15 janvier 2015

‘Chân dung quyền lực’ gây nhiễu loạn chính trường Việt Nam?

 


Một tờ báo của Nhật Bản mới đăng tải bài viết dài về sự xuất hiện của trang blog "Chân dung quyền lực", với nhận định rằng những lời đồn thổi trên mạng có thể gây bất ổn chính trị tại Việt Nam.


Tờ Nikkei Asian Review, thuộc sở hữu của một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất xứ sở mặt trời mọc, nêu chi tiết về các thông tin chưa được kiểm chứng xuất hiện trên trang blog mà họ cho là "bí ẩn".

Tờ báo của Nhật dẫn nguồn từ “Chân dung quyền lực” nói rằng “có cáo buộc về việc Trưởng ban nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh bị một đối thủ chính trị đầu độc trong chuyến thăm Trung Quốc, và đối thủ này đã sẵn sàng cho một vị trí trong nội các sắp tới".

Nikkei Asian Review sau đó cũng nói về việc các quan chức Việt Nam đã bác bỏ thông tin về chuyện ông Thanh bị hạ độc.

Tính tới tối 14/1, theo hệ thống đếm trên trang, tới nay, “Chân dung quyền lực” hiện đã có hơn 13 triệu người truy cập và đôi khi, cùng một thời điểm, có hàng nghìn người trên trang này.

Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập ở Việt Nam, nhận định rằng trang blog “đăng tải thông tin về đường tơ kẽ tóc của một số quan chức này” đang “gây bất lợi cho nội bộ chính trị Việt Nam".

Người ta đặt câu hỏi là ai đứng sau ‘Chân dung quyền lực’ để có thể có được những thông tin đắt giá và chính xác đến như thế? Trước mắt, tôi cho đó là một sự hoang mang, bối rối và sau đó đâm ra hoài nghi, dẫn tới nghi ngờ, và những nghi ngờ đó lại phủ trùm lên tất cả và liên quan tới động cơ tranh giành, tranh đấu nội bộ lẫn nhau thì đó chính là một bi kịch, mà chúng ta gọi là bi kịch của sự mất đoàn kết trong thống nhất trong đảng hiện nay.
Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập ở Việt Nam.
Ông nói: “Người ta đặt câu hỏi là ai đứng sau ‘Chân dung quyền lực’ để có thể có được những thông tin đắt giá và chính xác đến như thế? Trước mắt, tôi cho đó là một sự hoang mang, bối rối và sau đó đâm ra hoài nghi, dẫn tới nghi ngờ, và những nghi ngờ đó lại phủ trùm lên tất cả và liên quan tới động cơ tranh giành, tranh đấu nội bộ lẫn nhau thì đó chính là một bi kịch, mà chúng ta gọi là bi kịch của sự mất đoàn kết trong thống nhất trong đảng hiện nay".

Dù chính phủ Việt Nam chưa chính thức lên tiếng bình luận về các thông tin do “Chân dung quyền lực” loan đi, nhưng báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, mới đây đã cho đăng tải bài viết trong đó ám chỉ tới trang blog này.

Bài viết trong mục "Bình luận – Phê phán" nói rằng "cứ mỗi khi Việt Nam sắp diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng là một số tổ chức, cá nhân lại ráo riết triển khai chiến dịch bịa đặt, vu cáo, tung tin thất thiệt".

Bài báo có đoạn: "Các bài này được chế tạo như chính người trong cuộc viết, bịa đặt các chi tiết tinh vi với đủ loại âm mưu, thủ đoạn, cuộc chiến giữa các phe nhóm được dựng lên qua lập luận có vẻ có lý, kèm theo có mô tả chi tiết về thời gian, địa chỉ, các mối quan hệ, số tiền bạc, hình ảnh nhà cửa, xe cộ chụp ở đâu đó gán cho đối tượng cần bôi nhọ, kết hợp với vài ba loại giấy tờ mờ mờ ảo ảo, chữ ký loằng ngoằng không thể xác minh!"

Khi được hỏi vì sao trang web với những thông tin bị coi là "ngoài luồng" này lại thu hút được nhiều người đọc, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phóng viên báo Thanh Niên, nói với VOA Việt Ngữ:

Báo chí của nhà nước được đảng lãnh đạo và kiểm soát rất kỹ qua ban tư tưởng văn hóa trung ương cũng như các địa phương. Cho nên tất cả báo chí mà tôi gọi là lề đảng, thì đăng theo một chủ trương như vậy. Các thông tin này bị kiểm duyệt, và hầu như làm công tác tuyên truyền là chính. Vì thế, khi xuất hiện một trang như ‘Chân dung quyền lực’, đưa ra một số thông tin mà người ta có thể khả tin, thì nó tạo được niềm tin nơi người đọc, và vì vậy mà thu hút được số lượng người đọc rất lớn trong thời gian rất ngắn.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói.
"Báo chí của nhà nước được đảng lãnh đạo và kiểm soát rất kỹ qua ban tư tưởng văn hóa trung ương cũng như các địa phương. Cho nên tất cả báo chí mà tôi gọi là lề đảng, thì đăng theo một chủ trương như vậy. Các thông tin này bị kiểm duyệt, và hầu như làm công tác tuyên truyền là chính. Vì thế, khi xuất hiện một trang như ‘Chân dung quyền lực’, đưa ra một số thông tin mà người ta có thể khả tin, thì nó tạo được niềm tin nơi người đọc, và vì vậy mà thu hút được số lượng người đọc rất lớn trong thời gian rất ngắn”.
Theo tờ Nikkei Asian Review, những thông tin trái chiều nhau cộng với sự im lặng của truyền thông trong nước về bệnh tình của ông Thanh trong một thời gian dài đã khiến người dân "đi tìm câu trả lời trên các trang blog bí hiểm".

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn VOA mới đây, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát tình hình chính sự ở trong nước, cũng cho rằng tin tức lan truyền trên các mạng xã hội đã khiến nhiều người dân tò mò về tình trạng sức khỏe của Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Tin từ trong nước cho hay, hôm 13/1, một loạt các quan chức Việt Nam, trong đó có Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và trưởng ban tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, đã tới thăm ông Nguyễn Bá Thanh tại nơi ông được điều trị tại Đà Nẵng.

Theo nhận định của tờ báo của Nhật, “không còn nghi ngờ gì nữa, các trang mạng xã hội như Facebook và các trang blog bí hiểm sẽ được dùng làm công cụ tranh giành quyền lực trước khi một bộ chính trị mới được lựa chọn".

"Các trang này sẽ rò rỉ các thông tin về một số cá nhân nhất định, làm sao nhãng công chúng trước các vấn đề quốc gia cấp bách khác", Nikkei Asian Review viết.

Nguồn: VOA