07 février 2015

VNTB- 85 năm với Đảng: Khi lòng dạ không trong sáng nữa



Hòa Minh


Cuối tháng 6/2011, báo Văn nghệ TP.HCM đã tổ chức lớp đối tượng Đảng cho 7 văn nghệ sĩ. Và trước câu hỏi, vào Đảng để làm gì? Nhạc sĩ, nhà thơ, diễn viên, đạo diễn Nhật Minh chia sẻ: "Tôi giống như cái bánh ngon, đẹp nhưng không có 'nhân'. Có 'nhân' sẽ khiến tôi có giá trị hơn và nếu có "nhân ngon" thì giá trị của tôi càng tăng. Trong trường hợp này, "nhân" chính là mái nhà Xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản Việt Nam."






 
(VNTB) - Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa…". Sự cảnh báo đó của người sáng lập ra Đảng nay đã ứng nghiệm.

85 năm hình thành, 85 năm vẫn còn gọi tên "Mừng đảng, mừng xuân, mừng đất nước”, nhưng thực tế có phải vậy? Đảng có phải đã già nua như chính cái năm kỷ niệm? Khi mà giờ đây, những gì Đảng nói và làm chỉ còn mang tính chất "nghị quyết" là chính, những Đảng viên mới được kết nạp trở nên thiếu sức sống về mặt lý tưởng mà chỉ còn sự vụ lợi, toan tính cá nhân (vào Đảng là điều kiện cần để thăng quan, tiến chức, cơ cấu, quy hoạch), hoặc bị đánh vùi cống hiến bởi những người thủ cựu không muốn lắng nghe những ý kiến tâm huyết đó?

“Đảng ta mãi trường tồn cùng dân tộc"

Vua Minh Mạng, người từng mở rộng cương vực Việt Nam ra đến đất Campuchia, từng làm một bài thơ thất ngôn bát cú có 56 từ mang tên Đế hệ, mong muốn triều họ Nguyễn Phúc sẽ truyền nối 20 đời, nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở chữ Vĩnh - đời thứ 5 (143 năm tính từ năm 1802 đến 1945).

Thực ra, cái tư duy "trường tồn", "lãnh đạo mãi mãi" là cái tư duy ích kỷ, hẹp hòi. Bởi nó cho phép một đảng phái sống lay lắt bằng mọi cách, duy trì cái tồn tại không hợp lý chỉ đảm đảm bảo quyền lợi của chính đảng phái đó. Một đảng phái độc quyền nắm lãnh đạo, thì cái tư duy đó càng nguy hiểm hơn bởi hệ quả tệ hại, trong đó nạn trì trệ, kém phát triển, kém sáng tạo không chỉ dành cho đảng đó, mà dành cho cả dân tộc.


Những thành tựu mà ông Tổng bí thư trong lần trả lời phỏng vấn báo giới đầu năm, như: “Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,98; Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt trên 150 tỉ USD, tăng 13,6% so với năm trước, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, với tổng vốn đăng ký mới đạt khoảng 21 tỉ USD…” không đảm bảo tính lâu dài, đặc biệt là sự hạn chế về mặt thị trường tự do của nền kinh tế khi vẫn bị bao chặt bởi tính định hướng, nạn tham nhũng không những không bị kiềm chế mà có xu hướng công khai mở rộng, hợp pháp; trong khi đó, cách xử lý các vấn đề quốc nội – đặc biệt là ứng xử với quan hệ Trung Quốc, chủ quyền biển Đông không đem lại sự hài lòng trong dân, nếu không muốn nói là sút giảm niềm tin.

Năm 2013, 2014 chứng kiến việc ra đời Hiến Pháp, các luật cũng được xây dựng ban hành (29 dự án luật, 13 nghị quyết, 28 dự án luật), nhưng điều đó không cho thấy những thay đổi mang tính chất căn bản để thúc đẩy cho đất nước đi lên, đặc biệt các vấn đề mang tính chất cơ sở trong quy định tính sở hữu đất đai, vấn đề quân đội, vấn đề ứng bầu cử, thậm chí việc lấy phiếu tín nhiệm cũng mang đến sự nửa vời. Nói một cách rõ ràng, đây chỉ là những bước đi để cố gắng/ thậm chí chịu đấm ăn xôi nhằm “cụ thể hoá những chủ trương, quan điểm mới của Đảng ta về thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách hành chính - tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…".

Cái cách Đảng lãnh đạo thế nào, chỉ đạo ra sao, cách vận động của bản thân Đảng trong thời đại hiện nay nó trì trệ, thiếu dân chủ ra sao thì ai cũng rõ. Vì thế, trong khi những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng luôn khẳng định, Đảng “hướng tới mục tiêu cuối cùng là vì nhân dân, để đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, sung túc hơn" thì ngày ngày, người dân oan vẫn đều đặn tụ tập ở bộ phận tiếp dân hai đầu đất nước, vẫn xảy ra trường hợp tự thiêu vì cơ chế hành xử chính quyền, vẫn còn cảnh tự tử trong tù giam, đu dây qua sông, và những bữa ăn thiếu thịt cá ở miền biên giới phía Bắc.

Đảng cũng không đếm xỉa đến các luồng ý kiến của những tổ chức dân sự, những tiếng nói độc lập, bỏ qua cái thái độ của người dân, mà chỉ chăm chú vun vén, tự hào, đặt niềm tin vào những hiện tượng ảo như “nhân dân hết sức quan tâm, đồng tình hưởng ứng, đi vào cuộc sống".

Ngay cả cái phương pháp “kiểm điểm tự phê bình và phê bình" vốn trở thành công cụ để che đậy những sai phạm của cá nhân, tổ chức Đảng cơ sở, bị người dân “trêu", thì nay lại trở thành cái mà bản thân ông Tổng bí thư, các đảng viên cao cấp, và báo chí tuyên truyền coi đó là phương pháp tốt để “cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại mình, tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn những sai phạm, tiêu cực."

Tự hỏi làm sao số người mất niềm tin ở Đảng ngày một lớn, trong hiện trạng tham nhũng ngày một tăng.

Câu nói nằm lòng của ông Tổng bí thư, trong buổi lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng vào sáng ngày 2/2/2015 liệu còn mấy ai tin? – "Đảng ta nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, được nhân dân tin yêu, ủng hộ, cho nên Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, không một thế lực nào ngăn c?n nổi."

Lòng dạ Đảng có còn trong sáng?

Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa…”. Sự cảnh báo đó của người sáng lập ra Đảng nay đã ứng nghiệm.

Trên các công cụ tuyên truyền, dù thường xuyên đề cập đến vấn đề tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, trong đó yếu tố con người là quyết định, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong trả lời phỏng vấn 85 năm thành lập Đảng cũng coi “Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm… thì mới có được niềm tin của nhân dân."

Nhưng ngày nay, Đảng dường như trở thành một hang ổ cho tệ nạn bòn vét sức dân, tham ô lãng phí diễn ra công khai của "cán bộ, đảng viên, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý" mà không hề sợ truy tố (vì đã có biện pháp phê bình, kỷ luật trong Đảng).

Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói về “tư cách một người cách mạng”, trong đó, bản thân đảng viên phải có lý tưởng cách mạng, tuân thủ phương châm "Tổ quốc trên hết".

Nhưng tự hỏi, trong hàng ngũ Đảng viên bây giờ, đặc biệt là lớp đảng viên trẻ, có bao nhiêu người thực sự tin vào con đường đi mà Đảng chỉ ra (XHCN) và bao nhiêu đảng viên đang hoạt động vì lý tưởng và phương châm Tổ Quốc? Không nhiều, bởi những đảng viên hay khu vực nhà nước trở thành nơi trục lợi, không còn là cái nôi để cống hiến cho dân tộc. Thế nên, tha hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu cũng từ những đảng viên mà ra.

Sự sụp đổ của Đảng là không tránh khỏi, nếu Đảng cứ cương quyết học tập theo bài học Liên Xô, trong đó, quyết không từ bỏ quyền lãnh đạo trong mọi giá, mọi trường hợp. Bởi có lẽ, Đảng đã hiểu sai về sự sụp đổ đó. Do đó, dù Đảng đã từng cho sự độc lập, nhưng khi hòa bình, người dân bên cạnh cơm áo, cũng cần một sự tự do thì Đảng rơi vào trạng thái "ám ảnh" Liên Xô, tự do trở thành thứ ban phát, không còn là giá trị cơ bản mà Liên hiệp Quốc đưa ra nữa, mà trở thành một giá trị tự do theo nghị quyết Đảng, tự do theo giá trị hàng hóa dùng để đổi chác tù nhân chính trị.

Mới đây, báo QĐND cho đăng tải bài viết "Hồi âm loạt bài "Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với thôngtin xuyên tạc, bịa đặt”, nội dung có đưa ý kiến ông Thiếu tướng Nguyễn Thanh Ngụ, Chính ủy Binh chủng Pháo binh, ông này khẳng định rằng: “Đảng ủy Binh chủng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ thực hiện 4 không: "Không nghe, không xem, không đọc, không tin” những thông tin bịa đặt, xuyên tạc…"

Đó hẳn là một sự mù quáng điển hình của một Đảng viên cao cấp, một ông Thiếu tướng, Chính ủy lại dạy cho binh lính bệnh tứ nan y, thì hỏi sao lòng dạ của Đảng lại ngày một tối, sao tha hóa, biến chất lại không nhiều được cơ chứ?

Đảng tin dân? Dân có tin Đảng?

Đảng từ dân mà ra, có được 85 tuổi như thế này cũng từ người dân nuôi nấng, nhưng niềm tin của dân đối với Đảng liệu còn. Không nói đâu xa, Đảng viên, người dân từng kỳ vọng vào sự đổi mới của Đảng, nhất là vào năm 2013, khi mà Hiến Pháp được người dân, trí thức nhiệt tình góp ý, kết quả trả lại là cái nhìn thờ ơ – làm cho xong và không quên truyền thông nhét chữ - "Nhân dân đã đồng tình với kết quả..".

Đảng dường như đã cho thấy bản chất cứng đầu, không chịu đổi mới của mình, và vì thế, Đảng không chỉ tự đưa mình vào, mà còn đưa cả dân tộc này đi vào ngõ cụt. Thế nên, từ sau khi Đổi mới đến nay, Đảng không phải là không làm gì cho đất nước, mà Đảng làm quá ít, và ngày càng có xu hướng làm cho có, không bắt kịp xu thế thời đại, chỉ nhằm bám lấy quyền lực. Đảng đã không dẫn dắt đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” mà trở thành cản lực cho sự phát triển của dân tộc.

Câu nói “Ơn đảng, ơn nhà nước" ngày một ít đi, trong khi "do Đảng, chỉ vì đảng” ngày một tăng lên, nhất là trong các vụ án tham ô, lãng phí và sự sa sút trong tài nguyên, và yếu thế trước chủ quyền quốc gia.

Nói không xa, cái cách Đảng xử lý các trường hợp tham nhũng, gần đây cộm cán nhất là vụ ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ), "kiên quyết" là thế, kết quả trả lại chỉ là án kỷ luật cảnh cáo theo đúng kiểu “giơ cao đánh khẽ” – đây cũng là một trong vô số trường hợp mà Đảng đã tỏ ra vị tha với đảng viên của mình, những người đảng viên đã ăn cắp thuế của người dân một cách trắng trợn.

Nghị quyết T.Ư 4 nêu rõ: "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”. Nhưng Đảng đã làm như thế nào, Đảng viên làm ra sao thì ai cũng rõ? Những lời hay ý đẹp trong Nghị quyết trở nên rỗng tếch trong thực hiện, thi hành.

Cố luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam từ bỏ Đảng cũng bởi: “Đảng Cộng sản Viê?t Nam bây giờ không còn như trước, mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân”.

Và vì thế, cái suy luận, chỉ có vào Đảng mới cống hiến hết mình cho Tổ quốc ngày càng bị bác bỏ bởi tính thô lậu của nó, khi mà nhiều trường hợp không phải là Đảng viên lại đóng góp lớn hơn, nhiều hơn cho đất nước. Nhiều người đã lựa chọn sự tự do ở tư nhân để cống hiến nhiều hơn cho đất nước mình, TS Lê Nguyễn Minh Quang, tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche là một người như thế, ông từng tự vấn với báo Tuổi Trẻ rằng: "Tôi sẽ cống hiến bằng năng lực chuyên môn của mình hay bằng những buổi sinh hoạt Đảng?"

Người trẻ chối bỏ Đảng

Từ khi thành lập, đảng luôn ưu tiên đào tạo những lực lượng trung thành với mình. Những ngày đầu thì lực lượng đó là bần nông. Ngày nay, lực lượng trung thành nhất vào Đảng, vào chế độ lại là con cháu các vị lãnh đạo và tất nhiên hầu hết đó là những kẻ cơ hội chủ nghĩa. Chính những Đảng viên ưu tú trong chuyên ngành “đục – khoét” sẽ kết liễu số phận của Đảng, một cách bi thảm.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương thừa nhận: "Trong quá trình chuẩn bị các nghị quyết của trung ương, chúng tôi có nghiên cứu vấn đề đó và thấy là lòng tin của thanh niên có giảm sút".

Số liệu Đảng viên được kết nạp hằng năm là vẫn tăng, theo thống kê của T.Ư Đoàn thì trong 3 năm (2012-2014) có hơn 470.000 đoàn viên được kết nạp vào Đảng, năm 2012 có hơn 110.000 đoàn viên, năm 2013 có gần 120.000 đoàn viên, năm 2014 có gần 240.000 đoàn viên được kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên bao nhiêu trong đó là người trẻ, bao nhiêu trong đó là thực tài, thực tâm, bao nhiêu người vào vì cống hiến, và hết bao nhiêu vào vì thăng tiến.

Đã từng có bài viết: "Du học sinh, đi đi, đừng về”, ám chỉ tình trạng người đi học ở nước ngoài không còn về Việt Nam nữa, vì cơ chế không cho phép họ áp dụng được những gì họ học, không cho họ được cống hiến thực sự… Dù bài viết mang tiêu đề khá ích kỷ (cổ vũ cho tình trạng chảy máu chất xám), nhưng được rất nhiều người ủng hộ, vì kẻ đi người ở điều biết rằng, nếu không đi, thì kiến thức họ sẽ sớm bị thui chột, đặc biệt là khi làm việc trong cơ quan nhà nước.

Tương tự, việc trở thành Đảng viên là một nỗi bất hạnh – “Ra đi, đừng vào nữa", chứ không còn vinh quang, tự hào như xưa nữa. Bởi sự tha hóa của lớp người đảng viên, sự thui chột về lý tưởng, sự bao che sai phạm – đấu đá quyền lợi đã khiến cho người trẻ, ngày càng nhiều, không muốn vào Đảng - như ý kiến một Đảng viên tiêu biểu, trong lần gặp gỡ Thành ủy Tp.HCM cách đây 5 năm (27/1/2010)

Đảng không phải là thiếu sự chăm lo cho thanh niên, mà chính là Đảng đã không quan tâm Thanh niên đang đứng ở đâu, làm gì, cần gì, và muốn gì ở Đảng. Không ít những thanh niên góp ý thẳng thắn với Đảng, liền bị quấy nhiễu, thậm chí bỏ tù vì đụng vào những điều mà Đảng cho là "phá hoại". Ví như vấn đề sở hữu đất đai, điều 4,… Cái cách nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên bị đối xử vì "lỡ dại" góp ý thẳng thắn với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những điều khiến Đảng ngày một thoái hóa, và vì thế, năm 2014, Đảng gia tăng bắt bớ blogger nhằm bịt miệng xã hội. Đó có phải là thông điệp mà Đảng gửi đến giới trẻ: “Muốn tồn tại, phải biết làm phận con lừa?"

Nguyên Bí thư Thành đoàn TP.HCM, ông Nguyễn Chơn Trung, lý giải hiện tượng tuổi trẻ từ chối vào Đảng, là vì "Thanh niên là bộ phận rất nhạy bén, nhạy cảm trước thời cuộc. Họ nhận ra ngay có những người vào Đảng vì động cơ lợi ích cá nhân, thậm chí đây là chuyện khá phổ biến." Ngoài ra, ông cũng nhận ra rằng: "Bản thân tôi, thời làm bí thư Thành đoàn cũng từng dẫn những đội hình hùng hậu đi dẹp bỏ tàn dư của tư bản, sau này khi sửa sai thì không còn giữ được mấy thành quả trước đó nữa. Chúng ta từ đó tụt hậu quá xa với thế giới.”

Cái thừa nhận đó giống như bây giờ, Đảng chỉ ưu ái cho những kẻ nịnh hót Đảng, tâng bốc Đảng, mù quáng tin vào Đảng nhằm trục lợi cá nhân, cứ tưởng là đỏ vì lý tưởng nhưng thực ra đó là màu đỏ của sự xuẩn ngốc có pha màu xanh của đồng tiền, trục lợi cá nhân.

Cuối tháng 6/2011, báo Văn nghệ TP.HCM đã tổ chức lớp đối tượng Đảng cho 7 văn nghệ sĩ. Và trước câu hỏi, vào Đảng để làm gì? Nhạc sĩ, nhà thơ, diễn viên, đạo diễn Nhật Minh chia sẻ: "Tôi giống như cái bánh ngon, đẹp nhưng không có 'nhân'. Có 'nhân' sẽ khiến tôi có giá trị hơn và nếu có "nhân ngon" thì giá trị của tôi càng tăng. Trong trường hợp này, "nhân" chính là mái nhà Xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản Việt Nam."

Chính thứ "nhân" mù quáng, thứ "nhân" kiểu giá trị tô vẽ hơn là giá trị lý tưởng cống hiến tổ quốc đó, đã khiến đảng ngày càng trở nên thui chột, mất sức sống!

Ông Lê Phú Khải, trong lần trả lời phỏng vấn trên trang pro&contra cũng khẳng định, ông từ chối vào Đảng vì "Cái gọi là tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa là những người do Đảng đào tạo nên để làm công chức cho Đảng. Vì thế Đảng nói gì họ nghe nấy, Đảng bảo sao họ làm vậy, vậy thôi. Họ có phản biện thì cũng trong phạm vi Đảng cho phép, vẫn là phản biện để "phò chính thống".

Trong khi đó, Đảng thẳng thừng loại bỏ những người nói thẳng, nói thật với Đảng, sẵn sàng ghép tội, tố, đánh cả những đảng viên từng hoạt động, cống hiến cho Đảng nay nói thật. Và câu chuyện hư ảo về "thế lực thù địch” lại tiếp tục được tiếp diễn.

Đảng bây giờ không thiếu đảng viên, nhưng lại thiếu hẳn một lớp người tinh hoa làm nên sức sống và năng lực lãnh đạo, Đảng bây giờ, chỉ toàn là kẻ cơ hội, đi từ Đoàn Thanh Niên, vào chỉ muốn có thêm điểm cộng khi thi viên, công chức. Vào để tỏ ra mình lập trường hơn người ta, vào để tham gia các cuộc họp kín, thảo luận về công tác cán bộ mà chỉ có… Đảng viên mới được tham gia.

Có lẽ, đảng viên ưu tú của Đảng hiện giờ cũng như thế, do vậy, Đảng từ lâu thiếu những người thanh niên: "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim..."…