24 octobre 2019

Dã tâm phổ cập 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc

Trung Quốc đang cố gắng tuyên truyền chủ quyền phi pháp trên nhiều sản phẩm, lĩnh vực.

Bản đồ định vị trên ô tô Trung Quốc xuất hiện "đường lưỡi bò".

Mới đây, một đơn vị phân phối ô tô Trung Quốc tại Việt Nam đã có văn bản xin lỗi khách hàng và thông báo gỡ bỏ ứng dụng bản đồ có "đường lưỡi bò" sau khi báo chí phản ánh.

Cụ thể, Công ty cổ phần thương mại Kylin-GX668 chính thức gỡ bỏ ứng dụng Natigation có sử dụng hình ảnh vi phạm chủ quyền Việt Nam trên tất cả các xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc do công ty này phân phối.



Kylin-GX668 lý giải, trước khi xe được bán ra thị trường, ứng dụng dẫn đường có xuất hiện đường lưỡi bò không thể sử dụng tại Việt Nam do khác hệ thống định vị vệ tinh và không có dữ liệu, và công ty "hết sức bất ngờ" khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí.

Trong văn bản, công ty cho biết nghiêm túc nhận khuyết điểm, gửi lời xin lỗi tới khách hàng và người tiêu dùng Việt Nam vì đã sơ suất trong quá trình kiểm tra xe.

Bên cạnh việc cam kết gỡ bỏ ứng dụng Navigation có đường lưỡi bò trên các lô hàng sắp tới được phân phối tại Việt Nam, công ty cho biết sẽ liên lạc với các khách hàng đã mua xe để kiểm tra, gỡ bỏ ứng dụng này.

Công ty Kylin-GX668 nhập khẩu và phân phối các mẫu xe Trung Quốc tại Việt Nam như Haima, Geely, Zotye và Baic. Theo công ty này, tất cả các mẫu xe được nhập khẩu đều đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định.

Hình ảnh "đường lưỡi bò" trong bộ phim Everest: Người tuyết bé nhỏ.


Đây không phải là lần đầu "đường lưỡi bò" được cài cắm trong các sản phẩm xuất hiện từ Trung Quốc.

Gần đây, dư luận đã hết sức bức xúc khi "đường lưỡi bò" xuất hiện trong các sản phẩm lưu hành tại Việt Nam như phim hoạt hình "Everest: Người tuyết bé nhỏ" và ấn phẩm được Saigon Tourist chuyển tới khách hàng.

Phim hoạt hình "Everest: Người tuyết bé nhỏ" đã bị dừng chiếu ngay lập tức và Saigon Tourist cũng bị xử phạt 50 triệu đồng.

Rõ ràng, Trung Quốc đang cố gắng tuyên truyền chủ quyền phi pháp trên nhiều sản phẩm, lĩnh vực. Nếu cơ quan chức năng không có sự quản lý và giám sát kịp thời, hình ảnh "đường lưỡi bò" sẽ xuất hiện tràn lan ở Việt Nam.

Ấn phẩm in hình "đường lưỡi bò" mà Saigon Tourist sử dụng.

"Đường lưỡi bò" được xem là một dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 5/2009, Trung Quốc tiếp tục lộ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông với việc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ "đường 9 đoạn" (hay còn gọi là đường lưỡi bò).

Theo đó, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Giới nghiên cứu nhận định, yêu sách "đường lưỡi bò" trên biển Đông của Trung Quốc rất mơ hồ và thiếu chứng cứ. Cộng đồng quốc tế cũng có nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ, vạch ra những điểm vô lý của nó.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định, các yêu sách của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.


Trường Sa

https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/da-tam-pho-cap-duong-luoi-bo-cua-trung-quoc-3389791/