Lê Chiến ghi
19-3-2016
(Dân Việt) Trong bối cảnh chưa bao giờ số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội nhiều như hiện nay, việc tung ra thông tin có một số người tự ứng cử được thế lực phản động “chống lưng” đã khiến không ít bạn đọc bức xúc…
Kiểm điểm người phát ngôn gây bất lợi
Nếu có người tự ứng cử được tổ chức phản động hậu thuẫn thì cơ quan an ninh phải xử lý theo quy định của pháp luật. Phát ngôn như thế là ấu trĩ về chính trị. Trước các cuộc bầu cử, các thế lực phản động luôn lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu. Trong bối cảnh đó việc phát ngôn phải thận trọng. Nói thiếu trách nhiệm như thế vừa gây nghi ngờ lẫn nhau, vừa bất lợi cho xã hội. Tôi cho rằng cần phải kiểm điểm người đã phát ngôn như thế, để làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm túc.
Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Phải làm rõ mục đích của người phát ngôn
Nếu quả thật có việc một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động, thì người ứng cử đó cũng là đồng phạm của tổ chức phản động, phải dùng nghiệp vụ điều tra để xử lý, sao lại nói cho cả thiên hạ biết, như thế chẳng khác nào đánh động cho phản động chạy trốn? Cần phải làm rõ mục đích của người phát ngôn câu nói đó.
Nguyễn Thị Hoa (Viện Nghiên cứu và phát triển, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)
Đưa dư luận vào “mớ bòng bong”
Nói một số người tự ra ứng cử được các tổ chức phản động đứng đằng sau, thậm chí bơm tiền cho người tự ứng cử mà không chỉ rõ là ai là đưa dư luận vào “mớ bòng bong”. Từ Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến những người dân bình thường cũng phản ứng gay gắt. Không hiểu vô tình hay cố ý, nhưng rõ ràng câu nói này đã để lại hậu quả xấu trong xã hội, khiến những người tự ứng cử mất niềm tin, gây hoang mang cho dư luận và xúc phạm những người ứng cử chân chính. Nguy hiểm hơn sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, và làm cho cử tri bán tín, bán nghi đối với những người ứng cử.
Luật sư Nguyễn Hoài Hước – Giám đốc Công ty Luật Bảo Bình
Đừng khiến cử tri hoang mang
Việc nâng cao ý thức cảnh giác đối các thế lực thù địch, phản động luôn nhằm cơ hội để chống phá đất nước chúng ta là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân… Nhưng đưa ra thông tin “trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động” sẽ khiến cử tri hết sức hoang mang. Tôi nghĩ nếu biết rõ thông tin đó thì tại sao chúng ta không xử lý? Còn nếu thông tin đó là bịa đặt thì cần phải xử lý nghiêm khắc đối với người đưa ra thông tin!
Phạm Kim Bảng, cán bộ hưu trí quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Ảnh hưởng uy tín của người ứng cử
Là một cử tri luôn quan tâm tới kỳ họp Quốc hội khóa 14, tới với kỳ vọng sẽ có nhiều ứng viên có đức, có tài tham gia vào Quốc hội, tôi cho rằng, việc có đông người tự ứng cử là dấu hiệu rất đáng mừng. Nó thể hiện tính dân chủ, tình yêu và ý thức trách nhiệm cao đối với đất nước trong xã hội hiện nay… Nhưng thật sự bất ngờ và bức xúc khi nghe phát ngôn thiếu căn cứ đó! Nếu thực sự như vậy sao không xử lý? Việc đưa thông tin thiếu chính xác này là cực kỳ tai hại, nó ảnh hưởng tới uy tín của những người tự ứng cử, gây hoang mang, nghi ngờ giữa cử tri với những người tự ứng cử. Tạo nên những điều không tốt khi kỳ họp Quốc hội sắp đến gần.
Kiến trúc sư Phan Cự Đức (quận 3, TP.HCM)
____
Kỳ thị người tự ứng cử là phá hỏng tinh thần dân chủ
Bùi Hoàng Tám
19-3-2016
(Dân trí) – Phân biệt đối xử hay kỳ thị người tự ứng cử có lẽ không chỉ “vi phạm pháp luật” như lời của ông Kim mà còn phá hỏng đi tinh thần dân chủ của cuộc bầu cử nhiệm kỳ này
Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải phóng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết đây là tín hiệu “rất hay” của nền dân chủ. “Lần này số người tự ứng cử nhiều, đó là điều rất hay, cho thấy không khí xã hội dân chủ”. Ông Kim còn khẳng định: “Không ai được làm khó dễ người tự ứng cử, đó là vi phạm pháp luật”.
Có lẽ chưa bao giờ, số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội lại đông đảo như ở lần bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ này. Cụ thể đến nay, các địa phương có hơn 100 người tự ứng cử đã thông qua hiệp thương vòng 2. Trong đó tại Hà Nội và TPHCM, số người tự ứng cử đều cao hơn số được các cơ quan tổ chức giới thiệu ra ứng cử.
Đây là một tin đáng phấn khởi bởi nó thể hiện tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân đối với đời sống chính trị, sự tự tin của người tự ứng cử và tinh thần mở rộng dân chủ theo tinh thần Nghị quyết XII của Đảng.
Chúng ta tôn trọng và khuyến khích tinh thần này, song vấn đề bây giờ nằm ở khâu hiệp thương để giới thiệu cho cử tri những ứng cử viên tiêu biểu, xứng đáng với vai trò và trách nhiệm của mình.
Công bằng mà nói, tuy đã có nhiều biện pháp khá chặt chẽ nhưng tại các nhiệm kỳ gần đây, không phải lúc nào Hội đồng bầu cử cũng có sự lựa chọn chính xác mà ngược lại, đã từng có những ứng cử viên không đủ tiêu chuẩn về cả tài năng lẫn đạo đức.
Đã từng để lọt những ứng cử viên khai gian lý lịch. Đã từng để lọt những ứng cử viên mà sau khi trúng cử, vi phạm pháp luật phải bãi miễn rồi truy tố. Đã để lọt những đại biểu mà Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tướng – Văn hóa (nay là Ban Tuyên giáo) từng phải thốt lên: “Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?”. Thật ra, câu hỏi này nên đặt ra trước đó: “Ai đã tiến cử ông nghị này cho dân bầu nhỉ?”.
Có lẽ cũng không cần nhắc lại, vai trò và trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam chúng ta lớn đến như thế nào và việc tìm ra những ứng cử viên đủ tài, đủ đức cũng cần thiết đến như thế nào.
Trong khi đó, công bằng là do phương thức bầu cử hiện nay, không phải cử tri nào cũng nắm chắc lý lịch cũng như động cơ của ứng cử viên. Không ít cử tri đặt trọn vẹn niềm tin vào sự đề cử của các cơ quan chức năng nên việc hiệp thương tìm ra những người tài đức càng thêm quan trọng.
Tuy nhiên, cùng với việc sàng lọc khắt khe, cần phải có tinh thần khách quan, trung thực và cả sự trong sáng, không phân biệt giữa người được đề cử và người tự ứng cử.
Trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: “Tự ứng cử là quyền của công dân. Người nào có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật đều có quyền ứng cử. Trong quá trình hiệp thương, MTTQ Việt Nam ủng hộ tất cả những người ứng cử đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không phân biệt người tự ứng cử hay người được giới thiệu ứng cử”.
Vì thế, phân biệt đối xử hay kỳ thị người tự ứng cử có lẽ không chỉ “vi phạm pháp luật” như lời của ông Kim mà còn phá hỏng đi tinh thần dân chủ của cuộc bầu cử nhiệm kỳ này