19 décembre 2014

CHẲNG NHẼ LẠI “NỂ NANG” LOẠI SÁCH RÁC ĐẾN THẾ ẤY !?


Khải Nguyên

 
Rất lạ khi hay tin nhà xuất bản Văn học mới cho tái bản cuốn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của GS(?) Nguyễn Lân (theo blog Tuấn Công thư phòng ngày 02-12-2014 )!  Được biết các cuốn từ điển và sách dạy về ngôn ngữ Việt của tác giả này đã được/bị các ông An Chi, Lê Mạnh Chiến, Hoàng Tuấn Công vạch ra những sai sót nghiêm trọng tràn lan về nhiều mặt (hầu hết, nếu không là tất cả, đều xác đáng). Hàng mấy chục năm nay, tác động của các “tác phẩm” này đến những ai sử dụng chúng (người Việt và những người nước ngoài yêu tiếng Việt) ra sao khó mà lường được. Vậy mà chúng vẫn “điềm nhiên tồn tại” trong các thư viện, các hiệu sách, … chẳng một ai (dám) động đến, từ người và cơ quan chức trách, các thức giả, cho đến những người sử dụng. Giá cứ vậy “nhắm mắt để cho qua đi” thì cũng đành yên chuyện, dẫu chẳng vui vẻ gì. Nào ngờ người ta lại “đường hoàng” cho tái bản một trong những “tác phẩm” đó với số lượng khá lớn so với “mặt bằng” số lượng bản in các sách của ta hiện nay.


Lúc này ở ta đang có “chiến dịch” xử các sách rác “hiện hành”. Vậy mà dường như cuốn từ điển nói trên vô can. Chẳng nhẽ rác (dính dáng đến) chính trị mới đáng để tâm, còn rác ngôn ngữ, rác học thuật thì sá gì?! Song le, chẳng phải là nói nống lên, rác này không chỉ làm ô nhiễm môi trường tiếng Việt, xâm phạm sự trong sáng của tiếng Việt, mà còn gây hại cho văn hóa Việt, tinh thần Việt ; và cách hành xử, cách giải quyết đối với chúng không phải cách có thể có những tác động quan hệ xã hội không hay.

Việc ngang nhiên cho tái bản một trong những cuốn sách mà dư luận coi là “rác”, đã được góp ý thẳng thắn, cả phê phán một cách nghiêm túc và xây dựng, đặt ra những đề nghị (đúng ra là yêu cầu) bức xúc:

+ Cơ quan chức năng kiên quyết và nghiêm chỉnh đưa cuốn “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của tác giả Nguyễn Lân soi vào “trường” xử lí rác đối với bản thân cuốn sách cùng nhà xuất bản và “chủ đầu tư”.

+ Các nhà chức trách liên quan (giáo dục, văn hóa, truyền thông) và các tổ chức học thuật liên quan (ngôn ngữ, văn học) thẩm định lại các cuốn sách về tiếng Việt của cố tác giả Nguyễn Lân qua nghiên cứu chuyên đề riêng rẽ của từng cơ quan, tổ chức; qua hội thảo; qua trao đổi, tranh luận trên các báo giấy, báo mạng, đài; rồi có kết luận chính thức và công bố rộng rãi. Nếu đúng là “sách rác” thì kiên quyết thu hồi và thiêu hủy; nếu điều này khó thực hiện triệt để thì ít ra cũng phải vô hiệu hóa bằng những biện pháp cần thiết. Có người sẽ bảo: chuyện “nhỏ”(!) thôi việc gì mà làm to chuyện vậy! Xin thưa: với hiện tình sử dụng tiếng Việt mà còn dung túng cho những sách rác kia “đánh lận con đen” thì tương lai sẽ ra sao? Nể trọng cụ Nguyễn Lân, một NGND quá cố, là một chuyện, mà làm sạch môi trường tiếng Việt lại là chuyện khác. Việc này định giá lại cho đúng những đứa con tinh thần của cụ mà không hạ thấp nghị lực làm việc và những cống hiến khác của cụ lúc sinh thời; chắc hẳn rằng ở cõi bên kia cụ cũng ngậm cười, bởi nhìn nhận lại một cách công tâm như thế mới là thật tâm quí trọng cụ.

+ Để góp phần “tảo thanh” môi trường tiếng Việt, các tác giả từng góp ý, phê phán các cuốn sách nói trên nên gom các bài viết lại in thành những cuốn sách với số lượng lớn và phát hành rộng rãi, -là loại sách phổ thông hay sách phổ biến kiến thức, sách tham khảo cũng được (bản thân những cuốn sách này đã mang giá trị chuyên đề). Các vị có thể hợp tác với nhau hoặc làm riêng rẽ. Tất nhiên, tốt hơn hết là có một bộ phận chuyên trách được (công) lập ra để xử lí mọi mặt việc này.

Tin rằng những cuốn sách như thế đang được chờ đón và khi tung ra sẽ được đón nhận nồng nhiệt.

Tuy nhiên, viết ra cuối cùng nhưng là mong muốn chân thành  đầu tiên của người viết bài này, -cũng chắc là của không ít người khác, là trước và trên mọi cách xử lí, những người thừa kế di sản tinh thần của cụ Nguyễn Lân hãy tự đứng ra giải quyết với tinh thần thực sự cầu thị. Nếu vậy, chắc chắn anh hồn của người quá cố sẽ được thanh thản.

 

17-12-2014