(Khẩu hiệu “Hong Kong độc lập” trong một cuộc tranh đấu cho dân chủ của thanh niên Hong Kong. Ảnh: Nikkei) |
Tiến
sĩ Nguyễn Quang A chia sẻ một số nhận xét của
mình về những diễn biến mới đây ở Hong Kong. Theo ông, vì sao Trung Quốc siết
chặt các quyền tự do dân chủ ở Hong Kong, bằng việc thông qua Luật an ninh Hong
Kong (Hong Kong Security Law) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020?
Theo tôi Trung quốc siết chặt Hong Kong vì vài lý do:
· a)
Thứ nhất sau khi Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương bị hạ bệ, tức là trong và sau vụ
Thiên An Môn 1989, Trung quốc đã nhất quyết không đi theo hay học hỏi mô hình
dân chủ tự do Tây phương và dưới thời Tập Cận Bình việc này được đẩy mạnh lên tầm
cao mới. Mặt khác trong 23 năm qua vị thế kinh tế của Trung quốc trên thế giới
đã khác hẳn, và phần của Hong Kong hay vai trò “cửa ngõ” của Hong Kong cũng đã
giảm đáng kể.
· b)
Trong khi đó Hong Kong đã thuộc về Trung quốc từ 23 năm nay và những sự kiện
trong những năm gần đây nhất là năm 2019 đã như giọt nước tràn ly đối với Bắc
Kinh. Lẽ ra phong trào dân chủ Hong Kong phải có chiến lược thích hợp hơn, uyển
chuyển hơn, thí dụ phải thừa nhận sự thực rằng Hong Kong là phần của Trung quốc
và như thế phải hiểu hoàn cảnh của mình để đấu tranh ôn hoà hơn để dân chủ hoá
từ từ Hong Kong ở mức độ Bắc Kinh có thể chấp nhận được nhằm làm gương cho các
nơi khác (tức là đặt mục tiêu dân chủ hoá Trung quốc lên hàng đầu chứ không phải
Hong Kong và phải tìm cách khéo léo để kết nối với phong trào ở Trung hoa đại lục)
thay cho việc chỉ đòi dân chủ cho Hong Kong và phải tránh xa bạo lực mà phong
trào đáng tiếc đã để xảy ra trong 2019. Chiến thuật huy động ở Hong Kong 2019
là rất hay nhưng chiến lược có lẽ chưa sát với “so sánh lực lượng” thực tế cho
nên đã làm cho Bắc Kinh hoảng sợ (khéo là phải làm cho có sự cải thiện dân chủ
mà Bắc Kinh có thể chấp nhận được nhưng không làm Bắc Kinh hoảng sợ).
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Quang A, trong tương lai các nước phương Tây
có khả năng hỗ trợ được gì cho cuộc tranh đấu của các bạn trẻ Hong Kong?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A:
Các nước phương Tây cũng chỉ nói mồm chứ thực ra không làm được gì
mấy với Trung quốc liên quan đến Hong Kong, nhất là trong bối cảnh cả Mỹ lẫn
Anh và EU đang bị rối bời với Covid-19 và khủng hoảng kinh tế đi kèm. Họ phải
lên tiếng (vì không lên tiếng hay hành động gì thì quá ôi mặt) nhưng thực tế
những hành động đó không ảnh hưởng đến quyết tâm của Bắc Kinh. (So sánh với
việc Nga sáp nhập Crimea còn nghiêm trọng hơn nhiều mà các nước phương Tây có
làm được gì để lật lại ván cờ).
GDP của Hong Kong giờ đây là hơn 362 tỷ USD, chiếm khoảng 2,6 %
GDP của toàn China (13,000 tỷ USD), cũng chỉ trên dưới hai thành phố lớn khác
của Trung Quốc là Thượng Hải khoảng 450 tỷ USD và Thâm Quyến (Shenzhen) là 340
tỷ USD. Phải chăng, “điểu tận cung tàng”, khi xiết chặt quyền tự do dân chủ của
Hong Kong, Trung Quốc đã sẵn sàng chấp nhận phế bỏ thành phố này hoặc xây dựng
lại nó theo ý mình?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A:
Đúng là thiệt hại kinh tế ở Hong Kong bây giờ (giả sử như có giảm
đi 50%) là hoàn toàn có thể chịu đựng được đối với Trung quốc. Bắc Kinh chắc
chắn có tính toán nhiều yếu tố, trong đó yếu tố kinh tế, vai trò “cửa ngõ” của
Hong Kong. Nhưng những yếu tố này không thấm tháp gì so với cái gọi là “an ninh
quốc gia” mà thực ra là “an ninh của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, tức là khía
cạnh quyền lực chính trị mới là chính!
Nếu như có thể coi đã China đã xử lý xong cuộc đấu tranh cho tự do
dân chủ ở Hong Kong, thì mục tiêu tiếp theo của họ có thể là gì? Đài Loan, Biển
Đông hay mục tiêu nào khác?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A:
Trong mọi trường hợp, Hong Kong là một phần của Trung quốc, chí ít
theo thoả thuận giữa Trung quốc và Anh, và được thế giới công nhận. Hong Kong
gắn liền với Trung quốc, Hong Kong không có quân đội riêng.
Ngược lại Đài Loan tách biệt khỏi Trung Hoa đại lục bởi biển, Đài
Loan có quân đội riêng và trên thực tế là một quốc gia tách biệt khỏi Trung
quốc. Tôi không nghĩ Trung quốc sẽ xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực (một vài đảo
trong khu vực Kim Môn Mã Tổ hay đảo Ba Bình ở Biển đông thì có thể nhưng khả
năng cũng không cao). Bắc Kinh không ngu dại. Họ chỉ dùng võ mồm và các biện
pháp kinh tế, văn hoá, thông tin, ngoại giao,… để tìm cách làm suy yếu Đài Loan
và tiến tới thống nhất hay công nhận Đài Loan độc lập trong tương lai rất dài
mà thôi (họ tính nhiều chục năm, hay trăm năm).
Biển Đông có thể căng thẳng hơn, và tình hình thực sự phụ thuộc
vào các nước trong khu vực và thái độ và hành động của Mỹ, Nhật, Australia (hãy
nhớ Trung quốc chiếm bãi cạn Scarborough mới cách đây 8 năm, năm 2012),
cho nên nếu tình hình trong nước Trung quốc căng thẳng thì khả năng Bắc Kinh
“xuất cảng” căng thẳng ra các nước láng giềng là rất cao (hãy nghĩ đến xung đột
gây đổ máu gần đây giữa Trung quốc và Ấn Độ).
Ngay sau khi China công bố Luật an ninh Hong Kong, ngày 30 tháng 6
năm 2020, trên trang Facebook của mình, Đảng
Demosistō, tổ chức chính trị lãnh đạo các cuộc đấu tranh cho dân chủ
của Hong Kong nhiều năm qua, đã cho biết các lãnh đạo Đảng như Tổng bí thư
Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Ủy viên Ban thường vụ như La Quán Thông (Nathan
Law) và Ngao Trác Hiên (Jeffrey Ngo), Chu Đình (Agnes Chow Ting) xin ra khỏi
Đảng và rời khỏi Hong Kong. Đảng cũng tuyên bố đóng cửa và ngừng hoạt động. Chu
Đình tuyên bố ngày 30 tháng 6 là sẽ rời khỏi HK ngay trong ngày. Xin
Tiến sĩ Nguyễn Quang A giải thích nguyên nhân của những động thái chính trị
này. Phải chăng lưu vong là con đường duy nhất để những lãnh đạo chính trị này
có thể tiếp tục giữ vững tinh thần tự do của người Hong Kong và đấu tranh cho
lý tưởng của mình? Còn về phần đông người dân Hong Kong thì sao, có thể có
những lựa chọn nào cho họ trong những ngày sắp tới?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A:
Có lẽ do không đánh giá đúng “tương quan lực lượng” và chiến lược
hành động chưa thật phù hợp với tình hình (xem A:1b) cho nên khi bên kia
(ĐCSTQ) tỏ ra quyết đoán hơn rất nhiều thì các lãnh tụ phong trào Hong Kong mới
nhận ra mối nguy hiểm thực sự và họ đã hành động như vậy.
Lưu vong thì giữ được tự do cho bản thân chứ cho nhân dân Hong
Kong thì không. Tất nhiên họ vẫn có thể tiếp tục đấu tranh từ nước ngoài, từ
Đài Loan nhưng sẽ không thể hiệu quả bằng ở tại quê hương (nhưng ở lại thì phải
chấp nhận hy sinh và phải thay đổi chiến lược: cuộc đấu tranh cho dân chủ ở
Hong Kong nói riêng và Trung quốc nói chung còn rất dài và vô cùng gian
khổ).
Giá như phong trào ở Hong Kong đã không đặt mục tiêu quá cao (thậm
chí đòi Hong Kong độc lập, một điều không thể), uyển chuyển hơn, ôn hoà hơn và
kiên nhẫn hơn và kết hợp với phong trào phong trào công dân của Hứa Chí Vĩnh.
(Xin xem cuốn sách “Cuộc
đấu tranh vì dân chủ ở Trung Hoa lục địa, Đài Loan và Hồng Kông” của
Andreas Fulda để rõ hơn). Người dân Hong Kong, các nhà hoạt động Hong Kong chắc
chắn sẽ phải KIÊN TRÌ tiếp tục đấu tranh một cách sáng tạo trong hoàn cảnh mới.
Trong lời tuyên bố nói trên, Đảng 香港眾志 Demosistō cũng nói các thành viên lãnh đạo Đảng sẽ tiếp tục chiến
đấu cho nền dân chủ Hong Kong ở những trận tuyến khác. Có những lãnh đạo của
phong trào dân chủ Hong Kong như Hà
Quế Lam (何桂藍
Gwyneth Ho) tuyên bố vẫn ở lại Hong Kong chiến đấu, như cam kết từ
trước, Theo ông, trong tình thế mới này, họ có thể tranh đấu trên những
trận tuyến nào?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A:
Chắc chắn các nhà hoạt động Hong Kong biết rõ hơn tôi và với tư
cách một người quan sát từ Hà Nội tôi không đủ tư cách để khuyên nên thế nào.
Tuy nhiên như tôi đã đưa ra vài nhận xét cá nhân trong A1b) hay A4 ở trên và đó
chỉ là những nhận xét chủ quan có thể không thích hợp. Giả như có sự tiếp xúc
với họ để thảo luận, học hỏi lẫn nhau thì bổ ích hơn nhiều.
Các bạn trẻ lãnh đạo phong trào dân chủ Hong Kong đã duy trì phong
trào từ khoảng chục năm trước, và đẩy mạnh cuộc tranh đấu trong khoảng 5 năm
qua, khi xung đột Mỹ – Trung bắt đầu căng thẳng hơn. Theo ông, hai việc này,
phong trào dân chủ Hong Kong dâng cao và quan hệ Mỹ Trung trở nên căng thẳng,
có quan hệ gì với nhau không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A:
Tôi nghĩ không có quá nhiều quan hệ giữa phong trào HK và sự căng
thẳng Mỹ-Trung bởi vì phong trào đã bắt đầu ít nhất từ 20 năm trước còn quan hệ
Mỹ-Trung căng thẳng thực sự chỉ mới 4 năm nay. Vấn đề cốt yếu vẫn là tương quan
lực lượng trong nước Trung quốc (mà HK là một phần) chứ tác động bên ngoài chỉ
là phụ (tất nhiên sự ủng hộ quốc tế là rất quan trọng và các nhà hoạt động HK
đã làm rất tốt việc này).
Liệu chúng ta có thể phán đoán rằng, các bạn trẻ Hong Kong hy vọng
khi Mỹ Trung đẩy cao xung đột, họ sẽ phải tìm kiếm những điểm để nhượng bộ lẫn
nhau, và Hong Kong có thể giành được nhiều quyền tự do hơn trong cuộc tương
nhượng này? Nhưng khi Mỹ hủy bỏ quy chế thương mại đặc biệt cho Hong Kong thì
phải chăng Mỹ không còn gì để tiếp tục thương lượng, chiến lược của các bạn trẻ
Hong Kong cũng phá sản? Như vậy, có thể nói việc Hoa Kỳ hủy bỏ quy chế thương
mại đặc biệt cho Hong Kong là một sự bỏ rơi Hong Kong cho Trung Quốc một mình
một chợ xử lý hay không? Từ nay, liệu người Hong Kong còn có thể hy vọng vào sự
trợ giúp của Mỹ và châu Âu hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A:
Tôi không biết họ có phán đoán thế không. Trao đổi với họ thì mới
rõ. Tuy vậy, tôi vẫn nhấn mạnh tương quan lực lượng giữa ĐCSTQ và phong trào
dân chủ Trung quốc (trong đó Hong Kong là một phần) mới là nhân tố quan trọng
nhất. Ai đi hy vọng vào các lực lượng nước ngoài sẽ sớm bị thất vọng.
Tất nhiên sự ủng hộ, sự mặc cả hay nhân nhượng trên trường quốc tế
là quan trọng và các nhà hoạt động phải tận dụng, nhưng nếu nghĩ nhờ vào đó thì
chẳng khác gì há miệng chờ sung, nhưng khi nội lực của phong trào trong nước
không mạnh thì sung cũng rụng, nếu có rụng, ra ngoài chứ không vào miệng.
Từ 1975 đến 1997, có khoảng 200 ngàn người Việt Nam tị nạn ở Hong
Kong. Năm 1997, trước khi Hong Kong được trao trả về China, nhiều luật sư nhân
quyền Hong Kong đã đấu tranh cho quyền lợi của người tị nạn Việt Nam. Cuộc
đấu tranh đó đã giúp làm cho nền pháp quyền Hong Kong mạnh mẽ hơn, trưởng thành
hơn, trước khi được trao trả về cho China.
Cuộc đấu tranh cho người thiểu số (người Việt tị nạn) của Hong Kong do đó đã
mang lại lợi ích chung cho cả Hong Kong. Chúng
ta có thể có nhận xét gì từ sự trưởng thành của xã hội dân sự trong hai cuộc
đấu tranh ở Hong Kong nêu trên?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A:
Hong Kong đã là thuộc địa của Anh và di sản Anh đó về tự do, nhân
quyền đã thấm sâu vào xã hội. Có lẽ việc đấu tranh giúp những người tị nạn Việt
Nam cũng có phần của di sản đó và chính cuộc đấu tranh ấy lại cũng làm cho bản
thân xã hội dân sự Hong Kong trưởng thành thêm. Tôi không biết kỹ về cuộc đấu
tranh đó nên chỉ có thể bình luận sơ sài như vậy.
Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn
Quang A.