16 mars 2018

Kỳ thị người giàu: Ai làm giàu chính đáng?

Xã hội thiếu thiện cảm với người làm giàu không chính đáng, nhưng ranh giới giữa làm giàu chính đáng và không chính đáng rất mong manh.


Chia sẻ quan điểm về câu chuyện xã hội Việt Nam vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với người giàu, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết, không ai phản bác, kỳ thị người làm giàu chân chính, nhưng với những người giàu lên nhờ quan hệ, luồn lách, nhờ chiếm đoạt tài nguyên, lợi ích nhóm... thì người dân kỳ thị là đúng.

Vấn đề ở chỗ, rất khó phân biệt được người làm giàu chân chính với làm giàu không chân chính khi ranh giới giữa hai kiểu làm giàu này rất mong manh.



Làm thương mại mấy chục năm, ông Phú biết rằng, con người ta không thể giàu nhanh được, trái lại, phải nhặt từng đồng cắc một. Ai giàu nhanh chỉ có trốn thuế, buôn đất, dựa vào quan hệ...
Đoàn siêu xe của các đại gia trong một lần diễu hành trên đường phố Đà Nẵng. Ảnh: NLĐ


"Con người ta ai cũng thích giàu, đó là nhu cầu chính đáng, chỉ là do lực bất tòng tâm hoặc có người không chấp nhận làm việc trái lương tâm, trái pháp luật. Với họ, phải giàu bằng tài năng, trí tuệ, còn nếu giàu bằng những con đường không chân chính thì không chấp nhận được.

Vì sao người dân ghét người giàu? Đó là vì giàu do chiếm đoạt, do tham nhũng... nhiều quá, lấn át hết những người giàu chân chính.

Như ở Sài Gòn có những quán cơm 2.000 đồng, bình nước bên đường miễn phí, sinh viên tìm đến khách sạn gom thức ăn cho người nghèo... Nhưng số đó vẫn còn rất ít, giống như số người giàu chân chính. Họ bị lạc lõng trong những người làm giàu bằng con đường không chính đáng. 

Bởi cái xám nhiều hơn cái hồng nên nhiều khi người ta ghét chung hết cả.

Thế nhưng với người giàu tha hóa, họ đâu có quan tâm đến thái độ của xã hội đối với họ như thế nào. Họ đã bất chấp luật pháp, bất chấp đạo đức để làm giàu, vậy thì họ cũng bất chấp dư luận và sẽ tìm cách để giàu hơn nữa", ông Vũ Vinh Phú phân tích.

Từ kinh nghiệm nhiều năm làm thương mại, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, ranh giới giữa nhà buôn chân chính với gian thương là sợi chỉ rất mỏng manh. Nghiên cứu của Đại học Fulbright cho thấy quy mô nền kinh tế ngầm Việt Nam hiện chiếm 25-30% GDP. Dĩ nhiên, trong kinh tế ngầm có những cái chưa thống kê được, nhưng ông tin rằng có buôn lậu, gian lận thương mại rất lớn.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nếu không dựa vào quan hệ thì không thể giàu lên nhanh được. ây chính là thực tế đau lòng ở Việt Nam mà ông Phú cho rằng cần phải có hướng xử lý kịp thời.

"Một mặt chúng ta khuyến khích những người làm giàu chính đáng, mặt khác đả phá những người làm giàu không chính đáng và kiên quyết xử lý để ngăn chặn và giảm bớt...

Muốn loại bỏ thì phải thế nào? Ở Việt Nam bấy lâu nay kê khai tài sản xong rồi đút ngăn kéo, khi nào có việc mới lôi ra. Lại có đề xuất: nếu phát hiện quan chức kê khai tài sản không trung thực thì truy thu 45% tài sản, vậy có khác nào hợp thức hóa cho tham nhũng? Sao lại tính như thuế thu nhập doanh nghiệp cho người đi buôn?

Rồi mới đây, ngành thanh tra tuyên bố sẽ kiểm soát tài sản của khoảng 6.000 đối tượng thuộc diện người đứng đầu, phải chăng do nhiều quá, anh không quản nổi nên phải khoanh dần lại?

Chúng ta bàn mãi về chống tham nhũng, kê khai tài sản nhưng có những thứ rất đơn giản thì chẳng thấy làm. Ở các nước, tất cả phải qua séc, chuyển khoản, khi tài khoản có biến động lập tức cơ quan chức năng có thể nắm bắt được", ông Vũ Vinh Phú đặt câu hỏi.


Thành Luân

http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/ky-thi-nguoi-giau-ai-lam-giau-chinh-dang-3354387/