Nam Nguyễn
Thiếu những điều kiện tiên quyết mà Mỹ
từng có trong quá khứ là nguyên nhân cơ bản khiến Trung Quốc chưa thể đạt được
vị thế lãnh đạo thế giới, tạp chí Forbes nhận định.
Sau khi
tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái
Bình Dương (TPP), nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ nhân cơ hội này để tiến
tới lãnh đạo Châu Á, và có thể là cả thế giới.
Đó
là vì, TPP được xem là một phần chiến lược của chính quyền cựu tổng thống Obama
nhằm kiềm chế sức mạnh thương mại của Trung Quốc. Hiệp định này bao gồm nhiều
quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, nhưng Trung Quốc đứng ngoài cuộc.
Với
việc Mỹ rút khỏi TPP và ông Trump tuyên bố triển khai các chính sách bảo hộ
thương mại, như một cách tập trung vào quốc nội theo phương châm "Nước Mỹ
trước hết", vai trò lãnh đạo thương mại toàn cầu của Trung Quốc lại trở
thành tâm điểm của dư luận.
Trái
với Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sẽ không rút lui khỏi toàn cầu hóa và tăng cường
hợp tác với phần còn lại của thế giới.
Bắc
Kinh thúc đẩy toàn cầu hóa không chỉ bằng các thỏa thuận thương mại, như Hiệp
định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mà còn thông qua sáng kiến
"Một vành đai, một con đường" (OBOR), với trọng tâm là xây dựng cơ sở
hạ tầng ở Châu Á và các khu vực khác.
Những
chính sách này sẽ giúp tăng cường sức mạnh kinh tế và thương mại của Trung
Quốc, đồng thời đóng vai trò làm công cụ lan tỏa "sức mạnh mềm" của
nước này.
Trung
Quốc cũng thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) và Quỹ con
đường tơ lụa (SRF) để cấp vốn cho vai trò mới của mình trên đấu trường kinh tế
toàn cầu, những động thái cho thấy rõ tham vọng của quốc gia này.
Nhưng
liệu tất cả điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ hướng đến vị trí siêu cường lãnh
đạo thế giới?Tạp chí Forbes của Mỹ chỉ ra, câu trả lời là không.
Forbes
nhận định trong bài phân tích hôm 2/2 rằng, khoảng trống quyền lực do chính
quyền Donald Trump tạo ra và vị thế kinh tế đi lên của Trung Quốc là chưa đủ để
Bắc Kinh trở thành siêu cường toàn cầu.
Ngay cả khi chính quyền Trump tập trung hơn vào các vấn đề nội địa và xa rời toàn cầu hóa, Trung Quốc vẫn bị cho là thiếu các điều kiện để trở thành một siêu cường (Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Bloomberg) |
Nền kinh tế còn nhiều bất cập
Forbes
đánh giá, mặc dù Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của kinh tế thế giới trong
nhiều năm qua, đầu tiên là "công xưởng của thế giới" và sau đó là
"nước xây cầu đường cho thế giới", năng lực cải cách kinh tế của nước
này vẫn đang bị đặt dấu hỏi.
Khu
vực tài chính của Trung Quốc vẫn kém phát triển hơn nhiều so với phương Tây.
Tốc độ tăng trưởng và hiệu suất kinh tế của họ đang sụt giảm, do cải cách ở khu
vực dịch vụ vẫn tiến triển rất chậm.
Hệ
thống tài chính của Trung Quốc cũng không tạo ra lợi nhuận thực sự ổn định cho
nhà đầu tư. Việc can thiệp thô bạo của chính phủ vào thị trường cũng đe dọa làm
sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc.
Ngoài
ra, theo Forbes, "sức mạnh mềm" lan tỏa và có sức ảnh hưởng vẫn là
chưa đủ để đảm bảo vị thế siêu cường cho một quốc gia. Thế giới vẫn cần kiểm
chứng tính khả thi của các hiệp định kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn.
Việc
cổ súy sức mạnh mềm nhưng không đi kèm các định chế trong nước vững chắc thậm
chí có thể làm suy yếu ảnh hưởng trên toàn cầu của Trung Quốc.
Chẳng
hạn, việc Trung Quốc thiếu năng lực thực thi pháp luật sẽ làm giảm hiệu quả của
OBOR, dẫn đến tình trạng tham nhũng và đình trệ của các dự án. Đặc biệt là
nhiều quốc gia mà nước này đầu tư vào cũng có hệ thống pháp luật lỏng lẻo.
Bên
cạnh đó, các biện pháp kiểm soát vốn ngặt nghèo và thiếu cơ chế tự do hóa tài
chính sẽ cản trở quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (RMB). Điều này khiến
việc cấp vốn cho các dự án toàn cầu bằng RMB trở nên kém hấp dẫn hơn so với
USD.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chưa có được vị thế quốc tế cần thiết cũng như sự thừa nhận từ nhóm các nước phát triển phương Tây như đồng USD (Ảnh: Internet) |
Bài học của Mỹ: Sự thừa nhận của phương Tây là điều
kiện tiên quyết
Cần
lưu ý rằng, vị thế lãnh đạo thế giới không nghiễm nhiên được ban cho những thực
thể kinh tế-chính trị có giao dịch thương mại nhiều nhất hay tốc độ tăng trưởng
nhanh nhất. Nếu theo tiêu chí này thì Nhật Bản đã đạt được vị thế siêu cường
thế giới vào năm 1970 và tương tự là Đài Loan vào năm 1980.
Ở
một chừng mực nào đó, vận may đã góp phần đưa Mỹ trở thành siêu cường toàn cầu
sau Thế chiến II. Phần còn lại của thế giới phát triển, bao gồm Châu Âu và Nhật
Bản khi đó tan hoang do chiến tranh.
Tại
hội nghị ở Bretton Woods, Mỹ vào năm 1944, các lãnh đạo thế giới đã đồng ý neo
tỷ giá hối đoái vào vàng, sau đó vàng được neo vào USD. Kết quả là USD trở
thành đồng tiền quan trọng nhất thế giới, và Mỹ vươn lên vị thế siêu cường.
Xét
về mức sống và trình độ công nghiệp hóa trước Thế chiến, Mỹ chỉ bằng hoặc nhỉnh
hơn Châu Âu, và do đó được xem là "bằng vai phải lứa" với Châu Âu về
kinh tế. Tuy nhiên, chính cơ chế tiền tệ toàn cầu được khởi xướng ở Bretton
Woods đã giúp Mỹ xác lập vị thế lãnh đạo của mình.
Theo
Forbes, Trung Quốc thiếu sự ủng hộ toàn cầu mà Mỹ nhận được sau Thế chiến II,
khi các nước ngầm thừa nhận Mỹ là mỏ neo cho sự ổn định kinh tế thế giới.
Mặc
dù Trung Quốc có được sự thừa nhận tương tự ở Châu Á, cho phép nước này đóng
vai trò làm quốc gia trung tâm trong khu vực, thì các nước phương Tây vẫn cảnh
giác với Bắc Kinh. Bằng chứng là nhiều nước ủng hộ bảo vệ và tiếp
tục xây dựng TPP.
Ngoài
ra, mức sống của Trung Quốc vẫn thua phương Tây và RMB chưa được xem
là đồng tiền quốc tế, những điều kiện tiên quyết để trở thành siêu cường toàn
cầu.
Những
điều kiện trên có thể thay đổi theo thời gian, nhưng Trung Quốc sẽ khó trở
thành "nước Mỹ tiếp theo" trong tương lai gần.
Cho
đến lúc đó, thế giới sẽ chứng kiến một khoảng trống quyền lực mới, chừng nào
não trạng kinh tế-chính trị của các nước phương Tây vẫn còn hướng nội và các
sức mạnh ngoài phương Tây vẫn chưa bứt phá lên được.
theo Trí Thức Trẻ