18 avril 2015

Trái Trái táo rơi không thể xa cây táo! Chuyến đi Bắc kinh của Nguyễn Phú Trọng!



 Âu Dương Thệ
     

Trái táo rơi không thể xa cây táo !
Chuyến đi Bắc kinh của Nguyễn Phú Trọng !



Chuyến đi gặp Tập Cận Bình của Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn cao cấp của đảng và nhà nước CSVN từ 7-10.4.2015 đã không cắt bỏ được những ràng buộc bất lợi cho VN, trái lại còn mở rộng thêm những gánh nặng lớn và nguy hiểm cho đất nước. Vì chuyến đi chỉ nhằm mục đích cao nhất là cứu Đảng, cốt làm sao để ĐCS độc quyền tiếp tục. Mục tiêu này được cả cánh bảo thủ giáo điều của Nguyễn Phú Trọng và phe các nhóm lợi ích của Nguyễn Tấn Dũng, với Nguyễn Thị Kim Ngân tham gia trong phái đoàn, thỏa hiệp để chia phần trong Đại hội 12 không còn đầy một năm.
Tập Cận Bình và nhóm cầm đầu Bắc kinh biết rõ được các ý đồ này và đồng thời nắm được các điểm yếu trong kinh tế, thương mại và tài chánh của VN. Nên họ đã tìm cách vuốt mặt vỗ về Nguyễn Phú Trọng bị bệnh tự ti mặc cảm bằng cách giành cho ông những nghi lễ đặc biệt. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, cốt đánh lừa dư luận VN và quốc tế.
Nhưng thâm ý chính của Tập Cận Bình là khai thác và lợi dụng những thế bất lợi của CSVN đang bị cô lập trong nhân dân và lệ thuộc Bắc kinh trong chính trị, kinh tế và thương mại. Từ đó ép nhóm cầm đầu toàn trị Hà nội không những phải tiếp tục hợp tác chiến lược toàn diện, mà còn phải mở rộng thêm những lãnh vực nhạy cảm và yếu kém từ trong tài chánh, thương mại và kinh tế. Trên những cơ sở mới này Bắc kinh tìm cách ép Hà nội phải nhượng bộ và im lặng trước các chủ trương bành trướng của Bắc kinh trên biển Đông!

Từ chuyến thăm Trung quốc lần đầu (10.2011) trong tư cách tân Tổng bí thư tới chuyến thăm lần thứ 2 mới đây (4.2015) quan hệ giữa hai nước dưới thời cầm quyền của của Nguyễn Phú Trọng tốt đẹp hơn hay tồi tệ hơn?

Mặc đầu nổi tiếng là người thần phục và trung thành với Bắc kinh, nhưng cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Tập Cận Bình, Tổng bí thư và Chủ tịch nước Trung quốc, đều biết là tình hình ngày càng căng thẳng và tồi tệ trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế và thương mại:
-         Trong hai năm 2011-12 chính Bắc kinh đã ba lần cho các tầu hải quân Trung quốc vào hải phận VN cắt dây cáp của các tầu thăm dò đầu khí của Tập đoàn dầu khí VN. Điều này hoàn toàn trái với Thông cáo chung (10.2011) của cấp cao hai bên là „ không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp“[1] 
-         Từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 7.2014 Tập Cận Bình còn để cho hàng trăm tầu chiến, hải giám hộ tống giàn khoan khủng HD 981 tiến sâu vào hải phận VN để thăm dò đầu khí. Bắc kinh đã gây ra trận  cuồng phong chính trị ngoại giao trên biển Đông; gây bất bình và lo lắng cho các nước ASEAN, Nhật, Nam Hàn và gây quan ngại lớn về an ninh hàng hải cho Mĩ và EU. Cũng chính trong thời gian này họ Tập đã từ chối nhiều lần yêu cầu của ông Trọng muốn trực tiếp sang Bắc kinh giải quyết.
-         Cuộc xung đột chung quanh giàn khoan HD 981 đã làm bung ra những cuộc biểu tình và đình công của thanh niên và công nhân VN tại nhiều xí nghiệp và thành phố ở VN. Thái độ bất bình và chống đối của nhân dân VN đối với chủ trương ngang ngược của Bắc kinh đã lên đến cao điểm, khiến cho Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tỏ ra e ngại sợ Bắc kinh có phản ứng chống lại.[2]
-         Cũng trong các năm này mức nhập siêu của VN với Trung quốc tiếp tục gia tăng ở mức khủng khiếp. Dưới thời Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, mức nhập siêu từ Trung quốc từ trên 9 tỉ USD (2007) tăng lên tới 28 tỉ USD (2014). Nghĩa là áp lực thương mại, kinh tế của Bắc kinh ngày càng bất lợi cho VN.[3]
-         Giữa lúc Bắc kinh giương oai ngay trên hải phận VN thì họ lại tập trung mở rộng và xây dựng nhiều đảo trên biển Đông họ chiếm của VN trong các thập niên trước thành những pháo đài và các căn cứ quân sự để đe dọa an ninh trực tiếp VN, đồng thời muốn kiểm soát đường hàng hải quốc tế quan trọng nhất. Chính việc này cũng được Phùng Quang Thanh thừa nhận là chuyện đã rồi![4]Đầu tháng 3.15 bộ trưởng Ngoại giao Trung quốc Vương nghị đã hứng lấy và tuyên bố công khai trong cuộc họp báo coi biển Đông là cái ao của Trung quốc:  „ Chúng tôi không giống như một số quốc gia khác đã xây dựng trái phép trong nhà của người khác. Và chúng tôi không chấp nhận những lời chỉ trích từ người khác khi mà chúng tôi chỉ xây dựng các cơ sở trên sân riêng của chúng tôi.“ [5]Các hành động gia tăng chiếm đóng và bành trướng trên biển Đông rõ ràng đi ngược với thỏa thuận của hai bên „ không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp“!
-         Cũng trong khi ấy các tầu hải quân và hải giám Trung quốc tăng cường ngăn chặn, săn đuổi, đánh phá nhiều tầu đánh cá và giết hại nhiều ngư dân VN đánh cá trên các khu vực các quần đảo Hoàng sa và Trường sa của VN trong các năm qua.

Quan hệ xấu đi và tồi tệ thêm giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng và tình hình cực kì căng thẳng giữa hai nước trong hơn ba năm qua, nhưng tại sao Tập Cận Bình đã mời Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung quốc vào đầu tháng 4.2015 (7-10.4) và đặc biệt nữa đã làm như xuống nước, dành cho Nguyễn Phú Trọng những nghi lễ cao nhất, thậm chí mở chiêu đãi đến hai lần? Tại sao Tập Cận Bình cho quân chiếm đảo, chiếm tài nguyên và giết hại ngư dân VN, nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn sang tay bắt mặt mừng với „đồng chí thân thiết“ Tập Cận Bình. Vậy Nguyễn Phú Trọng bảo vệ ai?
Tập Cận Bình và những người cầm đầu chế độ toàn trị Trung quốc đã tính toán kĩ lưỡng. Họ biết đại đa số nhân dân VN rất quan ngại và bất bình về chính sách bành trướng bá quyền của Bắc kinh, nhưng chế độ toàn trị ở VN ngày càng lệ thuộc cả chính trị lẫn kinh tế vào Bắc kinh. Đặc biệt cánh bảo thủ giáo điều và thần phục Bắc kinh đang bị cô lập ở ngay Trung ương trước thềm Đại hội 12 không còn xa. Về mặt địa lí chiến lược, một VN yếu và lệ thuộc Trung quốc là chìa khóa vàng để Bắc kinh tiếp tục lộng hành trên biển Đông. Vì thế muốn bảo vệ quyền lợi của Trung quốc tại VN thì phải nâng đỡ, tiếp sức cho phe thân Bắc kinh ở Hà nội, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng. Cho nên họ đã đặc biệt chiếu cố tới người đứng đầu chế độ toàn trị ở VN, với mục tiêu làm thế nào thỏa mãn thèm khát những danh vọng bề ngoài của ông Trọng, đồng thời tạo một cảm tưởng trong dư luận quốc tế là giới lãnh đạo CSVN trước sau vẫn tin tưởng và hợp tác chặt chẽ với Bắc kinh.
            Để thực hiện ý đồ này họ đặt trọng tâm phân tích con người và cá tính của Nguyễn Phú Trọng. Những lời tự đề cao, tự tâng bốc, đồng thời coi Bắc kinh như thiên triều  Chưa bao giờ ngay sau Đại hội, một số đảng anh em như … Đảng Cộng sản Trung quốc cử đặc phái viên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước sang gặp Tổng bí thư ta để trực tiếp chúc mừng thành công của Đại hội”![6] Ông Trọng đã rất hãnh diện tuyên bố như thế về việc nguyên Tổng bí thư và Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cử đặc phái viên sang chúc Nguyễn Phú Trọng khi vừa được bầu làm Tổng bí thư. Thái độ hí hửng như con nít của Nguyễn Phú Trọng thích được người trên xoa đầu và khen ngợi, dù chỉ là khen đầu môi chót lưỡi theo cách ngoại giao. Kế đến việc ông Trọng tự khen, tự bốc, „mình phải như thế nào thì người ta mới mời chứ!“ sau chuyến gặp Giáo hoàng tại Roma và một số nước trong Liên minh Âu châu (EU) tháng 1. 2013. Tập Cận Bình lại càng thấy rõ thêm tâm lí tự ti mặc cảm của Nguyễn Phú Trọng đã quá nặng trở thành một căn bệnh.  Trên những cơ sở phân tích này về con người và cá tính của ông Trọng, nên họ Tập sẵn sàng chiều chuộng và vuốt ve để thỏa mãn bệnh tự ti mặc cảm của Nguyễn Phú Trọng. Chính vì thế người cầm đầu Bắc kinh không chỉ dành các nghi lễ quốc khách cho Nguyễn Phú Trọng mà còn dành đặc ân với hai lần khoản đãi tiệc. Chính việc này làm ông Trọng rất thỏa mãn, tự đắc nên đã để cho Ủy viên Trung ương, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đề cao thay mình:
„Trung Quốc coi trọng cao độ chuyến thămđón rất trọng thị, dành cho Tổng Bí thư và đoàn những nghi thức lễ tân đặc biệt, như cử cấp Phó thủ tướng đón, tháp tùng, tiễn đoàn tại sân bay; tổ chức lễ đón ngoài trời với 21 phát đại bác chào mừng, bố trí đoàn mô tô hộ tống rất long trọng; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Quốc tổ chức hai buổi chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam...  „ [7]

Chuyến đi này lợi hay hại cho ai? Các động cơ đồng sàng dị mộng giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng như thế nào?
Thông cáo chung là kết quả thỏa thuận ở cấp cao nhất giữa hai nước, cho biết những gì đã được đồng ý và những gì còn tranh cãi. Tầm quan trọng của các Thông cáo chung như thế nào và giá trị của nó ra sao thì phải đối chiếu với những kết quả của các Thông cáo chung trước đây giữa hai bên và những việc làm cụ thể của các bên để thấy bên nào thi hành, bên nào hứa cuội. Thông cáo chung được các chuyên viên cao cấp hai bên soạn thảo, cân nhắc từng chữ và được cấp cao nhất của hai bên phê chuẩn. Vì thế các ngôn từ trong Thông cáo chung không phải là tình cờ, tùy tiện mà đã được cân nhắc, tính toán kĩ. Qua đó các quan sát viên có thể biết trong cuộc đàm phán bên nào được lợi thế và bên nào phải chịu thiệt thòi.
Căn cứ vào  Thông cáo chung 8.4.2015 và đối chiếu nó với Thông cáo chung 15.10.2011 thì điểm nổi bật rõ ràng nhất là - ngoài việc để thỏa mãn tâm lí tự ti mặc cảm - cả hai chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng chỉ nhằm mục đích cứu đảng, tìm cách giúp đảng nắm độc quyền tiếp tục ở VN. Chính điều này tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan của Nhật báo Nhân dân ĐCSTrung quốc, đã xác nhận ngay sau khi Nguyễn Phú Trọng kết thúc chuyến đi Trung quốc (VOA 14.4). Chủ trương đội Đảng lên đầu nhân nhân để hợp tác với Bắc kinh thể hiện rất rõ trong nhiều điểm trong Thông cáo chung 8.4.15. Ngay Điểm 2, hai bên đã nhấn mạnh nguyên tắc phải duy trì sự độc quyền lãnh đạo của ĐCS ở mỗi nước:
„Hai bên bày tỏ vui mừng trước những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của mỗi nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhấn mạnh kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường phát triển xã hội chủ nghĩa đặc trưng của mỗi nước là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước“
Trên căn bản đó Nguyễn Phú Trọng đồng ý với Tập Cận Bình gắn chặt  số phận của VN với Trung quốc:
„Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng quan trọng của nhau, nhất trí cho rằng hai nước có chế độ chính trị tương đồng, có con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ vận mệnh tương quan, sự phát triển của nước này là cơ hội quan trọng cho nước kia.“ (Đ.3)
Từ tiêu chí đội Đảng lên đầu đất nước và nhân dân, Nguyễn Phú Trọng đã trung thành với nguyên tắc ngoại giao của người sáng lập chế độ, được tóm tắt trong câu „Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chính nguyên tắc này đã được giới lãnh đạo CSVN qua nhiều thế hệ từ giữa thập niên 40 của thế kỉ trước áp dụng nhuyền nhuyễn. Sợi chỉ đỏ của nguyên tắc ngoại giao này là, trong những cơn nguy biến, nhóm cầm đầu toàn trị sẵn sàng thỏa hiệp với các thế lực bên ngoài, tiêu diệt đối thủ trong nước, để giữ độc quyền cho Đảng! [8]
Điều cần vạch rõ là, chế độ Bắc kinh từ lâu không còn là CS mà đã biến thể thành chế độ theo chủ nghĩa dân tộc Đại Hán quá khích để thực hiện „Giấc mơ vĩ đại của Trung quốc“. Còn đảng CSVN cũng đã biến thái thành những nhóm lợi ích tham nhũng và nhờ vả Bắc kinh để nắm quyền. Như vậy, tuy cả Tập Cận Bình lẫn Nguyễn Phú Trọng đều đề cao vai trò cùng là hai đảng Cộng sản, nhưng hoàn toàn đồng sàng dị mộng!

Tại sao không dừng lại mà lại còn mở rộng hợp tác chiến lược toàn diện?
Trở lại kết quả chuyến đi Trung quốc của ông Trọng vừa qua người ta thấy rất rõ nguyên tắc „Dĩ bất biến, ứng vạn biến”  được áp dụng triệt để và toàn bộ. Trái với yêu cầu của nhân dân nhiều giới, kể cả nhiều đảng viên tiến bộ, cảnh báo phải thận trọng và giảm các quan hệ với Bắc kinh; Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn cao cấp CSVN –trong đó có một số người được coi là sẽ đóng vai trò tứ trụ trong ĐH 12 sắp tới- đã ngoan ngoãn đồng ý với nhóm cầm đầu Bắc kinh mở thêm cả chiều rộng lẫn chiều sâu quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với Trung quốc. Mặc dầu quan hệ giữa hai bên xấu đi trên mọi mặt, nghi ngờ lẫn nhau, nhưng trong Thông cáo chung lại thề thốt  „tin cậy chính trị Việt - Trung là cơ sở cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định“ (Đ. 3) và nhắc lại hai phương châm hoàn toàn viển vông và đầy tính diễu cợt:  “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. (Đ. 4)     Từ đó hai bên chủ trương tiếp tục duy trì những  quan hệ song phương; như các cuộc thăm „cấp cao giữa hai Đảng, hai nước“, „Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung“ „Thực hiện tốt “Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”.( Đ.4)
Với sự hiện diện của Ủy viên Bộ chính trị và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân  Thông cáo chung ghi rõ: Tích cực thúc đẩy giao lưu hợp tác hữu nghị giữa Quốc hội Việt Nam với Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc.“ (Đ. 4)
Trước sự chứng kiến của các Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Phó Thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hai bên thỏa thuận đẩy mạnh hợp tác ngoại giao, quốc phòng và an ninh. Điểm 4 trong Thông cáo chung ghi rất rõ:
„Duy trì tiếp xúc cấp cao giữa quân đội hai nước và đối thoại quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh giao lưu hữu nghị giữa hai lực lượng biên phòng, quản lý thỏa đáng bất đồng, đi sâu trao đổi kinh nghiệm về công tác Đảng và công tác chính trị trong quân đội; tăng cường hợp tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; tiếp tục tổ chức tuần tra chung trong vịnh Bắc Bộ và tàu hải quân hai bên thăm nhau. Đi sâu hợp tác trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật, tăng cường đối thoại an ninh, triển khai có hiệu quả các cơ chế hợp tác và thỏa thuận hợp tác đã ký kết; tăng cường hợp tác về chống khủng bố, phòng chống tội phạm ma túy, tội phạm lừa đảo viễn thông, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý biên giới, an ninh mạng...; bảo đảm an toàn cho các cơ quan, doanh nghiệp và công dân nước này tại nước kia.“
Còn vấn đề tranh chấp biển Đông, Điểm 5 trong Thông cáo chung 8.4.15 vẫn nhắc lại „nghiêm túc thực hiện“ „Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn để trên biển VN-Trung quốc“ từ chuyến thăm Trung quốc đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng với tư cách tân Tổng bí thư (10.2011). Mặc dù ông Trọng thừa biết là Bắc kinh đã đơn phương đạp nát thỏa thuận này trong các năm qua!
Với sự có mặt của Ủy viên Bộ chính trị kiêm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, người kiểm soát tư tưởng, báo chí trong toàn đảng và toàn quốc, đồng thời là ngôi sao chính trị đang phất cao, Điểm 4 Thông cáo chung xác nhận sự hợp tác các công tác tư tưởng, báo chí, dân vận, kiểm soát các hoạt động của thanh niên, trí thức theo chiều hướng răn đe và ngăn cản những tiếng nói yêu nước của nhân dân VN:
„ Mở rộng giao lưu và hợp tác hữu nghị giữa hai bên trong các lĩnh vực báo chí, văn hóa, giáo dục, du lịch và giữa các địa phương hai nước; tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giao lưu nhân dân như Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung, diễn đàn nhân dân Việt – Trung; tích cực thúc đẩy công tác thành lập trung tâm văn hóa nước này tại nước kia, tăng cường giao lưu báo chí và thăm viếng lẫn nhau giữa phóng viên hai nước; đi sâu giao lưu hữu nghị giữa các cơ quan nghiên cứu và học giả; thiết thực đẩy mạnh tuyên truyền về tình hữu nghị Việt - Trung, không ngừng tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.“
Điểm cao của việc hợp tác trong lãnh vực này là ngay chiều 7.4 Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn cao cấp hai bên đã tổ chức cuộc họp thanh niên giữa hai nước tại ngay tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh . Tại dịp này trong diễn văn chào mừng cả Tập Cận Bình lẫn Nguyễn Phú Trọng vừa tìm cách vuốt ve và đe dọa các giới thanh niên. Điều này cho thấy, cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Tập Cận Bình đều thấy rõ nguy cơ ngày càng bất bình và chống đối mãnh liệt của thanh niên VN trước các hành động bá quyền và xâm lấn của Bắc kinh. [9]

Tại sao không cắt mà lại còn buộc thêm những món nợ lớn với Bắc kinh?
Trong dịp này, ngay vào ngày đầu tới Bắc kinh Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ kí kết 7 Hiệp ước giữa hai nước, trong đó có một số lãnh vực cũ được tiếp nối. Điều này được ghi trong Điều 8 của Thông cáo chung. Nhưng trong số này có một Hiệp định hoàn toàn mới với việc thành lập „Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm Công tác về hợp tác tiền tệ“ ( Đ.4). Tuy Hiệp định mới này không được công bố, nhưng qua cái tên „Hợp tác về cơ sở hạ tầng“ và „Hợp tác tiền tệ“ các quan sát viên có thể ước lượng nội dung chính qui định hợp tác.
Các „cơ sở hạ tầng“ nói ở đây chính là những công trình xây dựng các hạ tầng cơ sở, như đường xá, cầu cống, phi trường, hải cảng, các nhà máy điện nước và các nhà máy khai thác khoáng sản (như Bauxite)…Điều phải hiểu cho thật rõ là, những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở này là ở VN và thông qua Hiệp định mới sẽ được ưu tiên giao cho các công ti Trung quốc chủ động khai thác. Cho tới nay các nhà thầu Trung quốc đã thâu tóm tới   77/106 dự án thầu EPC ở VN, hầu hết là các công trình lớn thuộc hạ tầng cơ sở như chế biến Bauxit, nhiệt điện, xi măng và hóa chất [10]. Chính nhiều bộ và chuyên viên VN đã công khai chỉ trích sự làm ăn thiếu trách nhiệm của các nhà thầu Trung quốc, từ sử dụng máy móc kĩ thuật có trình độ rất thấp, cố tình kéo dài thời gian các công trình để đẩy giá thành lên cao, từ đó đòi phía VN phải chi thêm vốn; an ninh lao động và bảo vệ môi trường không được chú ý. Đặc biệt các nhà thầu Trung quốc còn toa rập với nhà cầm quyền CSVN ở cấp trung ương và đia phương để đưa hàng vạn người lao động Trung quốc không chuyên môn vào làm lậu công khai ở VN, bất chấp luật lệ lao động và xuất nhập cảnh. Điều này đã xẩy ra từ thời Nguyễn Thị Kim Ngân làm bộ trưởng Lao động, thương binh xã hội và tiếp tục lộng hành trong những năm gần đây.
Chẳng những thế, trong chuyến thăm Trung quốc vừa qua họ Tập còn ép ông Trọng phải  chấp thuận hai nước lập „Nhóm Công tác về hợp tác tiền tệ“. Hành động này lại càng mở ra những hệ lụy cực kì nguy hiểm về tiền tệ và thương mại cho VN. Về ngoại thương, Trung quốc đang là khách hàng lớn nhất của VN, mức nhập siêu của VN với Trung quốc gia tăng rất nhanh và liên tục từ năm này sang năm khác, mặc dù trong những cuộc họp thưởng đỉnh giữa hai bên từ thời Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tới Nguyễn Phú Trọng đều kêu than và phía Bắc kinh đều hứa sẽ tìm cách giảm để đến cân bằng thương mại. Ngay cả trong cuộc gặp Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình 4.15 trong Thông cáo chung cũng xác nhận lại, nhưng tình hình diễn tiến hoàn toàn ngược lại và đang trở thành gánh nặng tài chánh rất lớn và cực kì nguy hiểm cho VN.
Bắc kinh thừa biết, chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang gây ra mức nợ công của VN rất lớn và đang có nguy cơ tới mức mất kiểm soát. Trong khi ấy Bắc kinh kiểm soát phần quan trọng nền ngoại thương VN và trở thành chủ nợ lớn nhất của VN. Trong những điều kiện như thế nên lần này Tập Cận Bình đã công khai đòi ông Trọng phải thành lập „Nhóm Công tác về hợp tác tiền tệ“. Việc này trong thực tế sẽ dẫn tới chế độ toàn trị CSVN phải để cho các ngân hàng công và tư của Trung quốc, cùng với các công ti của Trung quốc dùng đồng Nhân dân tệ  ngay tại VN để thanh toán các hoạt động giao dịch thương mại và dịch vụ với VN. Như thế đồng Nhân dân tệ trong thời gian tới sẽ trở thành ngoại tệ giao dịch công khai trên toàn lãnh thổ VN. Điều này dẫn tới VN bị lệ thuộc Trung quốc trầm trọng hơn nữa trong thương mại và kinh tế! Chỉ mới vài tháng trước, một số cơ quan nhà nước đã loan tin Bắc kinh đưa ra đòi hỏi này. Nhiều chuyên viên đã phản ứng nhanh cảnh báo trước những hậu quả nguy hiểm từ các đòi hỏi và áp lực ngang ngược này của Bắc kinh. [11] Nhưng nay Nguyễn Phú Trọng vẫn phải đồng ý với Tập Cận Bình lập „Nhóm Công tác về hợp tác tiền tệ“.
Nguy hiểm hơn nữa là, Bắc kinh còn ép Hà nội phải để hai Nhóm công tác mới được thành lập này phối hợp với „Nhóm Công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển“. Việc này đã được ghi rõ trong Điểm 4 của Thông cáo chung:
„Hai bên tuyên bố chính thức thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm Công tác về hợp tác tiền tệ, đồng ý tăng cường điều hành, phối hợp giữa các nhóm này và Nhóm Công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, cùng nhau thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phát triển toàn diện.“
Như thế ở đây rõ ràng là, chủ ý của Bắc kinh muốn tận dụng thế mạnh của mình trong kinh tế và thương mại, nhưng lại là các lãnh vực cực yếu của VN, để ép CSVN phải tiếp tục nhượng bộ và thỏa mãn những yêu sách của Bắc kinh về biển Đông! Đây là một sự nhượng bộ vô nguyên tắc của Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn cao cấp của Đảng và Nhà nước CSVN. Họ chỉ lo cứu đảng, đặt quyền lợi của một số người có quyền lực lên trên quyền lợi của đất nước, bất chấp những hậu quả cực kì bất lợi về độc lập, chủ quyền của dân tộc!
Một số sự kiện an ninh và kinh tế theo chiều hướng này đã diễn ra ngay khi ông Trọng và phái đoàn cao cấp còn đang thăm Trung quốc. Ngày 9.4 chính bộ Ngoại giao Trung quốc công khai xác nhận việc mở rộng và xây dựng các căn cứ quân sự trên một số đảo đã chiếm của VN[12] và còn chỉ trích lời cảnh cáo của Tổng thống Mĩ Obama về việc Bắc kinh đang thực hiện chính sách nước lớn ăn hiếp các nước nhỏ trong khu vực. [13] Cùng thời gian này báo chí của chế độ Hà nội đã xác nhận, hàng ngàn xe vận tải chở dưa hấu của VN bị chặn lại tại cửa khẩu Tân thanh (Lạng sơn), nhiều ngày, khiến số dưa hấu bị hư hỏng rất nhiều, chỉ vì các lái thương Trung quốc muốn ép giá! [14]

***
Nói tóm lại, Chuyến đi gặp Tập Cận Bình của Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn cao cấp của đảng và nhà nước CSVN từ 7-10.4.2015 đã không cắt bỏ được những ràng buộc bất lợi cho VN, trái lại còn mở rộng thêm những gánh nặng lớn và nguy hiểm cho đất nước. Vì chuyến đi chỉ nhằm mục đích cao nhất là cứu Đảng, cốt làm sao để ĐCS độc quyền tiếp tục. Mục tiêu này được cả cánh bảo thủ giáo điều của Nguyễn Phú Trọng và phe các nhóm lợi ích của Nguyễn Tấn Dũng, với Nguyễn Thị Kim Ngân tham gia trong phái đoàn, thỏa hiệp để chia phần trong Đại hội 12 không còn đầy một năm.
Tập Cận Bình và nhóm cầm đầu Bắc kinh biết rõ được các ý đồ này và đồng thời nắm được các điểm yếu trong kinh tế, thương mại và tài chánh của VN. Nên họ đã tìm cách vuốt mặt vỗ về Nguyễn Phú Trọng bị bệnh tự ti mặc cảm bằng cách giành cho ông những nghi lễ đặc biệt. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, cốt đánh lừa dư luận VN và quốc tế.
Nhưng thâm ý chính của Tập Cận Bình là khai thác và lợi dụng những thế bất lợi của CSVN đang bị cô lập trong nhân dân và lệ thuộc Bắc kinh trong chính trị, kinh tế và thương mại. Từ đó ép nhóm cầm đầu toàn trị Hà nội không những phải tiếp tục hợp tác chiến lược toàn diện, mà còn phải mở rộng thêm những lãnh vực nhạy cảm và yếu kém từ trong tài chánh, thương mại và kinh tế. Trên những cơ sở mới này Bắc kinh tìm cách ép Hà nội phải nhượng bộ và im lặng trước các chủ trương bành trướng của Bắc kinh trên biển Đông!
Bốn tuần trước người viết đã cảnh báo, nếu ông Trọng đi thăm Bắc kinh trước rồi mới đi Washington thì Tập Cận Bình sẽ chỉ tìm cách xoa đầu bề ngoài, nhưng bên trong thực hiện ý đồ bắt VN phải tiếp tục làm „Con trâu vàng“ (Kim Ngưu) kéo cày cho Bắc kinh kể từ Hội nghị Thành đô 9.1990! Kết quả chuyến đi Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng vừa qua đã diễn ra đúng như vậy! [15]
Việc ông Trọng ngoan ngoãn muốn tiếp tục ngồi trong lòng Bắc kinh, thỏa thuận cộng tác mật thiết với Bắc kinh trên các lãnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế thương mại, điều này chứng tỏ ông không thể tự thoát khỏi cái bóng bảo thủ và tôn thờ Bắc kinh. Tục ngữ phương Tây có câu, „trái táo không rơi xa cây táo“, con cái không dời xa cha mẹ! Nguyễn Phú Trọng chỉ như con ngựa theo con đường mòn cũ như những người đi trước, chứ không có sáng kiến mới và đảm lược cao! Chẳng những thế, ngay khi ông còn đang có mặt ở Trung quốc, Tập Cận Bình đã lợi dụng sự có mặt của Nguyễn Phú Trọng để gián tiếp tuyên bố với Hoa kì và dư luận quốc tế là, cả Bắc kinh lẫn Hà nội không chỉ là những đồng minh đáng tin cậy, mà còn là những bạn hàng quan trọng của nhau. Trong dịp này bộ Ngoại giao Trung quốc còn công khai đòi Tổng thống Hoa kì Obama không nên can thiệp vào quan hệ giữa VN-Trung quốc!
Chính qua những sự kiện này Nguyễn Phú Trọng đã tự đánh mất thể diện quốc gia, đánh mất uy tín và làm mất ý nghĩa chuyến đi dự tính thăm Hoa kì trong thời gian tới. Chính giới và dư luận Mĩ sẽ nêu câu hỏi, với một người chỉ biết quỵ lụy Bắc kinh , lại bị bệnh tự ti mặc cảm quá nặng như thế thì có xứng đáng để Hoa kì có thể tin cậy được không? Trong chuyến đi Bắc kinh Nguyễn Phú Trọng đã thỏa mãn toàn bộ những yêu sách của Bắc kinh trong nhiều lãnh vực, kể cả vấn đề tranh chấp biển Đông, sự có mặt của ông Trọng tại Hoa kì có còn cần thiết không?
Những ràng buộc bất bình đẳng từ Thành đô 25 năm trước tiếp tục cột chặt VN vào bá quyền Bắc kinh, khiến nhiều cơ hội tốt tiếp tục bị bỏ lỡ; ngay cả mục tiêu hòa giải dân tộc rất khẩn thiết sau 40 năm (4.1975 – 4.2015) cũng vẫn cố tình bỏ qua và hòa giải với cựu thù để cứu nước cũng trở thành mờ ảo!

18.4.2015
Ghi chú:
Các đoạn trích ghi Điểm (Đ)…là từ Thông cáo chung VN- Trung quốc 8.4.2015, Cộng sản 18.4.15
Ghi chú:
Các đoạn trích ghi Điểm (Đ)…là từ Thông cáo chung VN- Trung quốc 8.4.2015, 
Cộng sản 8.4.15

[1] . Cùng tác giả, Hai năm làm Tổng bí thư,  Nguyễn Phú Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu? http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2013/2namTổng bí thư.htm)
[2] . Vietnamnet 31.12.14
[3] . Quan hệ VN-Trung quốc, Wikipedia ; Người lao động 14.2.15
[4] . Thanh niên 20.10.14
[5] . RFI 9.3.15
[6] . Cùng tác giả,  „Tháng 6. 2011 là cái mốc lịch sử: Đảng đang chống lại nhân dân!“ http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2011/adt306.htm,
[7] . Phỏng vấn Hoàng Bình Quân, Quân đội nhân dân (QĐND) 9.10
[8] . Cùng tác giả:Vấn đề không phải đi thăm hay không. Nhưng chính là, đi chỉ để thỏa mãn tự ái cá nhân hão, hay để phục vụ quyền lợi dân tộc?  http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2015/adt203.htm
[9] . Đài Bắc kinh 8.4;  diễn văn của hai ông Trọng và Bình xem QĐND 13.4
[10] . Người lao động 14.2.15
[11] . Một thế giới 4.1.15; Infonet 4.1.15
[12] . Đài Bắc kinh 9.4
[13] . Đài Bắc kinh 10.4; RFI 10.4
[14] . Lao động 9.4…
[15] . Cùng tác giả:Vấn đề không phải đi thăm hay không. Nhưng chính là, đi chỉ để thỏa mãn tự ái cá nhân hão, hay để phục vụ quyền lợi dân tộc?  http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2015/adt203.htm
  Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:
               www.dcpt.org     hay    www.dcvapt.net
                       Địa chỉ:  dcvapt@gmail.com
    Hiệp Hội Dân Chủ và Phát Triển Việt Nam