn "Các bên liên quan trong giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam” diễn ra ngày 18.12.

(Minh họa: Ngọc Diệp)


Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp là do chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu. Tại diễn đàn này, vấn đề giảm sút lòng tin của xã hội đối với các trường đại học được đưa ra như một lời cảnh báo để các trường đại học phải tự thay đổi mình. Trường đại học mọc lên nhiều nhưng ngày càng vắng bóng sinh viên. Một số trường cầm cự được, cho ra lò vài khóa, nhưng xã hội lại từ chối tấm bằng đại học của họ cấp.

Sự từ chối từ các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở, bởi vì nhiều trường đào tạo không có chất lượng. Đã có nhiều doanh nghiệp và địa phương dứt khoát không nhận sinh viên của các trường ngoài công lập. Cho dù có ý kiến phản đối, đề nghị không nên "kỳ thị", phân biệt trường công và trường tư. Tuy nhiên, thị trường có quy luật riêng, sản phẩm không tốt thì không được thị trường chấp nhận. Nếu như chính quyền các địa phương, hoặc Chính phủ có can thiệp bằng hành chính, thì cũng không thể cứu nổi. Chỉ có một cách duy nhất, mỗi trường đại học phải nâng cao chất lượng đào tạo.

Kinh tế phát triển, nhiều gia đình có tích lũy, thì việc đầu tiên họ nghĩ đến là đầu tư cho con cái du học. Ở đây không phải là chuyện sính ngoại như mua sắm một món hàng, mà đầu tư cho tương lai sự nghiệp của một con người, cho nên các bậc phụ huynh phải lựa chọn điều kiện, môi trường học hành tốt nhất cho con cái của họ. Đại học Việt Nam không đáp ứng được, bắt buộc phải du học ở các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Chưa nói Anh, Mỹ cho xa, chỉ Singapore, cũng thu hút hàng ngàn du học sinh Việt Nam. Chúng ta chịu thua một quốc gia nhỏ ngay cạnh mình, càng nghĩ càng đau lòng, sốt ruột... Chúng ta đã nói quá nhiều về vấn đề này nhưng kết quả thực sự mới chính là sản phẩm đào tạo kém chất lượng so với các nước láng giềng.

Điều nguy hiểm không chỉ là hàng vạn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp mỗi năm gây lãng phí lớn cho toàn xã hội, mà Việt Nam đang sở hữu một nguồn “nhân lực cao” nhưng lại có chất lượng thấp. Nền kinh tế Việt Nam mang tham vọng tăng trưởng, phát triển theo kịp các nước phát triển, nhưng tham vọng đó sẽ không thể thực hiện được một khi không có lực lượng sản xuất tinh nhuệ. Lực lượng đó là đội ngũ các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, chuyên viên tinh thông nghề nghiệp, không chỉ đủ khả năng đáp ứng đòi hỏi của xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp, mà còn đủ năng lực sáng tạo, phát minh ra những sản phẩm mới, giá trị mới.

Mấy chục năm qua, Việt Nam không có sản phẩm sáng tạo có giá trị tầm thế giới. Nhiều năm qua, Việt Nam không sản xuất được những sản phẩm công nghệ cao mà phải nhập khẩu hoàn toàn. Đó là vì chúng ta chưa có một nền giáo dục đại học có đẳng cấp quốc tế.