20 décembre 2014

Thư gửi Bùi Ngọc Tấn sau khi đọc “Thời biến đổi gien”


Hoàng Hưng  
 

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn
 
Anh Tấn ơi!

Tôi đã đọc một mạch xong bản thảo cuốn sách trên 300 trang của anh trên suốt chặng đường Đà Nẵng – Sài Gòn 20 giờ xe đò, trừ mấy giờ ngủ chập chờn. Và cũng như cái lần đọc Chuyện kể năm 2000 (CKN2000) mà anh còn nhớ rất rõ và kể lại trong sách này, nước mắt và cả sự nghẹn ngào phải kìm để không thành tiếng nấc, cứ tự nhiên bật ra. Để rồi ngay sau đó tiếng nghẹn ngào lại biến thành tiếng “cười rinh rích” không kìm nổi.
 


 
“Đi đến cốt lõi ngọn nguồn” của Sự thật, không né tránh, không sợ hãi, cái Sự thật bi phẫn mà anh đã trải qua, mà bạn bè anh trong đó có tôi, mà cả dân tộc này đã trải qua trong hơn nửa thế kỷ, anh đã phơi bày nó chính xác đến từng chi tiết rùng mình y như từng nắp chai nước mà hai đứa con anh chắt chiu để sống mỗi ngày; nhưng anh luôn vượt qua nó, vượt lên trên nó bằng cái hài hước quen thuộc của mình. Cái hài hước chỉ có ở những tâm hồn mạnh mẽ, không thể khuất phục, của những con người “đắm đuối cuộc sống” – chữ của một hoạ sĩ bạn đọc CKN2000 mà anh tâm đắc.

Tinh thần kép nói trên, thấm nhuần trong những trang miêu tả và kể chuyện hấp dẫn, hồi hộp vô cùng, là sức mạnh những trang viết của anh, ở đây cũng như ở CKN2000. Ấn tượng khó quên của tôi về CKN2000 chính là ở những đoạn “căng thẳng” kỳ lạ như đoạn tả cảnh chia cơm tù ở trại, những con mắt tù hau háu, đau đáu theo dõi việc “cân” các suất cơm bằng chiếc que, những con mắt có khả năng phát hiện chính xác đến từng gam cơm thừa thiếu; còn ở “chuyện kể” mới này, là ở những đoạn gom sách nộp lại cho nhà xuất bản - những âm mưu tính toán, những cuộc điện thoại bằng “mật mã”, những cuộc hẹn hò “bí mật” với vai chính mặc áo Phổ Nghi, đội mũ “ninja”… – li kỳ như truyện trinh thám…

Vâng, 14 năm sau “Chuyện kể”, Bùi Ngọc Tấn lại hiến cho người đọc một “chuyện kể”, lần này là chuyện kể về “chuyện kể”. Tất cả những gì liên quan đến việc viết, in, phát hành, thu hồi CKN2000, với tất cả những con người liên quan, những bình luận,

những hậu quả khôn lường của nó. Anh đã gọi cuốn tiểu thuyết dựa trên nguyên mẫu mình là Chuyện kể…, ngược lại, bây giờ đặt cái tên rất “tiểu thuyết” cho cuốn hồi ức – tư liệu về Chuyện kể… Thời biến đổi gien.

Có lẽ bởi anh không muốn người đọc chỉ đọc nó như một hồi ức riêng tư. Mà là hồi ức về một thời đại. Một thời đại ghê gớm trên quê hương chúng ta mà cái “gien” NGƯỜI đã bị biến đổi đến thảm hại!

Những con người tốt nhất, bản thân anh, người vợ thủy chung lặng lẽ kiên cường, bạn bè anh – những nhà văn nhà báo khăng khăng một niềm tin ngây thơ vào Cái Đẹp – suốt đời bị nghi ngờ, bị rình rập, bị săn đuổi, đã phải lay lắt để tồn tại như những PHÓ NGƯỜI. Những người tốt khác, ông giám đốc một nhà xuất bản hiếm có, những biên tập viên tâm huyết… dám in tiểu thuyết của anh, những người âm thầm hỗ trợ cho nó ra đời và đến tay người đọc… đã phải sống hai mặt, mặt NGƯỜI ở chốn riêng tư, mặt CÔNG CỤ ở chốn hành nghề. Những kẻ khác thì tùy mức độ, phần NGƯỜI và phần CÔNG CỤ tỷ lệ nghịch với nhau, ý thức CÔNG CỤ khác nhau từ chỗ ý thức rõ rệt, đến chỗ vô thức, bản năng, hay chỉ là một thói quen tập nhiễm.

Tôi nhớ đến cái vườn tượng trên một sườn đồi ở Praha. Rải rác từ chân đến đỉnh đồi, là tượng những NGƯỜI không toàn vẹn hình hài, kẻ mất tay, kẻ mất chân, kẻ không đầu, kẻ không tim… Nếu nói đến tội ác của một chế độ, thì tôi xin nói rằng tội ác lớn nhất của nó chính là phá hủy TÍNH NGƯỜI trong nhiều thế hệ. Một nền kinh tế lụn bại có thể nhanh chóng phục hồi với sự tự cải tổ và trợ giúp từ bên ngoài, một nhà nước bất lực có thể được thay thế với sự đồng thuận của dân chúng, một đất nước thất trận có thể khôi phục lực lượng quân sự của mình bằng tiền bạc, kỹ thuật… Nhưng một dân tộc mà TÍNH NGƯỜI bị phá hủy thì không biết cần đến mấy thế hệ để trở lại làm NGƯỜI toàn vẹn.

Nỗi ám ảnh ấy đã theo tôi nhiều năm nay. Và trong tâm thế ấy, tôi tâm đắc với Bùi Ngọc Tấn về ý nghĩa của việc Viết: Viết là “cuộc chiến đấu vô vọng” để “giữ sự trong sáng trong đôi mắt nhìn đời của các con tôi”. Tôi xúc động vì lời ông bác sĩ ung thư đang chờ chết nói ông đã được tiếp sức từ những trang sách như thế nào: “Tôi hiểu rằng con người không được phép bi quan, không được phép đầu hàng. Tập sách của anh đã nâng đỡ tôi sống những ngày còn lại. Còn một ngày cũng sống cho ra sống”.

Vì thế, chúng ta phải viết. Vì những người đọc như thế. Vì chính chúng ta. Có những kẻ không muốn ta viết, ta phải viết. Họ sợ ta viết, ta phải viết. Họ cấm ta viết, ta phải viết. Họ trùy lung, tiêu hủy những trang viết của ta, ta phải viết. Họ ngăn cản những trang viết của ta đến người đọc, ta phải viết.  Ta phải viết “khi cuộc sống chúng ta bị nén xuống sát gần cái chết”, phải không anh Tấn!
 

Sài gòn, sau ngày biểu tình lớn chống Trung Quốc xâm lược 11/5/2014
 
Hoàng Hưng