09 avril 2015

QUỐC DÂN TỈNH THỨC

Lê Doãn Cường


“Cuộc đời của chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng” – Martin Luther King Jr.

Đêm nằm thao thức, nghĩ về sự vụ đình công, biểu tình của hàng chục ngàn công nhân [theo một số nguồn tin là 90.000] ở công ty PouYuen, quận Bình Tân mà tâm trạng bất an, không thể ngủ được. Hôm nay đã sang ngày thứ năm rồi! Họ đang phản đối Điều 60 phi lý – bất công Luật Bảo hiểm Xã hội, thông qua ngày 20/11/2014, mà tôi cũng chưa có thời gian để rà soát, liệu còn những điều luật nào kiểu vậy nữa không trong các luật mới được thay đổi này. Vì từ ngày sửa đổi Hiến pháp năm 2013, hàng loạt các bộ luật, luật đã được Quốc hội chuẩn y, thông qua.

Thật không thể hiểu được! Khi mà luật còn đang trong quá trình thảo luận ở nghị trường, quý vị đại biểu của nhân dân, đại diện cho quyền lợi giai cấp công nhân đang nghĩ gì, ở đâu? Còn các luật sư, các nhà nghiên cứu luật pháp – những con người am tường về luật lệ nước Nam, các vị đang làm gì?

Đúng là không thể tưởng tượng!

Sinh ra làm gì cái bọn “đầy bồ” chữ nghĩa, cử nhân – thạc sỹ – tiến sỹ, mà suốt ngày chỉ biết bo bo vào máng ăn, chỗ ngủ, quẩn quanh trong chuồng như những con lợn. Mang danh phận là những kẻ có học thức – tri thức, bằng này chức nọ, ăn ngon mặc đẹp, ở nhà lầu đi xe sang nhưng lại đang sống nhờ hơi thở của chính những người công nhân, những người lao động nhọc nhằn, những người được xem là ít học, lương “ba cọc ba đồng”, sống chui rúc trong những ổ tò vò, công việc bấp bênh, cuộc sống bất định.

Họ – chính họ chứ không ai khác đang tranh đấu cho xã hội này công bằng và dân chủ hơn.

Càng nghĩ lòng dạ càng rối bời...

Suốt từ Bắc chí Nam, những tháng ngày qua đã xảy ra không biết bao nhiêu sự vụ từ giặc Tàu xâm lấn biển đảo, bắt bớ ngư dân, đánh phá tàu thuyền Việt Nam đến tham nhũng, bất công – bất cập hiện diện đầy trên mọi lĩnh vực: giáo dục, y tế, xây dựng, giao thông vận tải, tài chính – ngân hàng, giải tỏa đất đai – đền bù, tư pháp và cả lực lượng vũ trang... Không phải chỉ giai đoạn bây giờ mà bao nhiêu năm rồi, những cái ung nhọt – u thối đang phát tán, triển nở rộng khắp trên mọi mặt đời sống xã hội. Những ngày gần đây là kế hoạch chặt đốn 6700 cây xanh tại Hà Nội, hàng trăm công dân Thủ đô xuống đường tuần hành phản đối [1]. Sập giàn giáo tại khu công nghiệp Formosa, khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh làm 13 người chết, đây chính là đặc khu kinh tế mà nhà đầu tư Đài Loan – Trung Quốc đã thuê trong thời hạn 70 năm [2]. Rồi việc tập đoàn Sun Group thuê 200 hecta đất trên Bà Nà khai thác du lịch, ngăn cấm mọi người đi bằng con đường bộ. Muốn lên Bà Nà người dân chỉ còn cách mua vé của Bà Nà Hills với giá 500 ngàn đồng (350 ngàn với người Đà Nẵng) bao gồm phí cáp treo và phí dịch vụ du lịch. Trong lúc ấy, người ta không hề có ý định muốn tham quan hay sử dụng dịch vụ của “mấy bác” Sun Group mà chỉ muốn lên Bà Nà thưởng ngoạn, đi dã ngoại hay viếng chùa Linh Ứng [3]. Rồi mưa lũ trái mùa, xả lũ thủy điện làm hàng ngàn hecta hoa màu ngập úng, nông dân Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi mất trắng mà chưa thấy thống kê thất thoát là bao nhiêu. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam cho khánh thành tượng Mẹ Việt Nam anh hùng với tổng kinh phí khoảng 410 tỷ đồng, Đà Nẵng thì chi hơn 18 tỷ đồng mở tiệc toàn thành phố mừng 40 năm ngày “giải phóng”, nghe đâu người ta còn chuẩn bị xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới ở Hà Nội…

Tiếp theo là dự án Bôxít Tây Nguyên, dự án gây ra nhiều tranh cãi từ bảy, tám năm nay. Theo dự tính của các chuyên gia, dự án này đã “sập bẫy giá rẻ” của nhà thầu Trung Quốc [có thể lỗ hàng ngàn tỷ đồng] trong khi VTV vẫn truyền tin lời Thủ tướng là “quốc kế dân sinh” còn Bộ Công thương thì báo cáo – “lỗ theo kế hoạch” [4]. Lợi nhuận dân sinh đâu chưa thấy nhưng hiển nhiên, chỗ nào cũng thấy có mặt, góp công sức, cắm dùi rễ của ông “bạn vàng” Trung Quốc. Phải chăng chúng ta đang tạo công ăn – việc làm, chốn định cư cho chính sách di dân của chính phủ Bắc Kinh [chuyển dịch tầng lớp nghèo, nhận thức thấp ra nước ngoài]? Tiếp nữa là vụ việc nước giải khát của đại gia Tân Hiệp Phát có cặn bẩn, ruồi nhặng, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đã thế, đại gia này lại còn rất “fair play” khi bắn tin cho cơ quan an ninh, bắt quả tang người tiêu dùng đang chơi trò “tống tiền” nhà sản xuất. Rốt cuộc, nạn nhân bị truy tố với tội danh “cưỡng đoạt tài sản”, trường hợp anh Võ Văn Minh ở An Giang, anh Nguyễn Quốc Tuấn ở tp. Hồ Chí Minh [5]. Đến Đồng Nai thì có dự án Lấp sông “Rất kinh khủng” của đại gia Toàn Thịnh Phát. Độ kinh khủng của dự án này ở chỗ, việc triển khai có thể dẫn đến phá vỡ kết cấu dòng chảy, tác động xấu đến môi sinh tự nhiên, nguy cơ gây ra lũ lụt, biến đổi khí hậu là hiển hiện, vậy mà các nhà chuyên môn, người dân trong vùng lại không được thông qua và không hề biết tới [6]. Ngay cả trên phương diện pháp lý, việc cấp phép cho dự án của UBND tỉnh Đồng Nai cũng không căn cứ trên Luật Tài nguyên nước. Trong lĩnh vực tư pháp, thời gian qua, các án “nghi oan sai” bị phanh phui hàng loạt, tiêu biểu điển hình có vụ anh Hồ Duy Hải ở Long An, ông Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng, ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang [7]. Rồi công an – an ninh bức cung, dùng nhục hình gây chết người, nghi can chết trong đồn công an chưa rõ lý do, tiêu biểu là vụ án năm công an tỉnh Phú Yên dùng nhục hình dẫn đến cái chết của anh Ngô Thanh Kiều. Luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ gia đình nạn nhân, vì các kiến nghị đề nghị khởi tố, yêu cầu từ chức đối với mấy vị lãnh đạo công an tỉnh Phú Yên mà bị các cơ quan Nội chính tỉnh nhà gây áp lực, thanh tra văn phòng luật và kiến nghị “đòi” rút giấy phép hành nghề. Từ vụ việc này, luật sư Võ An Đôn đã nổi tiếng trong và ngoài nước, qua đó, mới thấy giá trị công lý ở nước Nam ta là “đãi cát tìm vàng”, tiếng nói của một người dân là “thấp cổ bé họng” chừng nào.

Thưa các bạn, tất cả mọi vấn đề đều ảnh hưởng, tác động đến quyền lợi của chúng ta, quyền tự do lựa chọn – quyết định các vấn đề xã hội, lợi ích xác đáng – hợp pháp của công dân. Thế nhưng, tại sao chúng ta vẫn lẳng lặng vui sống như không thấy gì bất thường xảy ra?

Liên quan đến vấn đề giao thông, cần nói trước tiên là sự nhũng nhiễu, vòi tiền của cảnh sát giao thông, vòi không được thì tìm cách “núp lùm” để bắt quả tang người dân sai phạm. Có lẽ, đây không phải là phương thức hành xử của những người muốn xây dựng xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật; nó là cách thức để gặt hái chỉ tiêu hoặc muốn “kiếm tí” từ “ông chủ” của mình. Đã thế, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, còn phát biểu rất khẳng khái “nhận dăm ba chục, một vài trăm chưa thể gọi là tham nhũng”. Trong lúc đó, số người tử vong vì tai nạn giao thông năm 2014 là gần 9000 người, năm 2013 là 9369 người [8], vượt quá số tử vong vì chiến sự tại Ucraina – 6600 người [theo số liệu của chính quyền Kiev, còn số liệu của LHQ đến 11/2014 là 4317 người]. Rõ ràng, không thể nói cuộc sống ở Việt Nam là an toàn, là không bất ổn. Người dân đi ra đường không sợ tai nạn giao thông thì cũng lo trộm cắp, cướp giật. Trộm cắp, cướp, hiếp, chém giết thì thông tin nhan nhản, ngày nào cũng giăng đầy các mặt báo.

Nhìn đến kinh tế, giáo dục, là các lĩnh vực trọng yếu của xã hội, cũng chẳng lấy gì làm sáng sủa. Từ lâu, trên thị trường, đã tràn ngập hàng hóa chứa hóa chất độc hại xuất xứ từ ông “bạn vàng” Trung Quốc, đủ các loại: rau, củ, quả, hàng tiêu dùng, may mặc v.v… Chúng đa phần giá rẻ, phù hợp với lớp đối tượng thu nhập trung bình – thấp tại Việt Nam, và không ngoại lệ người giàu vẫn phải xài hàng Tàu độc hại. Nền kinh tế, một mặt, không chế tác được sản phẩm công nghiệp để bước ra sân chơi thế giới, mặt khác, cũng không sản xuất nổi sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI. Cuối năm rồi, nhân việc tập đoàn Samsung đưa ra danh mục 170 phụ kiện cung ứng mà không tìm được nhà cung cấp Việt Nam thỏa mãn yêu cầu, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương, đã khẳng định với bàn dân thiên hạ “chúng ta sản xuất được ốc vít rồi!”. Sản xuất được đấy, nhưng có đáp ứng được các tiêu chuẩn công nghiệp và chuỗi giá trị của Samsung hay không là chuyện khác. Chúng ta đang “đá cùng sân” với các bạn quốc tế, chúng ta không thể tự sống, tự sản xuất hay tự tiêu dùng theo kiểu tự mình, theo các chuẩn mực của riêng mình được, thưa các đồng chí! Giờ đây, bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu chính là gạo, cà phê, thủy sản, dệt may và nguyên liệu thô, đất nước ta còn có thế mạnh về xuất khẩu lao động phổ thông, trọng về cơ bắp. Phụ nữ thì sang các nước láng giềng làm ô-sin, kẻ nhẹ dạ cả tin thì bị lừa làm gái, nhiều người ở trong nước làm hàng hóa cho quý ngài từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan sang chọn vợ [9]. Theo số liệu từ Đồng hồ nợ công thế giới tháng 3/2015, nợ công hiện tại của Việt Nam chiếm 46.7% GDP và tính trên đầu người là 972,2 USD, tốc độ tăng nợ hằng năm là 10.1%. Trong khi GDP bình quân đầu người là gần 2000 USD/năm, trong khu vực ASEAN ta hơn Lào, Campuchia, Đông Timo và Myanmar nhưng đồng thời, nợ công gộp trên GDP chỉ đứng sau Singapore, Malaysia và Lào [10]. Việt Nam, rõ ràng, không thể so sánh với Singapore và Malaysia khi GDP bình quân đầu người của họ khoảng 58.000 USD và 12.000 USD.

Tôi tự hỏi mình, chúng ta lấy gì để chi trả?

Mỗi người chúng ta một năm làm ra 2000 USD, trả nợ gần 1000 USD còn hơn 1000 USD, liệu có đủ trang trải cho mọi nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hay không? Đó là chưa kể, ngay từ lúc bạn sinh con ra, bản thân nó đã phải gánh trên mình món nợ 1000 USD mà người chi trả không ai khác chính là bạn. Người khác vay vì có năng lực tài chính, còn mình – năng lực gì mà đòi trả nợ? Nếu bạn là người ưu việt – xuất sắc, tôi không nói; bằng ngược lại, bạn cũng như tôi – những con người với trí tuệ và năng lực bình thường, một khi mà “rừng vàng biển bạc” không còn nữa, một khi mà môi trường dân sinh của chúng ta càng ngày càng tệ hại, khi đó bạn chỉ còn cách đem sức “trâu” ra để “cày cuốc” ngày đêm. Chưa trả được, món nợ này sẽ truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Từ năm 2011 lại đây, tốc độ nợ công tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ, mỗi năm bình quân 20% trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,8% [11]. Theo các chuyên gia kinh tế, cách tính nợ hiện tại là theo kiểu Việt Nam [theo định nghĩa của Luật Quản lý nợ công] còn theo định nghĩa quốc tế thì phải trên 100% GDP, vượt xa ngưỡng nợ công 65% GDP mà Chính phủ đưa ra [12]. Đó là các chỉ số vĩ mô còn trong thực tế, thuế phí vẫn tăng đều đều, vật giá liên tục leo thang…

Cách đây 6 tháng, Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã có một phát khiến chúng ta không thể không suy nghĩ: “Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin”.

Thưa các bạn, vì đâu đất nước ta nên nỗi?

Cũng nhân vụ việc con “ốc vít” của tập đoàn Samsung, có người tếu táo rằng: “Việt Nam chỉ sản xuất được giáo sư, tiến sỹ chứ không giỏi làm sạc pin, ốc vít”. Thật vậy, theo thống kê năm 2013, Việt Nam có khoảng 9.000 GS và PGS, 24.300 TS, 101.000 thạc sỹ, trong đó có 5,6% GS (PGS) công tác trong các trường đại học, hơn 9.000 TS là giảng viên các trường cao đẳng, đại học [13]. Vậy số GS (PGS), TS còn lại đi đâu? Câu trả lời chỉ có thể là ở các viện, các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan chính quyền. Chưa có một số liệu thống kê cụ thể nào nhưng một điều chắc chắn rằng, người Việt ta vốn sính trọng bằng cấp, háo danh, sỹ hảo nên các vị chức vụ thấp bé chưa có hàm – vị thì mua điểm, chạy bằng, đi thầy. Khi có hàm – vị rồi thì không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu [đương nhiên, vì làm gì có kiến thức] mà muốn trở thành nhà quản lý, lãnh đạo. Hàm – vị chỉ còn là cái mác để leo cao còn chức tước với họ mới là cái đích thật. Chức tước càng cao, oai quyền càng lớn, người ta càng hãnh tiến với đời.

Đây phải chăng là cái vòng luẩn quẩn của giáo dục Việt Nam, của trí thức xã hội Việt Nam?

Có người đã phải than, số lượng GS – TS chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á, nhưng không có trường ĐH nào vào “Top 500” trường ĐH hàng đầu của thế giới. Mới gần đây, Học viện Chính trị Bộ quốc phòng vừa trao bằng tiến sỹ các chuyên ngành Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng, chủ nghĩa Mác – Lê cho 36 vị “ưu tú” nữa. Có lẽ người ta đang chạy đua đến thành tích 20.000 TS vào năm 2020 của Bộ Giáo dục để đủ sức chắp cánh cho nền giáo dục Việt Nam. Người ta đang hậm hực vì một đất nước hơn 90 triệu dân mà số lượng các bài báo công bố quốc tế hằng năm chỉ khoảng bằng một trường đại học ở Thái Lan. Theo nguồn dữ liệu từ viện Thông tin Quốc tế ISI, trong năm 2012, Việt Nam có 1731 bài báo công bố quốc tế, trong khi của Thái Lan là 5804 bài, Malaysia – 7828 bài và Singapore – 10125 bài [14]. Theo thống kê của Bộ KH-CN, trong 5 năm (2006 – 2010) Việt Nam có 5 bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ, năm 2011 không có cái nào, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á khác như Singapore – 647 bằng sáng chế, Malaysia – 161, Thái Lan – 53 và Philippines – 27 bằng sáng chế [15]. Trông lên rồi cũng phải trông xuống, trong nước, có người hai – ba bằng đại học, bằng cao học vẫn thất nghiệp dài. Cử nhân, thạc sỹ bươn chải đủ nghề để kiếm sống, làm bưng bê, bồi bàn, phụ bếp cũng không thiếu. Chất lượng đào tạo không đảm bảo, sinh viên ra trường thiếu kiến thức, kỹ năng, không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Sách vở giáo dục trẻ em bị khui ra hàng loạt những sai sót vô tất trách, thiếu nhân bản, mang tính dung tục, kích động bạo lực. Học sinh, sinh viên thuộc sử Tàu hơn sử Việt, hâm mộ diễn viên, người mẫu hơn các vị anh hùng dân tộc. Tình trạng bạo lực học đường xảy ra liên miên, nam sinh cũng như nữ sinh, từ đánh nhau đến đánh ghen, lột đồ v.v… Học trò thì đánh chửi thầy cô, mà thầy cô thì cũng không thua kém, thậm chí còn làm tiền, làm tình từ những học sinh, sinh viên. Sách vở giáo khoa, chương trình học tập thì cải cách, sửa đổi liên tục. Nền giáo dục quốc dân rơi vào khủng hoảng hệ thống, thiếu triết lý giáo dục căn bản, áp đặt định hướng chính trị, không phát huy được tư duy tự do, phản biện, sáng tạo nên luôn loay hoay ở nhóm chót, bảng xếp hạng khu vực ASEAN. Những ai còn quan tâm đến giáo dục, xin hãy tìm đọc các bản kiến nghị năm 2004, 2009 của GS Hoàng Tụy cùng những trí thức khác để hiểu rõ hơn về thực trạng giáo dục Việt Nam.

Hiện tại, nhắc đến Việt Nam người ta hay nhắc đến kỷ lục. Chúng ta có rất nhiều kỷ lục “Top nhất” trong khu vực và thế giới như tô hủ tiếu lớn nhất, cái bánh chưng – bánh dày – bánh xèo to nhất, cây cầu đẹp nhất, ngôn chùa lớn nhất, giá bất động sản cao nhất, giá thịt heo – thịt bò, giá sữa, giá thuốc Tây đắt nhất, lãi suất “khủng” nhất, tỷ lệ nạo phá thai cao nhất, tai nạn giao thông nhiều nhất, trộm cắp vặt nhiều nhất, tiêu thụ bia nhiều nhất, GS – TS nhiều nhất, tướng lĩnh nhiều nhất, năng suất lao động thấp nhất v.v… Nhưng các chỉ số phát triển thuộc về thế giới văn minh thì luôn trong “Top bét” [các chỉ số về chính trị, kinh tế, giáo dục, môi trường, sự thịnh vượng, phát triển con người].

Có thể nói, nhiều không kể xiết mà tôi chỉ có thể lược ra đây một số. Thực trạng xã hội Việt Nam rất cần đến sự quan tâm, sẽ chia thông tin và trao đổi nhận thức của mọi người, cần sự thức tỉnh của lương tri để gánh vác, xây dựng môi trường dân sinh [16].

Trong khi đó, chúng ta:

Nam thanh, nữ tú hâm mộ K-pop thì khóc lóc, sung sướng vì thần tượng xứ Hàn mà không biết những anh hùng “vị quốc vong thân” trong Hoàng Sa 1974, Biên giới Việt Nam 1979, Gạc Ma 1988. Nhớ đến những lễ tiệc đình đám, sự kiện rình rang của “hot girl”, “hot boy” showbiz mà quên đi những công lao to lớn của các bậc tiền liệt Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… Thanh niên, sinh viên không lô đề, cá độ, bài bạc thì cũng nhậu nhẹt bù khú, chơi game thâu đêm suốt sáng, ngày nào cũng như ngày nào. Tiền của bố mẹ thì tiêu xài hoang phí, đua đòi theo những mốt thời thượng, quỹ thời gian không lo học hành tích lũy kiến thức mà thả hồn vào những thứ vô bổ, tụ tập ngắm gió, thưởng mây. Trong lúc đó, người là cha mẹ, là cô gì, chú bác, anh chị ngày này qua ngày khác chỉ biết đến tiến, nghĩ đến tiền, hùng hục kiếm tiền và chỉ cần tiền. Người ta lấy chữ “tiền” làm mục tiêu đeo đuổi, dùng chữ “tiền” làm phương tiện tiến thân, người ta xem nó như là một đức tin, cả xã hội tha hóa vì nó. Kẻ chức trách, cán bộ, Đảng viên thì tìm cách chạy chọt, đút lót, xây dựng ban bệ – ô dù, lo đường thăng quan tiến chức, miệng lưỡi phân bua, chối bỏ trách nhiệm, ghanh ghét – đố kỵ lẫn nhau, lừa trên dối dưới, quỵ lụy với kẻ trên mà quan quyền với người dưới. Thân là công bộc của dân, hưởng lương từ nhân dân mà không đoái hoài đến cuộc sống quốc dân, âu lo việc nước, ưu tư xã hội. Lúc nào cũng chăm chăm tìm cách kiếm chác, vun vén tư lợi, “đục nước béo cò” rồi về vườn vui thú điền viên; kẻ giàu sang hơn thì xuất dương ra ngoại quốc, nhởn nhơ vui sống. Người làm đầu tư, kinh doanh thì “lót tay”, phong bì tạo mối quan hệ kiếm ăn, trục lợi, chân trong – chân ngoài cấu kết nhau, tranh chia phần trăm, đục khoét của công. Túm năm tụm bảy lại, nào là rượu bia, gái đẹp, chứng khoán, xe hơi, địa ốc; ngoài ra, chẳng còn đề tài gì hữu ích hơn để bàn. Đám được gọi học vấn, tri thức “đầy mình” – kẻ háo danh thì bon chen chốn quan trường thị phi, hưởng lộc dân mà tưởng nhờ ơn đảng, lúc nào cũng khư khư bảo vệ “sổ lương hưu”. Đứa bồi bút thì “khua môi múa mép”, đem chữ nghĩa lòe bịp thiên hạ, ức hiếp người trung chính. Kẻ hiểu biết thì tặc lưỡi “ốc không mang nổi mình ốc lại còn làm cọc cho rêu”, mặc kệ mớ đời, thân ta – ta cứ sống, không khi nào dám trườn mình ra khỏi vỏ. Lên mạng xã hội thì khoe ngực – khoe mông, khoe mẽ sự giàu sang sung túc, thú vui – tiêu khiển mà chẳng mảy may bận tâm gì đến thực tình quốc gia, thân phận con người. Bao nhiêu năm học hành, đèn sách mà chỉ chầu chực lương tháng – thưởng năm, tối về khuây khỏa vợ con, lấy “du sơn ngoạn thủy” làm niềm vui lẽ sống.

Thử hỏi các người có hổ thẹn với các bậc tiền nhân của dân tộc hay không? Có thấy vô trách nhiệm với con cháu mình mai sau hay không? Các người có biết thẹn với chính lương tri của mình không?


Thưa các bạn!

Ông Napoléon người Pháp quốc đã từng nói: “Thế giới chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của kẻ xấu mà là vì sự im lặng của những người tốt”.

Chúng ta, thấy việc chướng tai gai mắt, bất công – bất cập mà nhắm mắt làm ngơ, bàng quan vô tâm, tưởng giữ mình lấy phận thanh cao – là đang làm điều phi nghĩa. Chứng kiến những sai trái, xấu xa, phi pháp, phi nhân – yếu hèn không dám lên tiếng trung lương lại còn thu vén lợi riêng, hòa mình, tiếp tay là mang tội đồng lõa – đó là kẻ bất nghĩa.

Xã hội tha hóa không phải vì cái xấu, cái ác nhởn nhơ mà vì chính chúng ta – những con người nhu nhược không dám đấu tranh với chúng, không đủ khí dũng nói lên hai tiếng “công lý”.

Thưa tất cả các bạn!

Mặc định trong não trạng chúng ta là sự sợ hãi cường quyền, cố thủ trong căn tính chúng ta là chủ nghĩa vị kỷ, chúng ta vô tâm vì thiếu nhận thức tinh thần trách nhiệm.

Kính thưa các bạn!

Một dân tộc không thể tự cường khi người dân không có tinh thần tự cường. Một quốc gia không thể tự cường khi các công dân không có ý thức tự cường. Mỗi một công dân tự cường chính là nền tảng để xây dựng quốc gia tự cường, đó là tiền đề để kiến thiết quốc gia thịnh vượng.

Công dân tự cường – là người có tinh thần quốc dân, đó phải là sự kết hợp cân bằng – hài hòa giữa quyền lợi cá nhân, trách nhiệm xã hộitự trọng dân tộc.

Cuộc sống cá nhân của con người luôn bao gồm hai nhu yếu căn bản là vật chất và tinh thần, vật chất thì hữu hình mà tinh thần thì vô hình. Vật chất – đó chính là cái “lợi” [nghĩa là cái ích lợi, cần thiết] mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần, cũng muốn có, muốn sở hữu nó để tồn tại. Đó là nhu yếu về tiền bạc, nhà cửa, lương thực – thực phẩm, áo quần, vật dụng cá nhân và gia đình. Có những cái vật chất là sở hữu riêng bạn [lợi riêng, lợi cá nhân], do công sức lao động của bạn tạo ra nhưng đồng thời – có những cái vật chất do thiên nhiên ban tặng, do sự chung góp lại một cách đồng thuận của tất cả mọi người để sử dụng cho mục đích chung, cho lợi ích toàn thể xã hội [lợi chung]. Đó chính là sông núi, đất đai, biển đảo, khí hậu và cũng có thể là cầu cống, đường xá, văn phòng, phương tiện đi lại trang thiết bị của nhóm hội, tổ chức, cơ quan nhà nước. Còn tinh thần là gì? Xin thưa, nó xuất phát từ chữ “quyền” của bạn. Chúng ta sinh ra, ai cũng có “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” [Tuyên ngôn Độc lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, 1776]. Tinh thần [tinh thần cá nhân] là nhu yếu thõa mãn về cảm xúc cá nhân, an toàn cuộc sống, mong muốn tư hữu, được tôn trọng, được tự do thể hiện, tự do suy tưởng và mưu cầu hạnh phúc, lý tưởng cá nhân. Để đạt được tinh thần cá nhân chúng ta cần đến “quyền” [quyền cá nhân]. “Quyền” – là năng lực đòi hỏi, khát khao từ ý chí tự nhiên của con người. Đó là cái mặc nhiên ta có, không ai ban phát cho mà thành, không ai được phép tước đoạt nó trừ phi – bản thân mình tự hạn chế và chỉ mình – tự nguyện hạn chế nó để chung sống trong cộng đồng và xã hội. Và “quyền” là phổ quát, nghĩa là tất cả mọi người sinh ra đều có các quyền như nhau, đều cùng mong muốn, khát khao được tôn trọng, được tự do, được học tập v.v… Không ai, không bất cứ một ai – được phép coi quyền cá nhân của mình tôn quý, giá trị hay uy quyền hơn của người khác [bình đẳng]. “Quyền” cũng chính là công cụ, là khí giới của mỗi người để tích lũy, duy trì và bảo vệ cái lợi cá nhân, cái “lợi” của cộng đồng và xã hội. Trên thực tế, hầu hết chúng ta chỉ lo nghĩ và vun vén lợi cá nhân chứ không phải quyền cá nhân. Thế nhưng, một khi miếng cơm manh áo [tức “lợi”] bị đụng chạm, xâm phạm trực tiếp – khi đó, người ta mới biết và sử dụng đến “quyền”. Trường hợp đình công ở công ty PouYuen, vụ anh Ngô Thanh Kiều và nước ngọt Tân Hiệp Phát là những ví dụ. “Lợi” có thể làm thõa mãn trước mắt nhưng “quyền” làm cho cuộc sống viên mãn lâu dài. Sở hữu “quyền”, bằng công sức lao động chính mình bạn sẽ thu được “lợi” một cách thỏa đáng. Ngược lại, không đủ “quyền” hoặc không có “quyền”, “lợi” – hoặc đã bị cắt xén mà chúng ta không hề hay biết hoặc chỉ còn là cái người ta ban phát cho mình. Như vậy, gốc rễ của quyền lợi cá nhân không phải nằm ở “lợi” mà nằm ở “quyền”, đấu tranh đạt được cái “quyền” là nền tảng để tích lũy cái “lợi”. Bởi vì, suy cho cùng, con người cần “lợi”, cần cái vật chất cũng chính để – đạt được tinh thần cá nhân. Trong xã hội, “quyền” và “lợi” cá nhân không thể tách bạch riêng rẽ mà phải phối hợp như một tổng thể điều hòa nhau để phát triển, cái này là bổ đề của cái kia và ngược lại. Quyền lợi cá nhân mỗi người nằm trong sự tương tác với toàn bộ xã hội.

Trước khi bàn về trách nhiệm xã hội và tự trọng dân tộc, tôi xin lưu ý ở đây, quyền lợi xã hội bao gồm “quyền xã hội”“lợi xã hội” [quyền lợi quốc giaquyền lợi dân tộc cũng theo nghĩa này]. Trong đó, “lợi xã hội” chính là lợi chung, đã được đề cập ở trên còn “quyền xã hội” [tinh thần xã hội] – không gì khác, mà chính là quyền cá nhân [tinh thần cá nhân], trên cơ sở quyền cá nhân vì “quyền” là phổ quát. Xã hội là gì nếu không phải cấu thành từ những cá nhân? Quốc gia là gì nếu không phải hình thành từ những công dân? Không có dân tộc, quốc gia, xã hội nào mà không được hình thành từ những con người, những gia đình và những cộng đồng người. Không thể tồn tại bất kỳ kiểu “quyền lợi xã hội”, “quyền lợi quốc gia” nào mà đứng ngoài quyền lợi cá nhân vì mỗi một cá nhân đều là chủ thể của xã hội. Và với bất kỳ kiểu quyền lợi nào như vậy mà tồn tại trong thế giới này, điều đó, hẳn nhiên – là đi ngược quy luật tự nhiên của xã hội, nghĩa là không lấy con người làm trung tâm của xã hội. Xác tín vậy mới thấy rằng, quyền lợi xã hội, quyền lợi quốc gia phải xuất phát từ quyền lợi cá nhân, trong đó – lấy tinh thần cá nhân làm nền tảng kiến thiết xã hội, vì “quyền” là gốc rễ. Và như vậy, quyền xã hội phải là tổng hòa quyền cá nhân. Tổng hòa không phải là phép cộng số học thuần túy mà là sự hòa hợp các “quyền” có ý thức [một cách duy lý].

Thứ hai, trách nhiệm xã hội là gì? Đó là tinh thần cá nhân có ý thức [tinh thần trách nhiệm] về sự ràng buộc ý chí, tương hỗ lẫn nhau giữa các cá thể trong xã hội [17]. Nghĩa là “quyền” phải thực thi trách nhiệm của một hay nhiều cá nhân nhằm duy trì, bảo vệ “quyền” và “lợi” xã hội mà thực ra là quyền lợi của mỗi người. Bởi vì, “quyền” và “lợi” mỗi cá nhân luôn quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến “quyền” và “lợi” của các cá nhân khác [quyền phổ quát, lợi chung]. Nếu cái lợi chung, được sở hữu và sử dụng bởi mọi người, bị chiếm dụng, định đoạt [hợp pháp hay bất hợp pháp] mà hầu hết không ai dám lên tiếng [vô trách nhiệm], thì lợi chung đó – dần dần sẽ trở thành sở hữu của các nhóm quyền lực hơn hoặc lợi chung sẽ bị hao mòn, tàn phá. Đó là trường hợp 6700 cây xanh, lấp sông Đồng Nai hay Bà Nà Hills, Bôxit Tây Nguyên… Vì tính chất lan truyền của xã hội [tâm lý đám đông, hiệu ứng dây chuyền], ban đầu, có thể một thiểu số vô trách nhiệm [vì sợ hãi, yếm thế, tự ti], lâu ngày sẽ dần chiếm đa số. Nghĩa là, tinh thần trách nhiệm của mọi người trong xã hội đã bị xói mòn theo cả diện rộng và chiều sâu [vô trách nhiệm, sợ hãi trong chính nội quan mỗi người]. Khi đó, mất cái lợi chung này, ắt hẳn – nhiều cái lợi chung khác trước sau cũng sẽ bị chiếm dụng. Thay vì lợi chung được bảo tồn một cách hợp lý trong tinh thần trách nhiệm, lúc này, bạn và mọi người phải “cày bừa” cật lực để có tiền tu bổ hay mua lại quyền sử dụng nó [chủ sở hữu lúc này là nhóm thiểu số quyền lực nào đó]. Trong tình trạng xấu nhất, lợi chung đó mất đi hoặc bị chuyển đổi sang hình thức khác, con cháu bạn thậm chí chính bạn, các thế hệ nối tiếp nhau trả giá bằng chính sức lao động của mình nhằm tái tạo lợi chung vì “lợi” – luôn luôn là nhu yếu của chúng ta. Trường hợp “quyền” của một người bị xâm phạm [hợp pháp hay bất hợp pháp] mà đa số vô trách nhiệm, chắc chắn sẽ đến lượt người khác, quyền cá nhân cũng bị xâm phạm, bởi vì “quyền” là phổ quát. Một khi “quyền”của đa số hay tất cả mọi người trong xã hội đã bị cắt xén, xâm phạm thì lợi riêng, lợi chung cũng sẽ bị chiếm dụng, định đoạt bởi vì “quyền” là gốc rễ. Lúc đó, xã hội rơi vào trạng thái mất cân bằng về “quyền” và “lợi”, một hay một vài nhóm thiểu số sẽ nắm quyền lợi lớn hơn nhiều so với toàn thể xã hội [lũng đoạn về “quyền” và “lợi”]. Giữa các lớp đối tượng khác nhau trong xã hội cũng bị chênh lệch rất lớn về “quyền” và “lợi”. Đây chính là cội nguồn của bất bình đẳng xã hội, dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế, bất bình đẳng giáo dục, mất cân bằng về nhận thức giữa các lớp dân cư, suy đồi về văn hóa – đạo đức. Một trạng thái mất cân bằng, bất bình đẳng đủ lớn sẽ đẩy xã hội vào tình trạng suy thoái toàn cục và vấn đề lệ thuộc ngoại bang về chính trị – kinh tế là điều khả dĩ [hình thái nô lệ hóa quốc gia kiểu mới]. Đó là sự sụp đổ của xã hội.

Sau cùng, tự trọng dân tộc là tinh thần cá nhân có ý thức [tinh thần tự trọng dân tộc] về sự ràng buộc ý chí, về cội nguồn xuất xứ trong tâm thức của mỗi người dân của cùng một dân tộc, mỗi công dân trong cùng một quốc gia [18]. Tinh thần cá nhân có ý thức ở đây chính là cảm thức về mối liên hệ trong tâm thức giữa những con người có cùng cội nguồn văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, lãnh thổ và do đó mà họ có tinh thần cá nhân tương tự nhau một cách tương đối. Tinh thần tự trọng dân tộc không phải là tự tôn dân tộc thuần túy mà cũng không phải một hình thức của chủ nghĩa dân tộc. Tự trọng dân tộc là cảm giác đau lòng, xót xa khi Tổ quốc bị xâm lăng, khi quốc gia nghèo đói – lạc hậu, khi đồng bào gặp bất hạnh. Đó là niềm tự hào, kiêu hãnh khi xã hội phồn vinh, khi cá nhân thành đạt. Là hân hoan, vui sướng khi mọi người dân cùng chung sống trong tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau. Tự trọng dân tộc còn là tinh thần cầu thị, ham học hỏi, yêu lao động, tiếp thu tri thức, tinh hoa văn hóa thế giới để phụng sự cho Tổ quốc. Ở xã hội ta bây giờ, tự trọng bản thân và tự ái cá nhân [đều là các dạng thức của tinh thần cá nhân] thì đếm không hết còn tự trọng dân tộc là một điều xa xỉ.

Bàn về tinh thần tự trọng dân tộc, tôi phân biệt hai cấp độ hành vi [hành vi tinh thần], tiêu cực và tích cực. Hành vi tiêu cực [trách nhiệm nhỏ] là những phản ứng mang tính chất thõa mãn cảm xúc bản thân nhất thời [cãi lý, biện hộ, đánh nhau] khi đối tượng ngoại bang [cá nhân, tổ chức, quốc gia] xúc phạm, xâm phạm [bằng lời nói, hành động, truyền thông] đến quốc dân, lãnh thổ, văn hóa, lịch sử và truyền thống dân tộc. Hành vi tích cực [trách nhiệm lớn] là đóng góp công sức lao động bằng chính năng lực của mình thông qua quyền lợi cá nhân, phát triển môi trường dân sinh vững bền. Tất nhiên, không thể phủ nhận ở một phương diện nào đó, hành vi tiêu cực cũng tác động dẫn đến hành vi tích cực cho chính mình hay người khác [phạm vi bài viết chỉ đề cập đến hành vi tích cực].

Trong trường hợp, đất nước nghèo đói về kinh tế, lạc hậu về giáo dục, dân trí thấp, bất công – bất cập hiện tồn, mọi sự bàng quan, vô tâm [thiếu ý thức tinh thần tự trọng dân tộc] đều là nguy cơ dẫn đến bất bình đẳng xã hội, băng hoại về đạo đức – văn hóa, tất yếu dẫn đến sụp đổ xã hội [đã phân tích trong tinh thần trách nhiệm xã hội]. Còn khi ngoại bang xâm lấn, đã bị hoặc có xu hướng bị nô lệ hóa về kinh tế – chính trị hay nô dịch về văn hóa, khi đó, toàn thể quốc dân sẽ bị bóc lột sức lao động [lợi cá nhân], áp đặt về tư tưởng và thống trị về ý chí [quyền quốc gia]. Nếu không thức tỉnh kịp thời, cởi trói tư tưởng, khôi phục và phát huy văn hóa [quyền quốc gia] thì quốc gia tiêu vong là nhãn tiền. Khi này, mọi hành vi đều phải hướng đến tinh thần cá nhân [quyền cá nhân], vì quyền quốc gia là xuất phát từ quyền cá nhân. Khi đó, tinh thần tự trọng dân tộc chính là động lực thúc đẩy tinh thần trách nhiệm xã hội, là “quyền” thực thi hành động nhằm duy trì và bảo vệ quyền lợi quốc gia mà chính là bảo vệ quyền lợi cá nhân mỗi người.

Như vậy, thông qua tinh thần quốc dân, tôi muốn gửi đến các bạn bốn điều. Đừng nghĩ gom góp cái “lợi” cá nhân thật nhiều thì cuộc sống của bạn, con cháu bạn sẽ sung sướng, hạnh phúc. Bởi như phân tích ở trên, “lợi” là xuất phát từ “quyền”, “quyền” là gốc rễ – đó là điều thứ nhất. Khước từ quyền là điều trái lẽ tự nhiên, là chấp nhận thân phận nô lệ suốt đời. Thứ hai, vì “quyền” và “lợi” cá nhân mỗi người luôn tác động điều hòa nhau và nằm trong sự tương hỗ với “quyền” và “lợi” của các cá nhân khác, do đó, góp phần xây dựng môi trường dân sinh bằng cách thực thi tinh thần trách nhiệm xã hội, tinh thần tự trọng dân tộc là tích lũy và duy trì quyền lợi cá nhân vững bền nhất. Toàn bộ các hệ thống của môi trường dân sinh, “quyền” của bạn và mọi người đều là công cụ và phương tiện hữu ích cho cuộc sống cá nhân. Vì thế, công sức lao động [lợi cá nhân] của mọi người gặt hái được sẽ là công bằng và thỏa đáng [giá trị bền vững]. Di sản để lại cho con cháu không chỉ là quyền lợi cá nhân trực tiếp từ bạn mà còn thông qua mọi kênh khác của xã hội. Thứ ba, chắc chắn thế hệ con cháu sẽ có những suy nghĩ tiến bộ hơn bạn. Bộ não con người có hơn 100 tỉ nơron thần kinh và một khi mà tiến trình xã hội hóa thông tin ngày càng trở nên mạnh mẽ – rộng khắp, cùng lúc đó là sự tiến triển trong nhận thức con người thì sự khát khao tinh thần cá nhân sẽ càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Các thế hệ mai sau thừa nhận thức để hiểu cái – thuộc về phần người [tinh thần cá nhân] là cần thiết như thế nào, khi đó, tài sản để lại – phỏng đâu có nhiều ý nghĩa. Thứ tư, không nên nghĩ “lực bất tòng tâm” hay “thân phận con người nhỏ bé” mà hãy xác tín rằng, tiến trình xã hội muốn liên tục vững bền cần phải có – tính kế thừa. Ở đó, những đóng góp nhỏ bé một cách chính đáng của mỗi cá nhân thông qua môi trường dân sinh sẽ là di sản quý báu cho mọi thế hệ con người. Hãy nhớ, lệ thuộc vật chất là mất tự do một phần, lệ thuộc tinh thần là mất tất cả.

Tóm lại, sự phối hợp cân bằng – hài hòa giữa quyền lợi cá nhân, trách nhiệm xã hộitự trọng dân tộc đó là tinh thần quốc dân. Tinh thần quốc dân của mỗi công dân tự cường chính là năng lượng cá nhân kết nối và hình thành năng lượng xã hội, năng lượng quốc gia – làm động lực chính yếu cho công cuộc cách tân và phát triển đất nước. Khiếm khuyết một trong ba yếu tố, tiến trình xã hội sẽ mất cân bằng. Trong tinh thần quốc dân, trách nhiệm xã hội và tự trọng dân tộc đều tương hỗ với quyền lợi cá nhân, trên nền tảng quyền lợi cá nhân. Trong quyền lợi cá nhân thì quyền tinh thần cá nhân là gốc rễ.

Vậy, khởi thủy là quyền!

Kính thưa các bạn!

Dân số Việt Nam chúng ta hiện nay có hơn 90 triệu người, xếp thứ 13 trên thế giới. Trong đó, nông dân chiếm khoảng 73%, công nhân khoảng 11%, gần 55 triệu người trong độ tuổi lao động (15 – 60 tuổi) và hơn 5 triệu lao động có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học trở lên [Báo cáo Lao động và Việc làm quý IV – 2014, Tổng Cục Thống kê].

Nghĩa là, một người có học vấn với ý thức tinh thần quốc dân cần phải chia sẽ thông tin, trao đổi nhận thức xã hội cùng 17 người khác. Nếu chỉ tính trong độ tuổi lao động, con số đó chỉ còn 10. Điều này là hoàn toàn có thể phải không các bạn?

Thực tâm, tôi vẫn nghĩ, còn đâu đó trong tiềm thức của dân ta vẫn là lòng trắc ẩn, vẫn là sự đồng cảm về thân phận con người. Trong tâm thức của mỗi quốc dân vẫn chảy dòng máu Việt, vẫn một tình yêu con cháu Lạc Hồng, vẫn một khát khao được đóng góp cho quê hương, xứ sở dẫu rằng – tinh thần đó đã nguội lạnh, đã lạc vào thế giới u minh bao năm rồi.

Mục sư Martin Luther King Jr., con người vĩ đại của nước Mỹ và nhân loại, người đấu tranh cho dân quyền và nhân quyền, trong một bài giảng về Tinh thần dũng cảm tại Selma, Alabama – ngày 8/3/1965, có nói “Cuộc đời của chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng” [19].

Hãy xác quyết rằng, cuộc đời của bạn, của tôi, của tất cả chúng ta – Chưa từng khi nào kết thúc!

Vì quyền lợi của bạn, vì quyền lợi của tôi, vì quyền lợi của tất cả chúng ta – Mỗi người dân hãy tự cường cho đất nước tự cường!

Chia sẽ thông tin, trao đổi nhận thức, thức tỉnh lương tri, vượt thắng sợ hãi – Chung tay, góp sức, gánh vác việc hôm nay để Tổ quốc tự cường ngày mai.


Đà Nẵng, ngày 5/4/2015

Lê Doãn Cường

 

Chú dẫn













[10]. Tương lai nợ công Việt Nam: Xu hướng và thử thách, Đỗ Thiên Tuấn Anh, FETP 04/2013







[16]. “Môi trường dân sinh” là tổng thể các hệ thống, các lĩnh vực trong xã hội mà tác động đến cuộc sống của người dân: chính trị, văn hóa, kinh tế, pháp luật, giáo dục, y tế, môi trường…

[17]. “Tinh thần trách nhiệm xã hội” khác với “tinh thần trách nhiệm cá nhân” mà ta hay gọi là tính ích kỷ, tức là chỉ có trách nhiệm với những gì liên quan đến cuộc sống cá nhân của chính mình, mặc dù tinh thần trách nhiệm cá nhân cũng là một dạng thức của tinh thần cá nhân.

[18]. “Tinh thần tự trọng dân tộc” khác với lòng tự trọng mà ta hay nói đến, mặc dù lòng tự trọng cũng là một dạng thức của tinh thần cá nhân, tôi gọi đó là “tinh thần tự trọng cá nhân”.

[19]. Nguyên văn trích dẫn “A man dies when he refuses to stand up for that which is right. A man dies when he refuses to stand up for justice. A man dies when he refuses to take a stand for that which is true” được súc tích lại “Our lives begin to end the day we become silent about things that matter.