PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Tròn 30 năm, Tàu Cộng chiếm dải cát Gạc Ma, trong quần đảo Trường Sa.
Tròn 30 năm, 64 chiếm sĩ hải quân Việt Nam giữ Gạc Ma, tay nắm cán lá cờ Tổ quốc
cắm trên cát đảo, tay ghì súng AK nhưng lệnh không cho nổ súng đã phải đưa thân
ra hứng đạn của giặc.
Hằng năm nhắc lại sự kiện đau thương này để mỗi người Việt Nam đinh
ninh trong dạ món nợ đòi lại Gạc Ma.
Hằng năm nhắc lại sự kiện đau thương này để Tổ quốc và người dân Việt
Nam mãi mãi ghi ơn và tưởng nhớ 64 hồn thiêng Việt Nam còn mãi với Gạc Ma, còn
mãi với non nước Việt Nam.
Sau khi đánh chiếm được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, ngày 19.1.1974, thuộc
chủ quyền Việt Nam do nhà nước Việt Nam Cộng hòa quản lí, Tàu Cộng càng ráo riết
đưa tàu chiến, tàu quân sự giả dạng tàu đánh cá lùng sục, nhòm ngó quần đảo Trường
Sa đã thuộc sự quản lí của nhà nước cộng sản Việt Nam. Từ cuối năm 1987, đầu
năm 1988 hoạt động quân sự của Tàu Cộng ở Trường Sa bỗng tăng đột biến.
Tết Canh Ngọ đã cận kề. Thành phố Hải Phòng, nơi Bộ Tư lệnh Hải quân đặt
bản doanh, không khí tết đã chộn rộn trên đường phố. Nhưng trong cuộc họp của Bộ
Tư lệnh Hải quân đánh giá Chiến dịch CQ88 đang triển khai, Tư lệnh quân chủng Hải
quân kiêm Tư lệnh vùng 4 Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương nhắc đi nhắc lại phải
huy động toàn bộ lực lượng ra giữ đảo rồi ông tuyên bố: Không có Tết! Báo động toàn quân chủng! Toàn bộ
cơ quan tác chiến vào Cam Ranh.
Sáng mồng một Tết Canh Ngọ, 1988, Tư lệnh Giáp Văn Cương cùng ban tham
mưu của ông lên ô tô lao vun vút trên đường số 5 ngày tết khá vắng vẻ, vào thẳng
sân bay Gia Lâm, lên máy bay quân sự AN 26 vào Cam Ranh.
CHIẾN DỊCH CQ88, chủ quyền 88, là chiến dịch gấp gáp đưa quân lên giữ một số bãi cát san hô chưa nổi hẳn
khỏi mặt nước biển nhưng giữ vị trí chiến lược quan trọng. CQ88 chạy đua với thời
gian và chạy đua với mưu đồ của Tàu Cộng ăn cướp Trường Sa.
Ngày 26 tháng một, 1988, Việt Nam đưa quân lên giữ bãi cát Tiên Nữ.
Lập tức ngày 31 tháng một, 1988, Tàu Cộng đổ quân lên chiếm bãi cát Chữ
Thập của Việt Nam..
Liên tiếp các ngày 5 tháng hai, ngày 6 tháng hai và ngày 18 tháng hai,
Việt Nam lần lượt đưa quân lên giữ các bãi đá Lát, đá Lớn, đá Đông. Tức thì ngày
18 tháng hai, Tàu Cộng liền đổ quân chiếm bãi Châu Viên và ngày 26 tháng hai, Tàu
Cộng chiếm bãi Ga Ven của Việt Nam.
Ngày 27 tháng hai, hải quân Việt Nam lên giữ bãi cát Tốc Tan thì ngày
28 tháng hai Tàu Cộng đổ quân cướp bãi Huy Gơ của Việt Nam.
Đầu tháng ba năm 1988, Tàu Cộng đưa hạm đội mạnh với 19 tàu uy lực nhất
của Tàu Cộng lúc đó đến Trường Sa gồm: Một khu trục lên lửa. Ba tàu khu trục
trang bị pháo 100 mm có tầm bắn xa trên 10 km và pháo 37 mm có tầm bắn gần 10
km. Bảy tàu hộ vệ tên lửa, Hai tàu hộ vệ pháo. Hai tàu đổ bộ. Ba tàu vận tải. Một
tàu hậu cần kéo theo một pông tông (cầu cảng nổi) lớn. Đó là một hạm đội hỗn hợp
với cả chục chiến hạm tấn công có hỏa lực mạnh, với ba tàu chở quân cùng tàu đổ
bộ và cầu cảng. Tàu Cộng đang ngang nhiên triển khai chiến dịch lớn ăn cướp các
đảo trong quần đảo Trường Sa Việt Nam. Và cụm cát san hô đang nổi lên Gac Ma,
Cô Lin, Len Đao ở chính giữa quần đảo Trường Sa sẽ là mục tiêu của họ.
Chiếm được cụm Gac Ma, Cô Lin, Len Đao họ sẽ tạo được sự liên kết liền
mạch với các đảo đã chiếm được từ trước, tạo thế đứng chân vững chắc ở Trường
Sa, uy hiếp cả quần đảo và khống chế, kiểm soát cả biển Đông rộng lớn của ta
Tình thế diễn biến quá nhanh. Tư lệnh Giáp Văn Cương liền tung hai tàu
vận tải HQ 604, HQ 605 và tàu đổ bộ cổ lỗ HQ 505 ra trấn giữ cụm đảo Gạc Ma, Cô
Lin, Len Đao. Chọn hai tàu vận tải và một tàu độ bộ không vũ trang vì có lệnh từ
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Không được nổ súng. Ba con tàu chỉ chở hàng hậu cần, vật
liệu xây dựng hầm hào, lương thực, thực phẩm cùng một lực lượng chủ yếu là lính
công binh và lính kĩ thuật, gồm: 70 lính công binh của trung đoàn công binh hải
quân 83, 4 cán bộ đo đạc thuộc cục bản đồ bộ Tổng Tham mưu và một đơn vị tác
chiến nhỏ nhoi, 22 lính chiến đấu thuộc lữ đoàn 146 chỉ có súng cá nhân AK và
cơ số đạn cơ bản do lữ đoàn phó, thiếu tá Trần Đức Thông chỉ huy.
Ngày 13 tháng ba
Tàu đổ bộ HQ 505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy đến đảo Cô Lin.
Tàu vận tải loại nhỏ 500 tấn HQ 604 với thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đến đảo
Gac Ma.
Riêng tàu vận tải loại nhỏ 500 tấn HQ 605 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn
chỉ huy đến 6 giờ sáng ngày 14 tháng ba mới tới đảo Len Đao.
Chiều ngày 13 tháng ba, tàu HQ 604 vừa thả neo cạnh Gac Ma thì hai tàu
hộ vệ của Tàu Cộng áp sát gọi loa đòi Việt Nam rút quân khỏi Gạc Ma rồi hai tàu
giặc nối nhau chạy vòng quanh doi cát san hô Gac Ma mong manh như dúm bọt sóng trên
biển.
Trong đêm 13 tháng ba, tốp lính công binh thuộc trung đoàn 83 lặng lẽ
và gấp gáp chuyển vật liệu xây dựng lên Gạc Ma. Hai chiến sĩ của lữ đoàn 146
cũng ôm cờ chủ quyền theo chiến sĩ công binh lên đảo.
Sáng sớm, từ trên đài chỉ huy tàu HQ 604, thiếu tá Trần Đức Thông qua ống
nhòm phát hiện bốn tàu lớn của Tàu Cộng đang hiện rõ dần trong lớp sương mù
trên mặt biển. Thiếu tá Thông liền lệnh cho thiếu úy Trần Văn Phương lấy thêm
hai chiến sĩ nữa vào đảo tăng cường cho tổ giữ cờ. Thiếu úy Phương gọi tên hai
chiến sĩ Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Lanh xách AK xuống bo bo bơi vào đảo.
Khi năm chiến sĩ tổ chủ quyền đang bên lá cờ giữa đảo và hơn hai mươi
chiến sĩ công binh tay sẻng, tay xà beng đang hối hả tạo mặt bằng cho xây dựng
công trình trú quân thì một tàu khu trục, hai tàu hộ vệ tên lửa và một tàu đổ bộ
Tàu Cộng đến gần Gac Ma. Tàu khu trục lớn trang bị 4 khấu pháo 100 mm và 8 khẩu
37 mm dừng lại ở xa, ba tàu còn lại áp sát Gạc Ma. Từ trên tàu đổ bộ, bốn chiếc
xuồng máy đổ bộ được thả xuống biển. Xuồng chở đầy lính Tàu Cộng chạy vào đảo.
Đến chỗ thềm san hô nông, đáy xuồng chạm san hô không chạy được nữa, lính Tàu Cộng
nhảy ào xuống, xông đến chỗ chiến sĩ ta. Và một cuộc thảm sát bi thảm, đau thương
chưa từng có trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt
Nam diễn ra.
Lính Tàu Cộng xô lại cướp lá cờ Việt Nam. Cán cờ đang trong tay thiếu
úy Trần Văn Phương. Cả tổ giữ cờ năm người chỉ có hai khấu AK. Vì lệnh không
cho nổ súng, hai người lính ôm AK cũng một tay kẹp súng, một tay ghì lá cờ.
Lính Tàu Cộng cũng chỉ có súng AK. Nhưng 50 lính Tàu Cộng lên đảo thì 48 tên
mang AK với băng đạn đầy mình. Một tên mang súng ngắn và một tên mang máy thông
tin. Lá cờ bị giằng đi, giật lại, thiếu úy Trần Văn Phương liền quấn lá cờ
quanh người. Không cướp được lá cờ Việt Nam, tên sĩ quan Tàu Cộng cầm súng ngắn
liền nổ súng lên trời như một mệnh lệnh chiến đấu. Lấp tức lũ lính Tàu Cộng chồm
lên, phóng lưỡi lê, xả đạn vào năm người lính giữ cờ Việt Nam. Thiếu úy Trần
Văn Phương bị cả một loạt đạn bắn gần, gục xuống. Binh nhất Nguyễn Văn Lanh bị
lê đâm xuyên qua người.
Trên hòn đảo trống trải chỉ có cát san hô dưới chân. Những người lính
công binh trong tay chỉ có xà beng, cuốc sẻng cũng phải nhận những mũi lê xuyên
thấu ngực và những loạt đạn AK bắn gần vỡ toác trán.
Thảm sát xong những người lính Việt Nam tay không trên đảo Gạc Ma,
lính Tàu Cộng rút về tàu để cho uy lực của những dàn tên lửa và những khẩu pháo
100 mm trên chiến hạm của chúng giải quyết nốt ba con tàu nhỏ bé, cũ nát, không
vũ trang và dội lửa xuống núm cát Gạc Ma để không con người lính Việt Nam nào sống
sót.
Những loạt đạn pháo 100 mm, pháo 76,2 mm, pháo 37 mm, trọng liên 12,7
mm và cả những dàn tên lửa 12 nòng từ trên những tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa
hiện đại của Tàu Cộng xối xả dập xuống HQ 604 và núm cát Gạc Ma. Tàu HQ 604
chìm cùng với sự hi sinh của lữ đoàn phó, thiếu tá Trần Đức Thông, thuyền trưởng,
đại úy Vũ Phi Trừ cùng nhiều thủy thủ của tàu và bốn cán bộ cục bản đồ.
Nhấn chìm HQ 604 và chà xát Gạc Ma xong, pháo và tên lửa Tàu Cộng chuyển
làn sang đánh HQ 505 ở Cô Lin và HQ 605 ở Len Đao.
Cũng sáng 14. 3. 1988, trên tàu HQ 505 ở đảo Cô Lin cách Gạc Ma hơn ba
hải lí. Từ đài chỉ huy thuyền trưởng Vũ Huy Lễ theo dõi ba tàu hộ vệ tên lửa
đang tiến lại Cô Lin. Rồi ba tàu giặc tản ra thành ba mũi lao đến HQ 505.
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vừa lệnh tàu chạy hết công suất lao lên đảo
thì tàu rung lắc đùng đùng và lửa từ khắp con tàu ngùn ngụt bốc lên. Tàu đã bị
trúng đạn từ ba tàu giặc bắn tới. Hai vị trí quan trọng của tàu là máy trưởng
Nguyễn Đại Thắng và tiểu đội trưởng thông tin Nguyễn Duy Hòa đều bị trúng đạn. Hệ
thống điện mất. Máy tàu chết. Liên lạc với sở chỉ huy cũng mất. Từ những vết đạn
vỡ toác xé vỏ tàu, nước biển đang ồng ộc xối vào hầm máy. Bịt lỗ thủng để cứu
tàu khỏi chìm và sửa chữa để máy tàu hoạt động trở lại là hai việc gấp gáp. Tàu
giặc vẫn đang lao tới và bắn xối xả vào tàu. Trong tình thế ngặt nghèo đó, những
người lính tàu HQ 505 đã kịp làm sống lại máy tàu, cho con tàu vỡ toác chồm lên
lao vào đảo. Và nửa con tàu thương tích HQ 505 đã nằm vật xuống, ôm ghì lấy núm
cát Cô Lin. Không đánh chìm được HQ 505 nhỏ nhoi, cổ lỗ, ba tàu hộ vệ tên lửa
hiện đại của Tàu Cộng càng cay cú tới tấp quất đạn vào HQ 505 nhưng HQ 505 đã
trở thành chiến hạm không bao giờ đắm.
Tàu HQ 605 giữ núm cát Len Đao cũng bị quân Tàu Cộng bắn cháy và chìm rạng
sáng 15 tháng ba. Nhưng dường như Tàu Cộng chỉ tập trung đánh chiếm Gạc Ma nên
không đổ quân lên Cô Lin và Len Đao.
Dải cát Gạc Ma mau lẹ rơi vào tay Tàu Cộng vì Tàu Cộng tràn lên cướp đảo,
những người lính Việt Nam giữ đảo chỉ có hai khẩu AK với số đạn ít ỏi trong tay
cũng không được bắn, họ chỉ còn cách lấy sức người giành giật lá cờ chủ quyền với
giặc rồi giơ ngực hứng đạn của giặc, nhận lấy cái chết tan xác, bỏ lại đảo cho
giặc làm chủ. Quân chết, đảo mất vì cái lệnh không cho người lính giữ đảo nổ
súng vào kẻ xâm lược cướp đảo. Đó chính là cái lệnh dâng Gạc Ma cho Tàu Cộng.
Những người lính lấy mạng sống của mình để giữ Gạc Ma nhưng quyền lực nào trước
đó đã dâng Gạc Ma cho Tàu Cộng?
Kẻ dâng Gac Ma cho Tàu Cộng dù là quyền lực nào cũng không thoát được
sự phán xét của lịch sử.
Ngày nay người dân nói tiếng nói của lịch sử Việt Nam, nói tiếng nói của
trái tim Việt Nam yêu nước: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”, người dân xuống
đường lên án Tàu Cộng xâm lược, người dân tập hợp tưởng niệm, ghi ơn những người
lính đã chết trong cuộc chiến đấu giữ Gac Ma, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa đều bị
công an nhà nước cộng sản Việt Nam bắt bớ, tù đày. Cuộc xuống đường lên án Tàu
Cộng cướp Hoàng Sa, Gạc Ma, lễ tưởng niệm Hoàng Sa, Gạc Ma đều bị ngăn cản, phá
đám. Người dân đi tưởng niệm Gac Ma đều bị công an nhà nước cộng sản Việt Nam chặn
cửa không cho ra khỏi nhà!
Một nhà nước đã phản bội giống nòi, chống lại nhân dân, chống lại lịch
sử Việt Nam. Nhà nước đó và những kẻ đang hung hăng chống lại lòng yêu nước của
nhân dân cũng không thoát khỏi sự phán xét của lịch sử!