Nguồn: Odd Arne Westad, “The Source of Chinese
Conduct”, Foreign Affairs, September/October 2019.
Biên dịch: Đỗ Đặng
Nhật Huy | Hiệu đính: Lê
Hồng Hiệp
Tháng Hai năm 1946, khi Chiến tranh
Lạnh còn đang phôi thai, George Kennan, quan chức hàng đầu của Sứ quán Mỹ ở
Liên Xô, đã gửi một bức điện dài 5.000 từ trong đó ông lý giải các hành vi của
Liên Xô và cách Mỹ nên đối phó. Một năm sau, bản ghi của “Bức điện dài” nổi
tiếng của ông được biên tập thành một bài viết cũng đăng trên Foreign
Affairs, “Nguồn gốc hành vi của
Liên Xô”. Dưới bút danh “X”, Kennan lập luận rằng hệ tư tưởng Mác –
Lê-nin của Liên Xô là có thật và chính thế giới quan này, cộng với một cảm thức
bất an nặng nề, là động cơ thúc đẩy Liên Xô bành trướng.
Song điều này không có
nghĩa là không thể tránh khỏi đối đầu trực diện, ông chỉ ra, bởi lẽ “điện
Kremlin không hề hối tiếc khi phải nhượng bộ trước thế lực mạnh hơn.” Do đó,
điều mà nước Mỹ phải làm nhằm đảm bảo an ninh lâu dài là ngăn chặn mối đe dọa
từ Liên Xô. Nếu họ làm vậy, sức mạnh của Liên Xô cuối cùng sẽ suy sụp. Chiến
lược ngăn chặn, nói cách khác, vừa là điều kiện cần vừa là điều kiện đủ.
Bài viết của Kennan trở thành “sách
gối đầu giường” của bất cứ ai mong muốn tìm hiểu về cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ
và Liên Xô. Luôn gây tranh cãi và thường xuyên được chỉnh sửa lại (không chỉ
bởi Kennan), chiến lược ngăn chặn mà Kennan đề ra đã định hình chính sách đối
ngoại của Mỹ cho đến tận khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991. Và đúng như
ông dự đoán, kết cục của cuộc đấu tranh này xuất phát từ cả sức mạnh và sự kiên
định của Hoa Kỳ cùng các đồng minh cũng như những điểm yếu và mâu thuẫn trong
nội tại hệ thống Liên Xô.
Giờ đây, hơn 70 năm sau, Mỹ và các
đồng minh lại một lần nữa đối diện với một đối thủ cộng sản khác, kẻ xem nước
Mỹ như một kình địch và đang thèm khát sự thống trị khu vực và ảnh hưởng toàn
cầu. Đối với nhiều người, cả ở Washington và Bắc Kinh, sự so sánh là không thể
cưỡng lại: có một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ – Trung, và các nhà làm chính
sách Mỹ cần một bản “nâng cấp” của chiến lược ngăn chặn đề ra bởi Kennan.
Tháng Tư vừa qua, Kiron Skinner, giám đốc hoạch định chính sách ở Bộ Ngoại giao
Mỹ (vị trí của Kennan khi “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô” được xuất bản), đặc
biệt kêu gọi một bài viết “X” mới, lần này về Trung Quốc.
Nhưng nếu có một cuộc điều tra như
vậy được khởi động dựa trên điểm xuất phát của Kennan – với mục tiêu hiểu được
các động cơ của đối phương – thì sự khác biệt cũng sẽ lớn như hai đường thẳng
song song. Chính những khác biệt này, sự tương phản giữa nguồn gốc hành vi của
Liên Xô ngày ấy và nguồn gốc hành vi của Trung Quốc ngày nay, sẽ cứu chúng ta
thoát khỏi một cuộc Chiến tranh Lạnh nữa.
Từ của cải đến quyền lực
Có hai sự thật chính về Trung Quốc
ngày nay. Thứ nhất, quốc gia này vừa trải qua một giai đoạn phát triển kinh tế
với tốc độ thế giới chưa từng chứng kiến. Thứ hai, nước này được cai trị ngày
càng độc tài hóa bởi một đảng cầm quyền không qua bầu cử, một đảng cầm tù người
dân chỉ bởi họ có chính kiến, trong khi hạn chế mọi quyền tự do ngôn luận và
hội họp. Dưới thời Tập Cận Bình, có nhiều dấu hiệu cho thấy Đảng Cộng sản Trung
Quốc (ĐCSTQ) muốn rút bỏ cả những quyền tự do hạn chế mà người dân được hưởng
trong giai đoạn cải cách của Đặng Tiểu Bình. Có những chỉ dấu cho thấy đảng
muốn kiểm soát cả thành phần kinh tế tư nhân bằng cách can thiệp ngày càng trực
tiếp vào quy trình kinh doanh.
Đằng sau các chính sách này là sự
nhấn mạnh ngày một tăng rằng mô hình phát triển của Trung Quốc ưu việt hơn mô
hình của phương Tây. Trong một bài phát biểu năm 2017, ông Tập nói Bắc Kinh
“vạch ra con đường mới cho các nước đang phát triển hướng tới hiện đại hóa” và
“cung cấp một lựa chọn mới cho các quốc qua mong muốn tăng tốc phát triển trong
khi vẫn giữ vững độc lập”. Theo ĐCSTQ, luận điệu của phương Tây về dân chủ chỉ
là cái cớ để cướp bóc chủ quyền và tiềm năng kinh tế của các nước nghèo hơn.
Theo quan điểm này, cũng như Trung Quốc cần chế độ độc tài nhằm giữ vững tăng
trưởng kinh tế, các quốc gia khác có thể cũng vậy. Mặc dù niềm tin này vẫn chưa
được chấp nhận rộng rãi ở nước ngoài, song nhiều người Trung Quốc tin vào phiên
bản chân lý của đảng, đồng ý với Tập rằng nhờ sự lãnh đạo của đảng mà “quốc gia
Trung Quốc, với một vị thế hoàn toàn mới, giờ đây có thể đứng vững, hiên ngang
ở phương Đông”.
Quan điểm ấy là nhờ sự cải thiện
chất lượng sống chưa từng có ở Trung Quốc cũng như việc chủ nghĩa dân tộc ngày
càng tăng cao. ĐCSTQ tuyên truyền không ngừng về sự vĩ đại và đúng đắn của
Trung Quốc, trong khi người Trung Quốc, dễ hiểu là tự hào về những gì đã đạt
được, ủng hộ nhiệt tình những lời kêu gọi này. Đảng cũng tuyên bố rằng thế giới
bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, đang muốn đảo ngược đà tiến lên của Trung Quốc, hay
chí ít là ngăn trở nước này trỗi dậy thêm nữa – y như bộ máy tuyên truyền của
Liên Xô từng làm.
Một yếu tố làm cho thứ chủ nghĩa dân
tộc này trở nên cay nghiệt hơn là quan điểm lịch sử được thúc đẩy bởi ban
lãnh đạo Trung Quốc cho rằng lịch sử nước này giai đoạn từ giữa thế kỷ 19 cho
đến khi ĐCSTQ lên cầm quyền vào năm 1949 là một chuỗi những sự sỉ nhục dưới tay
các thế lực ngoại bang. Mặc dù đúng là có một phần sự thật trong phiên bản lịch
sử này, nhưng ĐCSTQ lại đưa ra tuyên bố đáng sợ rằng đảng là lực lượng duy nhất
ngăn người Trung Quốc không bị bóc lột hơn nữa. Do đảng không thể lập luận rằng
đất nước cần chế độ độc tài vì người Trung Quốc không thể tự quản trị chính
mình, nên đảng phải tuyên bố cần tập trung quyền lực vào tay đảng nhằm bảo vệ
quốc gia trước những sự ngược đãi đến từ bên ngoài. Song tập trung quyền lực
quá mức như vậy có thể dẫn đến những hậu quả lớn. Như Kennan từng chẩn đoán một
cách chính xác về Liên Xô: “nếu…có bất kì một tác nhân nào có thể phá vỡ tính
thống nhất và hiệu lực của đảng trong vai trò một tổ chức chính trị, nước Nga
Xô Viết có thể sẽ biến đổi chỉ trong vòng một đêm từ một cường quốc trở thành
một trong những nước yếu và đáng thương nhất trong cộng đồng các quốc gia.”
Một mặt rắc rối khác của chủ nghĩa
dân tộc ở Trung Quốc ngày nay là việc nước này không khác gì một đế quốc trên
thực tế nhưng đang cố hành xử như một
quốc gia-dân tộc. Hơn 40% lãnh thổ Trung Quốc – Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương –
là vùng đất của các dân tộc không xem mình là người Hán. Mặc dù chính phủ dành
những quyền đặc biệt cho “các dân tộc thiểu số”, song các vùng đất quê hương
của họ đã bị hòa vào một khái niệm mới về “dân tộc Trung Hoa” và dần dần bị
“xâm thực” bởi hơn 98% dân số cả nước – người Hán. Những người chống đối đều
nhận lấy kết cục tù tội, tương tự số phận của những người yêu cầu quyền tự trị
trong lòng đế chế Xô-viết.
Về đối ngoại, Trung Quốc giúp duy
trì chế độ độc tài tệ hại nhất thế giới ở nước Triều Tiên láng giềng, trong khi
thường xuyên đe dọa các hàng xóm của mình, bao gồm chính quyền dân chủ ở Đài
Loan, hòn đảo Bắc Kinh tuyên bố là một tỉnh ly khai. Phần lớn những điều này
không mang lại lợi thế chính trị hay ngoại giao cho Trung Quốc. Quá trình quân
sự hóa các đảo xa xôi ở Biển Đông, cuộc tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư, và nỗ lực trừng phạt việc Hàn Quốc cho phép Mỹ đặt các bệ
phóng tên lửa hiện đại đều đang phản tác dụng: Đông Á ngày nay lo sợ người
Trung Quốc nhiều hơn hẳn một thập niên trước. (Chẳng hạn, số người Hàn Quốc có
cái nhìn tích cực về Trung Quốc giảm từ 66% năm 2002 xuống chỉ còn 34%, theo
Trung tâm Nghiên cứu Pew). Bất chấp sụt giảm ủng hộ dành cho Trung Quốc, người
dân trong khu vực đều cho rằng nước này sẽ trở thành cường quốc khu vực áp đảo
trong tương lai và họ tốt nhất nên tự chuẩn bị cho chính mình.
Quan điểm này chủ yếu dựa vào thành
tựu tăng trưởng kinh tế ngoạn mục mà Trung Quốc đạt được. Ngày nay, sức mạnh
kinh tế Trung Quốc trong tương quan với Mỹ gấp 2 đến 3 lần sức mạnh của Liên Xô
so với Mỹ. Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng những người cho rằng Trung
Quốc sẽ đi theo con đường của Nhật Bản và rơi vào trì trệ kinh tế gần như đều
đã sai. Kể cả khi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc có cao đến đâu đi nữa
thì nước này vẫn còn đó một thị trường nội địa chưa khai thác hết, đủ sức làm
động lực tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm tới. Trong khi đó phần còn lại của
châu Á, một khu vực rộng lớn và năng động kinh tế hơn hẳn Tây Âu tại buổi đầu
của Chiến tranh Lạnh, đều sợ Trung Quốc đến nỗi không dám dùng hàng rào thuế
quan để đối phó với nước này.
Trên phương diện quân sự và chiến
lược thì cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung là khó đo lường nhất. Hoa Kỳ có lợi thế
quân sự hơn hẳn Trung Quốc: gấp 20 lần số đầu đạn hạt nhân, lực lượng không
quân vượt trội hơn hẳn, và ngân sách quốc phòng gấp gần 3 lần ngân sách của Bắc
Kinh. Họ đồng thời cũng có các đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc) cùng các đồng
minh tiềm năng (Ấn Độ, Việt Nam) nằm ngay cạnh Trung Quốc, và các nước này đều
đang củng cố sức mạnh quân sự của họ. Trái lại, Trung Quốc không có được những
người bạn như thế ở Tây Bán Cầu.
Tuy nhiên, trong một thập niên qua,
cán cân quyền lực ở Đông Á đã thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Ngày
nay, nước này đã có đủ tên lửa mặt đất, máy bay, và tàu chiến để tuyên bố rằng
họ vượt trội về quân sự ở sân sau của mình. Lực lượng tên lửa của Trung Quốc là
một mối đe dọa đủ lớn đối với các căn cứ không quân và tàu sân bay Mỹ khiến Mỹ
không còn lấn át tuyệt đối trong khu vực được nữa. Vấn đề sẽ càng tồi tệ khi
lực lượng hải quân Trung Quốc còn phát triển nhanh hơn nữa trong những năm tới,
và công nghệ quân sự của họ – đặc biệt là công nghệ laser, drone, tác chiến
mạng, và khả năng tác chiến ngoài không gian – sẽ sớm bắt kịp Mỹ. Mặc dù hiện
tại Mỹ vượt trội về quân sự so với Trung Quốc hơn là so với Liên Xô ngày trước,
nhưng Bắc Kinh có thể đuổi kịp nhanh hơn và toàn diện hơn Moskva. Nhìn tổng
thể, Trung Quốc trông có vẻ là một đối thủ xứng tầm với Mỹ hơn là Liên Xô vào
thời điểm Kennan đặt bút viết các đề nghị của ông.
Sự tương đồng giữa Trung Quốc và Liên Xô
Trung Quốc ngày nay và Liên Xô trước
kia có nhiều điểm tương đồng đến ngạc nhiên – mà tất nhiên là bắt đầu với nhà
nước cộng sản. Trong gần 40 năm, ấn tượng trước thành tựu kinh tế thị trường
của Trung Quốc, phương Tây đã vô tình “quên” đi rằng nước này vẫn được điều
hành bởi chế độ độc tài cộng sản. Mặc dù thỉnh thoảng có các lời nhắc nhở về sự
tàn bạo của lãnh đạo Trung Quốc, chẳng hạn như vụ thảm sát Thiên An Môn năm
1989, phương Tây vẫn cho rằng Trung Quốc đang tự do hóa và đa nguyên hơn. Ngày
nay, những dự đoán như vậy trông thật ngớ ngẩn: ĐCSTQ đang củng cố quyền lực và
khả năng nắm quyền vĩnh viễn của họ. “Dự án vĩ đại mới về xây dựng Đảng…..đang
bước vào giai đoạn tăng tốc”, ông Tập tuyên bố như vậy năm 2017. Ông nói thêm
“Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa nhằm củng cố quyền lực, cũng như sự lãnh đạo tập
trung và thống nhất của Trung ương Đảng…..Đảng luôn là xương sống của quốc
gia”.
Một nét giống nhau nữa đó là cũng
như Liên Xô tìm cách thống trị ở châu Âu, Trung Quốc tìm kiếm vị thế áp đảo ở
Đông Á, một khu vực cũng quan trọng đối với Mỹ ngày nay như châu Âu vào buổi
đầu của Chiến tranh Lạnh. Cách Trung Quốc tiến hành dự án này cũng giống hệt
Liên Xô – uy hiếp quân sự và chính trị bên cạnh chiến thuật chia để trị –
thậm chí tiềm lực của họ còn hơn cả Liên Xô. Trừ khi nước Mỹ hành động để ngăn
chặn Trung Quốc, Trung Quốc rồi sẽ trở thành kẻ thống trị tuyệt đối ở Đông Á,
từ Nhật Bản đến Indonesia, vào cuối thập niên 2020.
Cũng như các lãnh đạo Liên Xô, các
lãnh đạo Trung Quốc xem nước Mỹ là kẻ thù. Họ cẩn trọng và nhã nhặn ở bên
ngoài, thường nhấn mạnh việc họ tuân thủ các thông lệ quốc tế, nhưng trong nội
bộ Đảng, luận điệu quen thuộc của họ là nước Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Trung
Quốc vươn lên thông qua công kích từ bên ngoài và phá hoại từ bên trong. “Chừng
nào chúng ta còn kiên trì sự lãnh đạo của ĐCSTQ và chủ nghĩa xã hội mang màu sắc
Trung Quốc”, một thông cáo của Đảng vào năm 2013 cho biết, “lập trường của các
lực lượng chống Trung Quốc ở phương Tây nhằm gây áp lực cải cách sẽ không thay
đổi, và chúng sẽ tiếp tục chĩa mũi giáo phương Tây hóa, chia rẽ, và “Cách mạng
Màu” vào Trung Quốc”. Một giọng điệu chống Mỹ như vậy nghe giống hệt thứ tuyên
truyền mà Stalin tạo nên cuối những năm 1940, bao gồm cả sự thúc đẩy công khai
chủ nghĩa dân tộc. Năm 1949, Cục Thông tin các Đảng Cộng sản và Công nhân
(Cominform) do Liên Xô lãnh đạo tuyên bố phương Tây có “mục tiêu tối thượng là
thiết lập sự thống trị thế giới mang tính cưỡng bức của Anh-Mỹ, nô lệ hóa các
quốc gia và dân tộc nước ngoài, phá hoại dân chủ và khởi động một cuộc chiến
tranh mới.” Còn các lãnh đạo ĐCSTQ thì nói với người dân rằng người Mỹ ghét
chúng ta chỉ bởi vì chúng ta là người Trung Quốc. Họ muốn thống trị thế giới,
và chỉ có ĐCSTQ ngáng đường họ./.