24 octobre 2019

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông biết lạc hậu vẫn làm?

Chỉ vì 1% công việc chưa hoàn thành mà không thể đưa dự án vào khai thác là hiện tượng rất lạ...



Trong thông tin mới cung cấp, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước cho biết từ năm 2008 khi được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đơn vị này đã phát hiện việc thực hiện dự án trên cao là không phù hợp với điều kiện, khí hậu, gây tốn kém, không phát huy hết được hiệu quả của dự án. 

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhiều lần lỡ hẹn, chưa thể khai thác. Ảnh: VnE


Theo đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đề xuất làm ngầm dự án theo Pháp và Nhật, tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư khi đó chọn làm theo đường sắt đô thị trên cao như Đức, Ý đã xây dựng cả 100 năm, Trung Quốc mới nhưng cũng hàng chục năm, dẫn tới tình trạng dự án chưa đưa vào hoạt động đã không còn phù hợp với điều kiện hiện nay.

Trước thông tin này, TS Nguyễn Xuân Thủy - cho biết ông chính là người đề xuất làm ngầm dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay từ thời điểm đề xuất dự án.

Theo ông Thủy, đoạn đường Nguyễn Trãi, Hà Đông có không gian mặt đường hẹp, mật độ phương tiện giao thông lớn, việc làm ngầm tuyến đường sẽ giúp giảm tải được áp lực về hạ tầng, tránh tình trạng tắc đường, kẹt xe, tránh được ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn... cho cộng đồng dân cư dọc tuyến đường chạy qua.

Với không gian cùng với tốc độ phát triển như hiện tại,  làm ngầm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ phù hợp hơn là làm trên cao.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, đại diện chủ đầu tư cũng đưa ra lập luận, làm đường trên cao rẻ hơn nên sẽ tiết kiệm hơn (chi phí làm trên cao được tính toán chỉ bằng 1/4 so với làm ngầm).

"Đại diện chủ đầu lấy lý do chúng ta còn nghèo, ngân sách còn khó khăn vì thế họ đã lựa chọn phương án làm trên cao để tiết kiệm chi phí. Đây là lựa chọn có thể chấp nhận được vì phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, hạ tầng ở thời điểm đó.  Dù sao dự án cũng thực hiện rồi, chúng ta không nên bàn lại nữa", ông Thủy nói.

Vấn đề ông quan tâm nhiều hơn là vì sao tới nay dự án vẫn chậm trễ không được đưa vào hoạt động?

Vị chuyên gia cho rằng, tư vấn Pháp chỉ ra vướng mắc nằm ở việc thiếu hồ sơ, hồ sơ chưa đầy đủ và xem đây là nguyên nhân để mất thêm nửa năm hoặc lâu hơn nữa mới đưa được tuyến đường vào vận hành thương mại là rất kỳ lạ.

Ông Thủy nói rằng, việc bổ sung các hồ sơ rất đơn giản, không mất quá nhiều thời gian. Tất cả các văn bản, hồ sơ đều được thực hiện theo quy trình và được lưu trữ cẩn thận. Theo tính toán của ông Thủy, việc hoàn thiện này chỉ diễn ra trong khoảng từ nửa tháng tới một tháng, không thể kéo dài tới nửa năm hay vài năm như cảnh báo.

Còn trong trường hợp không thể tìm được văn bản để hoàn thiện hồ sơ, ông Thủy cho rằng có thể làm lại và truy ngay trách nhiệm của những người có liên quan tới các văn bản đó. Việc làm lại văn bản cũng không mất quá nhiều thời gian do chúng ta đã có đầy đủ máy móc, thiết bị đo đạc rất hiện đại, không có gì phức tạp.

"Giống như một cây cầu đã làm xong nếu muốn cho phương tiện đi qua họ sẽ phải chất tải lên các phương tiện và gắn kèm các máy đo ứng suất, đạt tiêu chuẩn xe sẽ được chạy.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cũng vậy, chúng ta đã làm đề-pô, đã có đường, dầm, cầu và tàu đã chạy thử rất lâu rồi, nếu bây giờ vẫn không thể cho tàu chạy được nghĩa là đang có vấn đề rất đặc biệt chứ không phải do hồ sơ. Cần đặt câu hỏi nguyên nhân thực sự là do đâu? Liệu có thể do yêu cầu đáp ứng an toàn của dầm và trụ cầu không đạt mà tàu không thể đưa vào hoạt động không?", ông Thủy đặt nghi vấn.

Từ góc độ cá nhân, ông Thủy đề nghị thành lập hội đồng kiểm định dự án độc lập để làm cho rõ, trả lời cho rõ lý do vì sao dự án đã hoàn thiện tới 99%, chỉ còn 1% chưa hoàn thiện mà dự án mãi không thể đưa vào khai thác thương mại.

"Nếu là do công nghệ, thiết bị lạc hậu, nguy cơ không bảo đảm an toàn, dễ gây cháy nổ, tai nạn, dầm trụ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật hay còn vì lý do gì cũng phải được nói rất rõ ràng, trả lời rất rõ ràng để dư luận được biết.

Bộ GTVT phải có trách nhiệm trong chuyện này, phải chịu trách nhiệm trước việc không đưa được dự án vào hoạt động", ông Thủy nói.

Cũng vì lý do này, ông Thủy yêu cầu phải xem xét lại cả trách nhiệm cũng như năng lực của đơn vị tư vấn Pháp và phía nhà thầu.

"Việc chần chừ, kéo dài thời gian chỉ vì vướng mắc các thủ tục giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ cho thấy sự yếu kém của đơn vị tư vấn cũng như nhà thầu. Cần phải làm rõ mục đích thật sự, có hay không tình trạng thông đồng, cố tình kéo dài thời gian đưa dự án vào hoạt động hay còn vì lý do nào khác? Trên cơ sở đó sẽ có những biện pháp xử lý cho thích hợp", ông Thủy thẳng thắn. 


Lam Nguyễn
https://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/duong-sat-cat-linh--ha-dong-biet-lac-hau-van-lam-3389676/