PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Đất nước bị tàn phá, đào bới, bị các nhóm lợi ích xâu xé tan hoang.
Người dân bị áp bức, bóc lột bởi quá nhiều sắc thuế cao, phí nặng, từ phí hít
thở không khí: phí môi trường, đến phí đi lại: phí BOT. Người dân bị tước đoạt
từ mảnh đất hương hỏa đến những giá trị làm người. Một nền chính trị chỉ để nô
dịch dân, chỉ biết thao túng, dung dưỡng cho đảng cộng sản cầm quyền và bảo kê
cho các nhóm lợi ích làm cho xã hội nhốn nháo, hỗn loạn, bất an. Quyền lực lộng
hành. Công cụ bạo lực nhà nước trở thành kiêu binh nhũng nhiễu, ức hiếp dân. Hiện
thực đó đang diễn ra trên cả nước gần nửa thế kỉ qua chính vì những người đứng
đầu nhà nước cộng sản hầu hết đều không tử tế.
Một ông Thủ tướng hết tuổi làm quan phải rời quyền lực, rời chính trường
về quê nhà tiếp tục cuộc sống vương giả trên đống của chìm của nổi ngồn ngộn vơ
vét được khi làm quan, lúc đó mới lớn giọng tuyên bố về làm người tử tế. Nhưng
kẻ tham lam tàn bạo đó không bao giờ có thể là người tử tế vì trước khi phải rời
quyền lực ông đã trắng trợn ăn cướp quyền lực của dân, ăn cướp chức danh, cương
vực lãnh thổ của nước cho đứa con trai lớn của ông chẳng có tài cán, công trạng
gì cũng sỗ sàng nhảy tót lên ghế quan đầu tỉnh một vùng chiến lược trọng yếu
cũng là một vùng tài nguyên trù phú nhất nước. Chưa thỏa lòng tham, ông còn cướp
chức danh quyền lực của dân của nước cho đứa con trai út vắt mũi chưa sạch cũng
tót lên ghế quan chức hàng tỉnh, cũng sỗ sàng vênh váo ngồi ghế tỉnh ủy viên,
cưỡi cổ thiên hạ.
Một nhà nước ngang nhiên chiếm đoạt hàng trăm ha đất tài nguyên của nước,
thản nhiên ném hàng ngàn tỉ tiền thuế nghèo của dân để xây mả hoành tráng, dựng
bia nghênh ngang cho quan chức nhà nước cộng sản khi chết thì những quan chức
nhà nước cộng sản đó cả đến khi chết cũng không thể là người tử tế.
Là công bộc của dân, hưởng quá nhiều ơn mưa móc của nước, nhận lương
cao, bổng hậu của dân để phục vụ dân, nhưng cả cuộc đời công bộc, các quan chức
nhà nươc cộng sản đã không làm được gì có lợi cho dân cho nước lại chỉ làm những
việc hại dân, hại nước. Du nhập một học thuyết mất tính người, đẩy người dân
vào hận thù. Cả chục triệu dân lành bỏ xác trong những cuộc chiến tranh hận thù
liên miên để mang lại sự thống trị xã hội cho đảng cộng sản. Nắm quyền thống trị
xã hội, quan chức nhà nước cộng sản coi dân chỉ là bầy nô lệ, mặc sức bóc lột,
hà hiếp dân, gây bao đau khổ cho dân. Coi nước chỉ là của riêng của đám quan chức
cấp cao, tùy tiện cắt xén, sang nhượng, cống nạp cho nước khác. Tham lam vơ vét
của công, dốt nát trong quản trị đất nước làm cho đất nước ngày càng tụt lại
sau trên con đường đi tới của xã hội loài người. Tội trạng lớn như vậy mà khi
chết đi còn nghênh ngang mả to bia lớn thì những kẻ đó làm sao có thể là người
tử tế.
Trong một nhà nước, một xã hội mà sự tử tế của quan chức hiếm hoi như
sao ban ngày thì ông Thủ tướng Phan Văn Khải là một ngôi sao ban ngày lẻ loi,
hiếm hoi, một sự tử tế lạc lõng.
Khi làm quan, ngôi sao ban ngày Phan Văn Khải le lói sáng mấy khoảnh
khắc
Trong khi đảng cộng sản cầm quyền giáo điều, xơ cứng trước cuộc sống của
nhân dân, của đất nước, cứ khăng khăng đòi kinh tế nhà nước là chủ đạo, là nền
tảng thì ông Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp cận được cuộc sống chân thực và sôi động
của đất nước đã nhận thức được “kinh tế nhà nước không có hiệu quả thì làm nền
tảng cái gì! Cứ kiểu đó mà nền tảng thì chết, làm sao dân giàu nước mạnh được” Kinh
tế là đồng tiền có được từ mồ hôi nước mắt và dân gian đã đúc kết: Đồng tiền liền
khúc ruột. Mà kinh tế nhà nước là vô chủ, là cha chung không ai khóc. Đầu tư vốn
vào kinh tế nhà nước thực chất chỉ là ném tài nguyên của nước, ném tiền thuế mồ
hôi nước mắt của dân vào túi mấy ông quan nhà nước cộng sản vừa dốt vừa tham được
đảng cử ra đứng đầu doanh nghiệp nhà nuóc.
Với nhận thức rằng hiệu quả kinh doanh của kinh tế nhà nước thua xa hiệu
quả kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo sát sao sửa đổi luật
Doanh nhiệp tư nhân và luật Công ty ban hành trước đó sáu năm thành một luật
chung là Luật Doanh nghiệp, với nguyên tắc mọi tổ chức và công dân có quyền tự
do kinh doanh theo pháp luật. Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã tháo bớt những sợi
dây nhằng nhịt trói buộc kinh tế tư nhân, đưa kinh tế tư nhân từ thân phận là đối
tượng phải cải tạo, phải xóa bỏ, đã trở thành một chủ thể chính danh đường
hoàng, chững chạc trong nền kinh tế đất nước, trở thành một chủ thể để nhà nước
cộng sản phải nhìn nhận và đối thoại. Quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp trở thành quan hệ hợp
tác, cộng đồng trách nhiệm trước yêu cầu chung của sự phát triển đất nước,
không có hàng rào ngăn cách giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp theo kiểu kẻ
trên người dưới, người cầu xin và kẻ ban phát.
Những chủ thể, những thành phần kinh tế đang dần dần trở về đúng vị
trí giá trị của nó. Tỉ trong kinh tế nhà nước đang giảm dần và tỉ lệ nghịch với
tỉ trọng kinh tế tư nhân ngày càng tăng. Nhưng bất lực trước căn bệnh mãn tính
của một nhà nước độc tài đảng trị, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thắng thắn nhìn
nhận: “Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực,
đục khoét của công diễn ra có phần tệ hại hơn mấy năm qua. Trước những việc như
vậy, có phần trách nhiệm của các bộ, của Chính phủ, của cá nhân tôi là người đứng
đầu. Tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân”. Nhận trách nhiệm về
mình, ông xin từ chức trước khi kết thúc nhiệm kì cả một năm trời. Đó là tiếng
nói của một lương tâm, một nhân cách có liêm sỉ. Ngược hẳn với ông Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng kế nhiệm.
Những gì ông Thủ tướng Phan Văn Khải tâm niệm theo đuổi thì ông Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng kế nhiệm làm ngược lại. Để rồi nền móng vững vàng của nền kinh
tế đất nước mà Thủ tướng Phan Văn Khải tạo dựng được đã bị ông Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng kế nhiệm phá tan nát. Những Tổng công ty 91, những tập đoàn kinh tế
nhà nước đã có từ năm 1994. Vốn biết những doanh nghiệp nhà nước chỉ là những
quái vật ngốn tiền ngân sách như rồng hút nước để tạo ra những quan tham nhũng,
ông Phan Văn Khải, đảm trách Thủ tướng từ năm 1997 không đánh động đến những
quái vật đó để nó ngủ yên. Và nền kinh tế Việt Nam thời Thủ tướng Phan Văn Khải
đã bình yên vượt qua được cơn bão táp khủng hoảng tài chính châu Á nổi lên từ
năm 1997.
Kế tiếp ông Khải, trở thành người đứng đầu Chính phủ, ông Dũng lập tức
dựng những con quái vật 91 dậy, dồn của, dồn tiền của dân của nước cho những
con quái 91, những tập đoàn kinh tế nhà nước khổng lồ. Khổng lồ không phải ở sức
mạnh kinh tế. Khổng lồ chỉ ở nguồn tiền, nguồn của mà những quái vật này ngốn.
Khổng lồ ở số tiền thất thoát. Khổng lồ ở sức tàn phá nền kinh tế của những con
quái vật 91. Khổng lồ ở mức độ tham nhũng của những người điều hành những con
quái vật. Quái vật Tập đoàn cộng nghiệp tàu thủy Việt Nam, Vinashin, thất thoát
1100 tỉ đồng. Quái vật Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam để lại số nợ hơn 23.000 tỉ
đồng không thể thu hồi. Những con quái vật đó thực chất chỉ là trạm trung chuyển,
chuyển tiền của dân của nước thành tiền riêng của đám bộ sậu làm kinh tế của
ông Thủ tướng Dũng.
Một trong những cách “làm kinh tế” của thầy trò ông Thủ tướng Dũng ở
Vinashin, Vinalines là mua đồ phế thải của nước ngoài với giá ve chai. Vinashin
mua tàu biển Hoa Sen đã bục đáy. Vinalines mua khối sắt rỉ nát có tên ụ nổi
83M. Đưa đồ ve chai về khai khống lên theo giá của sản phẩm còn xài tốt, tăng gấp
hàng chục lần, lấy tiền chênh lệch chia nhau.
Duy trì được sự ổn định và phát triển của nền kinh tế đất nước, vượt
qua cơn khủng hoảng tài chính đang làm lao đao nhiều nước châu Á nhưng tự nhận
có trách nhiệm trước những tiêu cực xã hội, ông Thủ tướng Phan Văn Khải đã xin
từ chức.
Những tập đoàn kinh tế nhà nước của ông Thủ tướng Dũng làm thất thoát
hết chục ngàn tỉ đồng này đến chục ngàn tỉ đồng khác làm cho ngân khố quốc gia
trống rỗng, phải đi vay nợ khắp thế giới. Mỗi người dân từ đứa trẻ vừa ra đời
đã phải gánh cả ngàn đô la tiền nợ của Chính phủ Thủ tướng Dũng. Kinh tế đất nước
suy sụp. Nhưng khi Quốc hội đòi hỏi ông Thủ tướng Dũng phải chịu trách nhiệm bằng
từ chức thì ông Thủ tướng Dũng đẩy trách nhiệm cho đảng của ông: Tôi làm Thủ tướng
là do đảng phân công và ông lì lợm, cù nhầy không từ chức!
Nhắc lại hai sự việc của hai Chính phủ nối tiếp nhau, Chính phủ Phan
Văn Khải và Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng để thấy sự tử tế và không tử tế.
Cần kể thêm một sự tử tế, một khoảnh khắc le lói sáng của ngôi sao ban
ngày Phan Văn Khải. Đèn sách ở trường bổ túc văn hóa Công Nông, Hà Nội rồi Phan
Văn Khải sang Nga theo học kinh tế ở trường đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov.
Có học, Phan Văn Khải biết trọng dụng trí tuệ, kiến thức. Kế nhiệm Thủ tướng Võ
Văn Kiệt, ông Phan Văn Khải đã nâng Tổ Nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên
thành Ban Nghiên cứu của mình. Chính Ban Nghiên cứu này là nòng cốt viết lại Luật
Doanh nghiệp giải phóng sức sản xuất hùng hậu trong dân. Mọi quyết sách về kinh
tế của Thủ tướng Phan Văn Khải đều có dấu ấn, có trí tuệ của Ban Nghiên cứu với
những trí lự Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương
. .
.
Ban Nghiên cứu với những trí tuệ sáng láng của đất nước, của thời đại
lập tức bị đuổi cổ khi ông Nguyễn Tấn Dũng ngồi vào ghế Thủ tướng. Những triết
học của cuộc sống, những giá trị nhân văn, những qui luật kinh tế ở tầm quá
cao, làm sao ông Thủ tướng được đào tạo nghề y tá ở trong rừng thời chiến tranh
có thể hiểu nổi. Con người của bạo lực cách mạng, Thủ tướng Dũng chỉ tin ở sức
mạnh bạo lực. Kinh tế cũng chỉ là một hình thái của bạo lực đấu tranh giai cấp.
Và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời một viên tướng công an về hưu thay thế trí
lự Ban Nghiên cứu thời Thủ tướng Phan Văn Khải.