Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự - Thực thi Dân quyền - Nâng cao Dân trí - Chấn hưng Dân khí - Cải thiện Dân sinh - Xây dựng Dân chủ
29 décembre 2014
NHỮNG ĐỨA EM TÔI kỳ 13: Nhà khoa học làm chính trị
Nguồn: Theo blog Đào Hiếu
NGUYỄN TRẦN SÂM
Nhà khoa học chuyển sang làm chính trị này tên Trọng. Nếu như cánh có bằng cấp cao chuyển sang làm chính trị đa số là do không làm nổi khoa học đúng nghĩa thì Trọng không thuộc loại này.
Trọng vốn thông minh, sinh ra trong một dòng họ có truyền thống học hành đỗ đạt cao, và cậu ta đã kế tục xuất sắc truyền thống đó. Con đường khoa cử đối với cậu ta gần như không có trở ngại nào. Đoạt giải Toán miền Bắc khi học năm cuối phổ thông. Đi du học ở một nước có trình độ khoa học phát triển cao. Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc với thành tích nghiên cứu được công bố trên một vài tạp chí khoa học có uy tín quốc tế. 26 tuổi thành phó tiến sỹ. 32 tuổi thành tiến sỹ (bây giờ gọi là TSKH), với một bản luận án được đánh giá cao. 37 tuổi đã được phong giáo sư.
Nhưng Trọng không chỉ kế thừa từ cha ông sự đam mê học thuật và khoa cử. Cậu ta cũng kế thừa cả sự đam mê con đường hoạn lộ.
Ngay từ khi mới làm cán bộ giảng dạy ở một trường đại học được vài năm, Trọng đã thấy cần phải phấn đấu để nắm giữ một một trọng trách trong khoa. Với ưu thế nổi trội về kiến thức, năng lực nghiên cứu và cả sự năng động so với lớp đàn anh, Trọng bắt đầu mở chiến dịch vận động để đồng nghiệp và cấp trên chú ý đến mình. Trọng khéo léo phê phán cách quản lý cũ kỹ của lớp người đi trước, nêu ra cách thức quản lý mới. Sự phê phán của Trọng được khá nhiều đồng nghiệp ủng hộ. Mặt khác, Trọng cũng nhận thức được rằng, ở nước ta, muốn thay thế được lớp đàn anh thì sự vượt trội về năng lực vẫn chưa đủ. Còn phải được lòng cả những nhân vật có quyền bổ nhiệm chức vụ nữa. Và Trọng đã tìm được cách thức hợp lý để tiếp cận được những nhân vật như vậy. Tuy nhiên, phải nói là cậu ta đã không dùng đến cái cách tiếp cận kiểu hạ đẳng là luồn cúi và cung phụng. Cậu vẫn giữ được tư thế trong việc cầu thân với cấp trên.
"Cần phải thay thế lớp người tư duy theo lối cũ để thúc đẩy khoa học phát triển, anh ạ.” Trọng hăm hở nói với tôi trong một lần gặp. Mặc dù tôi thuộc loại thiếu "chí tiến thủ", song nói chung tôi có cảm tình với Trọng, và tin rằng cậu ta sẽ làm được cái gì đó cho khoa học nước nhà.
Nhân tiện, cũng xin nói rằng tôi không thuộc dạng người có thể bầu bạn với Trọng. Cả về trình độ lẫn địa vị xã hội, tôi đều không là gì so với cậu ta. Và nói chung, cậu ta không chơi thân với ai ở tầng thấp hơn mình. Nhưng cậu ta lại thích gặp và nói chuyện với tôi. Ngay từ thời sinh viên đã thế, mặc dù cậu ta học sau tôi hai khóa. Có lẽ vì tôi chịu khó lắng nghe và hiểu được những suy nghĩ của cậu ấy.
Những chiến dịch vận động của Trọng đã đem lại kết quả có lẽ là như ý. Ngoài 40, cậu ta đã trở thành nhân vật đứng đầu một cơ quan khoa học quan trọng. Những thay đổi trong quản lý khoa học mà Trọng thực hiện trong viện của mình được đa số những cán bộ có năng lực tán đồng. Chỉ có Hợp, bạn khá thân thời sinh viên học của tôi, hơn Trọng vài ba tuổi, vừa là đồng hương vừa là cấp dưới của Trọng, là có lần mỉm cười và nói khi tôi hỏi về Trọng:
“Thằng đó giỏi, làm được việc, nhưng máu me lắm.”
"Thì cũng phải thế mới thay đổi tốt lên được chứ. Chứ cứ yếm thế như tôi với ông thì…" Tôi nói.
*
Một lần xem TV, tôi tình cờ thấy Trọng xuất hiện trong phiên họp của cơ quan quyền lực nhà nước. Vài lần sau thì thấy giới thiệu cậu ta là người đứng đầu của một ban hay ủy ban gì đó của cơ quan này. Quá ngạc nhiên, tôi gọi điện cho Hợp.
"Này, tay Trọng lại sang bên ấy à?" Tôi nói.
"À đúng rồi. Hắn sang đó được mấy tháng nay.” Hợp nói.
"Sao thế nha? Bỏ hẳn cơ quan khoa học à? Nó vốn tâm đắc với quản lý khoa học…"
Hợp cười.
“Ông đúng là người thiên cổ. Khoa học cũng không bằng quyền lợi."
"Nhưng cỡ như nó thì cứ ở bên lĩnh vực quản lý khoa học cũng có nghèo đâu. Mà danh giá. Sang bên đó làm leng teng cho mấy cha… chán chết."
“Đấy là suy nghĩ của ông. Bọn nó làm quan lâu ngày nghĩ khác lắm."
Tôi không nói gì thêm, nhưng vẫn băn khoăn, chắc phải có lý do gì đó Trọng mới "buộc" phải "sang bên đó". Dù có máu làm quan, nhưng Trọng thích thao túng chứ không thích răm rắp tuân theo sự phán bảo. Mà ở cái địa vị trưởng một ban gì đó ở cơ quan quyền lực thì làm theo ý mình là chuyện hoang đường. Làm một cái máy để kẻ khác bấm nút không phải lối sống của Trọng.
Hai lần tôi gọi điện thoại cho Trọng, định hỏi han Trọng xem sao, nhưng không thấy Trọng nhận cuộc gọi. Từ đó, tôi bỏ hẳn ý định liên lạc với cậu ta.
Sự ngạc nhiên của tôi tăng dần, khi mỗi lần thấy Trọng trên TV trong những lần họp cơ quan quyền lực, Trọng đều xuất hiện với vẻ ngơ ngác từ đầu đến cuối. Thỉnh thoảng lơ láo nhìn quanh đâu đó. Không bao giờ phát biểu gì. Thậm chí, da mặt cũng ngày càng xạm lại. Giữa cái hội trường có hàng trăm quan chức, rõ ràng Trọng có dáng vẻ của kẻ lạc loài.
Lần khác, gặp Hợp, tôi lại đem chuyện Trọng ra nói. Hợp giải thích:
“Ông nói cũng có ý đúng. Thằng Trọng chắc cũng không muốn sang bên đó lắm. Nhưng làm quan thì phải theo ý trên, không thì nó cho nghỉ."
"Thì biết vậy. Nhưng nghỉ thì đã sao. Nghỉ làm quan chứ cái hàm giáo sư thì ai tước đi được?”
"Nhưng ví dụ thằng Trọng muốn ở lại viện, kể cả thôi viện trưởng, không muốn sang bên kia, nhưng vợ nó không muốn thế thì sao?"
Sau một lúc im lặng, Hợp nói tiếp:
"Có thể không nghe cấp trên, nhưng trái ý vợ thì khó lắm. Nhất là với thằng Trọng. Con Hằng vợ nó ghê lắm. Đẹp gái. Giỏi giang. Mà còn máu hơn chồng. Cũng giáo sư. Cũng hết làm trưởng phòng này đến trưởng khoa nọ. Quan hệ với cấp trên thì vừa giỏi, vừa có lợi thế về nhan sắc. Nghe nói sau khi lấy nhau vài ba năm thì bước đường tiến thân của thằng Trọng là do nó sắp xếp, định đoạt.”
"À thế à?" Tôi hơi ngạc nhiên.
Rồi chúng tôi chuyển sang chuyện khác.
*
Một hôm, khi lướt mạng, tôi tình cờ "lọt" vào website của Trọng. Website được thiết kế và trình bày theo đúng mẫu trang web của các quan chức cao cấp. Tôi tò mò liếc qua một lượt. Toàn những tin, bài chán ngắt. Tuy thế, tôi không thể không bị bất ngờ khi nhìn thấy cái tít: "Những kẻ lợi dụng chiêu bài "rân chủ" sẽ bị trừng trị".
Mặc dù đã quá quen với những bài viết kiểu này, tôi không thể không sửng sốt khi đọc thấy những ngôn từ chợ búa, vừa đầy vẻ cay cú như thể hiện mối tư thù cá nhân giữa những kẻ thuộc tầng lớp không đáng trọng, vừa mang vẻ khinh khi ngạo mạn của một kẻ cậy quyền, hay nói đúng hơn là cậy chủ, ở website của một nhân vật vốn là trí thức có tiếng. Trong số những người bị bài viết mạt sát, có cả những người từng là bạn thân và thầy của Trọng.
Cảm giác ghê tởm trong tôi hơi giảm đi một chút, khi tôi thấy tác giả bài viết không phải Đào Đức Trọng mà là một cái tên khác. Nhưng đây, lại một bài nữa, lần này thực sự là của Trọng. Vẫn cái lối nói khinh bạc của kẻ cậy quyền, cậy chủ. Tôi thấy buồn nôn. Phải, cho dù đó là do Trọng bị buộc phải để cho ai đó nhân danh mình viết bài như vậy và ký tên Trọng, rồi tự ý hoặc ép buộc Trọng đưa bài lên website mang tên Trọng, hắn cũng không có quyền thanh minh rằng đó không phải do mình. Hắn không phải là con nít, không phải người dốt nát. Hắn là giáo sư. Từng là lãnh đạo của một cơ quan khoa học quan trọng. Thật khó ngờ được rằng quyền lợi có thể làm tha hóa cả những con người vốn thông minh và đã có thời đam mê khoa học đến mức như vậy.
*
Tháng trước, tôi đến nhà gặp Hợp để hàn huyên. Vừa gặp, Hợp đã nói:
“Đi thăm thằng Trọng không?"
"Ngại. Hắn chức to, hàm lớn. Gặp chắc không muốn nhận ra mình."
“To lớn đếch gì thì cũng sắp ra ma."
"Sao thế?"
“Ung thư giai đoạn cuối. Ung thư xương. Cũng đã đi Xinh nhưng không xong. Có người khuyên đi Mỹ nhưng vợ nó không đồng ý. Đi Xinh thì nhà nước chu cấp. Đi Mỹ thì phải bỏ tiền túi."
Một lúc sau, Hợp lại nói:
"Con Hằng vợ nó ghê gớm thật. Chồng như thế nhưng nó vẫn đi làm đều đặn. Vẫn gặp các sếp to đều đều. Vẫn chải chuốt óng ả. Vẫn cứ phây phây.”
"Con cái nó thì sao?" Tôi hỏi.
"Thì có hai đứa, cũng học hành tạm được. Tuy kém xa bố nhưng cũng bố trí được chỗ làm ngon. Chỉ có điều ăn chơi ghê lắm. Thằng bố sắp chết nằm đó nhưng chúng nó cũng chẳng ngó ngàng. Nghe bảo thằng Trọng đợt vừa rồi chửi vợ con ghê lắm. Giờ thì không chửi nổi nữa. Sắp đứt rồi."
Rồi Hợp buông một câu lơ lửng:
“Bọn ấy đa số đều vậy cả.”
NGUYỄN TRẦN SÂM