Nhà văn
hóa Phạm Quỳnh vừa được vinh danh trong buổi lễ trao giải thưởng văn
hóa Phan Châu Trinh lần thứ 11 vào tối 24/3, tại khách sạn Rex, quận
1, TP.HCM.
Giải thưởng
Văn hóa Phan Châu Trinh mang tên nhà văn hóa lỗi lạc Phan Châu Trinh (1872
-1926) với mục đích góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, giữ gìn và lan tỏa
những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam
trong thế kỷ 21.
Trong lễ
trao giải lần thứ 11, nhà văn hóa Phạm Quỳnh được tôn vinh trong hạng mục Danh
nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Các năm trước đó, 5 vị danh nhân được Quỹ
văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh gồm: Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Bội
Châu, Phan Châu Trinh, Phan Khôi.
Nhà văn Nguyên Ngọc đại diện trao giải Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại cho nhạc sĩ Phạm Tuyên (con trai nhà văn hóa Phạm Quỳnh) tại buổi lễ. |
"Phạm
Quỳnh là một tài năng xuất chúng, 16 tuổi tốt nghiệp thủ khoa trường Thành
chung Bảo hộ, ngay năm đó đã được tuyển làm viên chức trẻ nhất của Viện Viễn
Đông Bác Cổ Pháp nổi tiếng, tự học cả chữ Nho đến mức uyên thâm", nhà văn
Nghiêm Ngọc giới thiệu.
"Cho
đến những ngày cuối đời, bao giờ ông cũng giữ một nếp: học hành, viết lách, làm
việc đều trước bàn thờ tổ tiên, như để tổ tiên hằng ngày chứng giám mọi điều
mình nghĩ, mọi việc mình làm".
"Nam
Phong của Phạm Quỳnh và Hội Khai Trí Tiến Đức cũng do ông sáng lập và chủ trì
đã đi đầu trong sự nghiệp to lớn này. Ông có niềm tin vững chắc rằng làm được
tất cả những điều đó, thì sẽ đến ngày người Việt, nước Việt tìm lại được linh
hồn của mình, và hơn nữa từ đó có thể có nhiều khả năng hơn để tìm lại nền độc
lập".
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn nghẹn ngào khi vinh danh nhà văn hóa Phạm Quỳnh là Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại. |
Giải thưởng Phan
Châu Trinh còn vinh danh các đóng góp về văn hóa - giáo dục khác của các nhà
nghiên cứu, nhà hoạt động đương thời. Giải thưởng Nghiên cứu được trao cho 2 cá
nhân: nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng và nhà nghiên cứu Lữ Phương.
Phan Cẩm
Thượng đã có hơn 20 tác phẩm xuất bản về nghệ thuật tạo hình Việt Nam được trao
giải "vì những công trình đặc sắc nghiên cứu văn hóa dân gian" với
các tác phẩm tiêu biểu như Văn minh vật chất của người Việt, Tập tục
đời người..
Nhà nghiên
cứu Lữ Phương được vinh danh "vì những công trình nghiên cứu sâu sắc về
chủ nghĩa Marx".
Tại buổi lễ,
nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc nói về nhà nghiên cứu Lữ Phương: "Trao
giải Văn hóa Phan Châu Trinh cho nhà nghiên cứu Lữ Phương, Quỹ của chúng ta
muốn bày tỏ lòng kính trọng đối với một người trí thức coi sự thẳng thắn đầy
trách nhiệm".
Giải Vì sự
nghiệp văn hóa - giáo dục được trao cho nhóm dịch sách Nhất Nghệ Tinh "vì
đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giáo dục công kỹ nghệ". Nhạc sĩ Dương
Thụ cũng cùng hạng mục ở giải thưởng này "vì đóng góp đặc sắc quảng bá văn
hóa và tri thức tinh hoa".
Giải Dịch
thuật trao cho dịch giả Nguyễn Tùng "vì những công trình dịch thuật đặc
sắc về nhân học". Giải Việt Nam học được trao cho hai nhà nghiên cứu
Daniel Hémery và Pierre Brocheux "vì thành tựu đặc sắc về Việt Nam
học".
Tùng Tin
https://news.zing.vn/giai-thuong-phan-chau-trinh-vinh-danh-hoc-gia-pham-quynh-post829005.html?utm_source=facebook&utm_campaign=articlebottom&utm_medium=desktop_sharebutton