15 janvier 2015

Tín nhiệm và ‘tứ trụ lý tưởng’ cho VN


Nguyễn Hùng


Đây là “đội hình lý tưởng" mà Giáo sư Thayer chọn cho tương lai
Nhà quan sát Việt Nam hàng đầu Carl Thayer vừa nói với BBC về đội hình lãnh đạo mà ông cho là "lý tưởng" cho Việt Nam sau kỳ bỏ phiếu tín nhiệm mà hiện kết quả còn đang được giữ kín.

Ông Thayer chọn ông Nguyễn Tấn Dũng vào vị trí tổng bí thư, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh vào vị trí chủ tịch nước cho dù ông nghĩ rằng Việt Nam cần hợp nhất hai vị trí này như Trung Quốc đã làm để người lãnh đạo Đảng có thể tới những văn phòng quyền lực nhất thế giới, chẳng hạn như Nhà Trắng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ vào vai chủ tịch cơ quan này và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay vị trí hiện nay của ông Dũng, theo cách chọn của vị Giáo sư từng dạy ở Học viện Quốc phòng cũng như Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở Australia.

Theo các nguồn tin mà ông Thayer có được, ông Dũng đã được tín nhiệm cao nhất trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên trong Ban chấp hành Trung ương mà đứng sau là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với khoảng cách vài phiếu tín nhiệm cao.

Đáng nói hơn, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu trong Đảng được ông Thayer xem như cố gắng đ? hạ uy tín vị thủ tướng.

Bà Ngân và ông Thanh đều được cho là nằm trong số sáu ủy viên Bộ Chính trị được tín nhiệm nhất vốn cũng bao gồm cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân.

Bốn vị trí cuối cùng của top 10 được cho là thuộc về Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người ông Thayer nói cũng có nguồn cho rằng đứng thứ 13 thay vì thứ 10 trong bỏ phiếu tín nhiệm.

Về mặt chính thức, Đảng Cộng sản vẫn chưa công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Hai trong số những người tham gia họp mà BBC liên hệ nói họ không có thẩm quyền phát biểu và chuyện có công bố hay không và khi nào công bố thuộc thẩm quyền của chính các lãnh đạo Đảng vốn cũng có chân trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Giáo sư Thayer nói hiển nhiên những người được tín nhiệm cao sẽ muốn công khai kết quả bỏ phiếu vì nó có lợi cho họ.

‘Đội hình lý tưởng’


Dàn lãnh đạo hiện nay được cho là không có đồng thuận trong một số chính sách.
Giải thích về lựa chọn bốn nhân vật cho “đội hình lý tưởng”, ông Thayer nói thủ tướng Việt Nam đã càng ngày càng thuyết phục được ông hơn.

Ông cũng nhắc lại ông Dũng đã tiến một bước dài từ Hội nghị 6 của Ban Chấp hành Trung ương mà ở đó Bộ Chính trị 14 người đã bỏ phiếu với cách biệt ít nhất bốn phiếu đồng ý kỷ luật “đồng chí X” nhưng các ủy viên Trung ương bỏ phiếu không đồng tình.

Tại Hội nghị 7, hai ứng viên được cho là cùng cánh với ông Dũng, ông Phúc và bà Ngân, đã được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.

Giáo sư Thayer nói thái độ của ông Dũng trước Trung Quốc được các ủy viên trung ương ủng hộ hơn cách tiếp cận bảo thủ của một số ủy viên Bộ Chính trị khác, chẳng hạn ông Phùng Quang Thanh.

Nhưng Giáo sư từ Úc nói Việt Nam vẫn cần giữ quan hệ cân bằng với Bắc Kinh và ông Thanh sẽ giúp đảm đương sứ mạng này khi ở vị trí chủ tịch.

Bà Ngân được cả Quốc hội và Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao trong khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là người giàu khả năng kỹ trị và có tên trong danh sách hơn 20 người để chọn vào Bộ Chính trị trong thời gian tới, theo vị Giáo sư.

Ông Thayer cũng nói thêm với tuổi trẻ của mình, ông Đam có thể đảm đương hai nhiệm kỳ thủ tướng mà vẫn có thể ở lại đóng góp thêm.

Về các đồn đại trên blog Chân dung quyền lực đối với ông Thanh và ông Phúc, ông Thayer nói hiện chưa rõ an ninh hay tình báo quân đội có liên quan.

Nhưng ông cũng nói ông hoài nghi về tính chân thực của những cáo buộc mà blog đưa ra.

BBC sẽ chuyển toàn bộ phỏng vấn với ông Thayer tới độc giả trong những ngày tới.

********

Nguồn: Theo BBC