Hình minh họa máy bay Su-22 |
Các vụ rơi máy bay quân sự bộc lộ điểm yếu của Việt Nam và sẽ được những quốc gia như Trung Quốc, vốn có tranh chấp trên biển với nước này, theo dõi chặt chẽ, theo ý kiến chuyên gia.
Nhận định của Giáo sư Carl Thayer, từ học viện quốc phòng Úc, được đưa ra trong lúc Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục huy động các lực lượng tìm kiếm tung tích hai phi cơ chiến đấu Su-22, vốn bị rơi trên vùng biển gần đảo Phú Quý, Bình Thuận trong lúc tập luyện hôm 16/4.
Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay là việc tìm kiếm hai phi công, Trung tá Lê Văn Nghĩa và Đại úy Nguyễn Anh Tú.
Báo Tuổi Trẻ hôm 16/4 dẫn nguồn tin riêng cho biết hai máy bay, cất cánh từ sân bay Phan Rang, có thể đã 'tự va chạm nhau'.
Bộ Quốc phòng nói họ mới chỉ vớt được ba thùng dầu phụ, chưa tìm thấy phi công và vị trí cụ thể máy bay rơi.
Bộc lộ yếu điểm
Đây là vụ tai nạn thứ 3 tại Việt Nam liên quan đến phi cơ chiến đấu Su-22. Hai vụ tai nạn vào năm 2006 và năm 2009 cũng đã khiến hai phi công tử nạn.
"Với tỷ lệ rơi này thì bất cứ không quân hiện đại nào trên thế giới cũng sẽ tỏ ra lo ngại về độ an toàn của loại máy bay này", ông Carl Thayer nói trong cuộc phỏng vấn với BBC.
"Vấn đề của Việt Nam là họ không đủ tiền để thay thế máy bay đủ nhanh theo nhu cầu".
"Trong trường hợp của Úc, các máy bay F-11 của Úc, vốn từng được dùng trong chiến tranh Việt Nam, chỉ được sử dụng đến khi chi phí bảo trì cao đến mức phải thay thế".
"Không quân Việt Nam chủ yếu là Su-22, bên cạnh Mig 21. Đây không phải là những phi cơ chiến đấu hiện đại mà những nước như Trung Quốc còn muốn đưa vào sử dụng."
Ông Carl Thayer cho biết các vụ rơi máy bay gần đây đang xác nhận đánh giá của các chuyên gia Trung Quốc về điểm yếu của quân đội Việt Nam.
"Năm ngoái có một buổi thảo luận về Việt Nam mà tôi đã tham dự," ông nói.
"Một trong các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tổng hợp nhiều tài liệu của nước này về Việt Nam, trong đó đánh giá các điểm mạnh yếu của quân đội Việt Nam."
"Một trong các điểm yếu lớn nhất là chất lượng huấn luyện. Họ cho rằng với chất lượng huấn luyện hiện nay thì quân đội Việt Nam không đủ sức ứng phó với chiến tranh."
"Những nước như Hoa Kỳ thường lấy số giờ huấn luyện của phi công nước mình ra để so sánh với các nước khác và từ đó đánh giá độ thiện chiến của các nước khác."
"Các chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng công tác hậu cần và chất lượng bảo trì là các điểm yếu khác của Việt Nam."
"Trong tình huống chiến tranh thực sự, cả hai công tác này sẽ đứng trước thách thức rất lớn vì phải đảm bảo lịch trình rất gấp và độ hiệu quả rất cao".
"Tôi nghĩ phía Trung Quốc sẽ theo dõi sát kết luận từ phía Việt Nam về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn mới nhất".
"Nguyên nhân được công bố sẽ thể hiện rõ nhất khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Việt Nam".
Nguồn: Theo BBC