24 décembre 2014

'Khen' Nguyễn Tấn Dũng: Thủ đoạn mới của 'cụ cố' Lê Đức Anh


 Hoàng Trần


 

Cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh vừa tiếp tục công khai thể hiện sự ủng hộ quyền lực đối với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước thềm hội nghị trung ương 10 chia chác nhân sự sắp diễn ra.

Trong cuộc nói chuyện được đăng trên báo Tri Thức Trẻ (Soha.VN), đại tướng Lê Đức Anh đã nêu lên vấn đề chủ quyền lãnh thổ, qua đó dành sự tâng bốc hết lời cho thủ tướng đương nhiệm.

Theo ông Anh, tại các hội nghị quốc tế, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã 'có thái độ rõ ràng, đúng đắn và rất đáng quý' trong vấn đề chủ quyền tại Biển Đông. 

“Đại tướng khẳng định những phát biểu này hợp lòng dân, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, báo Tri Thức Trẻ trích lời cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh nói.

Cũng cần nói thêm, báo điện tử Tri Thức Trẻ (Soha.VN) thuộc sở hữu của Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam (VC Corp), được đầu tư bởi quỹ IDG Ventures do ông Nguyễn Bảo Hoàng, con rể thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm chủ.

Quyền lực 'cụ cố'

Hội nghị TW 10 tối quan trọng của đảng CSVN sắp diễn ra vào năm tới nhằm chuẩn bị nhân sự cho đại hội lần thứ 12. Dự kiến đây sẽ là cuộc chạy đua quyền lực khốc liệt giữa các đối thủ chính trị. 

Ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm thủ tướng hai nhiệm kỳ, nếu muốn được giữ lại bộ chính trị thì chỉ có con đường lên chứ không thể xuống. Hoặc là lên làm tổng bí thư hay chủ tịch nước; hoặc phải nghỉ hưu.

Do đó, động thái trên của đại tướng Lê Đức Anh cũng là dấu hiệu cho thấy sự công khai củng cố quyền lực cho vị thủ tướng sắp mãn nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.

Một lần nữa, ảnh hưởng của Lê Đức Anh đã gợi lại vai trò của của các 'ông cố vấn', một định chế từng tồn tại trong đảng CSVN với quyền lực gần như tuyệt đối.

Sau khi về hưu năm 1997, Lê Đức Anh tiếp tục giữ chức danh cố vấn ban chấp hành trung ương đảng CSVN, nắm toàn quyền quyết định nhân sự cho vị trí tổng bí thư và các chức vụ chóp bu trong bộ chính trị. Vai trò tương tự như chức thái thượng hoàng dưới thời phong kiến.

Năm 2001, cả ba 'cụ cố' Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt đã dùng quyền lực để lật tổng bí thư đương nhiệm Lê Khả Phiêu vì dám đòi loại bỏ định chế 'cố vấn' trong đảng. Ông Lê Khả Phiêu sau đó buộc phải chấp nhận về hưu, chức danh cố vấn ban chấp hành trung ương đảng cũng không được nhắc tới từ đó.

Chiêu bài 'Thoát Trung, phò Dũng'

Năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng được đưa lên làm thủ tướng với hình ảnh một 'nhà cải cách' nhờ vào vai trò đắc lực của ôngLê Đức Anh. Ngược lại, con trai ông Anh là Lê Mạnh Hà sau đó cũng được lên giữ chức phó chủ tịch UBND TP. HCM.

Sau hai nhiệm kỳ làm thủ tướng, 'nhà cải cách' Nguyễn Tấn Dũng đã bộc lộ rõ sự bất tài trong việc điều hành kinh tế đất nước. Nguyễn Tấn Dũng gắn liền với hình ảnh của một thủ tướng tham nhũng số 1 tại Việt Nam. Có thể nói, hiếm có một vị thủ tướng nào bị nhân dân căm ghét nhiều như Nguyễn Tấn Dũng.

Để tiếp tục củng cố quyền lực, phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng buộc phải nặn ra một hình ảnh mới. Ban đầu, chiêu bài 'dân chủ' được dựng lên, nhưng đã nhanh chóng nhận thất bại thê thảm bởi cách hành xử thô bạo của Nguyễn Tấn Dũng đối với giới hoạt động nhân quyền tại Việt Nam.

Sau đó, trước việc Trung Cộng gia tăng xâm lấn tại Biển Đông, những tuyên bố hết sức tầm thường của Nguyễn Tấn Dũng bỗng chốc đưa ông ta lên thành 'lá cờ đầu' chống Trung Cộng.

Lá bài 'thoát Trung, phò Dũng' nhanh chóng được một số vị tự nhận 'trí thức' phò đảng biến thành những cuộc vận động sôi nổi, xem đây là một giải pháp tối ưu trong cơn tuyệt vọng.

Điều này trùng khớp với những tuyên bố mị dân xuất hiện nhiều một cách bất thường của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Trung Cộng.

Thậm chí, ngay cả những tuyên bố hoàn toàn vô nghĩa của 'lá cờ đầu' Nguyễn Tấn Dũng, khi được qua tay Lê Đức Anh bỗng chốc biến thành 'những phát biểu hợp lòng dân'.

Thủ đoạn mị dân lão luyện của những tay cáo già cộng sản ngày càng trở nên tinh vi và khó nhận biết.

Thông điệp của kẻ bán nước

Như đã nói ở trên, thế lực đã tạo dựng quyền lực cho Nguyễn Tấn Dũng - 'lá cờ đầu' chống Trung Cộng lại chính là những kẻ bán nước cho Trung Cộng.

Lê Đức Anh và Đỗ Mười là hai lãnh đạo cộng sản đang còn sống và phải chịu trách nhiệm chính về những thỏa ước đã lén lút ký với Trung Cộng tại Mật nghị Thành Đô năm 1990.

Năm 1988, Lê Đức Anh trong vai trò là bộ trưởng bộ quốc phòng đã hạ lệnh cho hải quân Việt Nam không được nổ súng trong trường hợp Trung Cộng đánh chiếm Gạc Ma. Hay bất cứ quần đảo nào tại Trường Sa.

Hậu quả là ngày 14/3/1988, quân Trung Cộng dễ dàng đánh chiếm đảo Gạc Ma và ra tay thảm sát 64 người lính hải quân Việt Nam chỉ sau một trận chiến ngắn.

Sau trận Hải chiến Trường Sa năm 1988, Lê Đức Anh đã trực tiếp ‘đi đêm’ với Trung Cộng, dẫn tới kết quả là Hội Nghị Thành Đô diễn ra vào năm 1990. Ít lâu sau, Lê Đức Anh được lên làm chủ tịch nước.

Vậy mà, trong cuộc phỏng vấn với báo Tri Thức Trẻ, Lê Đức Anh vẫn còn trơ trẽn tuyên bố: “Hoàng Sa và Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam. Trong lần gặp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trước đây - ông Giang Trạch Dân, tôi cũng đã công khai khẳng định điều này”.

Trước vong linh của 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam, rõ ràng Lê Đức Anh vẫn còn tiếp tục biện minh cho hành vi tiếp tay Trung Cộng cướp đảo, thảm sát lính Việt Nam. Dù ai cũng rõ chính ông ta là thủ phạm bán nước.

Quyền lực mà Lê Đức Anh có được chính là nhờ vào hành vi bán nước cho Trung Cộng. Do đó, nguồn gốc quyền lực của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tạo dựng bởi bàn tay những kẻ bán nước.

Tương tự, nguồn gốc quyền lực phe thần phục Tàu trong đảng CSVN cũng được tạo dựng bởi bàn tay của Trung Cộng – những kẻ cướp nước.

Không bao giờ có sự lựa chọn giữa phe bán nước hay phe cướp nước. Phe nào thắng thì nhân dân đều bại, họa mất nước vẫn còn trực chờ trước mắt. 

Trò chơi phe phái với những thù đoạn chính trị nham hiểm sẽ không bao giờ có chỗ đứng cho nhân dân. Chúng ta cũng không thể đứng nhìn bọn chúng đấu đá, mặc cả dựa trên quyền lợi dân tộc. Chúng ta chỉ có một lựa chọn duy nhất, đó là tham gia vào cuộc đấu tranh lật đổ chế độ cộng sản độc tài toàn trị, thiết lập một chế độ tự do dân chủ tại Việt Nam.