23 avril 2015

Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi điều trần tại hội nghị xã hội dân sự ASEAN



Trần Quang Thành

Từ ngày 21 đến 24/4/2015, tại Kuala Lumpur, thủ đô  Malaysia diễn ra Hội nghị xã hội dân sự các nước Hiệp hội Đông Nam Á ASEAN. Trong phiên họp sáng nay 23/4, hội nghị đã nghe bài phát biểu được thu hình trước của Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi từ Huế điều trần  hiện trạng tôn giáo ở Việt Nam dưới sự cai trị độc tài của Đảng cộng sản.



Nội dung như sau : 


 





 
            Kính thưa Ban Tổ chức Hội nghị
            Kính thưa Đại diện các Tổ chức xã hội dân sự Khối ASEAN
            A- Về hiện tình tôn giáo tại Việt Nam, một quốc gia đang bị lãnh đạo bởi đảng Cộng sản vô thần độc tài, thì chúng tôi, trong tư cách một linh mục Công giáo, đồng thời là một nạn nhân của chế độ, từng bị tù 7 năm và bị quản thúc tại gia 14 năm vì đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền, xin được nhận định như sau:
            1- Nhà cầm quyền CSVN khống chế, lũng đoạn và xâm nhập các tôn giáo.
           Trước hết, dựa trên Pháp lệnh về Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004 và Nghị định áp dụng pháp lệnh này năm 2012, nhà cầm quyền VN buộc các tôn giáo muốn hoạt động phải làm đơn xin phép cùng tuân thủ rất nhiều điều kiện khắt khe, rồi phải chờ đợi rất lâu sự cho phép hết sức tùy tiện của họ. Ai tự động sinh hoạt sẽ bị đàn áp dã man như cộng đồng Tin lành Mennonite ở Mỹ Phước, Bình Dương hai năm nay, như cộng đồng Tin lành H’Mong tại Điện Biên tháng 2-2015. Tiếp đến, tuy là những tổ chức xã hội dân sự chân chính, hữu ích cho xã hội, các giáo hội chưa bao giờ được nhà cầm quyền công nhận có tư cách pháp nhân. Điều đó gây vô vàn khó khăn cho chúng tôi về mặt luật pháp và giao dịch dân sự.
            Rồi vì muốn kiểm soát hoàn toàn các tôn giáo, nhằm biến họ thành công cụ theo nguyên tắc độc tài toàn trị, nhà cầm quyền đã và đang thành lập các giáo hội quốc doanh, do nhà nước kiểm soát, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Chưởng quản Cao Đài, một số hệ phái Tin Lành và Ủy ban Đoàn kết Công giáo bên cạnh các Giáo hội truyền thống. Điều này đã gây chia rẽ trầm trọng trong các tôn giáo, đồng thời đánh lừa được quốc tế về tình hình tôn giáo tại Việt Nam, nhờ miệng của những chức sắc hay tín đồ chấp nhận làm công cụ cho chế độ, như họ đã tìm cách dối gạt Đặc phái viên Tự do tôn giáo LHQ trong chuyến thăm VN tháng 7-2014 và như họ được chọn làm đại diện các tôn giáo để góp ý vào Luật Tôn giáo đang soạn thảo.
            2- Nhà cầm quyền CSVN ban các quyền tự do tôn giáo thứ yếu với điều kiện.
            Các tự do tôn giáo thứ yếu này là quyền xây dựng các nơi thờ phượng, các trường đào tạo, các cơ sở xã hội; quyền tổ chức các lễ hội tôn giáo lớn nhỏ; và quyền của chức sắc, tín đồ được ra nước ngoài để hiệp thông với cộng đồng tôn giáo quốc tế hay với đồng đạo hải ngoại. Mỉa mai thay, các quyền thứ yếu đó được nhà cầm quyền ban có điều kiện, nghĩa là chỉ cho những ai không “có vấn đề” với chế độ. Trước hết là cho những thành viên ngoan ngoãn của các giáo hội quốc doanh, cho những ai làm ngơ im lặng trước sai lầm và tội ác của nhà cầm quyền, cho những ai không đứng lên tranh đấu vì nhân quyền, dân chủ hay tự do tôn giáo. Bằng chứng: Linh mục Lê Ngọc Thanh, giám đốc Truyền thông Chúa Cứu Thế, mới bị cấm xuất cảnh hôm 22-03; Giáo xứ Đông Yên (Giáo phận Vinh) và nhiều giáo xứ thuộc Giáo phận Kon Tum đang bị chực phá nhà thờ nhà nguyện; Nhà nguyện Hội thánh Tin Lành Mennonite Bình Dương bị đập phá nhiều lần cuối năm 2014. Thánh thất Cao Đài Tuy An, Phú Yên vừa bị triệt phá ngày 14-04-2015. Hội đồng Liên tôn Việt Nam, dù di chuyển ngay trong nước, cũng bị cấm đến Huế ngày 15-03-2015. 
            3- Nhà cầm quyền CSVN hoàn toàn cấm cản các quyền tự do tôn giáo chính yếu.
            a- Mọi tôn giáo đều không được độc lập trong việc tổ chức nội bộ. Nhà cầm quyền tìm cách kiểm soát và ảnh hưởng lên việc chiêu sinh, huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm và thuyên chuyển các chức sắc lãnh đạo. Những ai có tinh thần bảo vệ sự độc lập của tôn giáo đều bị cản trở trong hoạt động hay thậm chí bị quản thúc hoặc cầm tù, như Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, Giám mục Hoàng Đức Oanh, Hội trưởng Lê Quang Liêm, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Mục sư Nguyễn Công Chính, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Chánh trị sự Hứa Phi…
            b- Mọi tôn giáo đều không được tự do trong sinh hoạt phụng thờ. Các sinh hoạt này chỉ được tiến hành trong những nơi thờ tự đã được nhà nước công nhận. Các lễ nghi hay lễ hội lớn đều phải xin phép và có phép của nhà cầm quyền mới được tổ chức. Bằng không sẽ bị cấm cản và dẹp bỏ cách thô bạo. Việc thường xuyên đàn áp các Thánh thất Cao Đài, các Niệm Phật đường Hòa Hảo, một số chùa thuộc GHPGVNTN và các Hội thánh Tin lành tại gia (mà mới nhất là Hội thánh Chuồng bò của Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng ngày 02-04-2015) là những bằng chứng. Các sinh hoạt xã hội của các tôn giáo có khi bị cấm cản. Chùa Liên Trì ở Sài Gòn bị gây khó dễ vì cho dân oan tá túc. Hội đồng Liên tôn, giữa tháng 3-2015, bị ngăn trở phát quà cho thương binh VNCH tại Huế. Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, trong những ngày này, bị áp lực không được khám bệnh cho các thương binh VNCH và có thể sẽ bị cấm cản giúp đỡ các tổ chức xã hội dân sự độc lập hay thực hiện các chương trình phát thanh phổ biến công lý và sự thật đã làm lâu nay.
            c- Mọi tôn giáo đều không được truyền bá giáo lý ra bên ngoài xã hội, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng thông tin toàn cầu, đến với mọi tầng lớp nhân dân. Trang mạng của các tôn giáo phi quốc doanh đều bị đặt tường lửa. Mọi giáo hội (kể cả giáo hội quốc doanh) không được phép lập nhà xuất bản, đài phát thanh, đài truyền hình hay được lên tiếng trên hệ thống truyền thông quốc gia có tiền thuế của tín đồ đóng góp xây dựng. Ngược lại, nhà cầm quyền dùng hệ thống giáo dục học đường và giáo dục đại chúng để quảng bá thuyết vô thần, phỉ báng các giáo hội.
            d- Mọi tôn giáo đều không được góp phần giáo dục giới trẻ qua hệ thống giáo dục từ tiểu học đến đại học (điều mà họ đã được hưởng trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa). Hiện thời, các giáo hội chỉ được mở trường mẫu giáo nhưng dưới sự kiểm soát đủ mặt của chế độ, có khi còn bị đóng cửa tùy tiện như trường Mầm Non Ánh Sáng của Giáo hội Mennonite Thuần túy tại Bến Cát, Bình Dương gần đây. Nghĩa là mọi tôn giáo đều bị cản trở trong việc gieo rắc tình thương, sự thật, óc tự do, tinh thần nhân bản và ý thức dân chủ cho các thế hệ.
            e- Mọi tôn giáo ..đều bị nhà cầm quyền CS ngay từ 1954, tước đoạt vô số tài sản vật chất (điện thờ, trường học, nhà in, ruộng đất, cơ sở xã hội và tài khoản ngân hàng…) mà chẳng bao giờ trả lại. Hiện nay, các giáo hội đều không có quyền sở hữu ruộng đất, không được chủ động mua bán đất đai nhà cửa để mở rộng hoặc thu hẹp cơ sở tôn giáo cho phù hợp nhu cầu hoạt động của mình. Chùa Liên Trì, Dòng Mến Thánh Giá và Nhà thờ Thủ Thiêm đã có cả trăm năm nay bị nhà nước chực cướp.
            B- Về Luật Tôn giáo sắp được Quốc hội VN cứu xét, chúng tôi yêu cầu:
            1 - Công khai phổ biến và gởi tới từng Giáo hội (chính truyền lẫn quốc doanh) bản Dự thảo để lấy ý kiến và nhà cầm quyền phải lắng nghe các ý kiến mang tính xây dựng.
            2- Tôn giáo là quyền lợi chứ không phải là ân huệ xin cho, nên LTG không được có những điều khoản buộc các giáo hội phải xin xỏ chuyện này chuyện nọ để được nhà nước ban tặng với những điều kiện trái lương tâm, trái pháp luật. Mọi sự chỉ nên xoay quanh việc khai báo, trình bày.
            3- Luật Tôn Giáo   phải tôn trọng mọi quyền mà các tôn giáo và tín đồ tự thân được hưởng trong tư cách xôn ãiaos hội dân sự và tư cách công dân hay con người. Phải dẹp bỏ kiểu nói: “theo quy định của pháp luật” sau những điều khoản nói về quyền.
            C- Đề nghị với quốc tế:
            1- Ý thức chính xác về hiện trạng tôn giáo tại VN, không để mình bị lừa bởi các vẻ ngoại diện của sinh hoạt tôn giáo và bởi các luận điệu tuyên truyền của nhà cầm quyền CS.
            2- Đòi hỏi nhà cầm quyền trả lại tự do lập tức và vô điều kiện cho các chức sắc hay tín đồ bị giam giữ hay quản thúc.
            3- Giúp đỡ toàn dân Việt Nam và các tôn giáo giành lại các nhân quyền và dân quyền trong một chế độ dân chủ.
            Xin chân thành cảm ơn toàn thể Quý vị.
            Phát biểu từ Việt Nam
            Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi.