21 mars 2016

TÔI MUỐN CÙNG QUỐC HỘI GIỮ CHO ĐƯỢC VĂN HÓA DÂN TỘC



Nguyễn Xuân Diện - Ứng cử viên tự do Đại biểu Quốc Hội khoá 14
 
Dưới gác Khuê Văn, biểu tượng của văn hiến dân tộc và nho sĩ Bắc Hà xưa. 

Cho phép tôi được giới thiệu về bản thân mình. Tôi là Nguyễn Xuân Diện, năm nay 46 tuổi, hiện công tác tại

Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).  Công việc hiện nay của tôi là nghiên cứu di sản Hán Nôm của cha ông. Tôi hiện là Phó trưởng phòng văn bản Văn học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
 

Tôi là hội viên của Hội Văn Nghệ Dân gian VN, hội của những người nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến, truyền dạy văn hóa văn nghệ dân gian.

Tôi có vợ và hai con nhỏ, hiện chúng tôi sống tại phường Kim Liên, Quận Đống Đa, TP Hà Nội.


Quê tôi là Làng cổ Đường Lâm (Đường Lâm cổ ấp), một ấp sinh hai vua là những vị anh hùng của dân tộc đó là Ngô Quyền và Phùng Hưng. Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu vinh danh Ngô Quyền là “vị tổ trung hưng thứ nhất” của dân tộc. Nhân dân tôn vinh Phùng Hưng là Bố Cái Đại vương (Đức vua cha mẹ của dân).

Đường Lâm cũng là quê của hai nhà khoa bảng nổi tiếng. Đó là
Thám hoa Giang Văn Minh (1573 - 1638) Chánh sứ (trưởng đoàn Ngoại giao) VN trong chuyến đi sứ năm 1637. Và Phó bảng Kiều Oánh Mậu (1854 - 1911) nhà khoa bảng yêu nước, nhà báo, học giả chú giải Truyện Kiều.

Cảnh quan làng cổ, phong khí của
mảnh đất quê hương đã hun đúc và nuôi dưỡng tâm tính của tôi, khiến tự tôi quyết định mình trở thành một người nguyện suốt đời phụng sự cho văn hóa dân tộc. Quê tôi, hình ảnh hai vua là biểu trưng cho sự tự chủ, chủ quyền quốc gia. Còn Thám hoa Giang Văn Minh là biểu tượng của ngoại giao Đại Việt. Kiều Oánh Mậu là hình ảnh một chí sĩ yêu nước bắt đầu bước ra khỏi khuôn khổ Nho giáo để hội nhập với thời cuộc. Ông là bạn thân của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi. Ông cổ xúy cho thực học, cổ xúy cho việc dịch sách về tính dục và vệ sinh để truyền bá.

Tôi làm việc ở Viện Hán Nôm đã 23 năm, trong đó có gần 20 năm làm việc tại Thư viện Viện Hán Nôm, là nơi lưu trữ các văn bản cổ của tổ tiên chúng ta. Nơi đây có hàng vạn thác bản văn bia; gia phả của hàng trăm dòng họ; thần tích của hàng ngàn làng quê và những thi tập của các nhà thơ...

10 năm làm Phó Giám đốc Thư viện, lầm lũi bên kho sách, chắt chiu từng trang tư liệu, tôi nhận thức rằng, nếu không dịch thuật quảng bá, giới thiệu thì những thông điệp của tổ tiên ko thể đến được với con cháu hôm nay và mai sau.

Lời dặn của cha ông về Hoàng Sa, được viết trên một
tờ lệnh cấp cho những ngư dân đi Hoàng Sa năm 1834 rằng: "Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội" vẫn là lời nhắc nhở đến hôm nay và muôn đời sau.

Lời dặn của người xưa về chống tham nhũng, tiến cử hiền tài, giáo dục đạo đức gia đình, phép tắc từ trong nhà ra đến họ mạc, xóm làng đều cần được chuyển tải đến hôm nay.

Tôi yêu thích ca trù từ nhỏ, và đến năm 2007 đã bảo vệ thành công
luận án Tiến sĩ về ca trù. Đây cũng là luận án Tiến sĩ đầu tiên về Ca trù tại Việt Nam.

Vài tháng sau khi bảo vệ, luận án đã được
in thành sách. Luận án 250 trang được Bộ Văn hóa VN cho vào hồ sơ trình UNESCO để vinh danh Ca trù là Di sản thế giới. Tôi cũng là 1 trong 8 thành viên chuẩn bị hồ sơ khoa học về ca trù.

Trước tình hình đáng báo động của văn hóa nước nhà hiện nay, tôi quyết định ra ứng cử ĐBQH. Vào Quốc hội là đem trí tuệ và tâm huyết để thực thi “quyền lực” của một đại biểu Quốc hội trước các vấn đề lớn của đất nước hôm nay.

Tôi muốn cất lên tiếng nói của người dân tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam!



.

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2016

Nguyễn Xuân Diện