18 mars 2018

TRÊN ĐỒI CAO GIỮA MÂY TRỜI LỘNG GIÓ


Tương Lai


Ngôi mộ tướng 
Cao Văn Khánh
Đứng bên mộ anh mà cứ muốn ngước lên bầu trời khoáng đạt với những dải mây trắng trôi nhanh cuốn theo chiều gió để miên man những hoài niệm giằng xé trong đầu. Và rồi như vẫn văng vẳng dư âm giọng nói hào sảng và xúc động ca tướng Lê Trọng Tấn năm nao trong giây phút tiễn đưa người bạn chiến đấu của mình về cõi vĩnh hằng: “Anh Khánh ơi, anh nằm đây giữa ngọn đồi trong khung cảnh quá thân quen: trước mặt là núi Tản Viên, kia là Đại Bục, Đại Phác đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta, kia là Tu Vũ bên bờ sông Đà, trận công kiên chiến mở đầu cho giai đoạn mới. Anh đang bên cạnh đồng đội của mình như những ngày chiến đấu năm xưa của chúng ta”. 


Giọng vị Tổng Tham mưu trưởng bỗng chùng xuống. Tôi hiểu rằng ông đang xúc động nhớ đến người Phó của mình trong chiến dịch Sông Thao 1947, “chiến dịch đánh lớn đầu tiên” mà ông là Tư lệnh chiến dịch và Cao Văn Khánh, Khu trưởng Khu V vừa được điều ra Việt Bắc làm Phó Tư lệnh, cho đến mãi sau này khi ông là Tổng Tham Mưu trưởng và Cao Văn Khánh là Tổng tham mưu phó họ là hai vị tướng chiến trường gắn bó với nhau tâm đầu ý hợp suốt nửa thế kỷ.

Thế rồi hôm nay, đứng bên mộ anh phủ đầy hoa mà lòng tôi quặn thắt. Bất giác, tôi nắm chặt tay chị Toản tôi đang đứng cạnh, thầm lặng sẻ chia niềm suy nghĩ đồng tình và đồng điệu với quyết định sáng suốt của Ch. “Khi anh ấy còn sống, anh ấy là người của quân đội, nay anh ấy mất, anh ấy là của tôi”, chị dõng dạc trong dòng nước mắt trả lời về nơi an nghỉ của chồng mình, “vị tướng mà tôi chưa bao giờ thấy đeo một tấm huân chương” như nhận xét của nhà văn Phạm Phú Bằng * [tr.14].

Phải hiểu thấu nỗi đau tột cùng của người vợ từng đêm đêm giật thột nghĩ về những hiểm nguy mà chồng mình đang phải đương đầu nơi chiến trường ác liệt mà tính mệnh chỉ là trò chơi súc sắc của số phận trong đằng đẵng mấy chục năm trời mới thấy hết sức nặng của những lời vừa thốt ra ấy.

Đọc cuốn sách “Tướng Cao Văn Khánh”(*) do Cao   Bảo Vân viết về cha mình, người đọc sẽ có dịp hiểu thêm về sự đóng góp lớn lao của một bộ óc chiến lược, một trái tim yêu nước thiết tha, một bản lĩnh trí thức tầm cỡ trong tính cách một vị tướng chiến trường, tôi thật sự xúc động và cảm phục nhân cách và sự nghiệp của anh tôi. Song, tôi lại thấm thía được rằng, trong chiến tranh, đặc biệt các cuộc chiến kéo dài thì sự hy sinh và chịu đựng của người phụ nữ cũng thật là lớn lao, và đứng từ một góc nhìn khác, thì sư chịu đựng đó còn nặng nề hơn gấp nhiều lần người đang đối diện với cái chết nơi chiến trường. Nhận thức được điều đó, tôi càng hiểu thêm chiều sâu thẳm của người nữ trí thức ấy, và cũng do đó mà thấy ra được tầm vóc của một quyết định vào thời điểm ấy. Không chỉ thế, nếu từ một hướng tiếp cận khác, ở đây có ý nghĩa như một biểu tượng của sự đột phá vượt khỏi những hàng rào vô hình trói buộc sức nghĩ, sức cảm của những bản lĩnh dám tự khẳng định mình.

Để làm dịu bớt sự căng thẳng không cần thiết, chị tôi viện dẫn đến phong tục Huế qua lời căn dặn của Mẹ chúng tôi để từ chối ông tướng Phùng Thế Tài, trưởng ban tang lễ, khi ông long trọng công b quyết định qua giọng nói pha chút ân huệ bề “trên” đã đồng ý “để” anh Khánh tại Nghĩa trang Mai Dịch. Bằng một cảm quan nhân ái, mà tôi nghĩ rằng có lẽ, hoặc dường như là thiên phú, chị tôi đã từ chối cái “ân huệ” mà người ta tưởng là mọi “thần dân” đều thành kính hân hoan đón nhận. Điều mà ngót nửa thế kỷ người dân đã được giáo huấn để thấm nhuần theo cách được “thuần hóa” vật nuôi! Thế rồi, vượt qua được áp lực vừa hữu hình vừa vô hình đó, chị tôi quyết định chôn cất chồng mình tại nghĩa trang Yên Kỳ trên đồi Bất Bạt lộng gió mà hôm nay tôi đứng đây. Một ý nghĩ bt dậy trong tôi: phải viết một cái gì đấy về quyết định nói trên để qua đó mà gửi gấm những suy tư về thế cuộc, rộng hơn, về cuộc sống mà tôi chắt chiu vun vén gần trọn một đời người.

Vì lẽ gì và do đâu mà chị tôi có được sự thản nhiên khi vượt qua những áp lực từng đè nặng trên thân phận con người, con người Việt Nam chúng ta nói chung và con người riêng tư của chúng tôi. Muốn lý giải cái cảm quan mà tôi nghĩ rằng dường như là thiên phú đó, có lẽ phải ngoái nhìn lại những chặng đường quanh co của lịch sử mà anh chị của chúng tôi đã trải qua, mà với bài này, chỉ có thể gợi lên đôi nét ghi nhanh về chị tôi năm nay đã bước vào tuổi 89.


Chị Ngọc Toản năm 2016
 và năm 1950
Lùi lại buổi thiếu thời với tuổi mười lăm, cô thiếu nữ tuổi học trò cố thuyết phục mẹ để gia nhập vào đội cứu thương chỉ một tháng sau Cách mạng Tháng Tám 1945 với mơ ước sẽ được cầm súng đánh giặc. Mãi không được gọi đi chiến đấu đã cùng với cô bạn thân nhảy lên tàu hỏa vào nam để được cầm súng, đến Quảng Ngãi thì bị đuổi về. *[tr.106] Từ buổi khởi đầu ấy cho đến khi tuổi đã gần 90, sau những chuyến đi dài đến những nơi nhiều nạn nhân chất độc da cam nhất trên cả nước từ bắc vào nam, không ngại ngần bay sang Mỹ, sang Pháp để tìm gặp những nhà khoa học nước ngoài đang quan tâm đến vấn đề này nhằm tìm thêm luận cứ cho vụ kiện quốc tế về vấn đề hóc búa này. Không nề hà về sức khỏe và tuổi tác vẫn miệt mài trong nghiên cứu và tổ chức việc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam không chỉ riêng ở Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua, cho thấy sự nhất quán trong một tính cách, sự lắng đọng của một bản lĩnh, sự tỏa sáng của một tâm hồn.

Tích cách ấy được tôi luyện trong ngọn lửa chiến đấu, bản lĩnh ấy được hun đúc thêm trong sức chịu đựng nỗi lo thường trực giằng xé trái tim mình về những nguy hiểm của chồng luôn có mặt tại những chiến trường ác liệt nhất. Giọt nước mắt thương cảm và lo lắng đó dù có lúc không ngăn được phải chảy ngược vào trong để giữ được sự bình thản trước mặt con nhằm trấn an chúng. Ngoài việc thay chồng nuôi dạy con giống như mọi người vợ, người mẹ khác, chị tôi còn phải tự chiến đấu vượt qua những định kiến dai dẳng một cách khủng khiếp mà không cần đến bất cứ một sự “chiếu cố” nào về thành phần, lý lịch của chính mình và của chồng mình, một vị tướng chiến lược tài ba, từng có mặt tại những vị trí xung yếu, nóng bỏng nhất của chiến trường từ trung, vào nam, ra bắc với quân hàm đại tá suốt 26 năm! Tôi vẫn không sao quên đưc nét mặt thản nhiên trong ánh mắt lặng băng nhìn người ta vội vã đến nhà thêm một ngôi sao lên cầu vai thiếu tướng của anh tôi để chụp hình “Trung tướng Cao Văn Khánh”...kịp treo lên trong lễ tang!

Vâng, để giữ được đúng nghi thức lễ tang cho một người vừa nằm xuống, lần này thì tuyệt đối nằm xuống, sau một đoạn đường dài chiến trận trên các chiến trường ác liệt và hào hung nhất mà nhiều trang sách lịch sử quân đội lảng tránh nhắc đến hay cố tình quên đi.

Tôi đọc thấy trong ánh mắt của chị tôi sự kìm nén của những cơn sóng trào từng dìm sâu vào trong tim sức cháy bỏng của tình yêu, sự tự trọng, đức hy sinh và lòng phẫn nộ. Vừa rồi, tôi lại có dịp để hiểu sâu thêm về ánh mắt ấy qua đoạn ghi lại lời của tướng Đoàn Huyên trong cuốn sách “Tướng Cao Văn Khánh” của con gái ông: “Chú Đoàn Huyên (thiếu tướng Cục trưởng Cục Khoa học  Quân sự Bộ Tổng Tham mưu, thành viên Ban Biên soạn Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam từ tháng 10.năm 1989) một hôm bức xúc đến kể cho mẹ tôi : “Đến khâu xét duyệt bản thảo, ông M (một thủ trưởng chính trị) cầm cây bút, cứ thấy tên anh Khánh ở đâu là gạch. Vì họ đặt tiêu chuẩn đưa vào Từ điển phải là những người vào Đảng từ những năm 1930, và cả yếu tố “thành phần” nữa. Tôi phải nói anh Cao Văn Khánh mà các anh còn không đưa vào Từ điển thì tôi xin ra khỏi Ban.* [tr.17]

Ba chị em tôi bên mộ
anh Khánh:
Ngọc Toản, Ngọc Trai,
Tương Lai
Cháu tôi thuật lại trong tác phẩm viết về cha mình: “Có cuốn hồi ký dày đến 600 trang của một vị Tư lệnh quán triệt “bản chất công nông” đã không nhắc tên người Phó Tư lệnh trí thức đến một lần. Người ta có thể viết cả một cuốn sách về một trận đánh quan trọng nhưng bỏ tên người chỉ huy. Có những “tác phẩm” lại gắn vai trò chiến dịch cho một vị tướng không hề tham gia chiến dịch đó. Có những tài liệu tôi phải tìm bằng được ấn bản đầu tiên chỉ để bổ sung một cái tên đã bị lược bỏ đi trong các lần tái bản. Sở dĩ phải làm thế vì ba tôi là một con người trung thực đến tận cùng những suy nghĩ, lời nói và đức tin của mình. Nên tôi muốn chi tiết nào cũng phải chính xác như nó đã xảy ra để tỏ sự tôn trọng tinh thần và vong linh ông”.*[tr..20] 

Hình như lường trước được những chuyện đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có lần mời chị Toản đến nhà. Cháu Bảo Vân thuật lại: “Cô Bích Hà gọi cho mẹ tôi: “Toản lên nhà đi, anh Văn muốn gặp Toản”. Găp mẹ tôi, ông có vẻ buồn, trầm ngâm nói “Mình nhớ Khánh quá! Toản phải viết sách về Khánh đi để mình ghi đề tựa cho”! * [tr 14].  Sau đó mấy dòng cháu tôi viết: “Ở gần tuổi 90, mẹ tôi-người bác sĩ sản khoa vẫn lăn lộn mọi miền với với phụ nữ, trẻ em bị di chứng chất độc da cam, hết lòng bù đắp cho những nạn nhân bé nhỏ của chiến tranh và cũng bởi làm như vậy, bà thấy được gần ông hơn. Một lần từ Sài Gòn ra thăm, thấy nửa đêm mẹ dậy chong đèn, nước mắt lã chã rơi trên xấp thư cũ đã thuộc lòng từng dấu chấm phẩy, tôi hiểu long bà chưa yên với quá nhiều tâm sự cuộc đời chưa nói được ra”. .2 Trong xấp thư đó chắc có bức thư gửi từ chiến trường Tây Nguyên “Các con có lẽ rồi cũng quen không có ba. Em phải đọc thư anh cho con để nó không quên ba” [tr. 19] và chắc chắn có bức thư của “cái buổi ban đầu” trải lòng của vị tướng giúp khắc họa tính cách của vợ mình: “Anh yêu em vì anh đã trọng em. Em thích một cuộc đời hoạt động thích hợp với bầu máu nóng của thanh niên, em sẽ được sống cuộc đời đó”. * [tr.316]. Mà đâu chỉ có bầu máu nóng thanh niên. Khi chồng nằm xuống, chị tôi quyết đinh xin đi châu Phi làm việc để có thêm điều kiện tài chính nuôi dạy các con. Với người thiếu phụ mảnh mai chân yếu tay mềm, đó không hề là chuyện dễ!

Quả thật chọn nơi yên nghỉ cho người vừa nằm xung như thế nào biểu thị một thái độ sống, một ứng xử với cuộc đời của người thiếu phụ có dáng vẻ mảnh mai trong tầm vóc của một bản lĩnh trí thức qua những thử thách nghiệt ngã để làm dạn dày thêm cốt cách bẩm sinh. Thế rồi, mấy năm sau, khi mà anh tôi, theo cách nói dân gian, đã “mồ yên mả đẹp”, thì với một thiện ý của những người lãnh đạo quân đội vốn thân thiết và quý mến người bạn chiến đấu của mình đã lại thuyết phục chị Toản nên chấp nhận để “đưa anh Khánh về Mai Dịch cho đúng vị trí của anh”. Chị tôi nhắc lại ý đã nói trước đây “Khi anh Khánh sống là của các anh, bây giờ anh ấy thành tro bụi là của tôi. Người tốt để đâu cũng tốt. Người xấu chôn đâu cũng xấu. Theo phong tục quê tôi, đã chết là đào sâu chôn chặt… Hãy để cho anh Khánh yên nghỉ nơi chúng tôi đã an táng”!

Vài năm sau, nhân lúc tu sửa mộ, bà thay luôn tấm bia. Bỏ hết quân hàm, chức tước liết kê kín tấm bia trước, trên bia mới bà chỉ cho ghi mấy chữ: “Tướng Cao Văn Khánh, quê quán: Huế. 1/5/1917-3/10.1980”. Bà bảo ông ra đi cứu nước khi không tham gia đảng phái nào, ông chiến đấu vì tổ quốc vì nhân dân, nay ông về với cát bụi cũng nên giữ nguyên tinh thần đó. Trung tướng Lê Hai, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, là người đầu tiên phát hiện sự thay đổi. Đi thăm mộ về, sang thăm bà: “Đúng là khẩu khí của bà Toản”, ông trầm trồ * [tr.34].

Thật ra thì vào những năm 80, được chôn cất tại nghĩa trang Mai Dịch là một vinh dự, hơn thế, một ân huệ được “trên” ban cho. Thuật ngữ “trên” được sử dụng ở đây hàm nghĩa “lãnh đạo đảng và nhà nước”. Và hài hước cũng là ở chỗ đó. Sự hài hước đạt đến dạng lố bịch và tồi tệ khi dư luận xã hội sục sôi về cái quyết định chi mười bốn ngàn tỷ cho việc xây dựng nghĩa trang cán bộ cao cấp vào lúc mà đời sống của dân đang gặp muôn vàn khó khăn.

Xem ra sự tha hóa quyền lực đã làm nảy nòi ra những thói tc được sơn phết lại một cách cẩu thả, dựng dậy những nghi thức của một thời tưởng đã lùi sâu vào dĩ vãng để ve vuốt những đầu óc đã phủ rêu. Muốn níu kéo những gì đã bị bụi thời gian phủ kín sẽ là kệch cỡm khi mà cuộc sống lại đang đặt ra những đòi hỏi bức xúc hơn, thiết thực hơn. Khi quyền lực bị tha hóa, đặc biệt là trong chế độ toàn trị phản dân chủ tự trao cho mình những quyền năng đứng trên Hiến pháp, chà đạp Luật pháp thì bộ máy tuyên truyền phải ra sức tô son điểm phấn, vẽ rồng thêu phượng trên những cái áo hoàng bào hiện đại kích cỡ hoàng đế Tập Cận Bình, để “thiêng liêng hóa” cái “trên” tệ hại đó!

Thì chẳng phải bộ máy này được tạo ra để làm sao ngăn chặn điều mà cụ K. Marx từng nói “để cho những người đã chết chôn cất những người chết của mình” nên phải “buộc cái bóng ma của nó lang thang một lần nữa” đó sao?  Phải làm như vậy vì chúng cần “tự đánh lừa mình về cái nội dung của chính mình bởi lẽ chúng không thể “tìm được nguồn hứng khởi cho mình ở tương lai”  như Marx đã lý giải. Họ chỉ có thể tụng niệm cái qúa khứ đã một đi không trở lại để tự trấn an mình và ru ngủ những người nhẹ dạ, cả tin mà họ cần để làm bệ đỡ cho cái ghế quyền lực thối nát và rệu rã của mình. Tôi chợt nhớ đến cái ý tưởng độc đáo và không kém phần “nổi loạn” của Bertolt Brecht, một người Macxít trung kiên, kịch tác gia có ảnh hưởng lớn của Đức và thế giới nửa đầu thế kỷ XX từng đòi phải “Giải tán nhân dân/Và bầu một nhân dân khác” [Bài “Giải pháp” viết năm 1953].

Cái bức tường khủng khiếp của những định kiến, những áp đặt, những lừa mị được phủ một lớp sơn hào nhoáng của sự sùng bái cá nhân,mỉa mai thay, cũng do chính những nạn nhân của chúng xây nên. Cũng một người Đức khác, nhà xã hội học Berger đã từng lưu ý đến điều đó. Thật thâm thúy và cay đắng khi ông viết “chúng ta bị giam cầm với chính sự hợp tác của chúng ta”! Sự giam cầm đáng sợ nhất là giam cầm tư tưởng. Và rồi với thời gian người ta buộc phải thích nghi để quen dần và đắm chìm trong sự tăm tối ngột ngạt của sự giam cầm đó.

Và tôi hiểu rằng, để đập vỡ bức tường khủng khiếp ấy thì có lẽ không thể chỉ dùng búa, dùng xà beng như người dân Berlin năm 1990. Đập vỡ bức tường tư tưởng dựng lên quá lâu từng rêu phong bụi bám tầng tầng, lớp lớp khiến cho nó tuy mục ruỗng song vẫn trì kéo sự cáo chung chưa chừng còn khó hơn việc người Đức đã làm cách nay gần ba thập kỷ! Chính vào lúc “Bức tường Berlin” sụp đổ đánh dấu sự cáo chung của “Hệ thống XHCN” ở Liên Xô và Đông Âu thì những đầu óc thiển cận, giáo điều với cách tư duy “mất Đảng còn nguy hơn mất nước” đã dại dột chui vào cái thòng lọng Thành Đô do Đảng Cộng sản Trung Quốc căng ra để níu kéo sự sụp đổ của một ý thức hệ lạc hậu từng kìm hãm sự phát triển của đất nước. Thực ra thì toan tính thâm độc của lũ bành trướng đã được chuẩn bị từ lâu.

Từ trước đây, sau “Chiến dịch biên giới” phá thế cô lập, mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ quốc tế, cùng với vũ khí, các cố vấn Trung Quốc cũng tràn sang Việt Nam ngày càng nhiều, về lâu dài, đấy là một thảm họa của nguy cớ “Bắc thuộc lần thứ hai” mà bốn mươi năm sau Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo. Anh Việt Phương có đưa cho tôi một ghi chép “Những kỷ niệm về Bác Hồ” của anh Hoàng Tùng. Nhân dịp gặp anh Hoàng Tùng vào năm 2005, tôi có hỏi thì anh Tùng xác nhận đó là một ghi chép chưa hoàn chỉnh, ý tứ chính trong nôi dung ghi chép ấy thì đúng như vậy. Tôi đọc thấy trong đó những dòng sau đây liên quan đến vấn đề sư kiện năm 1950 vừa viết: “thâm ý của Trung Quốc là muốn sửa ta…Việc đầu tiên là sửa quân đội đã. Họ sửa cả Đảng trong quân đội nên mới lập ra chức chính ủy. Chính ủy là người bao trùm lên tư lệnh, chứ không phải tư lệnh là người quyết định. Lập ra chính ủy là để xác định vị trí của Đảng mà việc đầu tiên là nhằm vào ông Giáp, vì ông Giáp xuất thân từ trí thức…Có người đưa cho đoàn cố vấn một danh sách cán bộ trong quân đôi xuất thân gia đình không phải là công nông định để gạt ra khỏi quân đội…Ông Giáp đưa danh sách đó cho Bác, Bác bảo đốt ngay đi, thay bằng ấy người thì quân đôi không còn cán bộ”.


Cao Văn Khánh từ chiến
 trường ra báo cáo với 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và 
Bộ Chính tri cuối năm 
1967 về tình hình 
chiến sự miền Nam
Ở một đoạn khác, anh Hoàng Tùng viết về việc năm 1952 đoàn cố vấn Trung Quốc sang trực tiếp chỉ đao thực hành cái cách ruộng đất: “Họ thẳng tay bỏ hết, trong đó mấy ngàn người bị xử tử…Bao nhiêu nhân sĩ Bác lôi kéo, tranh thủ sau đó phải gạt hết, có những người còn bị đấu tố nữa… Mục đích của họ không phải là cải cách ruộng đất mà là đánh vào đảng ta. May mà đến năm 1956 ta kịp dừng lại, nếu không thì tan nát hết”!

Phải trở lại những toan tính lâu dài của Trung Quốc ngay từ những bước đầu tiên “các cố vấn” đặt chân lên đất nước ta với những gì họ đã làm, mới hiểu rõ những tai họa mà dân tộc ta phải gánh chịu, trong đó, trước hết là những trí thức đã dấn thân vì nghĩa lớn với tinh thần cứu nước cứu dân khi sơn hà nguy biến như Cao Văn Khánh, Nguyễn Ngọc Toản và biết bao đồng chí đồng đội của họ với những bầm giập của “thân phận trí thức”, của thành phần lý lịch không xuất thân công nông. Hệ lụy lâu dài và sẽ còn dai dẳng như những gì đang phơi bày khi một bộ phận tinh hoa của đất nước bị vùi dập, bị định kiến và gạt bỏ.

Những bước thăng trầm của lịch sử chống lại họa phương Bắc dường như được lặp lại qua hệ thống cố vấn, lũ hậu duệ cùng một mưu toan thâm độc với cha ông chúng xưa kia! Xâm lược để đặt ách cai trị thì phải tiêu diệt tinh thần dân tộc, ý chí quật cường được hun đúc trong văn hóa truyền thông, tận diệt hiền tài, bộ phận tinh hoa của đất nước ấy,  cho nên: “Một  khi binh lính vào nước Nam thì…hết thảy mọi sách vở văn tự cho đến những loại ca lý dân gian hay sách dạy trẻ nhỏ…một mảnh một chữ đều phải đốt hết…Phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều gìn giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ chớ để còn…”. Sắc chỉ của Minh Thành Tổ ngày 21.8.1406 gửi tướng viễn chinh Chu Năng viết rõ như vậy đấy. Kẻ xâm lược truyền kiếp của  nước liền kề bao đời khó khuất phục này không mong gì hơn cái thảm trạng diễn ra ngay trong chính sự của nước đó như Đại Việt Sử Ký toàn thư, Kỷ nhà Lê dẫn ra trong bài “Trung Hưng Ký”: “Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn, người hiền phải bó cánh... Bậc túc nho thì đẩy vào chỗ nhàn, phường dốt đặc thì ồn ào như đàn ong nổi dậy, như chó chuột nhe răng…Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nhà nước mà im ắng tựa cỏ khô. Bọn xiểm nịnh được tin dùng, kẻ đao bút được tiến cử”! [NXBKHXH. 1998, Tập II, tr.384-385]

Không chủ ý làm chuyện “ôn cố tri tân” nhưng tôi bỗng giật mình. Chẳng lẽ lịch sử lại oái oăm đến thế. Những điều Đại Việt Sử ký toàn thư chép về thế kỷ XV mà cứ như các sử gia thế kỷ XV ấy đang được trang bị loại công cụ của công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR) để chiếu rọi và miêu tả về những gì đang diễn ra hôm nay, xấu hổ, ngột ngạt chẳng muốn kể ra nữa!  May thay, có tiếng gõ cửa, nhân viên bưu điện đến trao gói bưu phẩm từ Hà Nội. Một cảm giác nhẹ nhõm và thư thái bởi ánh mắt lễ phép và cởi mở rất văn hóa của chàng trai chuyển bưu phẩm. Mở ra, cuốn sách mới in còn thơm mùi mực : “Để Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, mạnh mẽ hơn” của Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA với bức thư của hai ông Nguyễn Mạnh Can, Chủ tịch và Ts Minh Đường, Viện trưởng gửi Lãnh đạo cùng các nhà Trí thức và Doanh nhân. Ở đó đã nổi lên một ý tưởng rất rõ nét về thực trạng đất nước chủ yếu là do: “Chính thể cầm quyền gắn với mô hình mệnh lênh không thu hút và không phát triển được tầng lớp tinh hoa mới ở ngay trong hệ thống cầm quyền và trong xã hội kể từ cơ sở đến trung ương…”.

Chập chờn trong óc tôi những hình ảnh của một lịch sử gần và một lịch sử xa lồng vào nhau trong mối ưu tư của những hoài niệm. Những bước chầm chậm của lịch sử xa đã giúp làm sáng tỏ những nguyên lý lịch sử mà trong cuốn sách xuất bản mấy năm trước đây khi viết về “sự kiện” Võ Nguyên Giáp tôi đã cố gắng lý giải. Còn những bước đi vội vã của lịch sử gần lại đang giục giã phải làm sáng tỏ những nghịch lý mà tôi đọc thấy trong cuốn sách “Tướng Cao Văn Khánh” gợi cảm hứng cho bài viết hôm nay về những người từng dám tự khẳng định bản lĩnh, ý chí và mục tiêu đường đời của mình chứ không chịu làm thân phận cây leo tầm gửi và cái giá phải trả cho điều đó. Cái giá cắt cổ phải chấp nhận, không được mặc cả, trong một thị trường hoang dã triền miên những cuộc đấu đá xoay quanh chiếc ghế quyền lực.

Tôi chợt nhớ câu nói của anh Cao Văn Khánh qua lời thuật lại của tác giả cuốn sách: “Anh tôi len lỏi qua dòng người đạp xe như bay về nhà thì cũng vừa gặp ba cũng vừa tới của. Ba có vẻ rất mệt, chỉ nói đúng một câu: “Bây giờ thì để cho người khác đánh giặc” rồi thiếp ngay trên ghế xích đu” sau những đêm thức trắng ở Tổng Hành Dinh với trách nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách thường trực Tổ Thường trực chỉ đạo tác chiến chiến lược. *[tr.719]  
Cao Văn Khánh kiểm tra 
tình hình biên giới năm 
1979
Nhưng rồi chuyện “để cho người khác đánh giặc” không diễn ra, trên cương vị là Phó Tổng Tham Mưu trưởng, Cao Văn Khánh lại phải gánh vác những trọng trách chống kẻ thù truyền kiếp được khoác bộ cánh mới xảo quyệt hơn, thâm hiểm hơn. “Đối với nhân dân Việt Nam, mỗi tấc đất của Tổ quốc là thiêng liêng. Kẻ thù sẽ không bao giờ có thể cướp được dù một tấc đất của chúng tôi. Chúng tôi phải luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng đánh trả bon xâm lược nếu như chúng không từ bỏ các âm mưu bành trướng”, vị tướng chiến lược ấy khẳng định, một tờ báo nước ngoài ghi lại trong trả lời phỏng vấn của ông tại cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Quốc tế gày 17.2.1979. do Bộ Tổng Tham Mưu chủ trì* [tr.753]

Và rồi ông chỉ có thể thiếp đi vĩnh viễn trong tay “người vợ lý tưởng” như ông viết trong một lá thư từ chiến trường gian khổ và ác liệt nhất. Tôi nghĩ ông chỉ có thể “bây giờ thì để cho người khác đánh …nhau xoay quanh cái ghế quyền lực” vốn hết sức xa lạ với ông để thanh thản nằm trên ngọn đồi lộng gió vốn rất gần gũi với hình ảnh can trường của những lính ông từng chỉ huy, những người mà ông gần gủi, yêu mến và luôn làm hết sức mình để giảm bớt thương vong cho từng đồng chí đồng đội của mình.

Phải chăng tấm bia với những dòng chữ tạc trên đá mà Chị tôi cho khắc lại đã nói lên tính nghiêm minh và trung thực hết sức nghiệt ngã của lịch sử?

Sài Gòn ngày 14.3.2018,

Tưởng niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma





*Cao Bảo Vân. “Tướng Cao Văn Khánh”. NXBTri thức. 2017.