Ông Mai Liêm Trực (nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính viễn thông) , Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ông Mai Liêm Trực : Nhiều lần tôi nói với những người có trách nhiệm rằng không
nên né tránh những gì mà chúng ta thường cho là “nhạy cảm”. Càng không nên né
tránh các loại thông tin xấu độc, xuyên tạc, vu khống. Nếu là tôi thì sẽ “chơi
bài ngửa”, không có úp mở gì.
Trong lĩnh vực thông tin, chúng ta có khoảng 800 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo, ai nói gì mình phải nói lại chứ. Với lực lượng báo chí hùng hậu như vậy, để xuất hiện khoảng trống thông tin, để cho thông tin xấu, độc chen vào thì tôi nghĩ rằng trước hết phải xem lại cách thông tin của chính chúng ta.
TT - Trước tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng hiện nay, Tuổi Trẻ trao đổi với ông Mai Liêm Trực - nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính viễn thông.
Ông Mai Liêm Trực là một trong những nhà quản lý tiên phong
mở cửa đưa Internet vào Việt Nam.
* Thưa ông, trên các trang mạng hiện nay bên cạnh những
thông tin tích cực, hữu ích thì cũng có không ít thông tin thất thiệt, vô bổ.
Vậy làm thế nào có thể sàng lọc, nhận biết những thông tin tốt, loại bỏ thông
tin xấu?
- Giải pháp hàng đầu là chúng ta phải dùng thông tin đúng
đắn để phản ứng nhanh nhạy và đầy đủ. Tôi nói ví dụ trước đây xuất hiện tin đồn
trên mạng là chủ tịch BIDV bị bắt. Đối với loại tin đồn như vậy, chỉ cần ông
chủ tịch BIDV xuất hiện trên báo là dẹp bỏ được ngay. Nếu cần thì cơ quan chức
năng như công an, Ngân hàng Nhà nước... có thông tin chính thức. Các bên liên
quan không nên im lặng khi xuất hiện thông tin thất thiệt, sai sự thật vì chỉ
có thông tin mới giải tỏa được thông tin.
Hay trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh trên mạng nói này nói nọ,
nhưng khi Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương công bố thông tin
chính thức thì mọi việc rõ ràng. Chính những bác sĩ có uy tín nói ra để xã hội
yên lòng. Cá nhân tôi mong ông Nguyễn Bá Thanh khỏe lại và chính ông sẽ nói ra.
* Đúng là phải chủ động thông tin để dẹp bỏ tin đồn thất
thiệt. Nhưng giờ đây có nhiều loại thông tin xuyên tạc, kích động được dàn dựng
và thường xuất hiện mỗi khi có các sự kiện chính trị quan trọng. Ông nhìn nhận
như thế nào về hiện tượng này?
- Cơ chế tin đồn thường ẩn danh, thời xưa thì truyền miệng,
sau đó truyền đơn, bây giờ có Internet thì truyền qua mạng. Một mặt chúng ta
cần thấy đây là hiện tượng bình thường, nên quen với chuyện đó và đừng nên quá
để ý, lo lắng để rồi bị chi phối, dẫn dắt bởi các loại tin đồn.
Đứng trước một thông tin nào đó cần bình tĩnh suy xét, tìm
hiểu qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là các kênh chính thức và có dẫn nguồn
rõ ràng.
Mặt khác, các cơ quan chức năng và chính những người trong
cuộc cần chủ động đấu tranh với tin đồn thất thiệt. Nếu cứ im lặng thì tin đồn
sẽ làm xã hội phân tâm.
Nhiều lần tôi nói với những người có trách nhiệm rằng không
nên né tránh những gì mà chúng ta thường cho là “nhạy cảm”. Càng không nên né
tránh các loại thông tin xấu độc, xuyên tạc, vu khống. Nếu là tôi thì sẽ “chơi
bài ngửa”, không có úp mở gì.
Trong lĩnh vực thông tin, chúng ta có khoảng 800 cơ quan báo
chí, hơn 18.000 nhà báo, ai nói gì mình phải nói lại chứ. Tôi nhớ khi ta chưa
có Internet, Tổng cục Bưu điện được giao phát hành báo chí ra nước ngoài rất
vất vả, một cân báo đưa lên máy bay là 10 USD, chưa kể đưa ra nước ngoài rồi ai
phát hành?
Bây giờ hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài có thể đọc
báo điện tử trong nước để cập nhật tin tức hằng ngày, hằng giờ. Với lực lượng
báo chí hùng hậu như vậy, để xuất hiện khoảng trống thông tin, để cho thông tin
xấu, độc chen vào thì tôi nghĩ rằng trước hết phải xem lại cách thông tin của
chính chúng ta.
* Thưa ông, nói lại nhưng phải nói sao cho thuyết phục chứ
không phải nói lấy được?
- Tất nhiên. Theo tôi ít nhất có hai điều kiện.
Thứ nhất, thẳng thắn đấu tranh với những thông tin sai trái
nhưng không được áp đặt, không quy chụp. Thông tin một chiều, theo một mẫu câu
thì tính thuyết phục rất thấp.
Thứ hai, cái gì mình đúng thì kiên quyết bảo vệ, nhưng không
vì thế mà giấu cái sai, cái dở của mình. Càng công khai, minh bạch càng đẩy lùi
được hiện tượng “nhiễu” thông tin.
Một vấn đề quan trọng nữa, như tôi đã nói bản thân Internet
không xấu, chỉ có con người lợi dụng Internet. Vì vậy chăm lo giải quyết tốt
các vấn đề trong đời sống thật chính là giải quyết ở gốc những vấn đề phát sinh
trên không gian mạng.
* Giả sử xuất hiện tin đồn thất thiệt liên quan đến ông thì
ông sẽ ứng xử như thế nào?
- Ông bà ta dạy “Cây ngay không sợ chết đứng”. Nếu thông tin
đó chỉ một vài người nói thì không đáng quan tâm. Nếu nhiều người nói, tôi sẽ
nói lại bằng cách chính thức hoặc không chính thức. Chắc chắn là tôi không thể
im lặng. Phải giải tỏa thông tin và chúng ta cũng phải tin vào lòng dân. Người
dân biết hết.
* Ngoài việc chủ động thông tin và hoàn thiện hành lang pháp
lý về quyền tiếp cận thông tin, ông có đề xuất giải pháp cụ thể nào khác không?
- Việc căn cơ trước mắt và cũng cho lâu dài là nâng cao dân
trí, để tự mỗi người dân khi ngồi trước màn hình máy tính biết chọn lọc thông
tin, biết tự bảo vệ mình trong không gian sống mới.
Việc tiếp theo là những giải pháp về hành chính và pháp lý.
Tôi ủng hộ xử lý nghiêm, nhưng không chỉ bằng biện pháp hành chính mà bằng cách
thức kiện ra tòa để tòa phân xử. Ví dụ như người nào tung tin có bom làm chuyến
bay ngừng lại, cơ quan quản lý xử phạt theo quy định nhưng chính hãng hàng
không là bên bị thiệt hại nhiều nhất phải kiện chứ.
Cuối cùng là giải pháp kỹ thuật nhưng không nên lạm dụng. Trên bình diện
rộng, đâu thể chặn hết mà thật ra cũng không chặn được. Khi xuất hiện trang
WikiLeaks, nhiều quốc gia mạnh về công nghệ đã muốn chặn nó nhưng không thể, vì
về mặt kỹ thuật thì sẽ có ngay rất nhiều trang web “nhân bản” WikiLeaks. Điều
chúng ta có thể, tôi muốn nói lại một lần nữa, chỉ có thông tin mới giải tỏa
được thông tin.
- Không thể giữ cách quản lý như cũ. Đất nước ta trải qua
nhiều cuộc chiến tranh ác liệt, hi sinh lớn lao, nên việc chúng ta lo lắng cho
an ninh quốc gia là một lo lắng đúng đắn và chính đáng. Cách thức chúng ta quản
lý trước đây thường rất chặt, ví dụ mỗi lần ai đó ra nước ngoài thì phải trả
lời câu hỏi có mang tài liệu, bản đồ gì không. Nhiều nơi treo biển cấm quay
phim, chụp ảnh. Bây giờ thời đại đã khác.
Tôi nói ví dụ như ta sử dụng Google Map hay Google Earth,
rất dễ dàng để khám phá các tòa nhà, hình ảnh và địa hình, kể cả các địa danh
nhạy cảm. Rõ ràng cách chúng ta tự bảo vệ mình phải khác trước vì thời đại đã
thay đổi. Tôi rất tiếc là những biện pháp đưa ra cho các vấn đề hôm nay đây đó
vẫn giữ cách làm cũ.
Một vấn đề khác là với dòng chảy thông tin trên mạng hiện
nay, tôi có cảm giác chúng ta lo ngại và suy diễn quá lớn. Việc cần hơn là khơi
dòng và nắn dòng thông tin bằng cách tiếp cận mới.
Trong đó không thể thiếu một hành lang pháp lý ngày càng
được hoàn thiện để người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình, đồng
thời đòi hỏi những người có chức vụ, quyền hạn và các cơ quan quyền lực nhà
nước ngày càng thực hiện đầy đủ hơn trách nhiệm giải trình.
VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Nguồn: Theo Tuổi Trẻ