Đặng Chí Hùng
Khi toàn thể tập thể Lao Động Việt(LĐV) ra “Tuyên Bố của Lao Động Việt về cuộc đình công của Công nhân công ty Pou Yuen”(1) thì lập tức có nhiều người ủng hộ những việc làm thiết thực của LĐV.
Vẫn còn một số ý kiến nói LĐV là một tổ chức “thiên về đấu tranh chính trị, không giúp đỡ được công nhân, không duy trì được phong trào công nhân…” . Rõ ràng là sau những gì LĐV đã làm thì quả là điều đáng buồn. Thật ra chúng tôi không cần lên tiếng vì việc này, tuy nhiên với tư cách một thành viên LĐV, tôi thấy mình cần phải lên tiếng vì nó là điều cần phải nói.
Trước hết nói về làm chính trị, người ta không thể nói công việc giúp công nhân bảo vệ quyền lợi chính đáng là phi chính trị được. Dù là bạn viết văn, làm báo, giúp công nhân …thì bạn cũng đã tự bước vào con đường làm chính trị mặc cho ban đầu bạn có thích chính trị hay không. Chính trị là bạn đóng góp vào sự thay đổi của xã hội, của con người. Do đó chuyện LĐV giúp đỡ công nhân bằng nhiều việc dứt khoát phải là làm chính trị và đưa chân vào chính trị. Nó cũng tựa như chuyện có một số tổ chức có nhiều người từ nhiều đảng phái, tổ chức khác cùng tụ họp lại để đấu tranh, họ không định làm chính trị nhưng việc đấu tranh chống lại bạo quyền thì lại là chính trị. Điều đó cũng là chuyện bình thường và nó cũng tương tự như các thành viên LĐV mà thôi…
LĐV và một số tổ chức khác đều không phải là tổ chức chính trị nhưng chúng ta đã và đang phải làm chính trị do chúng ta phải giúp người dân, công nhân đối đầu với CSVN. Điều đó cũng tương tự như một nhà văn phản kháng, ông ta chẳng bao giờ thích chính trị, ông ta cũng không nghĩ mình là nhà chính trị, nhưng việc ông ta viết lên sự thật về nhà cầm quyền CSVN thì đó là ông ta làm chính trị. Vậy nên không có ranh giới giữa làm chính trị hay không làm chính trị. Và điều đó cũng chẳng quan trọng vì mục tiêu và hiệu quả đấu tranh cho quê hương Việt Nam mới là thước đo cho việc làm của chúng ta.
Nếu nhìn vào phong trào công nhân cách đây 10 năm thì bây giờ là một bước tiến dài. Nó cũng tương tự như các phong trào đấu tranh khác mà 10 năm trước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngày trước người ta khó có thể điểm được tin tức đình công của công nhân vì chẳng ai dám làm. Còn nay thì sao ? Hai tuần một lần chúng tôi có một bản tin tổng hợp về công nhân. Tuần nào cũng có vài ba cuộc đình công và phản kháng của công nhân. Công nhân đã không còn cam chịu nữa. Điều đó không phải tự nhiên mà có. Nếu không có những việc làm giúp đỡ công nhân như tại công ty BSE, Dinsen vv…thì có lẽ chẳng ai dám đứng lên cả. Chúng ta bảo vệ và giúp đỡ công nhân không phải là công việc đơn giản trong bối cảnh CSVN đủ thủ đoạn để đàn áp như trường hợp đi tù của Hùng, Hạnh Chương. Do vậy, giúp đỡ công nhân là việc làm âm thầm. LĐV không có khái niệm phải tung hô những việc đó và nó là trách nhiệm của chúng tôi đối với công nhân Việt, với đất nước Việt Nam. Chúng tôi luôn tự hào vì chúng tôi đã làm được nhiều điều cho phong trào công nhân một cách âm thầm và kết quả sự phản kháng ngày càng nhiều của công nhân đã chứng minh chúng tôi duy trì thế nào công việc đối với công nhân. Chúng tôi không cần phải tô vẽ về bản thân chúng tôi !
LĐV trên thực tế không bao giờ đứng chung chiến tuyến với công đoàn của CSVN. Bằng chứng là chúng tôi không được CSVN cho phép thành lập và đàn áp, truy nã những ai hoạt động cho công nhân thật sự. Do đó LĐV dứt khoát không thể giống với tổ chức công đoàn CSVN về việc “không thực sự đấu tranh cho quyền lợi của người công nhân”. LĐV là tổ chức đứng về phía công nhân một cách tự chủ, không bó buộc phải chịu sự điều khiển của đảng CSVN như tổ chức Tổng Liên Đoàn LĐ của nhà cầm quyền CSVN.
Như trên, tôi đã nói, dù cho ban đầu ý tưởng không muốn làm chính trị thì việc một số tổ chức và LĐV đều đã và đang làm chính trị để bảo vệ đất nước. Chúng ta bảo vệ công nhân bằng phương tiện gì đây ? Khủng bố chăng ? Không thể !. Nếu không lên tiếng và giúp đỡ họ bằng con đường chính trị thì chúng ta sẽ làm gì ?. Công nhân biểu tình, đình công có phải là là làm chính trị hay không ?. Đó là làm chính trị dù cho công nhân cũng không thích điều đó. Do vậy đừng kết luận LĐV “nặng tính chính trị” mà hãy hỏi xem LĐV có làm được gì cho công nhân hay không mà thôi !
Một điều cần phải nói nữa là, nếu không vì công nhân thì tổ chức LĐV đấu tranh vì cái gì ?. Từ khi tôi được chứng kiến trực tiếp những gì anh em LĐV đã và đang làm, tôi thấy LĐV không hề đấu tranh cho chúng tôi, chúng tôi làm việc vì công nhân và làm việc với tất cả khả năng của chúng tôi. Nếu một ai thực sự muốn biết LĐV có vì công nhân hay không thì mời đọc giả đọc bài này (3). Đó là chưa kể những việc chưa đến lúc công bố và cả những việc chẳng cần phải công bố vì sự an toàn của anh em trong nước. Chúng tôi làm bằng việc cụ thể và có bằng chứng cụ thể. Chúng tôi không có thời gian tổ chức những bữa tiệc linh đình, những buổi kỷ niệm tưng bừng. Chúng tôi rất nghèo vì chúng tôi là người nghèo, chúng tôi thường bỏ tiền túi ra làm việc chung và chúng tôi biết tiết kiệm thời gian “bình luận” để bảo vệ công nhân bằng những việc làm thực tế.
Ý cuối cùng của tôi về việc một số người cho rằng LĐV không từ công nhân mà ra nên không giúp gì được công nhân, không lãnh đạo công nhân. Cái này tôi xin được giải thích rõ như sau. Chúng tôi có 80% cán bộ trong nước là công nhân và số còn lại là người đã từng là công nhân và nay thì đấu tranh cho công nhân. Ngoài ra những người đang ở Hải Ngoại cũng từng là công nhân và đứng trong các phong trào công nhân, nghiệp đoàn tại Úc, Ba Lan, Pháp. Bỉ, Việt Nam …Do đó nói chúng tôi không xuất phát từ công nhân, không hiểu công nhân là hoàn toàn sai. LĐV cũng không thành lập ra để “lãnh đạo” công nhân mà chúng tôi bảo vệ công nhân và giúp đỡ pháp lý, tinh thần, đôi khi vật chất và cả kinh nghiệm cho công nhân tự đứng lên. Chúng tôi không hề mong muốn lợi dụng công nhân để đánh bóng cho LĐV và “đè đầu, cưỡi cổ” công nhân. Chúng tôi xây dựng cho công nhân tính tự chủ và tinh thần hiểu biết quyền lợi của họ. Ở đâu chúng tôi cũng đã và đang cố gắng tìm giúp Leader cho các nhóm công nhân. Thiết tưởng điều đó không cần phải “báo cáo” ai cả nên có lẽ một số tác giả đã hiểu lầm…
Trong cuộc đấu tranh chống CSVN độc tài, bất cứ ai, tổ chức nào làm được gì cho người dân, cho đất nước thì hãy cố gắng hết sức. Danh vọng, tiền tài chỉ là phù du và hư ảo. Khi chúng ta nói chúng ta đấu tranh cho quê hương thì xin hãy làm điều đó hết sức mà đừng phán xét đến những người khác. Hãy bước về phía trước và sánh vai nhau cùng tiến thì sẽ tốt hơn cho tất cả. Tôi nghĩ rằng LĐV không cân tô vẽ nhưng chúng tôi đã và sẽ làm hết trách nhiệm của mình với dân tộc Việt Nam. Tôi và những bạn của tôi thấy yêu mến công việc mình làm dù rằng nó chẳng đem lại những hào quang bên ngoài. Chúng tôi muốn chỉ muốn nói những điều cần phải nói mà thôi !
Đặng Chí Hùng
11/04/2015
Nguồn : Lao Động Việt
Nguồn : Lao Động Việt