Bùi Quang Vơm…
Quốc hội lần này sẽ bầu ba người vào ba chức vụ cao nhất để lãnh đạo đất nước : Trần Đại Quang : Chủ tịch nước, Nguyễn Xuaâ Phuú : Thủ tướng chính phủ và Nguyễn Thị Kim Ngân : Chủ tịch Quốc hội
Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước (VnExpress.vn).
Sáng 21/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII- trong đó nhấn mạnh nội dung quan trọng là Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước.
Bắt đầu từ sáng ngày 30/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm. Sau đó, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội mới. Một ngày sau, Chủ tịch Quốc hội mới sẽ tuyên thệ.
Tiếp đó, chiều 31/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước đương nhiệm. Sau đó, Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới. Sáng 2/4, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Đến sáng 6/4, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng đương nhiệm. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng mới. Ngày 7/4, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ tại Quốc hội.
Vậy "kiện toàn" ở đây là gì ?
Trước hết phải nói một chút là những người làm tuyên giáo, lý luận của đảng rất hay sáng tạo ra những từ mới. Mỗi khi khó diễn đạt, mỗi khi cần che đậy điều gì đấy, họ đều dùng cách tạo ra từ mới, và họ giữ quyền diễn giải ngôn từ đó. Thí dụ như những cái đuôi xã hội chủ nghĩa được thêm tuỳ tiện vào mọi chỗ. Cứ cái gì muốn có mặt sự giám sát hay chỉ đạo của đảng là thêm cái đuôi ấy vào, tạo ra cái loại từ chưa hề có trong từ điển trước đó. Chẳng hạn Thị trường xã hội chủ nghĩa, Nhân quyền xã hội chủ nghĩa, Dân chủ xã hội chủ nghĩa v.v... khi có thêm đuôi xã hội chủ nghĩa, nghĩa của từ gốc không còn đúng nữa, có khi ngược lại. Nhưng không có từ điển nào, không có giáo sư tiến sĩ nào, và cũng chẳng có nhà lãnh đạo nào, giải nghĩa. Gần 35 năm nay, Thị trường xã hội chủ nghĩa vẫn không ai hiểu là cái gì, và không ai thấy ở đâu. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói "có có đâu mà tìm".
Cái từ "kiện toàn" này tuy không phải là từ mới, nhưng nghĩa của nó thì hoàn toàn khác hẳn nguyên nghĩa được giải thích trong từ điển tiếng Việt phổ thông.
"Kiện toàn" thông thường là hoàn thiện một cái gì đó theo nghĩa bù những cái còn thiếu, chỉnh sửa những cái không đúng, chưa hợp lý, tức là không phá bỏ cái cũ, nhưng làm cho nó trở nên hoàn hảo hơn, thích ứng với nhiệm vụ, chức năng của nó hơn để nó có thể có sức bền lâu dài hơn.
Bộ máy mới của nhà nước gồm "bộ ba" Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng mới, được ép cho ra đời ngày 7/04 là một bộ máy mới hoàn toàn, ra đời sau công việc phế truất cái cũ, nhưng lại chỉ tồn tại có hai tháng, đến khi Quốc hội 14 được bầu ra vào ngày 22/05. Như vậy chẳng có gì dính với từ "kiện toàn" mà các vị tiến sĩ của đảng đặt ra ở đây. Cái chữ "kiện toàn" này là một loại cưỡng từ, kiểu nói lấy được xưa nay của hệ thống tuyên truyền quốc doanh.
Theo luật, bộ máy nhà nước này, dù vừa ra đời, sẽ bị miễn nhiệm trước khi Quốc hội 14 bầu ra bộ máy nhà nước mới. Trước tiên, Quốc hội 14 sẽ bầu ra Chủ tịch, và Ban thường vụ Quốc hội 14, sau đó Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Quốc hội bãi miển Chủ tịch nước cũ và đề cử Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới. Tân Chủ tịch nước khi đó mới đề nghị Quốc hội bãi nhiệm Thủ tướng cũ và đề cử Quốc hội bầu Thủ tướng mới. Thủ tướng mới sẽ trình danh sách chính phủ mới để Quốc hội bầu.
Việc kiện toàn trái luật trên đây là cách làm mà nhà báo Bùi Tín gọi là "lộn tùng phèo", và luật sư Lê Quốc Quân thì gọi là "đảo chính vi hiến". Theo người viết thì phải là cả hai, là một cuộc đảo chính nhưng theo cách lộn tùng phèo.
Lộn tùng phèo, vì cái trên lộn xuống dưới, cái dưới lộn lên trên, cái sau lộn ra trước. Sinh con rồi mới sinh cha.
Quốc hội 14 theo chương trình ngày 22/5 mới bầu, nhưng Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường vụ quốc hội ngày 31/03 đã ra đời. Quốc hội 14 phải đến tháng 7/2016 mới họp phiên đầu tiên để bầu Chủ thịch nước, Thủ tướng và thành viên Chính phủ, nhưng tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 2/4 đã tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 6/4 đã bị bãi nhiệm và ngày 7/04, thủ tướng mới Nguyễn Xuân Phúc đã nhậm chức.
Chuyện ngược đời. Vậy là sinh con rồi mới sinh cha.
Các vị này dẫu có được "bầu ép" vội vã như vậy, nhưng theo luật, vẫn phải ứng cử đại biểu vào Quốc hội 14. Để rồi vào phiên họp thứ nhất tháng 7/2016, sẽ "kiện toàn" lại một lần nữa. Như vậy là Chủ tịch Quốc hội mà không biết mình có trúng đại biểu không. Chủ tịch nước mà không biết liệu có lọt vào Quốc hội không. Và Ngài thủ tướng nữa, chắc gì đã đủ phiếu để được làm đại biểu. Điều gì sẽ xảy ra, nếu các vị này không được bầu vào quốc hội 14. Và nếu có được vào thì sao ? Bà Ngân có thể đắc cử, nhưng ông Trần Đại Quang chắc gì đã trúng Chủ tịch nước với bộ đồng phục công an, trong khi công an là loại ngườibị ghét nhất và ghê tởm nhất. Đặc biệt là ông Phúc chắc 100% là trượt ghế Thủ tướng, vì dân người ta bảo ông này, nếu vào cái ghế Thủ tướng, thì còn vượt xa ông Dũng.
Nhưng cũng có thể gọi đây là một cuộc đảo chính, theo nghĩa là một vụ truất quyền hay tước quyền không do tự nguyện. Đến bây giờ, không thấy có ông nào có đơn xin từ nhiệm, trong khi, ông Dũng, hôm giao ban Chính phủ lần cuối ngày 26/03 nói rằng "đảng cho ông thôi nhiệm", chứ không phải ông xin thôi. Ông này trước nay vẫn vậy. Hồi vụ Vinashin, đại biểu Dương Trung Quốc gợi ý ông từ chức, thì ông trả lời rằng đảng phân công, đảng giao thì phải làm, chứ ông không xin, đảng cho rút thì rút, ông chẳng việc gì phải từ chức. Bây giờ, phải từ nhiệm trước nhiệm kỳ cũng vậy, ông không xin. Và chắc là cả ông Sang lẫn ông Hùng, chẳng ai xin, nghĩa là cùng bị ép từ nhiệm 3 tháng trước khi hết nhiệm kỳ.
Điều 73, 87, 88 Hiến Pháp 2013 đều quy định, nhiệm kỳ của Chủ tịch Quốc hội, của Chủ tịch nước, và của Thủ thướng Chính phủ trùng với nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chức vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu xong các chức vị đó.
Nhưng ông Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, "nhiệm kỳ là 5 năm, nhưng theo luật, nếu các chức danh không có đơn từ nhiệm, Quốc hội vẫn có thể miễn nhiệm". Kể cả khi các chức vụ này không phạm khuyết điểm gì, không vi phạm pháp luật và vẫn đang còn đủ tư cách đại biểu? Ông có thể chỉ ra điều nào trong hiến pháp 2013 quy định như vậy ?
Rõ ràng đây là sự phế truất cưỡng bức. Dù nhân danh gì thì thực chất vẫn là cưỡng bức, thực chất là tước đoạt. Dù chẳng có biểu hiện chống đối, việc các ông im lặng cũng nói lên tất cả.
Lập ra một chính phủ mới, một bộ máy nhà nước mới không tuân thủ trình tự quy định của pháp luật, không do sai phạm nghiêm trọng hay vi phạm pháp luật của bộ máy nhà nước đó, thực sự là một cuộc đảo chính. Nhưng có phải là một đảo chính vi hiến không lại tuỳ thuộc hiến nào, tức là hiến pháp nào. Hiến pháp đúng nghĩa là ý chí và tâm nguyện của toàn dân, nhưng hiến pháp Việt Nam từ ngày có đảng đến giờ, chỉ là ý chí của đảng cộng sản, gồm 4 triệu đảng viên, là bộ phận rất nhỏ trong số 94 triệu dân. Hiến pháp ấy vừa nói rằng hiến pháp là "định chế pháp luật cao nhất của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam", và "đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật". Nhưng lại quy định tại điều 4 rằng, "Nhà nước thừa nhận đảng cộng sản, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Cái cao nhất lại chịu sự "lãnh đạo" của cái nằm trong nó. Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đẻ ra vi hiến của chế độ. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng là chỗ "thể chế hóa cương lĩnh đảng", và "hiến pháp là thiết chế quan trọng thứ hai sau cương lĩnh" (lời ông Trọng).
Lập ra một chính phủ mới, một bộ máy nhà nước mới không tuân thủ trình tự quy định của pháp luật, không do sai phạm nghiêm trọng hay vi phạm pháp luật của bộ máy nhà nước đó, thực sự là một cuộc đảo chính. Nhưng có phải là một đảo chính vi hiến không lại tuỳ thuộc hiến nào, tức là hiến pháp nào. Hiến pháp đúng nghĩa là ý chí và tâm nguyện của toàn dân, nhưng hiến pháp Việt Nam từ ngày có đảng đến giờ, chỉ là ý chí của đảng cộng sản, gồm 4 triệu đảng viên, là bộ phận rất nhỏ trong số 94 triệu dân. Hiến pháp ấy vừa nói rằng hiến pháp là "định chế pháp luật cao nhất của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam", và "đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật". Nhưng lại quy định tại điều 4 rằng, "Nhà nước thừa nhận đảng cộng sản, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Cái cao nhất lại chịu sự "lãnh đạo" của cái nằm trong nó. Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đẻ ra vi hiến của chế độ. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng là chỗ "thể chế hóa cương lĩnh đảng", và "hiến pháp là thiết chế quan trọng thứ hai sau cương lĩnh" (lời ông Trọng).
Vì vậy, chuyện Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng được lập ra trước ngày bầu cử Quốc hội, không hề vi hiến. Cái thực chất của nghịch lý này là việc không đồng nhất giữa quyền lực tối cao của một đảng với quyền lực tối cao của một dân tộc. Đó là sự không trùng khớp, sự vênh nhau về thời gian của Đại hội đảng và bầu cử Quốc hội. Giữa khoảng trống này, là lúc Nhà nước nằm ngoài Đảng, nằm ngoài kiểm soát của Bộ chính trị. Ông Sang, ông Dũng không còn là Trung ương ủy viên, có quyền gì nhân danh nguyên thủ để đón tiếp Tổng thống Mỹ sắp tới. Vì vậy mà đảng buộc phải bất chấp hiến pháp. Phải gạt các ông ra, và phải "kiện toàn bộ máy", trước khi Obama đến. Đây hẳn nhiên không phải lần đầu, và không thể là lần cuối cùng. Vấn đề là phải đồng nhất hóa Đảng và Quốc hội. Hoặc là Đảng thừa nhận quyền tối cao của Quốc hội và hoạt động như mọi tổ chức chính trị khác và chấp nhận đa nguyên hóa sinh hoạt xã hội, giống như việc đa sở hữu hóa trong kinh tế thị trường. Hoặc phải giải tán Quốc hội, hủy chế độ quốc hội lập hiến, chính thức hóa chế độ đảng lập hiến, chính xác là đảng cộng sản lập hiến. Không thể cùng lúc tồn tại hai cái cao nhất, vừa có Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện vừa có Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của dân, do dân, và vì dân. Đây là mâu thuẫn có tính cách mạng, phủ định lẫn nhau.
Cái thực tế chua xót có lẽ đáng kể nhất phải là ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Sinh Hùng. Hai ông này chỉ là vật hy sinh để ông Trọng và ông Phúc gạt bằng được ông Dũng ra khỏi quyền lực. Nhưng hai ông bị bãi nhiệm khi đang còn quyền đương nhiên theo hiến pháp, mà không do sai phạm, là sự sỉ nhục đối với một đời cống hiến. Và điều cũng đáng nói là danh dự của cả gần 500 đại biểu đã bỏ phiếu cho nhiệm kỳ 13, cũng bị xúc phạm và tước đoạt thô bạo, bằng chứng cho sự lạm dụng quyền lực, và sự thiếu hụt của một nền văn hóa chính trị, tất có ở một chế độ độc đảng.
Không biết ai là thủ phạm của trò chơi gian lận thô bạo này. Nhưng là ai thì kẻ đó phải có lá gan rất to, to lắm.
Paris, 30/03/2016