27 mars 2018

NƯỚC PHÁP KHÓC MỘT VỊ ANH HÙNG


Từ Thức

Nước Pháp khóc ARNAUD BELTRAME, một anh hùng vừa hy sinh để cứu người khác. Vị giám mục làm chủ lễ cầu nguyện nhắc một câu trong kinh thánh : một người tử vong thay cho một dân tộc, để một quốc gia không chết.

Trung tá gendarme (hiến binh, cảnh sát quân phục) Beltrame đã tình nguyện làm con tin để cứu những con tin khác, khi một tên khủng bố Hồi giáo đột nhập một siêu thị ở miền Nam nước Pháp, hôm thứ Sáu vừa qua. 
Trung tá Beltrame, 44 tuổi



Tên khủng bố Radouane Lakdim, quốc tịch Pháp, gốc Ma Rốc, 25 tuổi, đã bắn chết một người lái xe để cướp xe, xả súng bắn một nhóm Cảnh sát dã chiến CRS đang tập thể dục, trước khi đột nhập một siêu thị ở Carcassonne.

Trung tá Beltrame, 44 tuổi, tình nguyện vào thay, để đổi tự do cho một con tin. Lakdim chấp nhận, đòi trả tự do cho tất cả những tên khủng bố đang bị cầm tù trên nước Pháp. Arnaud Beltrame mở smartphone để lực lượng an ninh theo dõi diễn biến bên trong siêu thị. Sau ba giờ, tên khủng bố nổ súng. Lực lượng an ninh tấn công, hạ sát tên khủng bố, giải thoát các con tin.


Trung tá Beltrame tạ thế tại nhà thương sáng hôm sau. Ông không chết vì các viên đạn, nhưng vì những nhát dao đâm vào cổ họng.

Trung tá Beltrame
Ba nạn nhân khác tử thương, 20 người bị thương, một số còn đang đưọc điều trị.

Arnaud Beltrame vừa thành hôn với Marielle. Vị tu sĩ dự định sẽ làm  lễ kết hôn theo nghi thức tôn giáo tại nhà thờ ngày 9 tháng Sáu tới, đã vào nhà thương cùng với Marielle, nhưng không thực hiện được nghi lễ vì Arnaud Beltrame ở trong tình trạng bất tỉnh .

Đậu thủ khoa khi ra trường, được trao tặng nhiều huân chuơng, Arnaud Beltrame vẫn được đồng đội coi là một sĩ quan gương mẫu của ‘’gendarmerie’’.

Nước Pháp có hai lực lượng an ninh dân sự : cảnh sát ( police ) như tại các nước khác, và gendarmes là những người làm nhiệm vụ của cảnh sát, nhưng mặc quân phục, theo quy chế quân đội, mặc dù trực thuộc bộ Nội vụ như cảnh sát. Thường thường, gendarmes, ngày xưa người Việt phiên âm là ‘’ sen đầm ‘’, bảo đảm an ninh ở những vùng quê.

Nước Pháp đã và đang bị đe dọa một cách trầm trọng bởi khủng bố Hồi giáo, vì sự can thiệp võ trang của Pháp ở các nước Trung đông và Phi châu. Với khoảng 10 % dân số gốc hồi giáo, ở Pháp có ít nhất 25.000 người bị tình nghi có thiện cảm hay có lên lạc với các tổ chức khủng bố. Lực lượng an ninh không thể kiểm soát tất cả số người này, vì muốn theo dõi một người tình nghi, phải huy động ít nhất 20 nhân viên cảnh sát.

Nước Pháp ngưỡng mộ một vị anh hùng tưởng chỉ có trong phim ảnh. Một quốc táng sẽ được tổ chức trong những ngày tới tiễn đưa Arnaud Beltrame tới nơi an nghỉ cuối cùng.

Động lực gì thúc đẩy một người hy sinh mạng sống của chính mình để cứu người khác ?

Trên cả cái can đảm, Kant gọi đó là cái cao cả của tâm hồn, ‘’le sublime‘’, ‘’la grandeur d’âme‘’ .

Triết gia Cynthia Fleury nói cái quyết định trong khoảnh khắc đó là kết quả của cuả cá tính, cộng với giáo dục, giáo dục  gia đình cũng như nghề nghiệp ( Arnaud Beltrame gia nhập gendarmerie như người ta vào dòng tu, "comme on entre dans les ordres", theo lời của các đồng đội).  Coi bổn phận, trách nhiệm cao hơn tất cả. ( Bà mẹ nói không ngạc nhiên về hành động của con, vì  ‘’Arnaud không chấp nhận cái tầm thường, médiocrité, lúc nào cũng muốn đi xa hơn, cao hơn. Đó là lý tưởng, là đời sống của Arnaud… ) Một sự tự tin phi thường, nghĩ mình có thể giải quyết được vấn đề. Một cái sợ trong vô thức, sợ mình sẽ khó sống yên với lương tâm nếu không làm chuyện phải làm.

Tất cả những cái đó lẫn lộn, theo Cynthia Fleury, khiến, trong vài giây, một người quyết định làm một chuyện ít ai dám làm. Càng hiếm hơn nữa trong một thời đại vật chất, người ta sống thực tế, tính toán, cân nhắc, đặt quyền lợi cá nhân hàng đầu trên bậc thang giá trị của cuộc sống.

( tuthuc-paris-blog.com )