Bùi Tín
Cuộc nội chiến Nam - Bắc ở Việt Nam
đã chấm dứt được mấy mươi năm, biết bao tài liệu sách báo, hồi ký đã được viết
ra, biết bao tư liệu tuyệt mật của các bên đã được công bố, nhiều cánh cửa đã
được mở ra để nhìn rõ bản chất, nguyên nhân, diễn biến, các góc cạnh của cuộc
chiến.
Trong suốt hơn 20 năm qua, tôi đã được đọc không biết bao nhiêu là sách báo, tài liệu của Ngũ Giác Đài, của Bộ Quốc phòng Liên Xô, Pháp, Anh, của Đệ Tam Quốc tế CS, các hồi ký của các tướng tá cả của Quân đội Nhân dân (QĐND) và của Quân lực VN Cộng Hòa, hồi ký về nhà tù CS, hồi ký về thuyền nhân, rồi những tài liệu tù mù thật giả lẫn lộn, phóng ra từ ổ đen tình báo Hoa Nam Trung Quốc. Vậy mà theo tôi vẫn còn nhiều «góc khuất» của cuộc chiến tranh rất nên làm rõ, để cuộc chiến được tái hiện đúng như nó từng diễn ra trên mọi khía cạnh.
Có những sự kiện nhỏ bé ít người
nói đến nhưng lại đóng vai trò rất lớn, có khi có ý nghĩa quyết định đối với sự
thành bại của cuộc chiến.
Xin nêu lên một vấn đề làm thí dụ.
Tôi tạm gọi vấn đề này là «cuộc chiến biệt vô tăm tích». Đó là tình trạng quân
nhân trong QĐND ở miền Bắc khi đã lên đường vào Nam chiến đấu là cắt đứt mọi
quan hệ với gia đình, bạn bè thân thuộc trong một thời gian dài, cho đến khi sống
sót được trở ra miền Bắc.
Có thể nói có hàng mấy triệu lượt
quân nhân QĐND vượt tuyến như thế, và hàng triệu người đều ở trong hoàn cảnh
như thế. Họ lên đường, rồi «biệt vô tăm tích», vì bưu điện Bắc - Nam bị cắt đứt
hoàn toàn. Nhưng không hề có một văn bản nào ghi nhận thành chính sách «biệt vô
tăm tích» như thế.
Có lẽ rất hiếm quân đội nào trong
thời chiến cùng gia đình họ chịu cảnh chia ly triệt để, kéo dài, chịu một cuộc
tra tấn đày đọa tinh thần thâm hiểm đau xót triền miên như thế.
Trong thời chiến tôi có dịp hỏi
chuyện một số sỹ quan phi công Hoa Kỳ bị bắt, họ còn mang theo cả thư, ảnh vợ
con, bố mẹ nhận được trước đó vài hôm từ Mỹ gửi sang Thái Lan hay Hạm đội 7. Họ
chiến đấu ở xa hàng ngàn dặm mà mối quan hệ tình cảm được đều đặn. Quân nhân của
chế độ Cộng sản miền Bắc nước ta chiến đấu trên đất nước mình mà cứ như bị tha
hương, đến một tinh cầu nào xa lạ, không một lá thư nào, một hình ảnh nào.
Bao nhiêu bà mẹ, ông bố, người vợ
đêm nằm thương nhớ khôn nguôi người con, người chồng yêu quý của mình, thế rồi
chỉ còn có cách nuốt nước mắt vào lòng, cầu Trời khấn Phật cho người thân «biệt
vô tăm tích» của mình sống sót trở về.
Các ông cha bà mẹ, người vợ ấy càng
chua xót, đau đớn vì cái tỷ lệ sống sót trở về ngày càng hiếm hoi, «sinh Bắc tử
Nam» đã thành số phận gần như thiên định, do cuộc chiến ở miền Nam hết sức ác
liệt, do bộ phận lãnh đạo CS sùng bái bạo lực, sắt máu, có dã tâm quyết hy sinh
không hạn độ sinh mạng công dân cả nước mình cho tham vọng nhuộm đỏ toàn thế giới
của Đệ Tam Quốc Tế CS. Chiến tranh để dành độc lập, rồi «chống Mỹ cứu nước» chỉ
là nhãn hiệu bề ngoài che đậy dã tâm trên đây.
Nếu như đảng CS Việt Nam để cho
quân nhân mình được phép liên lạc với gia đình, tổ chức ngành bưu điện quân sự
tỏa rộng vào các chiến trường, theo tôi nghĩ, bộ mặt cuộc chiến đã khác hẳn. Chỉ
riêng cảnh rùng rợn của chiến trường, số chết và bị thương phía CS miền Bắc quá
lớn, do quân đội miền Nam và lực lượng Hoa Kỳ có hỏa lực quá mạnh (từ trước năm
1964 chiến trường miền Nam, QĐ miền Bắc nói chung chưa đưa chiên xa vào miền
Nam, pháo binh còn thưa thớt, không quân miền Bắc chưa hoạt động được) nên thường
thương vong các trận đánh là 3/1, 5/1, có khi 10/1. Theo một số báo cáo tuyệt mật
tôi được biết khi đi trong các đoàn quân sự cao cấp do tướng Võ Nguyên Giáp và
tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu, với nhiệm vụ là bí thư báo chí của Bộ trưởng Quốc
phòng, sau các đợt «Tổng tiến công và tổng nổi dậy» năm 1968, lực lượng QĐND bị
tổn thất nặng hơn bao giờ hết, cơ sở nhân dân bị lộ, nhiều nơi bị mất trắng, có
nơi phải đưa bộ đội chính quy miền Bắc vào làm bộ đội địa phương quận huyện.
Nhiều đại đội, tiểu đoàn, cho đến cả trung đoàn phải giải thể, sáp nhập vào
nhau, có khi đến 2 hay 3 lấn, phải lấy phiên hiệu A, B, C, như Trung đoàn 275
A, 275B, 275C. Ở Khu 5 hồi ấy sỹ quan tử trận nhiều phải đôn gấp tiểu đội trưởng
lên đại đội trưởng, tiểu đoàn phó lên trung đoàn trưởng do miền Bắc cử vào
không kịp.
Nếu như thư từ thông suốt, các trận
đánh thua tơi bời, chết và bị thương như ngả rạ, người bị thương không được cứu
chữa, người chết chôn vội rồi đơn vị di chuyển, giải thể không còn biết ở đâu,
nếu như cả xã hội được thông tin từ chiến trận, biết rõ những thất bại chồng chất
khi ấy thì hậu phương sẽ không cho phép đảng đem con em mình vào lò thiêu sống
như thế. Ở Hoa Kỳ khi các trận đánh qua màn TV đi vào phòng ngủ người dân, số tử
vong lính Mỹ lên đến 50 ngàn trong 5 năm là toàn xã hội lên tiếng đòi chấm dứt
chiến tranh.
Tôi từng tham dự nhiều buổi tiễn
đưa một số đơn vị vào Nam, khi qua binh trạm cuối «làng HO» thuộc đất Vĩnh Linh
là anh em vĩnh biệt miền Bắc trong cảnh tượng xé lòng mà vẫn phải làm ra vẻ
bình thản. Ai nấy đều giống nhau, hiểu nhau, cùng nhau đóng kịch. Lúc ấy không
còn đường rút lui. Cứ như qua cầu bắc ngang sông là cầu bị cắt. Đã có một số
anh em mất tinh thần, liều mạng, muốn quay lui, vào tù cũng được, nhưng không
sao lọt. Vì trách nhiệm của các chính ủy đoàn, các chính trị viên, của các chi
bộ là ngăn chặn hiện tượng «B tụt», «B tạt», «B quay», nghĩa là tìm cách lẩn
vào rừng, tụt lại sau, tạt ra các bản người dân tộc, rồi tìm cách quay về nhà.
Rất ít ai thoát được.
Những anh em ấy bị truy lùng ráo riết,
bị giải về hậu phương, bị tù đày không xét xử, cuối cùng ra tù còn phải chịu cuộc
sống bị chính quyền CS phường xóm giám sát, khinh thị, cả họ hàng không sao ngẩng
đầu lên được.
Thời gian «biệt vô tăm tích» người
thân của mỗi gia đình một khác, có khi 2, 3 năm, có khi 5, 6 năm, nhiều khi
trên 10 năm, tùy chiến trưòng Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ, hay chiến trường
Lào, Miên. Không ai biết rõ con em mình ở nơi nào. Rất hiếm khi có những tin tức
của bạn bè, đồng hương bị thương trở ra, được biết là người thân ở Khu 5 hay
Nam Bộ, hay Tây Nguyên, còn sống, vắn tắt, sơ sài thế thôi. Những quân nhân tử
trận được báo tử rất chậm, chậm 1 năm được coi là bình thường, có khi chậm đến
2, 3 năm, do các đơn vị di chuyển sâu, sổ sách luộm thuộm mất mát, các đơn vị
chia ra, nhập vào, thay phiên hiệu, cán bộ tử thương. Vì lẽ ấy mà đến nay QĐND
miền Bắc có đến 300 ngàn trường hợp quân nhân mất tích, không biết bị tử trận
ngày nào, ở đâu.
Đây là món nợ xã hội của đảng CS đối
với nhân dân cho đến nay vẫn không sao trả được. Trong cuộc chiến tranh chống
Pháp, con số chính thức của phía Pháp cho biết số tù binh bị phía Việt Nam bắt
giam là 5.782 người, đã trao trả nhiều đợt là 3.290, số còn lại là 2.492 phía
Việt Nam không giải thích được là sống chết ra sao, vì sao, ở đâu. Đối với tù
binh là người Mỹ cũng vậy, số bị bắt giam là gần 2.000, được trao trả là 591
người, số còn lại là 1.350 hay là 1.469 người, (tùy theo tài liệu của Ngũ Giác
Đài hay của Quốc hội Mỹ), phía Việt Nam vẫn không giải thích được.
Đây là thêm chứng minh về lãnh đạo
đảng CS cực kỳ vô trách nhiệm đối với sinh mạng con người trong chiến tranh, mặc
dầu đã có những quy định quốc tế về trách nhiệm các bên đối với tù binh, về cấm
tra tấn, về nuôi dưỡng, chữa bệnh, cho nhận thư từ gia đình, trao trả tù binh đầy
đủ sau chiến tranh. Không thể để «biệt vô tăm tích» hàng ngàn trường hợp như thế.
Có thể nói chính sách «biệt vô tăm
tích» là quốc sách rất thâm và cực kỳ độc ác, phi nhân có tính toán của đảng CS
trong thời chiến.
Nó được thực hiện cùng với chính
sách cắt đứt triệt để quan hệ Bắc - Nam trong suốt gần 30 năm chiến tranh, nhằm
triệt hạ mọi tình cảm ruột thịt, gia đình, bạn bè ở 2 miền, đặc biệt là giữa
hàng triệu bà con di cư từ Bắc vào Nam với người thân ngoài Bắc, buộc phải coi
nhau là thù địch, cũng là để bóp ngẹt tinh thần phản chiến âm thầm của bà con
ta ở cả 2 miền.
Đây phải chăng cũng là một tội ác,
trời không dung đất không tha, của đảng CS để làm nên cái gọi là toàn thắng giả
tạo và tạm thời cách đây 40 năm?
Bùi Tín