Đồng kính
gửi: Ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chúng tôi là
những công dân Việt Nam đang sinh sống tại Hà Nội, Việt Nam và nước ngoài,
những người tha thiết quan tâm tới việc bảo vệ cây xanh để cho toàn xã hội được
sống trong môi trường trong sạch, an toàn cho sức khỏe và lao động, bảo vệ cảnh
quan thẩm mỹ cho các thế hệ con cháu. Chúng tôi quan tâm đến tình hình môi
trường của thành phố và đã từng nhiều lần đóng góp ý kiến với các cấp chính
quyền về vấn đề cây xanh đô thị tại thủ đô. Chúng tôi dùng quyền góp ý và phản
biện của công dân có quy định trong Hiến pháp, đồng ký tên sau đây, vô cùng
khẩn cấp và bức thiết yêu cầu Ông Chủ tịch TP Hà Nội, Quý vị lãnh đạo các Cơ
quan ban ngành liên quan, ra lệnh ngừng khẩn cấp và vĩnh viễn việc chặt hạ cây
xanh cổ thụ tại Hà Nội. Thay vào đó phương án di dời vị trí mặt bằng xây dựng,
tránh phải chặt hạ hoặc di chuyển cây xanh cổ thụ.
Ký tên THƯ NGỎ hãy bấm vào đây
Trong cuộc
giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến Đường sắt Trên cao (ĐSTC) Cát Linh-Hà Đông
vừa qua, gần 1000 cây xà cừ cổ thụ đã bị chặt hạ. Đây là tổn thất không thể gì
bù đắp cho người dân toàn quốc và bộ mặt văn hóa đô thị của Hà Nội. Hiện tại,
toàn Hà Nội chỉ còn duy nhất một dải cây xà cừ cổ thụ nằm trên tuyến đường Cầu
Giấy Kim Mã và sắp bị chặt hạ để thi công tuyến ĐSTC Nhổn-Ga Lê Duẩn. Ngoài ra,
chỉ còn vài tuyến đường còn lại cây xanh cổ thụ có tuổi ngang với dải cây xà cừ
Kim Mã-Cầu Giấy: Phan Đình Phùng, quanh Hồ Gươm và Thụy Khuê.
Thưa ông Chủ
tịch TP và các vị,
Cây xanh là
một bộ phận thiết yếu trong môi trường, cảnh quan đô thị, là nhân tố tích cực
cho sức khỏe của người dân. Cây xanh giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc
giúp lọc các chất khí ô nhiễm, làm sạch và điều hoà không khí. Những hàng cây
xanh phải mất hàng chục năm để có được độ cao, độ chắc khỏe, độ rộng của tán
cây phát huy công năng như hàng cây xà cừ trên phố Kim Mã - hồ Thủ Lệ.
Tuy nhiên,
để phục vụ xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 Ga Hà Nội – Nhổn, số cây xà cừ
trên đường Kim Mã, đoạn qua hồ Thủ Lệ đang sắp bị chặt hạ. Chúng tôi đã vô cùng
lo lắng khi biết thông tin này qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Trước khi thông tin được loan tải, chúng tôi hoàn toàn không được biết về quyết
định chặt hạ số cây này, bởi người dân và giới chuyên gia không được tham vấn ý
kiến.
Đây là
việc làm thiếu minh bạch, không có trách nhiệm giải trình, không tuân thủ những
nguyên tắc dân chủ căn bản trong một xã hội tiến bộ. Không những thế, dự
án này còn có dấu hiệu vi phạm Luật Thủ đô 2012, Luật Bảo vệ Môi trường 2014
Trong nhiều
năm gần đây, đặc biệt trong giai đoạn 2014-2015, nhằm phục vụ mục đích xây dựng
các dự án giao thông, nhiều cây xanh đã bị chặt hạ đồng loạt, dẫn đến tình
trạng môi trường tại Hà Nội trở nên xuống cấp trầm trọng.
Năm 2015, Hà
Nội nhận một bài học đắt giá từ việc chặt hạ đồng loạt cây xanh trên nhiều
tuyến đường, đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Trãi (với danh nghĩa phục vụ xây
dựng dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông). Hậu quả của việc này
đối với môi trường và sức khỏe của người dân là vô cùng to lớn: Hà Nội đã có
một mùa hè nắng nóng kỷ lục trong hơn 40 năm qua, bởi số lượng cây xanh và độ
che phủ bóng cây giảm đi đáng kể, bên cạnh hiệu ứng bê tông hóa đô thị. Thêm
vào đó, tình trạng ô nhiễm không khí, khói bụi tại Hà Nội đã ở mức báo động.
Chỉ tính riêng mùa hè năm 2015, số ca nhập viện vì các bệnh hô hấp, tim mạch
tăng lên đáng kể, đặc biệt là đã có hai ca tử vong do say nắng ngoài đường.
Mức độ ô
nhiễm không khí tại Hà Nội đã ở mức báo động đỏ (khẩn cấp). Số trẻ em mắc bệnh
đường hô hấp tăng đột biến vượt khả năng khám chữa của bệnh viện nhi các tuyến
vào tất cả những dịp giao mùa. Theo số liệu nghiên cứu gần đây, số người mắc
các bệnh hô hấp tại Hà Nội phải nhập viện tăng gấp đôi so với tp HCM, và TP Hà
Nội đã ô nhiễm hơn TP HCM mặc dù số lượng phương tiện giao thông hơn ít hơn.
Điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ ô nhiễm trầm trọng và
thiếu cây xanh.
Chúng tôi
xin nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ môi
trường, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là những cam kết tại Hội nghị
COP21 vừa qua tại Paris. Do vậy, Chính phủ Việt Nam nói chung và chính quyền
các địa phương nói riêng, trong trường hợp chúng tôi đề cập ở đây là Hà Nội,
cần có những biện pháp bảo vệ môi trường, phòng chống các tác động tiêu cực của
công cuộc phát triển đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Với tất cả
những gì đã trình bày ở trên, chúng tôi yêu cầu chính quyền TP Hà Nội cho rà
soát lại thiết kế dự án đường sắt, lấy ý kiến của các chuyên gia xây dựng,
thiết kế, môi trường... cũng như ý kiến của người dân!
Chúng tôi
cũng đề nghị các vị đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội - hãy tác
động tới phía Chính quyền Hà Nội để họ có những giải pháp hài hòa trong việc
xây dựng và phát triển đô thị, gắn với bảo vệ môi trường: Bảo vệ hàng cây xà cừ
trên đường Kim Mã, đoạn qua hồ Thủ Lệ, đánh giá lại và có phương án xây dựng
khác để không phải chặt hạ hay dịch chuyển bất cứ cây nào. Những cây xà cừ cổ
thụ cần phải được bảo vệ nguyên vẹn, không hợp với việc dịch chuyển, và khu vực
Thủ lệ không thể vắng bóng cây xanh.
Trong số
chúng ta, nhiều người đã rất giàu có, có thể mua tất cả những thứ đắt nhất trên
thế giới. Họ nghĩ tiền có thể mua được mọi thứ, nhưng họ đã nhầm, bởi vì, một
khi cây xanh bị chặt phá và môi trường ô nhiễm gây bệnh tật, ung thư... thì
không tiền nào có thể đánh đổi được! Đó là một sự trừng phạt đắt giá! Xin hãy
đừng vì cái lợi trước mắt của dự án mà làm cho cả cộng đồng thành phố hơn 7
triệu dân phải chịu chung số phận sống với ô nhiễm và bệnh tật!
Nhiều người
trong chúng ta chỉ coi cây xanh, các loài khác là đối tượng để khai thác tận
diệt, làm giàu, mà quên rằng, cây xanh và các sinh vật sống cộng sinh với chính
chúng ta. Tàn sát cây xanh và môi trường là tự hủy diệt bản thân.
Vào trung
tuần tháng 12, 2015, một bức thư của người dân Hà Nội với 1200 chữ ký đã được
gửi đến văn phòng UBND TP Hà Nội và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại
chúng, đề nghị Quý lãnh đạo xem xét dùng các biện pháp khác để tránh phải chặt
hàng cây xà cừ cổ thụ. Nhưng cho đến nay, chưa thấy bất kỳ một ý kiến nào từ
chính quyền TP Hà Nội cho thấy là đã tiếp thu ý kiến và chấp nhận phương án để
bảo tồn hàng cây di sản này. Để mất đi hàng cổ thụ cuối cùng dọc tuyến đường
Cầu Giấy-Kim Mã là trách nhiệm của tất cả Bà con, quý ông Chủ tịch và các quý
vị lãnh đạo.
Nếu bức thư
ngỏ này và các yêu cầu của chúng tôi tiếp tục không được xem xét, thực hiện, và
không có quyết định ngăn chặn vĩnh viễn việc chặt phá cổ thụ ở Hà Nội cũng như
các thành phố khác, thì điều này có nghĩa là quý Chủ tịch TP và các quý vị lãnh
đạo đã bội tín Nhân dân chúng tôi.
Xin nhắc với
quý vị một điều, quý vị do Nhân dân sinh thành và cho dù bất kỳ điều gì xảy
đến, quý vị sẽ chịu chung số phận với Nhân dân. Hãy lắng nghe và tôn trọng ý
kiến, nguyện vọng của nhân dân!
Với trách
nhiệm và quyền của công dân, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp phù
hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo vệ không chỉ những cây xà cừ trên đường
Kim Mã, mà bao trùm hơn là môi trường của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói
chung. Bởi Chúng tôi cần một Hà Nội, một Việt Nam phát triển bền vững. Phát
triển giao thông và đô thị Cần phải đi đôi với PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG và bảo vệ
môi trường, gắn liền với môi trường sống xanh – sạch – đẹp và an toàn!
Xin hãy vì
lợi ích cho môi trường, cảnh quan thành phố và sức khỏe toàn cộng đồng!
Xin trân
trọng cảm ơn!