Vũ Ngọc Hoàng
Sau bài viết “Trao đổi nhanh về chuyện Biển Đông” đầu
tháng 9 vừa qua, tôi đã nhận được nhiều ý kiến bình luận, phản biện. Trước hết,
tôi rất cảm ơn quý anh chị và bạn đọc. Nhân đây, xin được trao đổi tiếp về chuyện
Biển Đông xung quanh các ý kiến phản biện đó.
1. Có ý kiến cho rằng, hiện tại xét về tương quan lực
lượng thì Trung Quốc mạnh hơn ta nhiều, ta không đủ sức chống lại họ, mà cũng
không thể bài Hoa, kiện là có cớ để họ lấn tới, tấn công ta. Tôi xin thưa, ta
đâu có định chống Trung Quốc. Đây chỉ là quyền tự vệ chính đáng bằng giải pháp
hòa bình của một dân tộc văn hiến, có chủ quyền và biết tự trọng, chứ đi chống
Trung Quốc để làm gì. Ta chỉ muốn sống hòa hiếu, hữu hảo thật lòng với láng giềng,
trong đó có Trung Quốc, và bạn bè quốc tế năm châu. Bao đời nay Việt Nam vốn là
một dân tộc yêu hòa bình và đường lối ngày nay là muốn làm bạn với tất cả các
quốc gia trên thế giới. Ta cũng không hề có ý định bài Hoa, mà bài làm sao được
khi hai dân tộc sống gần cạnh nhau đã do thiên định, nhân dân hai bên biên giới
sáng sớm nào cũng nghe tiếng gà gáy của nhau, và Việt Nam cũng rất cần có thị
trường lớn bên cạnh để cùng nhau hợp tác phát triển trên tinh thần bình đẳng và
tôn trọng lẫn nhau. Còn việc ta phải kiện Trung Quốc như tôi đã nói là vì họ ép
ta phải làm thế, ta càng nhân nhượng họ càng lấn tới, họ đã xúc phạm ta, nên
không có cách khác, không thể để chân lý bị chà đạp, chủ quyền quốc gia và các
quyền lợi chính đáng của dân tộc bị cường bạo cưỡng chiếm. Không kiện là hữu
khuynh, coi chừng thỏa hiệp vô nguyên tắc. Kiện để mở đường, để làm cơ sở cho
các đấu tranh tiếp theo. Nếu chỉ đấu tranh song phương thì lâu nay đã làm, và
không có kết quả, dễ bề cho họ ép ta. Cần phải đa phương, phải quốc tế hóa vấn
đề Biển Đông, dựa vào luật pháp và cộng đồng quốc tế để đấu tranh. Có ý kiến bảo
nên bắt đầu bằng việc đưa vấn đề Trung Quốc giành biển của Việt Nam ra Hội Đồng
Bảo An Liên Hiệp Quốc, đồng thời tiếp tục kiện ra quốc tế. Kiện về chuyện Bãi
Tư Chính và Hoàng Sa, Trường Sa nữa, từng vụ cho từng vấn đề. Tôi nghĩ thế là rất
cần thiết, đáng lẽ phải làm sớm rồi, còn kiện cụ thể những gì và như thế nào
thì chắc chắn các nhà nghiên cứu luật pháp sẽ thông thái hơn tôi. Việc khởi kiện
cũng nên khẩn trương làm ngay, càng sớm càng tốt, vì họ đang ngày càng lấn tới,
để càng lâu càng khó, và hành động thực tế của họ đã vượt qua ranh giới đỏ rồi.
Gần đây, họ còn tuyên bố một cách ngạo mạn rằng khu vực bãi Tư Chính là của họ, rồi họ
kêu gọi Việt Nam đối thoại hòa bình, mặt khác cùng lúc họ tiếp tục cho nhiều
tàu lớn lấn sâu hơn vào phía bờ biển của Việt Nam, chỉ còn cách đất liền một đoạn
ngắn. Cần phải rất cảnh giác với các chiêu bài của Trung Quốc. Đối thoại là đối
thoại vấn đề gì phải cho rõ. Bãi Tư Chính đang yên ổn là của Việt Nam, luật
pháp quốc tế cũng đã rành rành như vậy, nhưng họ đang chuyển sang vùng tranh chấp,
coi chừng ta lại mắc mưu. Họ đi những “nước cờ” rất bài bản với âm mưu thâm
sâu, ta không thể đối phó từng bước một trong thế bị động và lúng túng. Và cần
phải chống “nhóm lợi ích” thân Tàu, coi chừng chúng nó bán rẽ Tổ Quốc ta cho
Phương Bắc.
Về chuyện tương quan lực lượng thì từ ngày xưa đã thế,
Trung Quốc lúc nào cũng to lớn hơn Việt Nam. Mười mấy lần họ xâm lăng nước ta
trước đây xét về tương quan lực lượng vật chất họ đều mạnh hơn ta. Trong các cuộc
kháng chiến vệ quốc trước đây, Việt Nam thậm chí đã phải bắt đầu bằng gậy tầm
vông. Tương quan lực lượng ngày ấy còn chênh lệch hơn nhiều so với bây giờ, thế
mà cha ông ta đã dám hành động dũng cảm, rất đáng tự hào và kính trọng. Từ xưa
đến nay Việt Nam chưa bao giờ gây chuyện với Trung Quốc, mà chỉ có việc Trung
Quốc luôn ức hiếp và nhiều lần xâm lược Việt Nam. Họ luôn có âm mưu thâm hiểm
muốn biến nước ta thành thuộc quốc chư hầu của họ. Chẳng lẽ vì tương quan lực
lượng của ta yếu hơn mà đất nước và dân tộc này phải cúi đầu nhịn nhục, không
có quyền ngẩng lên để đấu tranh tự vệ. Và ngày nay vấn đề tương quan lực lượng
cần được hiểu theo tư duy mở, trong đó có yếu tố con người, truyền thống văn
hóa, chân lý, bạn bè và luật pháp quốc tế nữa.
Còn ý kiến nói rằng nếu ta chống lại họ thì tạo cớ cho
Trung Quốc tấn công lấy biển của ta? Vì sao lại xem việc thực hiện quyền tự vệ chính đáng của Việt Nam là tạo cớ cho kẻ xâm
lăng thực hiện âm mưu. Quả là một kiểu tư duy không thể hiểu nổi. Đó chỉ là kiểu
ngụy biện cho một sự nhu nhược về tinh thần và bản lĩnh. Thực ra họ chẳng cần
cái cớ ấy đâu. Chính họ đã tạo ra rồi cái cớ hết sức vô lý khi nói vùng biển của
Việt Nam là của họ, còn Việt Nam từ chủ nhân họ vu cáo là kẻ xâm phạm đấy thôi.
2. Có ý kiến giải thích rằng Trung Quốc đã làm được gì
ở đó đâu, còn VN ta đã đặt được dàn khoan ở Bãi Tư Chính rồi, đất nước vẫn hòa
bình yên ổn, thế mới là sách hay và khôn khéo, có chuyện gì đâu mà phải la ầm
lên. Nghe nói vậy càng thấy buồn lo. Ta đặt dàn khoan trên phần lãnh hải thuộc
chủ quyền của đất nước ta, sao lại đi so sánh với việc Trung Quốc ngang nhiên tự
do đi vào “vườn nhà” của ta. Họ còn nói đó là vùng chủ quyền của họ và yêu cầu
ta phải rút đi. Thật là một sự xúc phạm! Thực tế họ đã xâm lăng ta mấy tháng
nay rồi và đang biến một vùng biển rộng lớn của ta thành của họ, thế mà lại nói
họ chưa làm được gì. Sao lại phải biện minh cho hành vi ngang ngược của kẻ xâm
lăng? Tại sao lại phải ru ngũ nhân dân? Biện minh theo kiểu đó thì vô tình hoặc
cố ý làm lợi cho kẻ xâm lăng.
Lần này coi ra họ rất quyết liệt hành động. Việc chiếm
được biển của Việt Nam có ý nghĩa lớn lao đối với họ, còn không chiếm được thì
chiến lược về giấc mộng Trung Hoa có thể bị phá sản. Và họ nhận thấy lúc này về
phía Việt Nam có những yếu tố thuận lợi cho việc thực hiện âm mưu của họ. Trung
Quốc đang sử dụng kế sách “không cần đánh mà vẫn thắng”, tức là không cần nổ
súng vẫn lấy được biển, đó là thượng sách. Họ vừa muốn chiếm biển của ta, vừa
không muốn “mất” Việt Nam, tức là vẫn giữ được một VN nằm trong tầm kiểm soát của
họ. Vì vậy, tốt nhất là làm sao lấy được biển mà VN ít phản đối hoặc là chỉ phản
đối chiếu lệ. Nhưng đồng thời họ cũng hăm dọa bằng tàu lớn súng nhiều và sẵn
sàng động binh. Còn diễn biến thực tế trên chiến trường mấy tháng nay thì rõ
ràng họ đang tiến và ta đang thua từng bước. Họ tiến vào ngày càng sâu hơn, gần
đất liền hơn. Từ chỗ họ nói Tư Chính là vùng tranh chấp rồi sau đó họ nhanh
chóng chuyển sang nói là vùng biển của họ và vu cáo cho Việt Nam cố tình lấn
chiếm, yêu cầu Việt Nam phải rút đi, rồi bảo Việt Nam phải đối thoại để cùng
khai thác...
Tình hình thật nghiêm trọng nhưng nhiều người vẫn tỏ
ra như chưa có gì nghiêm trọng. Mấy tháng nay họ đã vào ra vùng biển của ta nhiều
lần, như đi chợ, như ao nhà của họ. Có đợt cả tháng sau ta mới lên tiếng. Đẩy
đuổi thì xem ra không đủ sức làm lâu dài. Lên án cũng không ra lên án. Đẩy mạnh
tuyên truyền cho nhân dân VN và thế giới biết bản chất của vấn đề cũng không
làm. La làng lên cho mọi người biết là kẻ cướp đã đột nhập nhà tôi cũng không.
Kiện cũng không chịu kiện. Tăng thêm đối tác chiến lược mới cũng không. Hợp tác
quân sự mới cũng không thấy…. Nói chung dân chúng không hiểu thái độ và đối
sách của lãnh đạo nước ta ra sao. Mà xem ra đây cũng không phải là sự bình tỉnh
của một cao thủ có kế sâu nên nhiều người đã bảo “chẳng hiểu vì sao mà phải thế”.
3. Có người phê bình rằng các ý kiến từ nhân dân không
hiểu hết tình hình nên nhận định, đề xuất không phù hợp. Thậm chí có ý kiến còn
phê phán chì chiết những tiếng nói từ những người yêu nước. Trong nhân dân, có
người không đủ thông tin như lãnh đạo cũng là chuyện bình thường, nhưng có thể
họ lại hiểu lòng dân hơn lãnh đạo. Ý kiến nào không hiểu tình hình mà nói không
đúng thì nên chỉ ra, nói lại xem thử thế nào là đúng. Nhưng riêng việc mấy
tháng nay Trung Quốc liên tục (gần như thường xuyên) xâm phạm biển của Việt Nam
một cách trắng trợn, họ tuyên bố đó là biển của họ, Việt Nam thì không la,
không kiện, không nói rõ cho nhân dân biết, đặc biệt lãnh đạo đất nước không
lên tiếng mạnh mẽ rõ ràng quan điểm…, đó có phải là sự thật hay dân nói sai? Thực
tế mấy tháng nay quốc dân đồng bào không được các cơ quan hữu trách hoặc báo
chí chính thống thông tin kịp thời và đầy đủ cho biết tình hình Biển Đông của
Việt Nam đang bị xâm phạm. Cứ làm như mọi việc vẫn bình thường, không có chuyện
gì xảy ra, thậm chí kẻ xâm lăng vẫn còn được coi là “đối tác chiến lược toàn diện”
quan trọng nhất của VN. Tại sao không thông báo kịp thời mọi việc cho nhân dân
biết rõ tình hình? Phải chăng sự quan tâm của nhân dân đối với chủ quyền của đất
nước là không cần thiết, đó không phải là việc của nhân dân? Tất nhiên gần đây
báo chí chính thống ít nhiều cũng đã có nói đến, dù chỉ ở mức độ hết sức khiêm
tốn. Hãy nhớ rằng, từ lâu Trung Quốc đã tác động nhiều thông tin ra thế giới và
trong nước để chuẩn bị dư luận, và hiện nay họ vẫn đang ngày đêm tác động thông
tin để nhiễu loạn phía Việt Nam. Còn phía ta, cần xem lại ta đang ứng xử ra sao
đối với tình hình đất nước rất nghiêm trọng vì chủ quyền của quốc gia đang bị
xâm phạm? Trong số những người dân yêu nước có thể người này người khác có lúc
nóng nảy, nói sai điểm này điểm khác, đụng chạm…thì nói lại, uốn nắn. Nhưng phải
biết quý trọng tấm lòng của họ, nuôi dưỡng, hun đúc và tích góp chí khí của dân
tộc để mà giữ nước. Không nên, không được làm điều gì gây tổn thương cho lòng
yêu nước của nhân dân.
4. Một số ý kiến phản biện rằng, nói đến liên minh
quân sự là nguy hiểm, dễ gây ra chiến tranh. Mà họ cũng đã nổ súng đâu, đã có
chiến tranh đâu mà nói đến liên minh chiến đấu. Lần trước tôi cũng đã nói không
liên minh quân sự với ai để chống nước khác là quan điểm đúng đắn. Việc đó cũng
là thể hiện tinh thần của một dân tộc yêu hòa bình, ghét hiếu chiến. Nhưng
trong tình thế đất nước bị xâm lăng thì cần liên minh để bảo vệ chủ quyền. Chẳng
lẽ thà chịu mất nước chứ nhất định không được liên minh chiến đấu để bảo vệ?
Như ta đã biết và thường ca ngợi chiến thắng của phe Đồng Minh trong đại chiến
thế giới II - đó chính là một liên minh chiến đấu vì hòa bình. Và khi ấy Việt
Nam cũng đã đứng về phe Đồng Minh. Việt Nam và Lào đã nhiều lần cùng liên minh
chiến đấu mà đến nay ta vẫn luôn ca ngợi liên minh ấy. Sau năm 1975 Việt Nam và
Liên-xô cũng có lúc như vậy. Những lúc ấy, đó là sự cần thiết của tinh thần tự
vệ chính đáng. Còn nói họ đã làm gì đâu mà ta lại tính đến việc liên minh chiến
đấu? Sao lại biện minh là họ chưa làm gì? Họ đã chính thức xâm chiếm lãnh hải tức
là một phần Tổ Quốc của chúng ta bị xâm lăng rồi, chứ sao lại nói “họ đã làm gì
đâu”. Chẳng lẽ đợi đến khi “chậm mất rồi”, “thua mất rồi” thì mới bàn đến việc
liên minh chiến đấu để tự vệ? Chủ động chuẩn bị tốt các biện pháp bảo vệ đất nước
cũng là một cách phòng ngừa để chiến tranh không xảy ra. Còn nếu cuối cùng nó vẫn
xảy ra thì đó là việc do đối phương muốn vậy, ngoài ý muốn của ta. Trong trường
hợp ấy chúng ta sẽ chủ động hơn.
Trước đây có lúc Việt Nam đã ủng hộ và tham gia phong
trào không liên kết. Gần đây cũng có ý kiến bảo chỉ cần nói Việt Nam không liên
kết với bất cứ nước nào, bên nào là đủ rồi. Tôi cũng nhất trí với ý kiến ấy, nhưng
đó là nói về đường lối đối ngoại đối với các vấn đề khác không liên quan đến chủ
quyền của Việt Nam trong quan hệ quốc tế (ví dụ trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
hoặc các cuộc xung đột trên thế giới và khu vực). Riêng đối với việc bảo vệ chủ
quyền quốc gia của Việt Nam thì tôi giữ ý kiến sẳn sàng liên minh với bất kỳ nước
nào ủng hộ chủ quyền của ta để tự vệ chính đáng. Tất nhiên là không ỷ lại dựa dẫm
ai và hành động liên minh đó trên thực tế chỉ thực hiện khi có xung đột. Nhưng
về nhận thức, quan điểm thì phải xác định trước, chứ đợi đến lúc xảy ra xung đột
rồi mới triệu tập họp lại để bàn thì quá trễ. Trong thời đại công nghệ ngày
nay, những nước như Việt Nam ta chưa đủ điều kiện về công nghệ thì càng phải có
liên minh mới sử dụng được hệ điều hành từ vệ tinh của nước này hay nước khác.
5. Có người hỏi lại “nếu liên minh chiến đấu thì liên
minh với ai và như thế nào?”. Đó là công việc của các nhà quân sự, họ sẽ thông
thái hơn chúng ta, và tôi tin rằng họ sẽ không bó tay để đưa lưng cho người ta
bắn và ngồi nhìn chủ quyền quốc gia thiêng liêng bị người khác cưỡng chiếm và
xúc phạm. Ngày nay, các vấn đề chính trị, quân sự trong đối ngoại nhìn chung
thường có gắn với lợi ích kinh tế. Phần biển đông thuộc nước ta đang chứa rất
nhiều khoáng sản có giá trị lớn. Cần đẩy mạnh khai thác để có nguồn tài chính
cho hiện đại hóa đất nước, không cần phải “để dành” mà kẻ tham dòm ngó và âm
mưu cướp bóc. Tất nhiên chuyện Biển Đông không chỉ là tài nguyên mà còn vị thế
chiến lược về địa kinh tế và địa chính trị mới quan trọng hơn nhiều. Ta có thể
mở cửa rộng hơn với chính sách thuế phù hợp và thủ tục pháp lý thuận tiện để
khuyến khích các đối tác từ các nước tôn trọng chủ quyền của VN vào hợp tác đầu
tư khai thác theo luật pháp của Việt Nam và đôi bên cùng có lợi (ví dụ như Mỹ,
Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ấn Độ, Nga, Ôxtrailia…). Đồng thời ta đề xuất phương án
cùng nhau liên minh bảo vệ vùng biển này để bảo đảm cho công việc đầu tư khai
thác được an toàn và an ninh. Còn Trung Quốc, khi nào họ thay đổi quan điểm,
tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam thì ta hoan nghênh và cũng mời họ vào
tham gia hợp tác khai thác như các đối tác nói trên.
6. Khi tôi nhấn mạnh mục tiêu “dân tộc và dân chủ” thì
có ý kiến nói “còn mục tiêu Xã Hội Chủ Nghĩa nữa chứ”. Tôi hiểu ý kiến này muốn
nói đến mục tiêu XHCN gắn với ý thức hệ trong mối quan hệ với Trung Quốc. Tôi
không bác bỏ mục tiêu XHCN, nhưng đó là CNXH theo cách hiểu mà tôi cho là khoa
học, khác xa cái CNXH theo mô hình của Liên-xô, Trung Quốc. Theo tôi, cần tiếp
cận CNXH theo hệ giá trị - đó là những giá trị tốt đẹp thật sự, đạt được trong
đời sống xã hội, chứ không phải theo mô hình thế này và thế kia, càng không phải
bằng từ ngữ và khẩu hiệu. CNXH theo nghĩa chân chính thì nhất thiết phải là kết
quả của một trình độ phát triển rất cao của dân tộc và dân chủ xã hội, chứ
không phải là những ý muốn chủ quan được vạch ra để bắt hiện thực phải khuôn
theo. Giải quyết tốt vấn đề dân tộc độc lập và phát triển, xã hội thật sự dân
chủ, con người thật sự tự do và hạnh phúc thì đó mới chính là con đường đúng đắn
tiến tới CNXH, chứ không phải như mô hình của Liên-xô, Trung Quốc và phe XHCN
trước đây. Để mất nước, mất độc lập, hoặc dân tộc bị kìm hảm không thể phát triển
vượt lên, xã hội mất dân chủ thì CNXH chỉ là chuyện hão huyền, không bao giờ có
thật. Chúng ta đã nêu rất nhiều khẩu hiệu về CNXH nhưng đến nay trên thực tế
thì các nước tư bản phát triển (CNTB hiện đại) mới là những nước đã đến gần nhất
với CNXH mặc dù họ không có khẩu hiệu nào và mặc dù họ vẫn còn rất nhiều khuyết
điểm. Nói các nước tư bản phát triển, nhất là Bắc Âu và khu vực gần đó, đang gần
nhất với CNXH là trên cơ sở nghiên cứu về năng suất lao động xã hội, thu nhập
bình quân đầu người, vai trò của sở hữu xã hội, vấn đề phúc lợi xã hội, giáo dục
và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền tự do và dân chủ….
Còn Việt Nam ta thì nằm ở khoảng cách phía sau xa so với các nước đó, và càng
xa hơn nữa đối với mục tiêu XHCN, thậm chí trong lòng xã hội VN hiện tại đang
bao gồm rất nhiều yếu tố của CNTB hoang dã trộn lẫn các tàn dư phong kiến. Còn Trung Quốc thì thực chất đã biến tướng
thành một đế chế phong kiến độc tài và bành trướng bá quyền cộng với CNTB hoang
dã. Nếu đem Trung Quốc, hay Liên-xô trước đây, ra so sánh với các nước tư bản
phát triển thì chính các nước tư bản phát triển ấy lại gần CNXH hơn. CNTB hiện
đại ngày nay cũng đã khác rất xa, khác về chất so với CNTB hoang dã thời Marx
đã sống và viết Tư Bản Luận. Chính họ (chứ không phải Liên-xô hay Trung Quốc)
đang và sẽ tiếp tục chứng minh nhận định của Marx là đúng. Đó mới là tư duy
khoa học chứ không phải kiểu lý luận giáo điều đã bị chính trị hóa về mô hình
CNXH sai lầm của phe XHCN trước đây mà mãi đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Còn
cái tư duy về hai hệ tư tưởng chia thành hai phe đối lập nhau là TBCN và XHCN
thì đã lạc hậu lắm rồi. Đó là sự sai lầm hơn một thế kỷ của nhiều nước, bắt đầu
từ những người đứng đầu mấy nước lớn ở hai phe, đã gây ra rất nhiều mâu thuẫn
trong cộng đồng quốc tế và những cuộc chiến tranh gây chết chóc đau thương cho
nhiều chục triệu người, để rồi cuối cùng sau gần một thế kỷ phải quay lại coi
nhau là đối tác, cùng nhau giải quyết các vấn đề chung của thế giới và khu vực.
Việc chuyển từ thù địch sang làm đối tác và bè bạn của nhau là xu hướng tiến bộ,
đúng đắn, nhưng chính điều đó cũng đã chứng tỏ việc phân chia thành hai hệ tư
tưởng thù địch như trước đây là sai lầm nghiêm trọng. Với cái kiểu của Trung Quốc
như hiện nay mà cứ nhân danh CNXH và hệ tư tưởng để đi theo họ trong khi không
đủ bản lĩnh và trí tuệ để ứng xử thì ta chẳng những sẽ mất độc lập chủ quyền mà
còn có nguy cơ bị đồng hóa chứ không bao giờ đến được CNXH chân chính (tôi dùng
chữ chân chính ở đây để phân biệt với cái biến tướng, lợi dụng, nhân danh, giả
mạo, lừa phỉnh). Tất nhiên ta luôn thật lòng mong muốn quan hệ hữu hảo để hợp
tác cùng phát triển và làm đối tác tốt của Trung Quốc cũng như các nước khác.
Nhưng đó phải là đối tác bình đẳng và được tôn trọng chủ quyền, cũng như độc lập
tự do về tư tưởng và tự quyết định mọi công việc.
7. Cũng có ý kiến nêu vấn đề có tính nguyên tắc trong
giải quyết chuyện Biển Đông là, ngoài việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, phải giữ
cho được hòa bình và quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Mới nghe qua dễ nghĩ rằng
phương châm đó là đúng bởi vì ai cũng mong muốn hòa bình để xây dựng đất nước.
Nhưng phải suy nghĩ sâu hơn đối với vấn đề này. Nếu cùng lúc đạt được cả ba mục
tiêu (chủ quyền, hòa bình và hữu nghị) thì quá tốt rồi, không còn gì bằng. Ai
mà chẳng muốn thế. Phương châm ứng xử ấy không riêng đối với Trung Quốc mà đối
với tất cả các quốc gia khác cũng vậy thôi. Và tư duy đó đã có từ lâu rồi chứ
không phải do ai mới nghĩ ra hôm nay. Có từ lâu rồi nhưng tình hình thực tế đến
nay cho thấy ta không (hoặc chưa) thành công, chỉ vì Trung Quốc không muốn thế.
Ta dại gì lại đi gây chiến hoặc bất hòa với một nước lớn ở bên cạnh mình. Nhưng
yêu cầu hòa bình và hữu nghị ấy phải trên nguyên tắc cao nhất là đôi bên tôn trọng
chủ quyền của nhau, họ không xâm lăng chiếm Biển, chiếm đất của ta. Hòa bình và
hữu nghị phải do từ hai phía. Một mình ta có muốn bao nhiêu cũng không được nếu
như Trung Quốc chẳng cần thứ ấy mà chỉ cần lấy cho được biển của nước ta. Thực
tế đã cho thấy họ đâu có cần hữu nghị với VN. Ta không thể đem chủ quyền để đổi
lấy hữu nghị và hòa bình một cách hình thức. Nếu làm như thế thì hữu nghị hòa bình ấy cũng chỉ
là một kiểu nô lệ. Đó là “hòa bình, hữu nghị nô lệ”. Không thể chấp nhận mất chủ
quyền, đó là vấn đề có tính nguyên tắc. Vậy nên, điều cốt lõi chi phối mọi việc
ở đây là phải bảo vệ cho được chủ quyền. Còn hòa bình hữu nghị cũng là yêu cầu
cần thiết nhưng phải trên cơ sở của nguyên tắc cao nhất là bảo đảm chủ quyền.
“Không có gì quý hơn độc lập tự do” như Hồ Chí Minh đã nói là chân lý thiêng
liêng mà vì nó bao nhiêu con người yêu nước đã phải ngã xuống cho đất nước này.
Với bản chất và âm mưu của Trung Quốc như vậy mà yêu cầu phải đạt được đồng thời
cùng lúc cả ba mục tiêu như nhau (là chủ quyền, hòa bình và hữu nghị) thì giống
như đánh đố, tự làm bí đường cho quân ta.
8. Có ý kiến phê phán chiều hướng muốn nghiêng về phía
Mỹ và Phương Tây, muốn tăng cường quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược toàn
diện và lưu ý phải đề phòng có ngày Mỹ và Trung Quốc thỏa hiệp với nhau, bán đứng
ta hoặc bỏ ta giữa đường. Đúng là trong thực tế trước đây mấy nước lớn đã từng
có lúc “bán” Việt Nam, trong đó phải kể nhiều nhất là Trung Quốc. Suy nghĩ cho
chín chắn mọi điều là cần thiết, nhưng đồng thời cũng đừng để cho sự đa nghi hoặc
chịu ảnh hưởng của chiến tranh tâm lý tung ra từ Phương Bắc làm cho ta không thấy
được đường ra mà cứ nằm mãi trong vùng ảnh hưởng của họ. Sao lại đặt vấn đề phải
nghiêng bên này hay bên kia? Việt Nam phải là một dân tộc trưởng thành, một dân
tộc văn hiến, biết đứng vững trên đôi chân của
chính mình bằng tinh thần độc lập và tự cường, không phụ thuộc, không thụ
động hay dựa dẫm ỷ lại vào bất kỳ ai, kể cả đối với bạn tốt. Mà đã là bạn tốt
thì không ai lại muốn ta thụ động và dựa dẫm. Chỉ có độc lập và tự lập mới giúp
ta thật sự trưởng thành. Trước tiên phải biết dựa vào sức mạnh của một dân tộc
có bản lĩnh, có truyền thống yêu nước, biết tự trọng, tự lực và anh hùng sáng tạo
trong đấu tranh giữ nước. Người ta có thể chiến thắng một đạo quân, nhưng không
ai có thể chiến thắng nổi một dân tộc kiên cường và thống nhất. Đồng thời tất
nhiên cũng rất cần, luôn cần bạn bè tốt để gắn bó thủy chung, nhất là trong lúc
khó khăn hoạn nạn có nhau. Như bài trước tôi đã nói, chỗ dựa vững chắc và đáng
tin cậy nhất là nhân dân, là cộng đồng dân tộc. Xa rời nhân dân, không hành động
theo ý chí và nguyện vọng của nhân dân thì sẽ đánh mất tính chính danh và không
còn sức mạnh để chiến đấu.
Sự thận trọng là cần thiết, nhưng nếu cứ luôn đặt câu
hỏi rằng không biết sau này ai sẽ tốt mãi với ta và ai sẽ không thủy chung nữa,
hay nước nào sẽ thỏa hiệp điều gì với nước nào trong cơ chế thị trường này thì
chẳng thể nào có câu trả lời hoàn hảo được. Hiện tại thấy ai tốt thật lòng,
trong đó có việc đầu tiên là tôn trọng chủ quyền và lợi ích chính đáng của ta
thì kết bạn, nhất là khi xét thấy lợi ích chính đáng của đôi bên không mâu thuẫn
nhau. Việt Nam là một dân tộc thủy chung với bạn bè, không bao giờ phản bạn.
Còn ai không tốt với mình nữa thì không cần phải chơi thân đến mức mất cảnh
giác như thời An Dương Vương. Một nước có thể hôm qua là đối tác chiến lược
nhưng hôm nay lại chơi xấu - xâm phạm chủ quyền quốc gia của chúng ta thì có thể
dừng (hoặc tạm dừng) đối tác chiến lược. Đó là chuyện rất bình thường. Thế giới
vẫn sống với nhau như vậy đó thôi.
Có ý kiến còn nói đi với Tàu thì mất nước, đi với Mỹ
thì mất chế độ, cả hai ông này đều nguy hiểm, không thể chơi thân với ai được.
Ý kiến này thuộc loại không tin ai cả, cảnh giác tất cả. Về thực chất thì đó
cũng là một cách suy nghĩ theo lối thụ động, không tin vào chính mình. Sao lại
nghĩ sẽ mất cái này hoặc cái kia nếu đi với ông này hoặc ông kia. Mất cái này
hay cái kia thì chính là tại mình, do mình, chứ đừng đổ lỗi cho ai. Biết dựa
vào dân, tôn trọng và phát huy dân chủ, không tham nhũng, được nhân dân tin tưởng
thì nước không mất và chế độ cũng vậy. Không lắng nghe nhân dân, không theo ý
chí và nguyện vọng của nhân dân, mất dân chủ, để cho lòng dân ly tán thì nước sẽ
mất và chế độ cũng sẽ không còn. Mà việc gắn bó máu thịt hay không gắn bó với
nhân dân là do ta chứ không phải do Tàu hay do Mỹ, đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai.
Giữa Tổ Quốc và chế độ thì Tổ Quốc đương nhiên phải là trên hết. Chế độ chân
chính nào cũng phải phục vụ cho Tổ Quốc chứ không phải ngược lại. Đồng thời, chế
độ chính trị lúc nào cũng là một vấn đề đại sự. Một chế độ tốt được nhân dân ủng
hộ sẽ giữ nước được lâu bền, một chế độ không tốt làm cho nhân dân ly tán và
oán giận sẽ dẫn đến mất nước. Cần phải xây dựng một chế độ tốt cũng là kế sách
để giữ nước lâu bền. Thế giới đã có những thay đổi lớn. Tàu hay Mỹ bây giờ cũng
đều khác xưa. Tàu ngày xưa đã có lúc giúp ta (dù với động cơ này hay động cơ
khác). Tàu bây giờ đang quyết liệt chiếm biển của ta. Mỹ ngày trước coi Đảng Cộng
Sản Việt Nam là đối thủ. Mỹ bây giờ coi Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền là đối
tác, Tổng thống Mỹ đã mời Tổng Bí thư Việt Nam sang Nhà Trắng ở Waishington để
bàn chương trình hợp tác lâu dài.
Còn nói mất chế độ là chế độ gì? Nếu phong kiến thì mất
càng tốt chứ sao. Nếu tư bản hoang dã thì cũng cần phải bỏ đi. Thế giới văn
minh đã từ bỏ phong kiến và tư bản hoang dã. Còn chế độ XHCN thì chưa có (mà
còn lâu lắm cũng không biết lúc nào mới có - như một vị lãnh đạo nước ta đã
nói). CNTB hiện đại cũng chưa có. Vậy sợ mất chế độ nói ở đây thực chất là mất
cái gì? Chắc người ta muốn nói đến chế độ xã hội do Đảng Cộng Sản Việt Nam đang
lãnh đạo, nói cách khác là sợ mất vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN. Việc ấy thì
chẳng ai có thể vào đây mà đánh mất được, chỉ trừ khi Đảng tự mình đánh mất. Mất
còn ở đây phụ thuộc lòng tin của nhân dân. Mà lòng tin của nhân dân thì lại do
sự trong sạch, chân chính và năng lực lãnh đạo của Đảng tạo nên, hoặc có hoặc
không, hoặc còn hoặc mất. Muốn giữ thì cần phải giữ cái điều cốt lõi ấy chứ
không phải đi giữ cái khác mà được đâu. Nếu không giữ được lòng tin của nhân
dân thì không có Tàu, không có Mỹ cũng sẽ thất bại.
9. Nói tới việc lựa chọn Phương Bắc hay Phương Tây thì
câu chuyện sẽ rộng hơn và liên quan đến con đường phát triển. Nhưng đã có ý kiến
phản biện thì nhân đây tôi cũng xin nêu mấy ý kiến của mình. Gần hai thế kỷ trước
đây Marx đã phân chia quá trình phát triển của nhân loại sẽ lần lượt đi qua 5
giai đoạn theo các hình thái kinh tế xã hội là: Nguyên Thủy, Nô Lệ, Phong Kiến,
Tư Bản Chủ Nghĩa và Xã Hội Chủ Nghĩa. Ta tôn trọng cách phân chia đó của ông.
Nhưng quan sát thực tế một thế kỷ vừa qua những gì đã xảy ra ở Liên-xô và Đông
Âu cho thấy lịch sử đã không như thế mà nhiều nước từ phong kiến lên thẳng XHCN
và sau đó 7-8 thập kỷ thì lại từ XHCN ấy chuyển tiếp sang TBCN. Marx đã sai ở
đây chăng? Theo tôi, trong vấn đề này ông không sai, mặc dù không phải Marx nói
cái gì cũng đúng. Vậy ở đây là cái gì, giải thích ra sao? Cái XHCN ở Liên-xô và
Đông Âu trước đây không phải là XHCN như tư duy của Marx. Trung Quốc và Việt
Nam ta cũng bắt đầu từ đó. Tôi không phản đối ý kiến cho rằng, lịch sử ở một nước
nào đó cũng có thể đi tắt đón đầu, nhưng phải hành động đúng quy luật khách
quan, chứ không thể bằng ý chí chủ quan áp đặt, càng không thể thay thế nền tảng
vật chất chưa có bằng bất cứ thứ chuyên chính gì. Bên cạnh cách phân chia giai
đoạn như Marx, theo tôi có thể có một cách phân chia nữa, không phải theo hình
thái kinh tế xã hội mà theo trình độ phát triển. Đó là các giai đoạn: Chưa phát
triển, phát triển thấp, phát triển trung bình, phát triển cao và phát triển rất
cao. (Lâu nay người ta thường nói là các nước chưa phát triển, đang phát triển
và phát triển). Sự phát triển nói ở đây bao gồm cả số lượng và chất lượng; cả
kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và nhất là con người. Tìm mối liên hệ giữa
hai cách phân chia giai đoạn như trên ta có thể thấy, ứng với CNTB là giai đoạn
phát triển cao và ứng với CNXH phải là giai đoạn tiếp theo-phát triển rất cao.
Theo đó, chính sự phát triển mới quyết định có hay không có CNXH, còn mọi thứ
khác đều không thể đem lại CNXH. Xin chớ lầm tưởng mà sai đường. Hiện tại, các
nước tư bản phát triển đã vượt xa các nước gọi là XHCN. Dù nói rất nhiều về mục
tiêu XHCN nhưng nếu không phát triển thì chẳng có CNXH nào đâu. Dù không nói
CNXH nhưng nếu phát triển tốt thì tất yếu sẽ có CNXH. Vì vậy mà ở phần trên tôi
đã nói chính các nước tư bản phát triển mới là những nước tiến đến gần nhất
CNXH. Theo đó, trong tư duy của tôi, CNXH và CNTB khác nhau chủ yếu là ở trình
độ phát triển, chứ không phải ở tính chất khác biệt hay đối lập. Quá trình phát
triển ấy như một sự tiếp nối tự nhiên chứ không phải là sự “lật đổ” và “thay thế”.
Phương Tây nhìn chung đã phát triển hơn Phương Đông. Mỹ,
Châu Âu, nhất là khu vực Bắc Âu và một số nước gần đó, đã phát triển hơn Trung
Quốc, Việt Nam…Ngày xưa, có thời kỳ Châu Âu cũng chưa phát triển được, còn
trong đêm dài của chế độ thần quyền, ai nói khác giáo hội có thể bị đưa lên dàn hỏa thiêu hoặc giá treo
cổ. Sau đó, nhờ các phong trào Khai Sáng, Phục Hưng…đã thế tục hóa, giải phóng
cho con người được tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, từ đó mà có con đường để
tiếp cận các chân lý khách quan. Châu Âu đã phát triển vượt lên. Trong khi đó
Châu Á vẫn trong đêm dài của chế độ phong kiến kìm hảm con người nên đã nằm lại
ở phía sau xa trong tiến trình phát triển. Vào cuối thế kỷ 18 sang thế kỷ 19
nhiều nước ở Châu Á đã bị các đối thủ từ Châu Âu phát triển hơn mình một nền
văn minh đã đến chinh phục và đô hộ. Trong Châu Á ấy, có một số nước sớm nhận
ra mặt ưu điểm của văn minh Phương Tây, họ đã biết tiếp thu và vận dụng phù hợp
vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình nên đã phát triển vượt lên, đa số nước còn lại
nhìn chung vẫn chậm chạp và tụt hậu so với thế giới văn minh. Nước ta chịu ảnh
hưởng khá nhiều của văn hóa Phương Bắc và thực tế cho thấy đến nay chúng ta vẫn
còn tụt hậu khá xa ở rất nhiều mặt. Nền văn hóa Việt Nam của chúng ta có mặt mạnh
nổi trội thuộc về văn hóa (trong) giữ nước và mặt yếu cũng nổi rõ thuộc về văn
hóa (trong) phát triển. Nước ta nhiều lần bị mất nước không phải vì ta là nước
nhỏ hoặc vì thiếu anh hùng, mà là vì sự lạc hậu. Khi mất nước rồi, bằng rất nhiều
máu xương và sự anh hùng, cha ông ta đã lấy lại đất nước. Giành lại được nước rồi
nhưng vẫn không phát triển, vẫn lạc hậu, và lại mất nước lần nữa. Cứ thế, lịch
sử đã lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy. Cái nguyên nhân mất nước ấy chỉ có thể
giải quyết bằng sự phát triển mạnh lên mới là cách căn bản và lâu dài. Nếu từ
nay trở đi, đồng thời với việc tiếp tục chọn lọc và phát huy phần tinh hoa văn
hóa của dân tộc nói riêng, của Phương Đông nói chung, chúng ta biết cầu thị và
tích cực nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc phần tinh hoa văn hóa của Phương Tây để
phát triển dân tộc và quốc gia Việt Nam thì thiển nghĩ đó cũng là cách hợp lý
và rất cần thiết. Muốn vậy, cần phải có một sự chuyển hướng, cải cách căn bản để
phát triển. Không phát triển ta chẳng những không đạt được mục tiêu lý tưởng
nào mà có thể còn mất độc lập dân tộc trong thời đại mới theo cách này hoặc
cách khác.
10.Thực tế lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới cho thấy
có nhiều con đường khác nhau để phát triển, nhưng trong đó nổi rõ có hai con đường
chủ yếu. Thứ nhất, phát triển bằng thể chế dân chủ và tự do, dựa chính vào nhân
tố con người. Người ta thường gọi đó là “con đường dân chủ”. Thứ hai, phát triển
bằng sự tập trung quyền lực, toàn trị, mệnh lệnh, mất dân chủ và thậm chí kể cả
độc tài. Người ta còn gọi đó là “con đường chuyên chính”. Cả hai con đường đó đều
có thể phát triển. Một bên dựa chính vào nhân tố động lực con người, còn bên
kia thì dựa chính vào khả năng tập trung nguồn lực và quyền lực. Và đương nhiên
con đường nào cũng đều có những gian khổ, chông gai, đừng nghĩ con đường nào là
bằng phẳng, dễ dàng và chỉ có ưu điểm. Phương Tây ngày nay rất nhiều nước phát
triển theo con đường thứ nhất. Phương Đông trước kia nhiều nước đi theo con đường
thứ hai, nhưng thời kỳ sau đó đã có một số nước chuyển đổi theo con đường thứ
nhất và họ đã thành công. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapor, Đài Loan là loại nước
và vùng lãnh thổ kiểu đó. Liên-xô trước đây cũng như Trung Quốc ngày nay đã có
những thành công nhất định theo con đường thứ hai. Cả hai nước này thì Liên-xô
đã từng và Trung Quốc ngày nay đang trở thành nước có nền kinh tế thứ nhì thế
giới nếu tính theo tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn,
thì sẽ thấy sự phát triển theo con đường thứ nhất mới bền vững, nhân dân hạnh
phúc hơn vì có tự do, dân chủ, vấn đề con người được đặt vào vị trí trung tâm.
Con đường thứ hai tuy cũng có thể phát triển nhanh trong một giai đoạn nào đó,
nhưng nhân dân không hạnh phúc vì thiếu tự do dân chủ, và chắc chắn sự phát triển
đó sẽ không bền vững, sẽ có khủng hoảng lớn về xã hội sau chu kỳ phát triển mạnh.
Liên-xô trước đây và ngay cả Việt Nam ta thời Lê Thánh Tông…cũng đã cho thấy
như vậy. Con đường phát triển thứ nhất là con đường mà rất nhiều nước tiên tiến
trên thế giới đang đi, trong đó có các nước Tư bản hiện đại (chứ không phải như
CNTB hoang dã ngày trước). Dân chủ cũng (phải) là vấn đề có tính bản chất của
CNXH, là con đường đúng nhất để đến với CNXH chân chính. Đó là xu thế tiến bộ,
xu thế lịch sử-thời đại. Thiết nghĩ, nước
ta nên lựa chọn con đường thứ nhất - phát triển bền vững, có tự do dân chủ và hạnh
phúc của nhân dân. Con đường ấy phù hợp với mong muốn của nhân dân Việt Nam. Đừng
bao giờ quên mục tiêu “Dân chủ-độc lập-tự do-hạnh phúc” là các thành tố và tiêu
đề của tên nước đã được nêu ra từ ngày tuyên bố độc lập năm 1945. Khi có quyền
lực trong tay, bị quyền lực cám dỗ, nhiều người dễ quên đi mục tiêu dân chủ, thậm
chí có người còn cao ngạo coi nhân dân chẳng ra gì, cứ như thể chỉ có mình mới
là sáng suốt. Đi con đường thứ nhất ta còn có được cả khối dân chủ của thế giới
văn minh, không phải đơn độc mỗi khi bị người khác bắt nạt.
Tôi biết cũng có ý kiến lo lắng rằng, nếu đi theo con
đường dân chủ thì không biết Đảng Cộng Sản có giữ được vai trò lãnh đạo không,
hay đất nước lại bất ổn chính trị kéo dài (thậm chí sẽ đổ máu) do sự tranh
giành quyền lực giữa các phe phái, các nhóm cơ hội chính trị? Đặt câu hỏi như vậy
cũng là dễ hiểu và đó là một câu hỏi nghiêm túc. Nhưng nghĩ như vậy thì chẳng lẽ
Đảng Cộng Sản chỉ có thể giữ quyền lãnh đạo bằng cách mất dân chủ hay sao? (Trong
khi mất dân chủ là trái với mục tiêu phấn đấu mà Đảng đã nêu ra). Nghĩ như vậy
cũng là không còn tin tưởng vào khả năng của Đảng? Tôi thì không nghĩ như thế.
Tôi nghĩ khác. Trong môi trường dân chủ Đảng sẽ trưởng thành và tốt hơn. Trong
môi trường không dân chủ mà tập trung quyền lực thì Đảng cầm quyền sẽ thoái
hóa. Đi theo con đường dân chủ, Đảng không thoái hóa mà lại trưởng thành, tốt
hơn, dương cao ngọn cờ dân chủ và xứng đáng với ngọn cờ ấy là con đường để Đảng
trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc và đất nước. Khác đi, để Đảng bị
thoái hóa quyền lực thì Đảng sẽ tự kết thúc sứ mệnh của mình. Lúc đó có muốn giữ
cũng không giữ được.
Đặc điểm của nước ta đến nay chỉ có một lực lượng
chính trị duy nhất là Đảng Cộng Sản đang lãnh đạo. Nếu Đảng thoái hóa và mất hết
lòng tin của nhân dân rồi, không còn lãnh đạo được nữa, thì lúc ấy lực lượng
nào sẽ lãnh đạo? (Mà đất nước thì không thể không có lãnh đạo chính trị!) Một
người bạn đã đặt cho tôi câu hỏi đó. Tôi nghĩ không phải lo như vậy đâu, cuộc sống
sẽ tự mở đường. Trong Đảng dù có thoái hóa nữa vẫn còn nhiều người tốt, bộ phận
tiên tiến đó cộng với các trí thức chân chính có tâm huyết với dân tộc và nhiều
người yêu nước khác…họ sẽ tập họp nhau lại để thực hiện trách nhiệm với Tổ Quốc.
Đó là nói trong trường hợp xấu nhất cho hết ý vậy thôi, chứ tôi tin một Đảng
chính trị đã được rèn luyện như Đảng CSVN không dễ gì đầu hàng sự thoái hóa của
chính mình để nhận lấy thất bại và tan rã.
Khi Đảng CSVN giương cao ngọn cờ dân chủ, đại diện
chân chính cho ngọn cờ đó, thúc đẩy thành công sự nghiệp ấy thì tôi tin nhất định
nhân dân sẽ ủng hộ Đảng tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo đất nước. (Xin nói thêm,
không đồng nhất con đường dân chủ với chế độ đa đảng, mặc dù hai vấn đề đó có mối
quan hệ nhất định với nhau - việc này sẽ bàn sau trong một bài khác).
11. Về nước Mỹ và mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, tôi
cũng xin bình luận ít lời. Họ tuyên bố độc lập cách đây 243 năm. Khoảng 100 năm
trước đây họ đã là một quốc gia phát triển mạnh nhất thế giới. Vậy là chỉ khoảng
143 năm sau khi độc lập họ đã phát triển như vậy, trong khi nhiều nước khác
tuyên bố độc lập trước họ rất lâu mà mãi đến nay vẫn còn ở phía sau xa. Thực tế
đó cho thấy họ có nhiều kinh nghiệm phát triển bậc nhất thế giới. Theo một số học
giả của Mỹ và thế giới, nguyên nhân thành công trước tiên thuộc về giáo dục. Một
nền giáo dục khai mở và sáng tạo. Theo một số đánh giá của tổ chức quốc tế và
các chuyên gia về giáo dục, trong 100 trường đại học được cho là top hàng đầu
thế giới thì riêng nước Mỹ đã chiếm một nửa, còn lại tất cả các quốc gia khác
trên khắp thế giới cộng lại chỉ bằng một nước Mỹ. Và, nếu tôi nhớ không nhầm
thì cách đây gần 100 năm chính Lê-nin đã có lần nói phải đi học nền giáo dục của
nước Mỹ để về xây dựng và phát triển Liên Bang Xô Viết. Rất tiếc là sau đó người
ta đã không làm như thế. Mỹ cũng là nước có thị trường hàng hóa, thị trường
công nghệ và thị trường vốn đứng đầu thế giới. Ngay cả Trung Quốc cách đây
không lâu cũng đã tập trung đi học kinh nghiệm của Mỹ và nhờ họ giúp đở để thực
hiện cải cách. Từ đó, Trung Quốc tiến vượt lên về kinh tế. Đặc biệt trong thời
gian gần đây, Mỹ là quốc gia luôn lên tiếng đầu tiên và lên tiếng mạnh mẽ nhất
để phê phán sự xâm lăng của Trung Quốc, ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền biển của
Việt Nam. Lợi ích của ta và họ trên Biển Đông hiện tại về cơ bản không mâu thuẫn
mà phù hợp nhau. Trong quan hệ đa phương hiện nay, nếu tăng cường được mối quan
hệ hữu nghị hợp tác với một quốc gia như nước Mỹ để trao đổi và tiếp thu kinh
nghiệm phát triển của họ thì đó là việc cần thiết và nên làm đối với nước ta./.
Tp. HCM ngày 20.10.2019